Nâng cao chất lượng Giải BCQG nhìn từ công tác sàng lọc và tuyển chọn: Sự đầu tư trong thực hiện đề tài, kỹ lưỡng trong sàng lọc mới có được tác phẩm báo chí chất lượng cao
Thứ ba - 09/07/2019 11:25
Để có được những tác phẩm báo chí thực sự xuất sắc, tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, hiệu quả tác động xã hội tốt… luôn là mong mỏi của những người làm công tác sàng lọc, tuyển chọn tác phẩm tham dự giải BCQG hàng năm.
Làm thế nào để “đãi cát tìm vàng”?- Báo Nhà báo và Công luận đã gặp gỡ, trao đổi với một số nhà báo xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Quốc Toàn - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:
"Phải có sự đầu tư đồng bộ, sự chỉ đạo ngay từ đầu"
Tôi thấy rằng các tác giả và cơ quan báo chí, Chi hội nhà báo có tác phẩm tham dự Giải BCQG, phần lớn là vào thời điểm bước vào mùa Giải mới ngồi với nhau để chọn lựa những tác phẩm nổi bật để tuyển chọn và nộp dự thi, những tác phẩm đó ít có sự chủ động đầu tư từ đầu. Tôi cho rằng điều cốt lõi ở đây phải là các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo và trước hết là các nhà báo cần có sự năng động, tâm huyết, yêu nghề, đầu tư công sức thực hiện để có được các tác phẩm báo chí chất lượng cao. Hiện nay, tôi thấy sự chỉ đạo của các Ban Biên tập, các Chi hội, bộ phận nghiệp vụ với tác giả, nhóm tác giả ở một số cơ quan báo chí ít có sự kết nối. Nếu không có sự đầu tư đồng bộ, sự chỉ đạo ngay từ đầu để tổ chức tuyến bài, từ Ban Biên tập, Ban Thư ký Chi hội cùng tác giả, nhóm tác giả thì rất khó có tác phẩm báo chí thật sự nổi trội để dự thi.Sự đầu tư sáng tạo tác phẩm ngay từ đầu, thể hiện ở việc trước tiên bản thân các nhà báo (bao gồm cả cộng tác viên) đều phải suy nghĩ về đề tài, chủ đề sao cho tốt, có tính thời sự, tính chỉ đạo thực tiễn cao. Những nhà báo nhiều kinh nghiệm, năng nổ, tâm huyết, say mê với nghề biết mình nên chọn chủ đề, đề tài, nội dung gì để có tính thời sự cao và tạo nên hiệu ứng xã hội tốt. Không chỉ vậy, bản thân tác giả hoặc nhóm tác giả đóng vai trò rất quan trọng khi thu thập tài liệu, xoáy vào chủ đề chính, làm nổi bật chủ đề, sáng tạo trong thể hiện tác phẩm. Tác giả phải chủ động thảo luận với Chi hội, Tổng Biên tập, Ban Biên tập, Thư ký toà soạn để tạo sự phối hợp đồng bộ; tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Ban Biên tập, tìm giải pháp thực hiện đề tài, thời điểm công bố bài viết. Đối với Ban Biên tập, cần chủ động đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để phóng viên, nhóm phóng viên thực hiện đề tài. Ban Biên tập và phóng viên cũng cần hết sức tranh thủ ý kiến tư vấn của các chuyên gia ngành, nghề để họ gợi ý giúp những nội dung “nóng”, “hot” cần lý giải, phân tích, rút ra những nội dung cơ bản định hướng dư luận xã hội.
Ông Trần Gia Thái - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Nguyên Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội:
"Hơi thở của cuộc sống, sự định hướng của từng tờ báo, tinh thần lao động của các phóng viên… mới có thể tạo ra tác phẩm chất lượng cao"
Báo chí chính là bức tranh sinh động nhất phản chiếu về cuộc sống. Thông qua những góc nhìn của các nhà báo, những tác phẩm sinh động và sâu sắc ra đời. Mặc dù cuộc sống diễn ra sôi động như vậy, nhưng sự phản ánh đến đâu lại phụ thuộc vào quan điểm chỉ đạo của từng cơ quan báo chí, từ Trung ương cũng như địa phương hoặc các bộ ngành, sau đó là khả năng phát hiện, hấp thụ và thể hiện bài viết của các cây bút hoặc nhóm cây bút. Hơi thở của cuộc sống, sự định hướng của từng tờ báo, sự lan tỏa của mỗi bài viết, tinh thần lao động của các phóng viên. Gộp tất cả các yếu tố trên lại mới có thể tạo ra một tác phẩm chất lượng cao. Như trên đã nói, khâu chỉ đạo cũng hết sức quan trọng. Với tầm của người quản lý cơ quan báo chí, họ quán xuyến và tập trung được các vấn đề nổi trội, đặc biệt để từ đó hướng dẫn và chỉ đạo để phóng viên chọn được cách thức, phương thức, hướng tối ưu cho việc thể hiện bài viết của mình.Thời gian qua, nhìn chung đa số các lãnh đạo báo chí đã luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng các tác phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan báo chí có thể do áp lực phải đương đầu với công việc bận rộn hằng ngày, trong đó có vấn đề nan giải là việc tự chủ về tài chính nên cũng sao nhãng việc nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Họ quên rằng chất lượng bài báo khẳng định tầm vóc của tờ báo và sức sống của tờ báo đó thể hiện ở chỗ đi vào trong lòng bạn đọc đến đâu. Vì vậy, khi xây dựng tác phẩm, chúng ta cần lưu ý phải có sự chỉ đạo ngay từ khi hình thành đề tài, sau đó hướng dẫn, trao đổi với các phóng viên để cùng nhau xây dựng phương thức tiếp cận tài liệu, nguồn tin và kỹ năng trình bày tác phẩm. Điều tiếp theo, là lắng nghe ý kiến của đối tượng phục vụ, xem, bạn đọc họ cần gì? muốn gì? Khi ta phản ánh được những vấn đề đó là chứng tỏ tờ báo của ta đã đi đúng với tôn chỉ mục đích.
Để các cơ quan có thể nâng cao được các tác phẩm của mình hơn và có được tác phẩm dự thi đặc sắc hơn, cơ quan HNBVN ngoài việc hướng dẫn, tổ chức, tuyển chọn tác phẩm một cách khoa học, nên tổ chức các hội thảo xung quanh những tác giả, tác phẩm đoạt Giải cao, hội thảo theo từng cụm, theo từng mảng đề tài ví dụ như: Nông thôn mới, cải cách hành chính, đời sống, văn hoá xã hội, đạo đức xã hội, biên giới hải đảo v.v... Hoặc có thể tổ chức hội thảo theo từng thể loại báo chí hay tổ chức những hội thảo để trao đổi giữa tác giả bài viết và bạn đọc, giữa các tác giả, để chúng ta thấy được giá trị của từng bài viết, từ đó truyền cảm hứng, lan tỏa, cùng nhau thắp lên ngọn lửa đam mê báo chí, làm phong phú thêm đời sống báo chí. Chỉ như vậy, việc lựa chọn tác phẩm để trao Giải báo chí mới có ý nghĩa.
Ông Lê Đình Đạo - Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam:
"Không tuyển chọn một cách dễ dãi cho đạt số lượng"
Theo tôi, để nâng cao được chất lượng các tác phẩm dự Giải BCQG trước tiên cần phải chú trọng đến việc lựa chọn đề tài với nội dung phải phản ánh được mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và đặc biệt là phải đảm bảo tính thời sự của thời điểm thực hiện tác phẩm. Các tác phẩm phải thể hiện rõ nét tính thời sự, cập nhật, đối tượng công chúng tiếp nhận đa dạng, phong phú hơn, với nhiều trình độ khác nhau. Nội dung phản ánh bao trùm tất cả các sự kiện, vấn đề nảy sinh trong đời sống, xã hội. Riêng hạng mục báo Phát thanh mà tôi chấm giải thì còn phải làm sao để tạo được ấn tượng với người nghe thông qua cách dàn dựng để công chúng khán giả nghe chương trình tuy không nhìn thấy trực tiếp nhưng vẫn có thể hình dung và đọng lại được những cảm xúc, trăn trở mà tác phẩm muốn truyền tải. Nhưng điều quan trọng nhất để vào được vòng trong Giải BCQG và được trao Giải là tác phẩm phải đạt được tính hiệu quả, tạo được sự quan tâm của dư luận xã hội. Do đó mà công tác sàng lọc phải được tiến hành một cách kỹ lưỡng, mạnh dạn loại bỏ những tác phẩm không có đủ chất lượng tham gia dự thi. Cùng với đó, các cấp Hội cơ sở cũng cần nhìn nhận, lấy chất lượng làm hiệu quả, làm cơ sở đánh giá tuyển chọn, tuyệt đối không chạy theo số lượng, thành tích mà để lọt những tác phẩm yếu kém.
Bên cạnh đó, từ những lần tham gia vào các vòng chấm của Giải BCQG tôi thấy sự quan tâm của các cấp Hội địa phương chưa được sâu sát. Nhiều Liên Chi hội gửi các tác phẩm tham gia chỉ đảm bảo đủ yêu cầu về số lượng tác phẩm mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng tác phẩm. Điều đó dẫn đến những sự lựa chọn dễ dãi và đại trà. Có thể hiểu được rằng do cấp Hội chưa có những điều kiện về con người hay cơ sở vật chất để có thể có sự đầu tư một cách bài bản công phu, tuy nhiên, thay vào đó các cấp Hội có thể chú tâm tới việc chọn đề tài và cách thể hiện chân thật và cảm xúc nhất.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế:
"Nâng cao vai trò của cấp Hội cơ sở trong công tác sàng lọc, tuyển chọn"
Để làm tốt công tác rà soát, sàng lọc, tuyển chọn tác phẩm dự thi Giải BCQG tôi nghĩ trước tiên cần loại bỏ những tác phẩm không đủ điều kiện và chất lượng dự thi. Phải thực hiện chặt chẽ, đúng quy định các khâu, các bước trong Quy chế tuyển chọn một cách công khai, minh bạch, từ đó phát hiện, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc để đưa đi tham dự Giải. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế về nâng cao chất lượng tác phẩm phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương, cơ quan, đơn vị trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của HNBVN.Giải BCQG là một giải thưởng danh giá đối với những người làm báo cho nên để nâng cao chất lượng các tác phẩm trước hết phải có sự sàng lọc từ chính phóng viên, sàng lọc từ đề tài cách tiếp cận, kế tiếp đến là cấp Hội cơ sở. Các cơ quan báo chí cần có định hướng về chính trị tư tưởng, cách chọn lựa đề tài, quy cách thể hiện của phóng viên, biên tập viên. Lựa chọn tác phẩm phải coi trọng những nội dung đặc sắc, đặc biệt là có tính phản biện và sức lan tỏa, nhận được sự quan tâm, thu hút của công chúng, chống khuynh hướng coi nhẹ chất lượng, chạy theo số lượng. Chính điều này đòi hỏi các nhà báo, phóng viên muốn có được tác phẩm lọt sâu vào vòng Chung khảo và có được thứ hạng cao sẽ phải không ngừng tìm tòi, phát hiện và dấn thân hơn nữa để có được những tác phẩm tốt phản ánh sâu sắc những vấn đề của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, như cách làm của HNB Thừa Thiên Huế, chúng tôi còn mở rộng số lượng đối tượng đủ điều kiện, tăng số lượng tác phẩm dự thi, nhờ vậy, chúng tôi có thêm sự lựa chọn các tác phẩm cho vòng sàng lọc, tuyển chọn. Chúng tôi mời các cộng tác viên, phóng viên thường trú trên địa bàn cùng tham gia vào Giải báo chí do tỉnh tổ chức để nhằm động viên khuyến khích các tác giả, nhóm tác giả sẽ có những khám phá sáng tạo, những cách thể nghiệm mới nhiều hơn. Chúng tôi cũng hướng đến việc các tác phẩm phải đảm bảo tính địa phương, tính thời sự. Hơn nữa, tôi nghĩ là từ phóng viên, biên tập viên phải có độ máu lửa còn đối với các cơ quan báo chí, những người đứng đầu cũng cần có sự truyền nhiệt hơn trước, cần có sự tìm tòi, gợi ý những đề tài hay và ý tưởng tốt để thực hiện.
Ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam:
Lãnh đạo các cơ quan cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực ảnh báo chí
Trong đời sống chính trị, văn hoá xã hội có rất nhiều đề tài thực hiện để có những ảnh báo chí tốt hay có giá trị thông tin, tuy nhiên cách thể hiện lại đang là vấn đề cần quan tâm. Phương pháp chụp ảnh chưa đổi mới, còn cứng, cũ, không gây được ấn tượng, không tạo ra được điểm nhấn tới người xem. Vì vậy phải làm cách nào để ảnh báo chí có tác động đến trái tim, khối óc của người xem. Trải qua nhiều mùa Giải, Giải ảnh báo chí được hội đồng Giải BCQG rất quan tâm, tuy nhiên, tác phẩm tham gia dự thi không nhiều, có những năm chỉ có 80 - 90 tác phẩm, còn thường là hơn 100 tác phẩm, đây là một con số ít so với các thể loại dự thi khác. Cùng với đó chất lượng của ảnh báo chí cũng chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Theo tôi việc này có nguyên nhân sau đây: Một là, do chưa có sự quan tâm sâu sát từ các Liên Chi hội, cơ quan báo chí đối với thể loại báo ảnh.Thứ hai, các nhà báo là các phóng viên ảnh khi được ưu tiên trong việc gửi ảnh trực tiếp đến Hội đồng nhưng lại không tham gia, điều đó chứng tỏ bản thân nhà báo chưa thật sự quan tâm đến tác phẩm của mình và chưa muốn mang tác phẩm của mình dự thi ở một giải thưởng lớn như Giải BCQG. Tôi mong muốn, thời gian tới, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các HNB địa phương, các Liên Chi hội nhà báo cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực ảnh báo chí, cùng với đó tổ chức những hội thảo liên quan đến ảnh báo chí; phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo lại, lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, từ đó sáng tạo ra những tác phẩm ảnh báo chí chất lượng mang tính thuyết phục cao đối với người xem.