Xu thế báo chí công dân - cơ hội thách thức cho nhà báo

Thứ năm - 05/12/2019 09:29
Phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn TS Trần Bá Dung – Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam về câu chuyện làm báo trong thời hiện đại. Mời độc giả đón đọc
111
 Các phóng viên đang tác nghiệp
Thời của báo chí công dân lên ngôi

Lâu nay, mọi người vẫn quan niệm, chỉ có phóng viên, nhà báo mới tham gia viết báo. Song dường như quan niệm này đã thay đổi và xuất hiện khái niệm “báo chí công dân”?

- Bây giờ không chỉ có nhà báo mới làm báo. Thế giới người ta đã đi vào xu thế mới, đó là xu thế báo chí công dân. Nghĩa là mọi người dân đều có thể làm báo. Mọi công dân đều có thể sáng tạo ra sản phẩm báo chí và có thể tham gia vào quá trình sản xuất báo chí hoặc quá trình phát hành báo chí. Họ có thể làm một video clip, có thể viết một mẩu tin, chụp một bức ảnh, thậm chí làm cả một bộ phim tài liệu.

Ví dụ, vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 không phải thông tin ban đầu là của nhà báo. Hình ảnh và video ấy là của một cộng tác viên mà thực ra là của một người dân chứ không phải là của một nhà báo chuyên nghiệp. Hay như cái chết của ngôi sao nhạc pop thế giới Michael Jackson, thông tin đầu tiên cũng là trên mạng xã hội của công dân chứ không phải thông tin của nhà báo.

Ở Việt Nam ta cũng vậy, có nhiều sự kiện thông tin của công dân họ đưa lên mạng xã hội, sau đó báo chí khai thác để làm tin tức chính thống. Như vậy để nói rằng, báo chí công dân là một xu thế tất yếu của thế giới chứ không phải riêng của Việt Nam. Đây là một thành quả của sự phát triển: Thứ nhất là về mặt công nghệ. Phải có công nghệ hiện đại như: Thiết bị thông minh, nền tảng internet thì mới xuất hiện được báo chí công dân. Thứ hai đó là sự hòa nhập của văn hóa thế giới. Nó làm cho mọi người xích lại gần nhau. Từ đó mới có thông tin nhiều và giao tiếp cũng dễ dàng hơn.

Thực tế, trong quá trình chấm Giải báo chí quốc gia hàng năm, chúng tôi thấy đều có sản phẩm của cộng tác viên. Họ không là nhà báo chuyên nghiệp nhưng có bài được sử dụng trên ấn phẩm báo chí. Chẳng hạn Giải báo chí quốc gia năm 2017 có gần 200 tác phẩm báo chí là của cộng tác viên. Năm trước là 166 tác phẩm. Những năm trước đó dao động từ 100 - 200 tác phẩm. Trong đó có nhiều tác phẩm của cộng tác viên rất tốt, tác động tích cực đến xã hội; nhiều tác phẩm đoạt giải cao.
111
TS Trần Bá Dung

Vậy xu thế làm báo công dân tác động đến các nhà báo nói riêng và các tòa soạn nói chung như thế nào, thưa tiến sĩ?

- Theo tôi xu thế mọi công dân đều có thể làm báo hoặc tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm báo chí có tác động rất lớn đến nhà báo. Đó vừa là một thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn đối với các nhà báo.Từ xu thế này mà nhà báo có thể có thêm thông tin nhờ lực lượng cộng tác viên. Họ sẽ góp phần làm phong phú thêm nội dung và sản phẩm báo chí.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ cũng là đối thủ cho các nhà báo, đòi hỏi các nhà báo phải cạnh tranh thông tin, phải sáng tạo và tâm huyết, trách nhiệm hơn với nghề. Ngoài ra, báo chí mà không tự điều chỉnh mình thì báo chí công dân, nhà báo công dân có thể sẽ chiếm ưu thế. Bởi họ có thể thông tin nhanh hơn, sinh động hơn, thậm chí người ta có thể đẩy lên mạng xã hội ngay lập tức mà không cần phải biên tập.

Dấn thân thì mới thành công

Nói như vậy có nghĩa là lâu nay, người ta lo sợ mạng xã hội có thể sẽ dẫn dắt báo chí là có cơ sở, thưa tiến sĩ?

- Đúng là báo chí đang bị mạng xã hội cạnh tranh. Mạng xã hội sẽ là đối tác, là môi trường truyền tải thông tin cho các cơ quan báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng, nhưng không bao giờ dẫn dắt được báo chí. Bởi nhà báo có kĩ năng chuyên nghiệp hơn, có định hướng, có nhiều điều kiện bao quát hơn mạng xã hội, trong khi đó mạng xã hội thường thông tin những việc rất cụ thể - tuy rằng rất sinh động, phong phú, nhưng không có sự sàng lọc thông tin.

Trong một số trường hợp, mạng xã hội thường thông tin trước. Nhưng chúng ta chỉ nên hiểu đó là dư luận xã hội trước một hiện tượng. Báo chí thông tin sau nhưng phản ánh ở nhiều góc nhìn khác nhau và có tính định hướng dư luận theo chuẩn mực xã hội.

Thời gian qua, có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” trong làng báo khiến dư luận không khỏi bức xúc. Cũng từng làm báo, nay làm quản lý về nghiệp vụ báo chí, TS có cảnh báo gì về hiện tượng này?

- Đúng là có rất nhiều nhà báo đã làm xấu hổ làng báo. Thứ nhất là xuất hiện những nhà báo tống tiền, vi phạm pháp luật và đã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Thứ hai, có những cộng tác viên không có thẻ nhà báo nhưng ăn theo các nhà báo, thậm chí là cộng tác viên của các cộng tác viên rất nhiều. Tệ hại hơn còn có những người giả danh nhà báo để đi dọa nạt các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... Đây là một hiện tượng rất đáng lên án và cần phải làm trong sạch làng báo nói chung.

Ngoài việc áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật, thiết nghĩ giải pháp quan trọng nhất vẫn là ý thức và nhận thức của đội ngũ phóng viên, nhà báo. Tiếp nữa là sự quản lý trực tiếp của từng cơ quan báo chí. Bởi vì chỉ có cơ quan báo chí mới hiểu được phóng viên của mình.

Ngoài ra, rất cần sự giám sát của người dân. Nếu thấy bất kỳ một nhà báo nào đến làm việc có biểu hiện nghi ngờ thì báo ngay cho công an, chính quyền địa phương hoặc báo cho Hội Nhà báo Việt Nam biết để có biện pháp xử lý.

Mỗi năm sẽ có khoảng hàng trăm bạn trẻ học chuyên ngành báo chí ra trường. TS có lời khuyên nào dành cho các bạn đã và đang theo đuổi ước mơ làm báo?

- Nghề nào cũng đòi hỏi sự tận tâm, say mê với công việc. Làm báo cũng vậy nếu không say mê, không tâm huyết, không chịu học hỏi, không chịu dấn thân với nghề nghiệp và tu dưỡng thì rất khó thành công. Tôi mong các bạn trẻ hội đủ được nhiều yếu tố đó. Ngoài ra, các bạn cần trang bị cho mình phông văn hóa ứng xử và thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp; đặc biệt là tuyệt đối không được vi phạm vào những điều nhà báo không được làm.

Xin cảm ơn TS!
 
Sỹ Quế (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây