Nâng cao tay nghề phóng viên từ thực tế trường đời

Thứ năm - 19/09/2019 11:17

Bất kể một ngành khoa học nào, đặc biệt là các nhà văn, nhà báo đều phải có sự sáng tạo không ngừng mới hình thành được những tác phẩm có giá trị, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
111
Nâng cao tay nghề phóng viên từ thực tế trường đời
Dưới mái trường Đại học, cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp, thực chất là sinh viên chỉ học và được trang bị một phương pháp làm hành trang cho mình bước vào làm việc. Còn ra trường đời học thầy, học bạn mới có thể thành nghề và trưởng thành nhanh chóng, nếu biết tiếp thu một cách nhanh nhạy trên cơ sở chịu khó học và hỏi. Với một người công tác gần 30 năm trong nghề làm báo, tôi đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm hay từ những chuyến đi công tác, từ thực tế cuộc sống và đã truyền lại cho bao thế hệ người làm báo trưởng thành. Có những phóng viên học trong trường ra viết một cái tin không nổi, chứ nói gì đến viết một bài báo. Bởi vì nghề làm báo có tính khắt khe, khắc nghiệt của nó. Làm báo viết có cái khó của báo viết, song làm phát thanh – truyền hình còn khó gấp nhiều lần. Nếu chương trình không hay, họ sẵn sàng tắt đài và ti vi để đến với loại hình khác hoặc chuyển kênh khác. Như vậy bao nhiêu công lao của anh em làm ra có thể đạt hiệu quả rất thấp. Chính vì yêu cầu của chương trình đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nội dung cũng như hình thức thể hiện, càng đặt ra yêu cầu đài phải có nhiều nhà báo giỏi. Tôi dùng khái niệm ở đây là nhà báo có nghiệp vụ giỏi, khá hoặc trung bình chứ không như quan niệm của một số người không làm nghề lại cho là nhất ông này, nhì ông này, ba ông này… Vậy đã là nhà báo, ngoài rèn nhân cách ra, bước đầu tiên vào nghề là phải rèn về nghiệp vụ báo chí. Ai muốn nói tài giỏi đâu không biết nhưng cứ khép vào nghiệp vụ sẽ biết anh là con người thế nào, nông hay sâu, giỏi hay không giỏi.

Các phóng viên thực tập hay tập sự và các phóng viên mới vào nghề bao giờ cũng được hướng dẫn, phân công viết về tin tức trước. Phải học và hiểu khái niệm tin là gì? Kết cấu của tin thế nào? Câu mở đầu ra sao cho thu hút được người nghe, người xem và bước đầu cho đi viết và làm quen với các loại tin. Đi cơ sở lấy tư liệu viết được tin về rồi còn phải sửa, thậm chí còn sửa xê dịch từng dấu phẩy mới có thể dùng được. Khi thành thạo rồi mới tiếp tục sang các thể loại khác. Đào tạo kỹ năng viết tin, bài cho phóng viên từ thực tế tờ báo và cách làm từ thực tế giúp cho lực lượng sớm trưởng thành. Có những nhà báo vào nghề còn rất lơ mơ nhưng từ thực tiễn chịu khó học hỏi đã giúp họ sớm trở thành những cây viết tốt, đáp ứng được nhu cầu đề ra. Nghề báo vất vả khó khăn nhưng tạo sự đam mê cho họ, dẫn dắt để họ đi từ thú vị này đến thú vị khác cũng là một điều kiện làm cho họ sớm trưởng thành. Làm báo thì phóng viên luôn phải phát hiện và tìm ra cái mới. Phát hiện và tìm ra cái mới rồi còn tiếp tục tìm kiếm tư liệu và kết cấu hình thành nên tác phẩm. Nếu không đam mê, miệt mài với công việc thì các tác phẩm ra đời chỉ gọi là những bài phản ánh chung chung chứ không thể có tác phẩm đạt yêu cầu cao. Có những phóng viên phát hiện được đề tài hay, nói nghe rất hấp dẫn nhưng khi thể hiện trong tác phẩm lại rất mờ nhạt. Do đó đòi hỏi biên tập có trình độ sửa nâng cao, chắp cánh, cất cánh cho tác phẩm đó đứng được và sau đó rút kinh nghiệm để lần công tác sau phóng viên đó có điều kiện làm tốt hơn.

Phóng viên mới vào nghề, kể cả một số phóng viên đã lâu năm thường có kiểu xây dựng tác phẩm một cách dễ dãi, lấy được một ít tư liệu và vài tiếng động, hình ảnh, âm thanh đã cho rằng đủ tư liệu viết một bài rồi. Như vậy tác phẩm không sâu sắc và ít gây ấn tượng. Cách làm như vậy là vớ được gì làm nấy, ít khi chú ý xem có thể viết tác phẩm đó ở thể loại nào. Chẳng hạn về thể loại phóng sự, muốn viết được phóng sự, đòi hỏi phóng viên phải làm việc đam mê, nhiệt tình, chịu đi, chịu  nắm bắt cơ sở và phải biết tích lũy (cả vốn sống thực tiễn lẫn kiến thức). Từ thực tiễn cuộc sống sẽ nảy sinh ra vấn đề cần viết. Biết tìm từ bài viết, biết chắt lọc chi tiết làm cho bài viết phóng phú, sinh động. Khi lấy được tư liệu rồi thì vấn đề thể hiện của phóng viên là hết sức cần thiết. Bắt buộc trong phóng sự phải có mở bài, thân bài và kết luận. Mở bài là cực kỳ cần thiết dẫn dắt người nghe, người xem chú ý theo dõi tác phẩm. Thân bài giải quyết các sâu chuỗi, các tình tiết, các sự kiện, các mối quan hệ, các mâu thuẫn giằng xé, đan xen lẫn nhau từng bước được tháo gỡ vừa mang tính lột tả vừa mang tính tổng thể của chủ đề bài viết. Còn kết luận đóng một vai trò quan trọng, tác giả có đưa được ra hướng mở hay không? Qua đó để thấy viết được một tác phẩm hay không hề đơn giản chút nào. Đòi hỏi phải có sức sáng tạo đặc biệt của nhà báo.

Biết đến đâu truyền đạt đến đó, tôi đã cùng anh em luôn cố gắng tự làm mới mình, tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất đảm bảo cho tờ báo luôn có sức sống, từng giờ, từng phút đi vào lòng người. Phương pháp lấy tư liệu cũng vậy, lấy được mười chỉ dùng một đến hai, còn cứ để đấy cũng không thừa và dùng cho các trang viết khác. Do đó, nhà văn, nhà báo luôn có trong mình một kho tư liệu tung ra tác phẩm bất kỳ lúc nào. Ngoài làm công tác lãnh đạo, quản lý và viết những tác phẩm có tính định hướng, tôi đã dành một phần lớn thời gian trao đổi nghiệp vụ với anh chị em, cùng nhau tìm giải pháp để có chất lượng báo chí tốt nhất. Công tác biên tập, sửa tin bài đã trực tiếp giúp phóng viên nâng cao và tiến bộ về tay nghề trông thấy. Từ những lỗi được sửa, phóng viên có điều kiện rút kinh nghiệm để lần sau không mắc phải những lỗi không đáng có, làm cho tác phẩm lần sau tốt hơn lần viết trước. Đặc điểm của Phát thanh – Truyền hình là phải có âm thanh, tiếng động, hình ảnh, nhưng lạm dụng quá nhiều âm thanh, tiếng động hình ảnh thì đôi khhi lại gây phản cảm. Không thể chấp nhận được một tác phẩm có độ dài 1500 từ mà có tới 8 tiếng động nhân vật, hoặc một chương trình phát thanh 30 phút mà có tới gần 20 tiếng động nhân vật. Như vậy người nghe sẽ tiếp thu một cách bắt buộc, còn đâu tính hấp dẫn của chương trình. Tiếng động, âm thanh hình ảnh chỉ là những gì minh họa theo đặc thù, nếu thái quá sẽ làm mất đi giá trị cao đẹp của tác phẩm. Do đó, nghệ thuật dùng tiếng động, âm thanh, hình ảnh đối với người làm báo phát thanh – truyền hình là rất cần thiết. Góp phần tôn vinh tác phẩm của mình khi được phát sóng đến với mọi người nghe, người xem.

Sản phẩm Phát thanh – Truyền hình là sản phẩm tập thể, từ khâu nguyên liệu, rồi vào khuôn chương trình đến kỹ thuật phát songs là một dây chuyền khép kín. Nếu đài có một đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên đều tay và giỏi thì từ khâu biên tập đến xử lý hậu kỳ sẽ đỡ vất vả. Còn bằng không sẽ chuyển sự vất vả từ bộ phận này sang bộ phận khác. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ để có những người làm báo giỏi, tinh thông về nghiệp vụ đối với Đài PT-TH tỉnh là hết sức cần thiết. Chúng tôi cũng đang làm hết trách nhiệm của mình để tạo ra đội ngũ ấy. Điều đó sẽ thành hiện thực vì hiện nay, chúng tôi đang có trong tay một đội ngũ những người làm báo còn rất trẻ, mà sức trẻ có thể làm nên tất cả.
Nguyễn An Chiến
Nguyên PGĐ Đài PT-TH Lào Cai


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây