Phóng sự được ví như “trọng pháo” của báo chí, nó có sức “công phá” lớn không chỉ về mặt thông tin mà cả những rung cảm thẩm mỹ. Nhưng để “nạp đạn” cho “trọng pháo” ấy là đề tài, là chất liệu lại không dễ tí nào. Người ta nói đề tài quyết định tới 50% thậm chí 80% thành công của phóng sự cũng chẳng có gì ngoa ngôn. Vậy đề tài nào cho phóng sự trong bối cảnh mà mọi thứ có vẻ như đã cũ giống trái đất?
Đề tài từ bạn đọc
Đề tài phóng sự cũng “có khi biến, có khi thường”, nhiều cái tưởng hấp dẫn có thể viết phóng sự nhưng lại không thể khai thác được gì, có những thông tin tưởng chừng rất “vô thưởng vô phạt” nhưng lại cho bài phóng sự hay. Đề tài phóng sự phần nhiều như những “tảng băng” trôi, ba phần nổi bảy phần chìm, những vỉa, những tầng thông tin nó nằm sâu phía dưới mà cái lộ thiên đôi khi không dễ nhìn thấy. Khi mới vào báo Tiền Phong, tôi hay xuống Ban Bạn đọc để đọc thư bạn đọc gửi về. Hồi đó chưa có thư điện tử nên lượng thư tay của bạn đọc gửi về rất nhiều. Thư có nhiều nội dung khác nhau: kiện tụng liên quan đến đất đai chiếm phần lớn, các đơn tố cáo, các bài viết của cộng tác viên, các ý kiến góp ý. Nếu chịu khó đọc sẽ thấy có nhiều đề tài cho phóng sự. Có lần tôi vớ được một một lá thư chắc là có một không hai, mà đọc ai cũng nghĩ của một người điên viết. Một cử nhân lịch sử ở Hà Tĩnh tên Lê Hồng Lĩnh đã viết đơn xin được... vào tù. Lý do xin vào tù vì Lĩnh nghĩ rằng ra tù sẽ được tạo điều kiện để xin việc làm. Lĩnh thấy Nhà nước có chính sách tạo điều kiện công ăn việc làm cho những người cải tạo tốt, mãn án. Chàng cử nhân sử học này đã mòn mỏi đi xin việc nhiều nơi đến mức gần như tuyệt vọng và bước đường cùng mới viết đơn xin được... đi tù. Tôi đọc đơn và nhận thấy đằng sau thư tưởng như rất điên ấy là cả một số phận cùng quẫn và một vấn đề xã hội nóng bỏng. Tôi tìm về gặp Lĩnh, tiếp xúc mới nhận thấy chàng cử nhân này hết sức tỉnh táo, cũng đã từng cố gắng đi tìm việc, thậm chí đã từng đi đóng gạch thuê để nuôi vợ con nhưng cuộc sống vẫn cùng quẫn.
Bài phóng sự “Một cử nhân viết thư xin được... vào tù” đăng trên báo Tiền Phong đã gây xôn xao dư luận. Vấn đề thất nghiệp của rất nhiều cử nhân đại học trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Ông Trần Đình Đàn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc đó đã mời Nguyễn Hồng Lĩnh đến gặp và bố trí ngay cho Lĩnh một việc làm phù hợp.
Tôi đã phát hiện rất nhiều đề tài phóng sự từ những lá thư bạn đọc tưởng như rất ít giá trị thông tin. Nhưng tôi nghĩ đằng sau lá thư là một phận người, thậm chí rất nhiều phận người. Và nhà báo viết phóng sự phải nhớ câu: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời; Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Nếu tư duy như vậy, bất cứ một con người nào đều có thể trở thành nhân vật của phóng sự, chứ chẳng cần họ phải “điển hình tiên tiến” hay có gì đó quá đặc biệt. Một người bố nuôi con chạy thận sức cùng lực kiệt viết thư đến báo kêu cứu đã trở thành nhân vật chính trong phóng sự của tôi. Người đàn ông đó tên Hiệu quê ở Thanh Hóa phải bỏ hết ruộng vườn để theo con trai ra bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Mỗi tuần vài ba lần chạy thận, ngay cả triệu phú cũng có thể phá sản chứ nói gì đến người nông dân này. Ông đã bán hết tất cả những gì có thể, thậm chí bán cả máu để có tiền cho con chạy thận. Đến lúc cùng quẫn quá, ông vác cả dao lên dọa bác sỹ để con mình chạy thận nếu không nó sẽ chết. Chưa kịp dọa thì cả ông và bác sỹ đều rơi nước mắt. Nhưng viện phí không thu bằng nước mắt. Sau đó bệnh viện thương tình tạo điều kiện cho ông mở một quán nước nhỏ.Từ quán nước đó, ông có tiền cho con chạy thận và đưa cả gia đình ở Thanh Hóa ra. Rồi Hùng - anh con trai chạy thận ấy đã lấy được vợ và sinh con... Tôi đã viết vài bài phóng sự về số phận cha con ông Hiệu, khiến nhiều người rơi nước mắt. Đề tài từ cái nhìn mới Khi viết phóng sự, sẽ luôn phải đối diện với một câu hỏi: đề tài này có gì mới không? Đã có báo nào viết chưa? Câu hỏi thường: không mới, đã có báo khác viết rồi. Tìm trên google ra ngay. Thực ra, tìm được cái mới hoàn toàn theo kiểu “chưa báo nào viết” thì rất khó. Nhưng đề tài mới nằm ở tư duy mới, cái nhìn mới và cách tiếp cận mới. Khi mọi cái tưởng như đã cũ thì hãy “lạ hóa” đề tài bằng cái nhìn mới của mình, hãy tìm cái mới trong cái cũ, tìm những điều có lý trong những cái tưởng như vô lý, tìm cái thuận trong cái nghịch và cái nghịch trong cái thuận. Từ đó sẽ bật ra những đề tài mới và hay. Bởi đó chính là cái chất của phóng sự, phóng sự thường diễn tả những gì đang mâu thuẫn, đang vận động, đang xung đột, đang định hình.
Khi viết về tên trùm ma túy Dũng “đui”, tôi không khai thác về những tình tiết phạm tội theo kiểu táng tận lương tâm của tên tội phạm này mà đi sâu vào tâm tư tình cảm những uẩn khúc ở trong tâm hồn gã và từ đó bật ra những điều chưa từng kể đủ chất liệu mới cho tôi viết một bài phóng sự về một nhân vật mà báo chí đã khai thác quá nhiều. Tôi đi tìm tình người và những giọt nước mắt sám hối của các tử tù 8X trong phòng biệt giam. Với những tử tù này, viết về tội ác của họ sẽ là quá cũ... Khi tôi viết về một vị tướng đánh trận Điện Biên, những chiến công của ông ấy thì báo chí nhắc đến nhiều, nhưng ông ấy có một cuộc chiến vô cùng cam go khác, đó là chăm sóc nuôi dưỡng người con gái bị chất độc da cam từ bố khi ở chiến trường...
Nếu nói đề tài phóng sự là một “tảng băng” trôi thì nhà báo cần có những nhạy cảm để nhận biết đo đếm được phần chìm của nó. Nhạy cảm và trực giác hết sức quan trọng, vì đề tài phóng sự hay vẫn thường ẩn sâu như những vỉa quặng trong lòng đất. Tôi chẳng dám chắc mình có được trực giác và nhạy cảm đó hay không, nhưng tôi luôn quan sát và tự đặt cậu hỏi: cái này có thể viết được phóng sự không? Vì sao?Lâu ngày nó thành một phản xạ.
Nhiều mẩu tin trên báo cũng có thể là đường dẫn tới “phần chìm của tảng băng”. Khi đọc tin về Trung ương Đoàn gặp mặt bà Phạm Thị Xuân Khải, cô sinh viên đã viết bài thơ “Mùa Xuân Nhớ Bác” gây xôn xao dư luận Đêm trước đổi mới, Tổng biên tập báo Tiền Phong lúc đó là ông Dương Kỳ Anh - bằng trực giác của mình đã nhận thấy đây là một đề tài phóng sự hay. Tôi được giao nhiệm vụ gặp bà Xuân Khải và loạt bài phóng sự “Bài thơ gây chấn động dư luận và đêm trước đổi mới” dài 6 kỳ đăng trên báo Tiền Phong và được công chúng đón nhận.
Khi nghe cô giúp việc ở nhà kể về một đứa bé đánh giày bị đâm chết không rõ nguyên nhân ở thành phố Vinh, tôi lập tức về điều tra để viết phóng sự. Tôi nhận thấy đứa bé chết vì một đường dây ma túy lợi dụng trẻ con để bán lẻ heroin. Phóng sự: “Tam giác quỷ giữa thành Vinh” được đăng trên Tiền Phong đã phản ánh sự thật đằng sau cái chết đau lòng này và khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc. Đề tài phóng sự giờ đây đã qua cái thời “Tôi đến, tôi đi, tôi viết” , mà chuyển sang những gì gần gũi với cuộc sống dân sinh, những gì sát sườn với người đọc. Vì thế, tôi nghĩ người viết cần theo dòng thời sự để tìm đề tài cho phóng sự, ví dụ như qua vụ rơi máy bay MH370, tôi đã đi viết về an toàn, an ninh hàng không ở Việt Nam.
Cách tìm đề tài phóng sự, tựu chung lại thì đã được đúc kết thành nhiều phương pháp như phương pháp quan sát, phương pháp lắng nghe, phương pháp “đi sẽ tới, tìm sẽ gặp”. Nhưng dù phương pháp nào, nếu đó chỉ đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà thiếu đi niềm đam mê với nghề, đam mê khám phá thì lại bế tắc. Đam mê đó nó khiến người viết luôn phải lắng nghe luôn quan sát, luôn đặt câu hỏi. Mỗi sợi tóc của nhà báo có khi giống như một cây ăng ten để thu nhận thông tin từ đời sống. Đừng tự đóng khung cái nhìn của mình và hơn nữa, đừng tự đóng khung cuộc sống của mình đối với phóng sự, hãy để những đam mê về phóng sự ở ngay trong cuộc sống của mình, lúc đó tôi nghĩ nhà báo luôn biết viết gì cho phóng sự./.