Hành trình lắng nghe và "gỡ khó" cho người dân

Thứ năm - 26/09/2019 10:28

Nhóm tác giả Trần Trung Hiếu, Nguyễn Chu Trinh, Phan Văn Ánh đến từ Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (ĐTNVN) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có cuộc trò chuyện với báo Nhà báo & Công luận về trách nhiệm của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí.

Tác phẩm “Giải bài toán lãng phí đất đai Khu công nghiệp (KCN) tại Đồng bằng sông Cửu long” của nhóm tác giả vừa đoạt giải A -  Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai năm 2018-2019 của nhóm tác giả có thể nói phần nào truyền cảm hứng cho những người làm báo tiếp tục "bút chiến" trong cuộc đấu tranh này.  
Nhóm tác giả đã đạt giải A -  Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai năm 2018-2019.
Nhóm tác giả đã đạt giải A -  Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”
lần thứ hai năm 2018-2019.

Khi “bờ xôi, ruộng mật” của nông dân bị bỏ hoang, lãng phí

- Thưa nhà báo, đề tài về việc lãng phí đất đai Khu công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu long đã được nhóm phóng viên phát hiện và tiếp cận như thế nào?

Nhà báo Trần Trung Hiếu: Từ thực trạng quy hoạch xây dựng các KCN toàn vùng ĐBSCL hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Hạn chế mở rộng phát triển thêm các KCN khi chưa đạt tỷ lệ lấp đầy cao tại các KCN hiện hữu. Rà soát, đánh giá lại các KCN đã thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng để có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đảm bảo sử dụng đất hiệu quả”.

Rõ ràng, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề quy hoạch và phát triển các KCN là cần thiết. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, do phát triển nóng, “mạnh ai nấy làm” và thiếu những nguyên tắc cơ bản để kêu gọi đầu tư,... mà công tác quy hoạch, phát triển KCN tại ĐBSCL đã để lại những hệ lụy về kinh tế - xã hội và gây lãng phí lớn về đất đai.

ĐBSCL đang có hàng ngàn hec-ta đất quy hoạch đô thị bị các chủ đầu tư chiếm đất, xí phần rồi quy hoạch treo, để đất hoang hóa. Còn chủ đầu tư tìm cách sang nhượng dự án kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, nông dân mất đất sản xuất, phải chuyển nghề và lâm cảnh khó khăn.

Lãnh đạo cơ quan Thường trú khu vực ĐBSCL – Đài Tiếng nói Việt Nam đã  sớm thấy được sự lãng phí tài nguyên đất trong KCN nên giao cho phóng viên thực hiện một phóng sự ảnh về đề tài này. Thế nhưng khi tiếp cận thực hiện đề tài, chúng tôi thấy được nỗi khổ của người dân phải sống trong những KCN quy hoạch treo nhiều năm nghiêm trọng hơn nhiều.

Một nguyên nhân nữa đưa đến việc chúng tôi đề xuất thực hiện một loạt bài về đề tài này, là vi đất đai là tài nguyên đặc biệt, nhưng đang bị lãng phí rất lớn. Ngay tại Cần Thơ - thành phố trung tâm của ĐBSCL, nơi được xem có lợi thế hàng đầu phát triển KCN cũng còn đó nhiều diện tích đất KCN bỏ hoang.  Chúng tôi cũng muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: thực trạng KCN tại các tỉnh thành khác trong vùng hiện nay  như thế nào?”
Nhóm phóng viên tác nghiệp tại Khu công nghiệp bỏ hoang.
Nhóm phóng viên tác nghiệp tại Khu công nghiệp bỏ hoang.
- Cụ thể nỗi thống khổ của bà con nhân dân mà các anh muốn nói đến ở đây là những gì, thưa nhà báo?

Nhà báo Phan Văn Ánh: Khi nhóm phóng viên đặt chân đến những mảnh đất vốn là “bờ xôi, ruộng mật” của nông dân nhưng rất nhiều diện tích bị bỏ hoang, chăn thả trâu bò và tìm gặp nông dân để nghe bà con trải lòng về nỗi khổ của mình. Đó là chuyện: Đất thổ cư, họ có “sổ đỏ” nhưng không thể tách thửa xây nhà cho con cái khi cưới vợ gả chồng; nhà xuống cấp, hư hỏng nhưng không được sửa chữa; muốn vay vốn ngân hàng để làm ăn cũng không được chấp nhận...vì nằm trong quy hoạch KCN.

Đó là chuyện, những vườn cây ăn trái tươi tốt bây giờ lụi tàn, hoang phế ngay cạnh trung tâm TP sầm uất nhưng người dân chỉ biết đứng nhìn xót xa mà họ không dám đầu tư, do không biết bị thu hồi khi nào. Có những KCN đã quy hoạch “treo” tới 10, 20 năm ... và chưa biết sẽ còn “treo” đến khi nào và người dân vẫn phải chịu khổ như vậy. Và bởi vậy, chúng tôi đến lắng nghe và làm nhiệm vụ của người làm báo – “cất tiếng lòng” cho người dân.

Góp tiếng nói, gỡ bỏ khó khăn cho người dân địa phương

- Chắc hẳn các anh cũng gặp phải những khó khăn nhất định khi đi tìm những lời giải cho bài toán khó này? 

Nhà báo Nguyễn Chu Trinh: Sau khi tìm được đề tài và nội dung phản ánh, cái khó đối với nhóm phóng viên là làm thế nào tìm ra được những luận chứng, luận cứ xác đáng và thuyết phục cho loạt bài viết.

Khi thực hiện những đề tài về phòng chống tham nhũng, lãng phí đều có những khó khăn nhất định và trong thực hiện loạt bài này không ngoại lệ. Chúng tôi rất cần số liệu tổng quan về các KCN của vùng ĐBSCL, tổng diện tích bao nhiêu, diện tích lấp đầy bao nhiêu...để có cái nhìn toàn cảnh và đã gặp nhiều cơ quan để được cung cấp. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác đều bị từ chối.

Lãnh đạo cơ quan phải yêu cầu từng phóng viên phụ trách địa bàn, lấy số liệu diện tích KCN của từng tỉnh để tính toán ra số liệu của vùng. Sau đó, còn phải có công văn gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư để lấy số liệu tổng quan 1 lần nữa mới đầy đủ thông tin, loạt bài mới hoàn thiện. 
Nhà báo Phan Văn Ánh quay phim tại hiện trường.
Nhà báo Phan Văn Ánh quay phim tại hiện trường.
Thực hiện loạt bài này, mục đích chúng tôi hướng đến đúng như tên loạt bài được đặt: “Giải bài toán lãng phí đất đai KCN tại ĐBSCL". Chúng tôi nêu ra tất cả những tồn tại mang tính chất điển hình; gặp lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, những chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của ĐBSCL nói chung và phát triển KCN nói riêng để làm rõ nguyên nhân vì sao tồn tại thực trạng “phung phí tài nguyên đất” kéo dài thời gian qua? Liệu có giải pháp nào để khắc phục hay không?

Qua đó, chúng tôi nói lên tiếng nói để những nhà hoạch định chính sách và cấp có thẩm quyền có những điều chỉnh phù hợp với quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành. Làm sao, giải được bài toán lãng phí đất đang tồn tại, làm sao gỡ được những khó khăn người dân đang phải chịu.

- Tuy có cái khó nhưng loạt bài viết đã đạt được mục đích của mình, đem về những tín hiệu khá tích cực cho quá trình tháo gỡ khó khăn cho người dân?

Nhà báo Phan Văn Ánh: Nhiệm vụ của nhóm phóng viên chúng tôi không chỉ phán ánh vấn đề mà còn góp được tiếng nói của mình để chính quyền và cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp có được sự quan tâm và giải pháp giải quyết hiệu quả.

Điều đáng mừng sau khi loạt bài viết được đăng tải, tình trạng lãng phí đất đai tại khu vực ĐBSCL đã có những bước tháo gỡ ban đầu. Tại Cần Thơ, trong một kỳ họp HĐND của thành phố, các đại biểu đã đưa vấn đề ra để nghị bàn, tìm giải pháp. UBND TP Cần Thơ đã ghi nhận và vào cuộc, kiên quyết thu hồi những dự án KCN đã giao cho chủ đầu tư mà không thực hiện, hoặc chậm tiến độ nhiều năm. 
Tìm ra những giải pháp hợp lý làm lời giải cho bài toán lãng phí cho vùng đất vườn, ruộng, rẫy trù phú, an cư lạc nghiệp đem lại cuộc sống ấm no cho người dân, đó là mong muốn chính đáng của người dân địa phương cũng là “trái ngọt” ghi nhận cho công sức làm nghề của nhóm tác giả.

Trân trọng cảm ơn các anh!
Theo NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây