Hành trình 30 ngày lật tẩy nhóm trộm cắp gần Bệnh viện Bạch Mai
Thứ bảy - 03/08/2019 20:22
Để góp phần dẹp bỏ một tụ điểm nóng về trật tự an toàn xã hội, nhóm phóng viên trẻ đến từ Kênh Truyền hình Người đưa tin đã thực hiện loạt bài bóc trần những mánh khóe, thủ đoạn của các đối tượng này.
Hiện tượng dàn cảnh móc túi ngay giữa ban ngày trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) diễn ra từ lâu khiến dư luận hết sức bức xúc. Trong số đó có rất nhiều đạo chích bị nhiễm HIV/AIDS, những kẻ này thường xuyên tụ tập tại điểm dừng xe buýt trên đường Giải Phóng, vị trí gần ngay cổng Bệnh viện Bạch Mai khiến người dân hoang mang, lo sợ. Để góp phần dẹp bỏ một tụ điểm nóng về trật tự an toàn xã hội, nhóm phóng viên trẻ đến từ Kênh Truyền hình Người đưa tin đã thực hiện loạt bài bóc trần những mánh khóe, thủ đoạn của các đối tượng này.
“Kế hoạch tác chiến”
Phóng viên Quốc Long- người đầu tiên phát hiện ra sự bất thường của nhóm đông người hoạt động chuyên nghiệp này- cho biết “Tuyến bài về nạn trộm cắp tại cổng Bệnh viện Bạch Mai được bắt đầu từ câu chuyện của tôi với một nạn nhân khi đang tác nghiệp một đề tài khác tại khu vực trên. Sau khi biết nạn nhân bị móc túi, tôi nhìn xung quanh và lập tức nhận ra sự hiện diện bất thường của đám đông người làm xe ôm, bán hàng rong đang chèo kéo khách kia”. Những ngày sau đó, Long cẩn trọng tiến hành quan sát và phát hiện một ổ nhóm trộm cắp chuyên nghiệp và bài bản đang hàng ngày nhắm vào những con người đã cùng khổ. Ánh mắt bần thần, hoảng loạn, bơ vơ như tìm nơi bấu víu của những nạn nhân khiến Long quyết định tìm cách vạch trần cho được các hành vi phạm pháp của nhóm tội phạm. Với sự nhất trí thực hiện của nhóm phóng viên trẻ Kênh Truyền hình Người đưa tin, một “kế hoạch tác chiến” được thành lập, các phóng viên vào vị trí tác nghiệp của mình.
Tuy vậy, để vạch mặt được ổ nhóm trộm cắp đó không phải là công việc dễ dàng khi chuyến tác nghiệp diễn ra đúng lúc các đợt nắng nóng lên đến đỉnh điểm. Cái không khí oi bức, hầm hập cùng sự lọc lõi cáo già của nhóm đối tượng đã vào tù ra khám, thực sự là một thách thức lớn đối với nhóm phóng viên trẻ. Chưa kể để đối phó và qua mặt các cơ quan chức năng, nhóm đạo chích thường hoạt động vào tờ mờ sáng và chiều muộn, những thời điểm mà con người ta thường vội vàng và mệt mỏi nhất. Cùng đó, chúng rất ranh mãnh khi lựa chọn đa phần nạn nhân là hành khách từ các địa phương lân cận, những người dân chân chất còn lạ nước lạ cái lên Hà Nội để khám chữa bệnh.
Theo thông tin mà phóng viên tìm hiểu trước đó, băng nhóm móc túi này từng bị công an bắt, nhưng ít lâu sau lại thấy hoạt động trở lại, do phía công an gặp khó khăn trong thu thập chứng cứ. Chính bởi vậy, nhóm phóng viên càng quyết tâm ghi lại bằng được chứng cứ phạm tội. Để có những thước phim làm bằng chứng gửi cơ quan công an, nhóm phóng viên bằng nhiều biện pháp: tiếp cận nạn nhân, bố trí góc máy, chọn vị trí, mật phục tiếp cận đối tượng... để tác nghiệp. “Khu vực các đối tượng lựa chọn rất đông người qua lại, xung quanh không có che chắn, quay từ xa thì tầm nhìn hạn chế, nên nhóm chúng tôi lúc đầu gặp khó khăn về vị trí đặt máy ghi hình... Sau nhiều vị trí chúng tôi quyết định chọn góc máy chiếu từ tầng trên Bệnh viện Bạch Mai và Thạch Thảo nhiều lần đóng vai sinh viên hoặc người đi khám đứng trên cầu vượt quay xuống”- phóng viên Nguyễn Nam cho hay.
Theo những đoạn clip nhóm phóng viên ghi được, một người đàn ông mời mọc nạn nhân đi xe ôm hay cò bệnh viện. Sau khi tiếp cận, một người phụ nữ móc tài sản của nạn nhân từ phía sau và lên chiếc xe máy đang chờ sẵn tẩu thoát. Phóng viên trẻ Thạch Thảo chia sẻ thêm về thủ đoạn của nhóm người này: “Trong quá trình nhập vai quan sát và thu thập thông tin về các đối tượng chúng tôi thấy rằng đó không phải là những hành vi nhất thời mà là sự sắp đặt, bàn bạc có tổ chức. Các đối tượng người đóng vai xe ôm giả vờ chèo kéo, người đóng vai hành khách gây náo loạn cản trở hoặc quây kín nạn nhân lại còn kẻ mang theo đồ nghề che chắn để áp sát thực hiện hành vi trộm cắp của mình”. Bị phát hiện, thậm chí khi bị bắt giữ rồi nhóm đối tượng đã có sự tính toán trước để phủ nhận hành vi của mình. Chỉ đến khi tại cơ quan điều tra chúng tôi có đưa ra clip ghi lại lúc đối tượng đang móc tiền từ ví nạn nhân thì Loan - đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi đó mới cúi đầu nhận tội.
Nói về khó khăn khi tác nghiệp thực hiện đề tài này, phóng viên Nguyễn Nam cho biết:“Thực sự là chúng tôi cũng khá lo lắng, việc chúng tôi đang làm không chỉ là tin, bài phản ánh bình luận mà việc chúng tôi đang làm điều tra về một ổ nhóm tội phạm, những đối tượng mà chúng tôi biết có một “bộ sưu tập” tiền án, tiền sự, trong số đó có cả đối tượng bị nhiễm HIV”. Tiếp lời, phóng viên Kim Thoa chưa hết gai người khi kể lại lúc tiếp cận đối tượng trong vai sinh viên chờ di chuyển trên xe bus. Cùng với những trang thiết bị đã được chuẩn bị đầy đủ, cô trà trộn vào đám đông hành khách và cả nhóm tội phạm: “Khi tôi đang cố gắng tìm được góc ghi hình cận cảnh thì hai đối tượng trong nhóm trộm cắp đã tiến sát cạnh, dù đã chuẩn bị tâm lý trước vẫn không khỏi giật mình vì theo tôi được biết đối tượng này đã có tiền án và mang trong mình căn bệnh HIV”.
Chúng tôi mong muốn các đối tượng phải bị xử lý triệt để hơn
Từ các thông tin và chứng cứ mà nhóm phóng viên đến từ kênh truyền hình Người đưa tin cung cấp, trưa ngày 23/4, các trinh sát hình sự của CATP Hà Nội đã bắt giữ đối tượng Phạm Thị Loan và Nguyễn Văn Việt khi vừa ra tay móc túi của một bệnh nhân ở điểm chờ xe bus trước cổng Bệnh viện Bạch Mai.
Tại cơ quan công an, Phạm Thị Loan đã thừa nhận toàn bộ hành vi trộm cắp tài sản của thị. Đối tượng này được làm rõ là đã có 5 tiền án, 8 tiền sự. Trong khi đó, chồng của thị - Nguyễn Văn Việt – có 7 tiền án, 3 tiền sự. Loan và Việt là hai trong số 5 đối tượng đã được nhóm phóng viên trẻ dày công theo dõi, điều tra, ghi hình suốt 1 tháng trời về hành vi móc túi, trộm cắp của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Quá trình làm phóng sự nhóm phóng viên thường xuyên trong tình trạng sốt ruột. “Chúng tôi đã gặp và trò chuyện được với nhiều nạn nhân là bị hại của nhóm đối tượng trên. Chúng tôi cũng đã được lắng nghe không ít câu chuyện éo le từ họ và cũng sốt ruột vô cùng khi ngày này qua ngày vẫn chứng kiến cảnh đám đạo chích ra tay ngay trước mắt mà không thể can thiệp. Chúng tôi chưa thể đưa ngay lên sóng những hình ảnh và thông tin ghi lại của các đối tượng…”. Muốn kết tội được các đối tượng cần phải có chứng cứ rõ ràng, đặc biệt là với hành vi trộm cắp tài sản phải bắt được tận tay đối tượng và tang vật. Chính vì mục đích cuối cùng đó mà không ít lần nhóm phóng viên nhắc nhở nhau phải bình tĩnh và tỉnh táo, cẩn thận ghi lại những hình ảnh dù là thoáng qua nhất.
Kể từ khi loạt bài của Kênh Truyền hình Người đưa tin lên sóng, các đối tượng bị bắt giữ, nhóm phóng viên cũng đã nhiều lần quay trở lại địa điểm trên và thấy hiện tượng móc túi đã không còn diễn ra. Tuy nhiên, trong số 5 đối tượng trong ổ nhóm mới chỉ có 1 đối tượng bị khởi tố nên còn đâu đó những lo lắng bất an. “Điều chúng tôi làm là hy vọng mang lại sự công bằng, đứng về những con người khó khăn, những người chắt chiu cả đời dành dụm được ít tiền đến khi bệnh nặng mới dám đi khám, những người dân tỉnh lẻ chân ướt chân ráo đã đau đớn vì bệnh tật nay lại phải hoang mang và mất thêm niềm tin về con người. Vì ý nghĩa nhân văn đó, thực sự chúng tôi mong muốn các đối tượng phải bị xử lý triệt để hơn để dư luận không còn bức xúc và có lòng tin vào những giá trị tốt đẹp của xã hội!”, phóng viên Quốc Long trầm tư nói. Đó thực sự là mong muốn lớn nhất của nhóm phóng viên khi thực hiện loạt phóng sự này.