Cách tiếp cận đề tài khi viết phóng sự ngắn

Thứ năm - 07/11/2019 08:45
Phóng sự là một thể loại được khán giả đặc biệt quan tâm và là một trong những đặc trưng có tính tiêu biểu nhất để nhận ra “đẳng cấp” của một đơn vị báo chí. Một phóng sự ngắn, được gọi là hay thường phải đảm bảo các tiêu chí: có tính thời sự (hay còn gọi là tính mới), có vấn đề, được nhiều người quan tâm và có tính gần gũi (gần gũi về mặt địa lý, hay gần gũi với cuộc sống, tình huống mà mình đang gặp phải).

Nhưng làm thế nào để có phóng sự hay? Đó luôn là câu hỏi đặt ra cho mỗi phóng viên, biên tập viên khi sản xuất các tác phẩm truyền hình. Và để có được phóng sự hay thì cách tiếp cận đề tài  luôn là yếu tố hàng đầu.
111
Tác nghiệp truyền hình
Vậy có bao nhiêu cách tiếp cận đề tài? Câu trả lời sẽ là một phóng viên, mỗi nhà báo bằng sự nhạy bén, sáng tạo của mình sẽ có những cách tiếp cận riêng. Tuy nhiên, có những cách tiếp cận đề tài cơ bản như:

- Tiếp cận đề tài từ thông tin của các hãng thông tấn, báo in, các chương trình phát thanh, truyền hình. Đây có thể coi là cách tiếp cận thông tin một cách chính thống nhất, vừa mang tính thời sự, vừa đảm bảo yếu tố tin cậy. Ví dụ: Trong chương trình Thời sự của Đài THVN có đưa tin về hỏa hoạn ở một trạm xăng dầu ở Hà Nội từ sự bất cẩn của con người. Từ sự kiện này, ngay sau đó phóng viên có thể đưa ra những đề tài như: Công tác đảm bảo ATVSLĐ – PCCN ở các cây xăng trên địa bàn Ninh Bình như thế nào, hay công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các trạm xăng như thế nào? Ý thức của chủ doanh nghiệp, người lao động về PCCN….Ở cách tiếp cận này, người làm báo phải có cách nhìn của mình, chọn lọc những vấn đề đang được quan tâm, không được tiếp cận theo cách máy móc, không được “bê nguyên xi” những gì mình thấy, mình nghe được vào tác phẩm của mình. Đây cũng là những đòi hỏi cơ bản của phóng sự truyền hình về tính mới và sự gần gũi về mặt địa lý (nơi mình đang sống), sự gần gũi về hoàn cảnh (trường hợp xảy ra ở nơi khác, nhưng ở nơi mình đang sống, làm việc cũng có tình trạng tương tự).


- Tiếp cận đề tài từ thực tế cuộc sống. Đây là cách tiếp cận mang đến cho nhà báo, phóng viên sự đa dạng, thể hiện được sự nhanh nhạy, sáng tạo. Bởi hiện thực cuộc sống diễn ra muôn mầu muôn vẻ, ai cũng có thể nhìn thấy nhưng không phải ai cũng thấy “vấn đề”, người làm báo phải “có con mắt nhà nghề” để tìm ra được đề tài hay. Ví dụ: Việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, giao lưu văn hóa, đoàn kết hữu nghị các quốc gia trên thế giới là điều hầu hết mọi người đều biết, nhưng tại sao lại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình và Việt Nam được chọn để tổ chức sự kiện này. Bằng sự nhạy cảm chính trị và óc quan sát, sẽ có những đề tài hay, lý giải cho câu hỏi trên. Đó là: “Việt Nam/Ninh Bình thực hiện tốt chính sách tự do, tín ngưỡng tôn giáo”; “các tôn giáo, nhấn mạnh đến Phật giáo – đồng hành cùng dân tộc Việt Nam”…

Bên cạnh đó, đề tài được phát hiện từ chính những nhân vật của cuộc sống. Tôi xin lấy ví dụ về việc phát hiện đề tài từ chính nhân vật khi thực hiện phóng sự: Trong một lần phỏng vấn du khách tại Khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư về không khí trong những ngày nghỉ lễ. Khi được phỏng vấn, một du khách đã trả lời: “Chúng tôi về đây để tìm về nguồn cội, tìm về với lịch sử dân tộc, đồng thời để dạy cho con cháu tình yêu quê hương, đất nước”. Vậy là tôi đã đạt được mục đích phỏng vấn cho phóng sự của mình. Nhưng sau khi phỏng vấn, du khách đó có níu tôi lại và nói khẽ: Nhưng mà tớ nói thật nhé, đây là khu di tích lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam nhưng có cái “không thật Việt Nam” lắm đâu. Tôi hơi bối rối, chưa kịp hỏi lại thì người khách ấy nói: “Ở đây có “cỏ ngoại lai” – (người khách nói và chỉ vào giống cỏ lá kim mà chúng ta hay thấy ở các sân gofl) – cỏ truyền thống của Việt Nam phải để cỏ tự nhiên như cỏ ấu, cỏ mần trầu cơ”. Chính từ lời nói của nhân vật mà đã gợi ý cho tôi đã có thêm nhiều đề tài mới: bảo tồn nguyên vẹn các giá trị lịch sử tại di tích; cách bảo tồn thế nào ở các di tích lịch sử? Lắp ghép hay bảo tồn?.....

Tuy nhiên, một phóng sự ngắn của truyền hình trong các chương trình Thời sự, thường có thời lượng dưới 3 phút, vì vậy nên chọn một đề tài có biện độ hẹp, vì nếu đề tài rộng thì sẽ rất dễ “loãng”, không tập trung và cũng khó có thể hay. Và ở mỗi phóng sự thì việc chọn ra nhân vật, sự kiện mấu chốt để sâu chuỗi, xuyên suốt là việc cần thiết để phóng sự mặc dù là ngắn, nhưng lại có độ sâu, sự ấn tượng, dễ nhớ. Bên cạnh đó, yếu tố hình ảnh để thể hiện trong phóng sự ngắn của truyền hình cũng cần thiết không kém, khi để chuyển tải một câu chuyện trong 3 phút, thì hãy để cho hình ảnh nói nhiều hơn là lời viết.
111
Tận dụng mọi không gian để tác nghiệp
Ngoài những cách cơ bản trên, thì cách tiếp cận đề tài thông qua các mối quan hệ xã hội, quan hệ ở cơ sở cũng là một phương pháp được khai thác khá nhiều. Hay tiếp cận đề tài từ các thư khán giả gửi đến cũng là một cách, mà thông thường cách tiếp cận này lại hay có được những phóng sự “có vấn đề”, vừa mang tiếng nói ở cơ sở, vừa thể hiện được sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, ở các cách tiếp cận này đòi hỏi nhà báo, phóng viên phải có cách nhìn khách quan, có sự phân tích nhiều chiều, nếu không thì sẽ dễ dẫn đến việc bị “lôi kéo” theo cách nhìn cá nhân, chủ quan của khán giả cung cấp đề tài cho mình.

Cách tiếp cận để phát hiện đề tài hay luôn là yếu tố quan trọng, nhưng việc chuyển tải đề tài ấy đến cho khán giả như thế nào, bằng hình thức nào cũng là yếu tố quan trọng không kém. Và cách chuyển tải đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, đó là hãy viết phóng sự dưới dạng kể một câu chuyện, trong đó từ đề tài hãy chọn ra một nhân vật hay một sự kiện xuyên suốt, có mở đầu, kết thúc.
 
Thu Hương
Phòng Thời sự - Đài PT&TH Ninh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây