Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - năm 2018: Giải mã câu chuyện “thuốc sâu ở trong máu”...
Thứ năm - 11/07/2019 10:01
Những thông tin mà loạt phóng sự 5 kỳ mang tên “Thuốc độc ở chính trong ta” của nhà báo Dương Đình Tường đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam cuối tháng 7, đầu tháng 8/2018 từng khiến dư luận “giật mình” bởi những con số “không thể ngờ” về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe, cuộc sống.
Tính phát hiện vấn đề, sự tiên phong trong điều tra đã giúp loạt bài giành được giải B Giải BCQG lần thứ XIII - 2018.
1. Nhà báo Dương Đình Tường chia sẻ: Tôi tình cờ được một giáo viên chuyên dạy về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật kể về kết quả thử máu của nhiều thành viên lớp học cộng đồng mà đa số là cán bộ, lãnh đạo xã hay phòng ban của huyện ngoại thành Hà Nội đã phát hiện ra dư lượng hóa chất. Không chỉ có vậy mà hàng trăm nông dân ở Hà Nam, kể cả những đứa trẻ chưa biết đến đồng ruộng cũng bị nhiễm thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) trong máu. Khởi đầu từ thông tin ấy, tôi quyết định tìm đến các khu vực ngoại thành Hà Nội để tìm hiểu sơ bộ. Phơi bày ra trước mắt tôi là hình ảnh bà con nông dân phun thuốc BVTV mù mịt môi trường không khí, ngấm xuống nước ngầm, đất, các loại sinh vật và trong đó đặc biệt có con người đều bị liên lụy, tỉ lệ ung thư rất cao.
Thực tế, sức khỏe và ô nhiễm môi trường luôn là mối quan tâm của toàn xã hội. Nhà báo Dương Đình Tường quyết tâm thực hiện bằng được tuyến bài này với mong muốn tuyên truyền cho người nông dân biết tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không phải đâu xa mà với chính bản thân mình và người thân; Cho người tiêu dùng nhận biết những sản phẩm nào thường sử dụng nhiều thuốc, cách mà họ vô tình đang tiếp tay cho việc lạm dụng thuốc; Cho nhà quản lý biết đường đi của những thuốc độc giá rẻ và thúc đẩy họ phải hành động để ngăn chặn hiện tượng. “Loạt bài muốn cảnh tỉnh việc dùng thuốc BVTV quá mức ở nhiều nơi đến nỗi những người dân thành phố không bao giờ làm nông nghiệp hay những đứa trẻ nông thôn không bao giờ ra đồng khi thử máu cũng phát hiện ra dư lượng thuốc...” – nhà báo Dương Tường nhấn mạnh.
2. Có được đề tài nóng nhưng việc khai thác thông tin như thế nào để những người trong cuộc hiểu được “tâm ý” của người viết, phỏng vấn họ như thế nào để họ chia sẻ “gan ruột” câu chuyện của chính họ, gia đình, địa phương quả thực là một trong những khó khăn của người làm báo. Nhà báo Dương Đình Tường kể lại: Sau khi báo cáo đề tài và thống nhất cùng Ban Biên tập, được sự ủng hộ từ lãnh đạo Báo, tôi lại tiếp tục trở lại huyện Mê Linh và tỉnh Hà Nam gặp lại những người nông dân phun thuốc và chịu ảnh hưởng bởi thuốc BVTV. Tại Mê Linh - vựa hoa của thành phố là nơi sử dụng thuốc trừ sâu nhiều nhất. Người đi phun thuốc phải chụp kín mặt nạ phòng độc, nhiều người còn sử dụng bể chứa bằng nhựa loại 1.000 lít hòa thuốc rồi dùng máy bơm công suất cao để xịt. Hóa chất bốc lên tạo thành một làn sương phủ kín không gian khiến cho bất kỳ ai đi qua cũng cảm thấy hoa đầu, chóng mặt. Bởi vì hoa không phải là thực phẩm nên không có bất kỳ quy định nào cho việc phun thuốc, thời gian cách ly, liều lượng cho phép giống như rau quả, do đó nông dân có thể phun thuốc tới 40 - 50 lần/năm. “Tôi đã đi gặp các nạn nhân nhiễm độc máu, các đại lý bán thuốc để tìm hiểu về thói quen sử dụng, kinh doanh cũng như gặp các chuyên gia trong ngành để họ lý giải chuyện lợi ích nhóm và con đường đi của thuốc. Có nhiều hóa chất thế giới đã cấm mà Việt Nam vẫn cho phép, hình thành nên cả một “rừng” thuốc độc trên thị trường tự do” – nhà báo Dương Đình Tường tâm sự.
Trong quá trình điều tra có rất nhiều câu chuyện được kể mà có lẽ, nếu không có cuộc thử máu trực tiếp, những con số thống kê chắc hẳn rất khó tin. Đáng chú ý là thuốc không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà còn cả trẻ con thông qua hít thở không khí ô nhiễm, qua nông sản và qua tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm. Để có được những ý kiến từ phía người thật việc thật trong vấn đề này, tác giả đã phải rất “khéo léo” và có nghề. Việc thuyết phục được người dân lên báo kể về chuyện của họ cũng cần những kĩ năng tốt. Thêm vào đó, sự gần gũi, thấu cảm với người dân đã giúp nhà báo Dương Đình Tường có được những chi tiết đắt. Anh kể: “Chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Tàu Giang khi ấy 48 tuổi cùng cháu ngoại là Nguyễn Ngọc Diễm 7 tuổi đi thử máu về mà buồn bã khôn nguôi. Chị bị nhiễm độc nặng đã đành mà đứa bé cũng chớm mắc. Nó còn ngây thơ hỏi: “Bà ơi, cháu có ra đồng làm đâu mà cũng bị nhiễm độc?”. Về sau chị thú thực với tôi rằng: “Dưa từ lúc trồng đến lúc ra quả 1 tuần phun 1 lần nhưng từ lúc cho thu hoạch trở đi cứ 4 ngày phải phun 1 lần, cũng có khi cách 1 ngày phun 1 lần vì hay mắc bệnh đốm lá, rụt ngọn. Vụ dưa đông kéo dài 3,5 tháng, vụ xuân 3 tháng phải phun khoảng 20 - 25 lần thuốc. Lúc bị bệnh nặng, sáng phun chiều hái cũng có khi vừa phun xong đã hái luôn vì ngày phải trẩy 2 lần, thuốc còn nhỏ tong tong vẫn cứ hái bởi chỉ to hơn ngón tay là quả bị loại. Do ám ảnh bệnh tật bởi phun quá nhiều thuốc sâu mà chị đã bỏ nghề trồng dưa”.
3. Loạt bài “Thuốc độc ở chính trong ta” đăng tải từ 24/7 - 1/8/2018 là đề tài độc quyền của báo Nông nghiệp Việt Nam. Loạt bài đã gây tác động mạnh mẽ cho xã hội nhất là khi được hàng loạt đài Truyền hình, báo, đài Tiếng nói Việt Nam, trang mạng như VTV, Nhân Dân, Lao động, Zing.vn, VTC, Vietnamnet, VOV… tiếp sức, thực hiện phản ánh, tìm hiểu tiếp. Nhiều cuộc họp và hội thảo đã diễn ra ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Bảo vệ Thực vật để bàn cách hạn chế việc lạm dụng thuốc.
Chia sẻ về những khó khăn trong tác nghiệp cũng như hiệu ứng của tác phẩm, nhà báo Đinh Dương Tường cho biết: Trong quá trình tìm hiểu thông tin, tôi cũng gặp một số trở ngại, nhất là chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, quản lý bởi họ e ngại trách nhiệm. Đây cũng là vấn đề chung của các nhà báo khi tác nghiệp, rất thiếu sự hợp tác, cung cấp thông tin từ phía có thẩm quyền. Nhưng khi loạt phóng sự được đăng tải, ngay từ bài viết đầu tiên đã nhận được sự chú ý, quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Ngay sau đó có rất nhiều cơ quan báo chí Trung ương đều vào cuộc tạo thành một hiệu ứng mạnh về truyền thông. Về cơ quan quản lý sau khi đọc bài viết họ phải xem xét và kiểm tra lại các chất độc hại được nêu trong bài, dưới sức ép dư luận có một phần thuốc BVTV độc hại trong danh mục đang lưu hành đã bị đình chỉ. Đối với người tiêu dùng, qua bài báo họ đã nhận thức được vấn đề và cẩn thận hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, không dễ dãi mua như trước để gián tiếp tiếp tay cho các sản phẩm kém an toàn với môi trường và cộng đồng. Đối với người nông dân, qua bài báo họ đã nhận thức ra rằng nếu mình lạm dụng thuốc BVTV không chỉ môi trường bị tổn thương, người tiêu dùng bị tổn hại mà chính sức khỏe của mình và người thân cũng bị đe dọa. Riêng đối với các địa điểm trồng trọt, đặc biệt là huyện Mê Linh đã có những sửa đổi, quản lý chặt hơn về sử dụng thuốc BVTV trên hoa và cây cảnh…
“Sau nhiều ngày thực tế tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi không tưởng tượng nổi rằng nhiều vùng quê hay Hà Nội con người lại đang phải sống trong môi trường độc hại, lại đang có thuốc sâu ở trong máu, lại đang có nhiều thứ bệnh như vậy. Tất cả những thông tin, cảm xúc đó được chuyển tải hết vào trong bài. Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi được đóng góp những bài báo có hiệu ứng xã hội cao, có sức lan tỏa, góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc BVTV, thay đổi cuộc sống của họ theo chiều hướng tích cực hơn” – nhà báo Đinh Dương Tường chia sẻ.