Nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng nước Pháp La Fontaine từng nói: “Không có con đường nào dẫn tới vinh quang lại trải đầy hoa”. Thật vậy! Mỗi nghề nghiệp, mỗi công việc đều có đặc thù và khó khăn riêng. Nghề báo cũng không ngoại lệ. Nhất là với những nhà báo chấp nhận dấn thân, viết đề tài phản biện xã hội như tôi!
Trong cách nghĩ, cách đánh giá của một số người, có thể người ta sợ hoặc ghét các nhà báo nào đi điều tra, phản ánh. Bởi họ sợ các nhà báo sẽ phanh phui những điều mờ ám, trái khuấy, những tiêu cực… tác phẩm báo chí sau khi phát sóng có thể làm ảnh hưởng đến “nồi cơm”, đến những lợi ích của họ. Trong thực tế, đôi khi nhà báo luôn phải đối mặt với nhiều gian nan và thử thách khi tác nghiệp, khi phải vượt qua chính mình và chấp nhận sống trên dư luận để mà thực hiện những công việc của mình. Gần 5 năm làm báo, cho tôi trải nghiệm với biết bao kỷ niệm buồn, vui nghề báo. Không vui sao được khi thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của bà con được giúp đỡ thông qua những phóng sự phản ánh.Họ cảm thấy khi vui những người làm việc bất chính bị phanh phui, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, và trả lại công bằng cho mọi người. Nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi buồn, vui trăn trở mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Vào năm 2015, tôi được lãnh đạo phân công thực hiện phóng sự từ người dân gọi qua đường dây nóng phản ánh cơ sở bán thuốc Đông y, chữa bệnh bằng mê tín dị đoan. Qua trao đổi cùng các anh, chị đồng nghiệp, tôi cùng 02 anh quay phim đã tìm đến cơ sở Y học cổ truyền ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười – nơi mà mọi người cho rằng có thể chữa được bách bệnh, trong đó có cả những căn bệnh xơ gan, ung thư gan hay các loại bệnh hiểm nghèo khác. Trong vai một bệnh nhân, tôi được “cha” và “chồng” (là 02 anh quay phim tham gia đóng giả cùng với tôi) đưa đến cơ sở để trị bệnh. “Lương y” sau khi khám xong bèn xịt nước thánh - thứ nước sặc mùi xịt phòng và đấm vài cái thật mạnh lên đầu, lưng rồi “phán” với tôi rằng: - “Cô đã bị bệnh tim!”. Sau khi kê toa thuốc “lương y” còn dặn dò sau khi uống hết sẽ khỏi bệnh ngay. Lúc tôi chuẩn bị ra về, có đoàn xe hàng chục người từ Long An đến khám bệnh. Chỉ có chung một cách khám đặc biệt là xịt nước, vẽ màu, xoa bóp và phán bệnh hiểm nghèo, nhưng chỉ với mớ thuốc được bốc với số tiền vài trăm ngàn đồng, “lương y” khẳng định tất cả sẽ được trị khỏi. Cơ sở nằm ở ven đường với hàng trăm lượt người đến mỗi ngày, thế nhưng chính quyền địa phương “làm ngơ” “không hề hay biết”.
Sau khi phóng sự phát sóng trên Đài THĐT, các ngành chức năng đến kiểm tra, phát hiện cơ sở bán thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ nên đã yêu cầu dừng mọi hoạt động khám, chữa bệnh mê tín dị đoan. “Lương y” bị phạt 40.000.000 đồng, con số có lẽ không quá lớn so với số tiền cơ sở này thu bất chính từ người dân trong thời gian dài. Tôi và ê kíp thực hiện được lãnh đạo Đài “thưởng nóng” vì tác phẩm phóng sự điều tra tác động tốt về sự cảnh báo đến đời sống người dân.
Gần 05 năm qua, lãnh đạo phòng Thời sự cho rằng tôi “bén” với những đề tài “nóng” nên mỗi khi gặp vấn đề khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, tôi luôn muốn đi đến cùng sự việc để đem đến công bằng cho mọi người và xem đó là trách nhiệm mà phóng viên – nhà báo phải làm. Vui hơn, tự tin hơn khi nhận được những tin nhắn từ bà con khán giả xem đài, hay khi phóng sự đã được ngành chức năng quan tâm tháo gỡ, đời sống bà con đã tốt hơn. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng dãi nắng, dầm mưa trên các cung đường. Thế nhưng vẫn còn đó những trăn trở khi chúng tôi đến nơi thì “đối tượng” luôn tìm cách tránh né, không muốn gặp mặt phóng viên, có khi xúc phạm, gọi nhà báo, phóng viên là đám “chó săn”, trong khi những cái sai của họ cứ hiện rành rành ra đó.
Tôi có một cô bạn đồng nghiệp vào cơ quan sau khoảng 02 năm tên là Bảo Ngọc. Cái tên thì rất nữ tính như vậy, nhưng tính cách và nhất là tinh thần làm việc thì hoàn toàn ngược lại. Cô nàng tóc tém tomboy chuyên “một mình, một ngựa” (vừa quay phim vừa viết) để thực hiện các phóng sự điều tra rất hay. Bảo Ngọc, lúc nào cũng một mình lái xe mặc kệ nắng mưa, sớm tối, thậm chí còn bỏ tiền túi tự trang bị cho mình máy quay phim để tác nghiệp thật đáng nể. Nghề làm báo hình máy móc lỉnh kỉnh, băng bọng, micro, rồi túi xách… Ôi cái khó khăn bên ngoài là vậy, cộng thêm áp lực thời lượng, và ngày, giờ phát sóng mỗi ngày luôn đè nặng, thế nhưng tôi chưa hề thấy Bảo Ngọc than thở cực nhọc. Bảo Ngọc tuy còn trẻ, nhưng luôn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp bởi tâm huyết và yêu nghề, dám dấn thân xông pha trên mặt trận chống tiêu cực bằng những phóng sự điều tra.
Nhà báo làm đề tài phản biện đôi khi cũng dở khóc , dở cười. Nhắc đến chuyện này, một chị đồng nghiệp của tôi cũng đã từng bị người ta tố ngược lại phóng sự phản ánh không đúng sự thật. Một mình “chịu trách nhiệm” trước Tòa, rất nay vốn trước là Luật sư nên chị đã bảo vệ được chính mình. Với kinh nghiệm đó, chị dạy tôi phải thật bản lĩnh, sắc bén và luôn thủ lại cho mình bằng chứng để không bị lật ngược. Đôi khi sự thật bị ém nhẹm chỉ sau một cú điện thoại cho lãnh đạo, trong khi phóng sự, bài viết mà những nhà báo dấn thân như chúng tôi vất vả, cố công tìm ra buộc phải dừng phát sóng. Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã rất quan tâm đồng hành cùng báo chí, nhiều vấn đề được tỉnh chỉ đạo sâu sát, kịp thời, yêu cầu phải xư lý triệt để, ráo bước những vụ việc mà báo chí phản ánh. NHững nhà báo như chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, tin tưởng hơn! Tuy nhiên, đâu phải vấn đề nào, sự việc nào cũng “tròn trịa” nên ngoài sự quan tâm đón nhận của khán giả, thính giả thì rất cần sự đồng cảm, chia sẻ và sự nhìn nhận của đồng nghiệp, cơ quan, chính quyền về nghề báo nói chung, về những vấn đề “nóng” của tác phẩm báo chí đã nêu nói riêng.