“Tâm nguyện đời người”- nỗi ám ảnh, day dứt về sự hy sinh của đồng đội

Thứ năm - 11/07/2019 10:08
Tác phẩm “Tâm nguyện đời người” của Nhà báo Hồng Quyên - Thanh Hương cùng ê kíp thực hiện chương trình đến từ Ban Văn hóa - xã hội VOV2 đã mang đến những xúc động từ câu chuyện nhân văn cao cả mang nỗi ám ảnh, day dứt về sự hy sinh của đồng đội trong chiến tranh khốc liệt.

Tác phẩm này đã giành được giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2018. Chia sẻ với tôi, nhà báo Hồng Quyên, đại diện nhóm tác giả chỉ mong “Tâm nguyện đời người” sẽ là nén tâm hương tưởng nhớ, bởi mọi sự tri ân của những người đang sống với các Anh hùng Liệt sỹ chưa bao giờ là đủ...

Chương trình
Chương trình "Tâm nguyện đời người" của nhóm tác giả đến từ VOV2

1. Chiến tranh luôn là mảng đề tài vô tận, với VOV dường như năm nào cũng có những tác phẩm được đánh giá cao về lĩnh vực này. Nhân dịp ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/2018, lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2) giao cho chúng tôi thực hiện một chương trình phát thanh đặc biệt thời lượng 60 phút, phát trực tiếp trên sóng phát thanh để tri ân các Anh hùng Liệt sỹ, các thương binh và gia đình họ. Đây là một đề tài quen thuộc và Ban Văn hóa - Xã hội đã thực hiện nhiều chương trình, phóng sự phát thanh về chủ đề này. Bởi vậy, lãnh đạo Ban đã chỉ đạo chúng tôi - ê kíp thực hiện chương trình cần nghĩ ra một tứ nào mới, hình thức thể hiện khác mới mẻ để truyền tải thông điệp cũng như để tri ân những người đã đổ xương máu cho hòa bình ngày hôm nay. Do vậy, ê kíp chương trình quyết định đi theo hướng là tìm và chọn một câu chuyện chân thực kể về một con người đã dành trọn cả cuộc đời để đi trả món nợ ân nghĩa với đồng đội, đó là Cựu chiến binh - thương binh Phạm Ngọc Mậu  ở Quận Hồng Bàng - TP. Hải Phòng. Qua câu chuyện và hồi ức của ông về hành trình đi tìm đồng đội, những chia sẻ của gia đình và thân nhân các gia đình liệt sỹ, chương trình đã đề cập được 1 vấn đề, hiện vẫn là nỗi day dứt khôn nguôi của những người đang sống - Đó là tìm và đưa được hài cốt các liệt sỹ về an nghỉ tại quê nhà.

Ê kíp thực hiện tác phẩm chụp ảnh kỷ niệm cùng nhân vật.
Ê kíp thực hiện tác phẩm chụp ảnh kỷ niệm cùng nhân vật.

2. Đất nước đã hòa bình nhưng trong hành trang của những người lính trở về sau chiến tranh, có một phần trái tim luôn nhớ về đồng đội. Chứng kiến nỗi đau mất mát đó của gia đình liệt sĩ, những người lính năm nào đã nguyện dành những năm tháng còn lại để đi và đưa đồng đội mình trở về quê hương...khiến tôi thực sự xúc động. Những chia sẻ đong đầy cảm xúc, những trăn trở, day dứt của người lính già đã từng vào sinh ra tử…Tất cả đều được truyền tải chân thực trong 60 phút của chương trình. Tuy nhiên, cuộc hội ngộ bất ngờ giữa Cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu với anh Nguyễn Văn Thiếu - con trai liệt sỹ Nguyễn Văn Tựu (Nhờ có sự góp sức của bác Mậu mà liệt sỹ Tựu đã được trở về an nghỉ nơi quê nhà ở xã Quốc Tuấn, Huyện An Dương, TP. Hải Phòng) ngay tại phòng thu trực tiếp của VOV2 - Đài TNVN chính là phút giây hạnh phúc, cảm động mang lại nhiều cảm xúc nghẹn ngào không chỉ cho bác Mậu mà với tất cả chúng tôi ê kíp thực hiện chương trình và thính giả nghe đài.

Trong chương trình, thính giả cũng được chứng kiến cuộc trò chuyện cảm động giữa cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu với em trai của liệt sỹ Trần Xuân Út, người bạn thân thuở thiếu thời đã cùng ông lên đường vào chiến trường miền Nam, kề vai sát cánh bên ông trong cuộc chiến và đã anh dũng hy sinh nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. “Món nợ” ân nghĩa với đồng đội, với người bạn thân thuở thiếu thời chính là động lực khiến cho người lính già vẫn luôn sẵn sàng khoác ba lô lên và đi bất cứ lúc nào, đi để trả nghĩa cho các đồng đội năm xưa…

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu xuất hiện tại phòng thu VOV2 trong bộ trang phục màu xanh của người lính, hành trang mang theo là chiếc ba lô trong đó chứa đựng rất nhiều những kỷ vật của các liệt sỹ, hàng xấp thư và những công văn giấy tờ có liên quan đến hành trình của ông đi tìm đồng đội, cùng những vật dụng quen thuộc của người lính: chiếc xẻng đào đất, cặp lồng, và banda (bi đông nước)… Âm thầm, lặng lẽ và hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ cái tâm, không tiền bạc, không nhận bất cứ danh hiệu gì, suốt gần 30 năm qua, chiếc ba lô đã bạc màu, sờn rách nhưng vẫn cùng ông hành quân trên khắp cánh rừng, con suối. Chiếc ba lô và cuộc hành trình nhân văn ấy sẽ chưa dừng lại khi nhiều đồng đội của ông vẫn chưa được trở về quê mẹ. Và trong hành trình đầy gian khó đó, những người như ông không bao giờ đơn độc.

Nhà báo Hồng Quyên gặp gỡ và trò chuyện cùng nhân vật trong tác phẩm.
Nhà báo Hồng Quyên gặp gỡ và trò chuyện cùng nhân vật trong tác phẩm.

3. Làm báo nói, chúng tôi có những khó khăn nhất định trong việc truyền đạt cảm xúc khi mà không có hình ảnh trực quan tác động tới người xem như báo hình, tuy nhiên, với báo phát thanh lại có những ưu thế riêng nếu như chúng tôi biết tận dụng đó là âm thanh. Do vậy tất cả các phóng sự, cầu phát thanh và ngay cả những âm thanh tại phòng thu mà ở đó tính chân thực của âm thanh hiện trường, những chia sẻ của các nhân vật, cảm xúc của các khách mời đều được chúng tôi tôn trọng tuyệt đối. Một điểm mới, rất mới trong cách thức thực hiện chương trình phát thanh đặc biệt này, đó là chương trình đã được thực hiện theo phương thức đa phương tiện: Vừa phát sóng trên radio, trực tuyến trên trang web VOV2.VN và đặc biệt là chúng tôi còn livestream toàn bộ chương trình trên trang fanpages VOV2.FM 96,5, (Hiện là VOV2 - Cuộc sống muôn màu). Cảnh hội ngộ bất ngờ và vô cùng cảm động giữa bác Mậu và con trai của liệt sỹ Tựu, những cái ôm siết chặt, những giọt nước mắt, nghẹn ngào, tuy thính giả không nhìn thấy được nhưng lại cảm nhận rất rõ qua lời thuật tả của người dẫn chương trình. Hay như việc mang các vật dụng cùng những kỷ vật của người lính đã theo suốt ông trong cuộc hành trình dài 30 năm đi tìm đồng đội vào trong phòng thu trực tiếp của VOV2 tưởng như không cần thiết với báo nói khi mà thính giả chỉ nghe, mà không xem nhưng thực tế hiệu ứng của nó mang lại là vô cùng lớn, giúp cho khách mời là bác Mậu và người dẫn chương trình cùng các thính giả như được sống trong ngập tràn cảm xúc đầy chân thực mà câu chuyện mang lại.

Với tâm huyết của cả ê kíp và đặc biệt là sự chỉ đạo cụ thể, chi tiết của lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội, nên chương trình phát thanh đặc biệt đã lên sóng và gây được hiệu ứng xã hội tốt, tạo được sức lan tỏa trong lòng thính giả và những người theo dõi qua trang fanpages VOV2 - Cuộc sống muôn màu. Với “Tâm nguyện đời người”, tôi cùng ê kíp thực hiện chương trình mong muốn truyền tải một thông điệp: Những đau thương, mất mát sau chiến tranh sẽ thật khó nguôi ngoai trong ký ức của mỗi người dân chúng ta khi vẫn còn đó những người mẹ, người vợ, người chị, người em và cả những đứa con đang ngày đêm khắc khoải trông mong tìm thấy hài cốt người thân đã hy sinh của mình dù đó chỉ là nắm đất. Bởi vậy mà mọi sự tri ân của những người đang sống với các Anh hùng Liệt sỹ sẽ không bao giờ là đủ. Với công việc thầm lặng nhưng đầy nhân văn của những con người như Cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu sẽ là một hành trình dài không có hồi kết, để trả nghĩa, để tri ân những người đã ngã xuống. Mong sao hành trình của ông không bao giờ đơn độc.

Theo Minh Khuê (Ghi)/ Công luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây