Rủi ro nghề nghiệp và kỹ năng tác nghiệp cần có của  nhà báo

Thứ sáu - 20/12/2019 15:23
Rủi ro thì nghề nào chẳng có, như người nông dân chẳng hạn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bỗng một cơn bão quét qua là trắng tay, chỉ có vốn vay ngôn hàng là còn lại tung tăng nhảy múa theo lãi suất từng ngày. Rủi ro được xem là nhự không may bất ngờ xảy đến; là bất trắc ngoài ý muốn, nhưng có thể đo lường được nếu tích cực nghiên cứu rủi ro, người ta có thể tìm ra các biện pháp phòng ngừa, tránh được hậu quả của nó.

Đối với nghề báo cũng vậy, chuyện rủi ro nghề nghiệp, hay tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra trong mọi lúc, mọi nơi, muôn hình vạn trạng. Nói đến rủi ro trong nghề báo, có thể là rủi ro trong biên tập, xử lý thông tin; rủi ro trong in ấn, phatshanhf; rủi ro do đi lại, tác nghiệp ngoài hiện trường. Rủi ro có khi do khách quan mang lại, nhưng có khi là do phẩm chất, năng lực của nhà báo, hoặc do cả hai. Báo chí càng phát triển thì độ nguy hiểm, rủi ro càng lớn, có khi ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, thậm chí tính mạng của người cầm bút.
111
Nhà báo Liên Liên - VTV.
Vì sao rủi ro trong nghề báo ngày càng cao? Nhìn một cách tổng thể, chúng ta thấy chưa bao giờ báo chí phát trieenrmanhj mẽ, nhanh chóng cả về số lượng, quy mô, tốc độ lan truyền và mức độ ảnh hưởng lớn đến đời sống như hiện nay. Một sự kiện xảy ra ở tận bên kia bán cầu, nhưng nhờ môi trường số mà một vài phút sau cả thế giới có thể biết. Cách nhau nửa vòng trái đất mà như gần nhau trong gang tấc vậy. Thử một ngày không đọc báo, không nghe đài, không xem ti vi, không vào Internet, chắc chắn ai trong chúng ta cũng cảm thấy thiếu một cái gì đó như mùa hè mà không có ánh mặt trời. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu sử dụng báo chí càng cao và chính sự phát triển của công nghệ đã đặt báo chí vào một sân chơi mới, sự cạnh tranh có thể tính bằng giây. Vì thế mà có cơ quan báo chí, nhất là một vài báo mạng chạy đua, làm nhanh, làm ẩu, dẫn đến thông tin thiếu chính xác, thậm chí la sai lệch, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Đó là chưa kể có nhà báo biến chất, vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm điều phi pháp ảnh hưởng đến hình ảnh nhà báo. Trong môi trường bùng nổ thông tin và cạnh tranh thông tin như thế thì sự rủi ro đối với nghề baoscao hơn bao giờ hết.

Nói về rủi ro nghề nghiệp, tôi lại nhớ đến những sự cố mà mình từng gặp, thật khổ biết chừng nào. Trong dịp đi công tác tại một tỉnh miền núi, tôi được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng cuốn hồi ký, trong đó có nói về một tiểu thương đã tặng Bác Hồ cặp bò sữa trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, sau đó Bác tặng lại một đơn vị thương binh; ông được đồng chí Song Hào kết nạp Đảng. Trên cơ sở cuốn hồi ký, tôi đến gia đình, sống tại phường Hàng Cót, Hà Nội, tìm hiểu và viết bài, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9. Khi viết xong, tôi điện hỏi đồng chí Bí thư Đảng ủy phường về tình hình gia đình và xem có thể giới thiệu lên báo được không?
Vậy mà chỉ một ngày sau báo đăng, một số cán bộ lão thành cách mạng ở Hà Nội và địa phương tặng tôi cuốn hồi ký, gửi thư về tòa soạn để kiện. Họ cho rằng gia đình ông ấy không phải gia đình có công, ông ấy không phải là đảng viên. Trở lại gia đình, tôi có bằng chứng là Giấy chứng nhận gia đình có công; còn việc vào Đảng, ông ấy nói đúng như cuốn hồi ký ghi lại, sau đó do kháng chiến, gia đình chuyển nhiều nơi và khi trở về Hà Nội, ông không có điều kiện tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng. Thế nhưng số người kiện vẫn cho rằng, gia đình ông là tư sản, không thể công nhận có công với nước; ông không thể là đảng viên. Phải nhiều tháng trời, tôi gặp nhiều đồng chí có đơn giải thích, thậm chí là nói khó, rồi dần dần vụ việc mới qua đi. Dù đã hơn 20 năm nhưng tôi vẫn thấy đó là bài học xương máu. Giờ bình tĩnh lại, không biết có phải đây là rủi ro nghề nghiệp hay không? Có một thực tế là, trước đây chúng ta, nhất là thành phần tư sản, tiểu thương, cho nên một số người không chấp nhận nội dung do báo phản ánh, mà người viết không thể lường hết được.

Giá như khi ấy tôi đến trực tiếp đảng ủy phường, xem hồ sơ đảng viên, thì cách viết phải khác. Bài học ở đây là phải hết sức thận trọng với những vấn đề liên quan đến lịch sử, sử liệu, nhất là vấn đề nhạy cảm chính trị. Trong các đợt tổ chức tuyên truyền về kỷ niệm thành lập Đảng, thành lập nước, ngày sinh các lãnh tụ, các ngày truyền thống, cần kiểm tra rõ ràng, thẩm định chắc chắn các sử liệu nêu trong bài viết, bất kể tác giả đó là ai; những sử liệu không kiểm tra được, tài liệu không chắc chắn thì không đưa vào bài. Ngay các câu trích của các lãnh tụ cũng phải dựa vào nhà xuất bản chính thống. Báo Nhân Dân khi kiểm tra các câu nói của Bác Hồ bao giờ cũng lấy từ Hồ Chí Minh toàn tập do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành. Thận trọng, chắc chắn, chính xác luôn là yêu cầu số một. Có những rủi ro không bao giờ tôi quên và chính nó giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề.

Khu tập thể gia đình tôi sống, ở giữa có cái sân chừng vài trăm mét vuông. Nhà tôi ở góc sân, trước nhà có cây sấu do ông hàng xóm trồng. Khi chủ mới đến ở, tỏ ra là người chăm chỉ, lúc đầu anh ta kiếm một số thanh tre, cám xung quanh gốc cây sấu, một thời gian sau, anh ta lại mua ít gạch xây bao gốc cây, lúc đầu xây thấp, dăm tháng sau xây thêm mấy hàng nữa. Lúc đó mọi người mới nhận ra, anh ta đã tạo cho nhà mình một khoảng sân riêng nhờ cách làm ấy. Bực quá, tôi viết bài sinh hoạt tưởng với tiêu đề rất “xây dựng Đảng” là Quy trình, kể lại cách lấn chiếm sân chung, tạo thành sân riêng nhà mình của anh ấy, phê phán thói vun vén cá nhân của cán bộ và đem trình lãnh đạo ban. Xem xong, ông trừng trừng nhìn tôi, quát: Tiên sư thằng này, mày viết để nói móc tao đấy à. Tôi không hiểu sự tình thế nào, lặng lẽ lấy lại bản thảo và rút lui. Mấy hôm sau, tôi mới té ngửa, thì ra, trước nhà sếp, có một khoảng đất chung và sếp cũng làm như vậy, dần dần biến mảnh đất đó thành của nhà mình để trồng hoa. Tôi phải sang xin lỗi và kể lại chuyện mình viết.

Thêm một chuyện khác, khoảng từ Đại hội VIII của Đảng. Tại đại hội điểm một đảng bộ xã, trong phần bầu cử, đồng chí trưởng ban kiểm phiếu dõng dạc công bố có ba phiếu không hợp lệ vì gạch chéo hai gạch từ trên xuống. Nghe thấy ngứa ngáy chân tay, tôi viết ngay bài sinh hoạt tư tưởng: Giận cá chém phiếu bầu, phê phán thái độ trách nhiệm của các đại biểu đó, được chi bộ tín nhiệm bầu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên thì phải làm tròn trách nhiệm, sao lại vì bức xúc chuyện gì mà giận cá chém phiếu bầu, như thế không thể chấp nhận. Khi trình duyệt đã qua vòng một, đến vòng ban biên tập thì bị ách lại. Tôi được gọi xuống và bị nói xối xả một trận về ý thức đảng không tốt. Thời gian đó cơ quan lại đang làm quy trình bổ nhiệm phó ban cho tôi. Cũng thật may là công việc diễn ra vẫn trôi chảy.

Trong không biết bao chuyện rủi ro nghề nghiệp, tôi muốn nêu ba trường hợp trên để thấy rằng rủi ro hoàn toàn không phải vì mình kém về năng lực hay đạo đức nghề báo và không thể trách người viết, thí dụ như bài Quy trình chẳng hạn. Những rủi ro còn lại, có phần của yếu tố khách quan, nhưng có phần do chưa thẩm định chắc chắn những nội dung mình nêu; hay quan niệm còn đơn giản về các nguyên tắc hoạt động của Đảng, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm. Khi chọn một đề tài nào đó, khi viết một nội dung nào đó, phải có cái nhìn toàn diện trước, xem điều đó có nên viết không, viết khi nào, viết như thế nào để khích lệ và phê phán lúc nào thì hợp lý. Thí dụ như trường hợp 39 thi thể người Việt Nam chết trong container ở Anh, trong lúc các gia đình nạn nhân đang hoang mang đau xót mà mình lại đi mổ xẻ những việc làm sai trái, bất hợp pháp của họ là ra nước ngoài bất hợp pháp thì e rằng không phù hợp, nhất là với đạo đức người phương Đông. Thiết nghĩ đó là những bài học về kỹ năng tác nghiệp cho nhiều người chứ không riêng ai. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong bài “Cách viết” (1953): “Viết để làm gì? – Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”; “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy”.

Một khái niệm gần với rủi ro nghề nghiệp là tai nạn nghề nghiệp. Cả hai điềulà những sự cố xảy ra ngoài mong muốn, nhưng rủi ro nghề nghiệp nghiêng về các yếu tố khách quan nhiều hơn, còn tai nạn nghề nghiệp thường do yếu tố chủ quan của người viết nhiều hơn. Thí dụ như, những ngày Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 vừa qua thảo luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì một báo đảng địa phương rút tít: Quốc hội thảo luận: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang từng bước được kiềm chế. Ngay câu đầu của tin viết: Đó là đánh giá của Thanh tra Chính phủ trong phiên báo cáo tại hội trường Quốc hội. Nói như thế có nghĩa là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang bị cản trở, bị kiềm lại, không cho làm tiếp. Ai cản trở, ai không cho thực hiện? Chắc chắn ý của người biên tập không phải thế, mà có thể là tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, nhưng người biên tập như trên thì giết báo rồi còn gì. Ngay hôm sau 13/11/2019, báo này phải đăng đính chính và xin lỗi.
111
Nhà báo Minh Đức- Báo Tiền Phong. 
Lại một chuyện khác, cũng mới cách đây mươi hôm, nhiều báo đưa tin về một cán bộ công an Lai Châu dùng bằng giả. Một báo viết, sau đó bị trích dẫn tung lên mạng: “Ngày 21/11/2019, Đại tá Bùi Xuân P, Phó Giám đốc công an tỉnh cho biết…. đã xác định thượng tá Thái Đình H. sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để vào ngành… Công an tỉnh đang hoàn thành hồ sơ đề nghị kỷ luật về Đảng và đề nghị kỷ luật mức cao nhất là đưa đại tá Bùi Xuân P. ra khỏi ngành (tức là đưa Phó Giám đốc ra khỏi ngành. Nực cười không! Tin có mấy dòng mà sai nghiêm trọng thế). Quả thật là tai nạn nghề nghiệp.

Xin kể thêm một sự cố nữa để thấy tai nạn nghề nghiệp không trừ một ai. Một GS, TS viết: Trong bản Di chúc thiêng liêng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc,… Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Sau khi báo ra, tôi hỏi đồng chí Phó Trưởng ban trực xuất bản: Ông có cho anh em kiểm tra câu nói của Bác Hồ mà tác giả trích không đấy? Người này, hằm hằm, vặc lại: Anh chỉ hay chụp mũ. Sao lại không kiểm tra, rồi thốc thẳng xuống thư viện mang cuốn Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 lên, lần giở và chỉ ra hai câu nói trên của Bác Hồ. “Đây! Cái gì đây!”. Tôi bình tĩnh đáp: AI chẳng biết hai câu nói trên là của Bác Hồ, nhưng là trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” chứ không phải trong Di chúc. Lúc này cậu ta mới ớ người ra. Thì ra, khi kiểm tra, chỉ chăm chăm kiểm tra câu trích có đúng không, mà không đọc phần dẫn của tác giả.

Như thế có thể khẳng định rằng, rủi ro hay tai nạn nghề nghiệp là rất khó tránh. Nhưng cứ tích lũy kinh nghiệm làm báo của mình lại, biết lường trước những vấn đề nhạy cảm, những cái cần thận trọng, thận trọng từng ly, chắc chắn từng chữ thì có thể hạn chế được rủi ro. Khi ý thức được như vậy thì mỗi sự rủi ro sẽ là một bài học cho mình trưởng thành.
 
Nhà báo Bắc Văn
Vụ trưởng, PV cao cấp, Báo Nhân dân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây