Tận dụng lợi thế, tương tác với mạng xã hội

Thứ hai - 01/07/2019 08:26
LTS- Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), ngày … tại TP Hưng Yên, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên đăng cai tổ chức hội thảo báo chí khu vực với chủ đề: "Những yếu tố làm cho báo chí địa phương không thua mạng xã hội". Nhiều lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phía Bắc và một số cơ quan báo chí Trung ương cùng đông đảo hội viên, nhà báo các cơ quan báo chí trong tỉnh tham dự. Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng nội dung một số tham luận tại hội thảo (đầu đề do Tòa soạn đặt).
Tham luận của Hội Nhà báo Tuyên Quang

Mạng xã hội, với tính chất nhanh nhạy, rộng rãi và phạm vi tương tác đa chiều không phân biệt thời gian và không gian, đang tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội, trong đó có báo chí. Do sự tiện lợi nhanh, rộng, sâu tới mọi người, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống được rất nhiều người sử dụng nó như một tiện ích được ưa chuộng nhất. Mạng xã hội là dịch vụ cung cấp cho cộng đồng rộng rãi người sử dụng khả năng tương tác, chia sẻ, lưu trữ và trao đổi thông tin với nhau trên môi trường Internet, bao gồm dịch vụ tạo blog, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến và một số hình thức khác. Với những tính năng này, mạng xã hội đã mang đến một không gian mới mẻ và đa dạng, rộng lớn cho tất cả  mọi người, đặc biệt là báo chí. Mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội thể hiện sự tác động qua lại lẫn nhau, báo chí tác động thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ, hàng phút đến mạng xã hội và ngược lại, mạng xã hội cũng tác động liên tục và mạnh mẽ đến báo chí.
mang-xa-hoi

Trước hết, báo chí và mạng xã hội cùng là nguồn đề tài, nguồn tư liệu cho nhau. Nếu như các bài báo mang tính thời sự cao trên báo chí nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận và chia sẻ trên mạng xã hội thì ngược lại, những thông tin, tư liệu cá nhân phong phú trên mạng xã hội cũng là nguồn tham khảo, gợi ý phong phú và vô tận đối với các nhà báo. Báo chí sử dụng, thẩm định, phát triển nguồn thông tin từ mạng xã hội và mạng xã hội chia sẻ, quảng bá, bàn luận, thẩm định các tác phẩm báo chí đã được đăng tải. Ngay trong quá trình bàn luận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, báo chí theo dõi để nắm bắt được dư luận xã hội và các chiều hướng nhận thức của công chúng. Nhờ vậy mà các bài báo tiếp theo của báo chí đi đúng hướng, đa chiều  và phong phú hơn. Chính trong sự tác động qua lại với mạng xã hội, cách thức, quy trình làm báo của nhà báo đã có nhiều thay đổi. Nhà báo nhận thấy vai trò của công chúng trong việc chủ động tham gia vào quá trình thông tin, đón nhận điều này như một tất yếu và điều chỉnh cho phù hợp.

Sự có mặt của mạng xã hội đã góp phần làm cho nhà báo, tờ báo gần gũi hơn với độc giả, đối thoại trực tiếp với người đọc. Đây chính là nét đổi mới so với cung cách làm báo truyền thống. Trước đây, tờ báo và nhà báo chủ động cung cấp thông tin cho độc giả, không nắm bắt được sự mong muốn được chia sẻ, được đối thoại của người đọc. Ngày nay, họ có thể trao đổi trực tiếp với các thành viên mạng và hình thành trong đầu những ý tưởng cho nhiều bài báo mới của mình. Các tin tức mà báo chí đề cập càng trở nên nhanh hơn, cụ thể hơn, xác thực hơn và đáp ứng nhu cầu công chúng tốt hơn so với thời kỳ làm báo trước đây. Mọi người đều có thể tạo ra và lan truyền tin tức họ muốn được chia sẻ, được cùng nhiều người bàn thảo, thậm chí muốn tạo nên dư luận xã hội. Như vậy, việc cung cấp thông tin và cả bình luận về thông tin không còn là độc quyền của nhà báo. Điều này góp phần tạo mối quan hệ bình đẳng giữa nhà báo và công chúng. Trước đây khi mạng xã hội chưa ra đời, có thể nói đó là những đặc điểm chỉ có ở thông tin báo chí, nhưng với sự ra đời của mạng xã hội, các tờ báo không còn nguồn duy nhất cung cấp thông tin và phân phối thông tin hàng ngày tới đông đảo công chúng nữa mà mạng xã hội cũng đã trở thành một môi trường cung cấp, truyền bá và tương tác thông tin rất nhanh.

Thông tin trên báo chí và mạng xã hội đều mang tính công khai, đa dạng và nhiều chiều, thậm chí do không phụ thuộc vào cơ quan chủ quản nên thông tin còn có phần công khai và nhiều chiều hơn. Mạng xã hội có thế mạnh về việc giao lưu, chia sẻ, trình bày cảm xúc nên các thành viên có thể thoải mái trình bày quan điểm của mình. Ở một góc độ nào đó điều này đã làm cho thông tin trên mạng xã hội vượt qua được rào cản cá nhân để trở nên đa dạng nhiều chiều. Mặt khác cho thấy, điều kiện trao đổi trên mạng xã hội cũng thẳng thắn hơn trên báo chí, ở đó các cá nhân bình luận một cách tự do nhất, góp ý một cách thẳng thắn nhất và do vậy thông tin cũng có sự nhiều chiều hơn bởi nó qua góc nhìn của nhiều người. Báo chí ý thức sự lớn mạnh của mạng xã hội. Công chúng yêu thích mạng xã hội bởi thông tin nhanh nhạy và khả năng tạo ra diễn đàn bàn luận công khai, sôi nổi, thoải mái. Trong môi trường đó, báo chí không phủ định vai trò của mạng xã hội mà ngược lại, lấy đó làm động lực để cạnh tranh. Trong điều kiện mạng xã hội ngày càng tỏ ra có thế mạnh trong việc cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, đa chiều thì nhà báo cần phải phát huy thế mạnh nghề nghiệp của mình cung cấp thông tin một cách khách quan, chính xác với tính định hướng cao.

Thực tế mặt bằng chung về kiến thức, trình độ, kỹ năng của các nhà báo địa phương và trung ương không có nhiều khoảng cách. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên báo chí địa phương còn bỡ ngỡ với cách tiếp cận và thể hiện loại hình báo chí hiện đại; chưa ứng dụng được nhiều những thành tựu công nghệ thông tin trong quá trình tác nghiệp sáng tạo tác phẩm báo chí. Hiện nay các cơ quan báo chí và bản thân mỗi nhà báo công tác tại báo địa phương vẫn còn duy trì phương thức, cách tiếp cận vấn đề cũng như lỗi diễn đạt tác phẩm báo chí truyền thông, kém hấp dẫn. Một số nhà báo chưa chủ động tiếp thu, bắt kịp với phương thức làm báo hiện đại, dẫn tới tác phẩm báo chí thiếu sức sống, không thu hút được công chúng. Một số khác tuy có ý thức học hỏi, tiếp thu những kỹ năng, phương thức làm báo hiện đại, song lại không thể áp dụng trong quá trình tác nghiệp và trình bày tác phẩm báo chí do không phù hợp với hạ tầng kỹ thuật và quy trình làm báo tại tòa soạn báo địa phương hiện nay. Điều này dẫn tới đặc điểm văn hóa, tâm lý, nhu cầu... công chúng tại địa phương chưa khai thác, phát huy, chưa tạo nên bản sắc, thế mạnh của báo chí địa phương. Xu hướng phát triển báo chí theo hướng đa phương tiện, hội tụ và đa nền tảng đòi hỏi mỗi nhà báo, phóng viên đều phải ý thức nâng tầm tác phẩm báo chí của mình, hướng tới mục tiêu thích ứng với tâm lý tiếp nhận của công chúng báo chí. Điều này bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, định hướng phát triển và tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí hiện đại. Bởi nếu không tiếp nhận được những xu hướng truyền thông mới trong thời đại công nghệ 4.0, báo chí địa phương rất dễ bị loại khỏi “cuộc chơi” ngày trên sân nhà của mình.

Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà quá trình toàn cầu hóa diễn ra khá sâu sắc. Tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị di động kết nối internet trở nên phổ biến, nhiều mạng xã hội phát triển và trở thành công cụ thông tin, học tập, giao lưu, giải trí... trong cộng đồng. Báo chí truyền thông đã và đang thay đổi khá nhiều. Việc phát hành nội dung thông tin trên nền tảng số đang thay dần cho vật liệu giấy hay sóng điện từ. Quy trình tiếp nhận, nền tảng tiếp nhận các sản phẩm thông tin của công chúng cũng thay đổi. Mạng xã hội không chỉ tạo ra những nền tảng cho báo chí mà còn tạo ra một hệ sinh thái truyền thông mới, một thế lực mới thách thức báo chí chính thống. Thực tiễn báo chí cũng chứng minh rằng: Phương thức phát hành và cách thức tổ chức sản xuất nội dung phù hợp và có giá trị độc lập mới là điều cốt lõi quyết định sự tồn tại của những thương hiệu báo chí hiện nay. Mặt khác, báo chí chính thống phải biết sống chung, phải biết làm đối tác với mạng xã hội trong sân chơi truyền thông cực kỳ sôi động hiện nay mới có thể tránh được nguy cơ bị loại. Trong bối cảnh phức tạp của truyền thông hiện nay (nhất là vấn nạn thông tin giả, thông tin xuyên tạc, chống phá...), vai trò của báo chí chính thống có phát huy tốt hay không là ở việc đào tạo, bồi dưỡng lại các kỹ năng mới cho nhà báo, cho các tòa soạn báo chí. Sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ là cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp của nhà báo, hội viên, phát triển nguồn nhân lực báo chí tại các địa phương. Để từ đó, báo chí địa phương không chỉ bắt nhịp với các xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, mà còn phát huy được thế mạnh, bản sắc địa phương, hướng đến vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, vừa có thể phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn trong bối cảnh truyền thông số.

Nhà báo là chủ thể để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí. Vì vậy, ngoài các yếu tố trên, vai trò quyết định phụ thuộc chủ yếu vào nhà báo. Nhà báo muốn có tác phẩm báo chí chất lượng cao phải là nhà báo có tâm và có tầm. Nhà báo có tâm là nhà báo có đạo đức trong sáng, có hiểu biết sâu rộng, có lập trường tư tưởng và quan điểm rõ ràng, có bản lĩnh chính trị vững vàng - không gì khác hơn, đó chính là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhà báo có tầm là nhà báo được đào tạo và học hành cơ bản, có kiến thức xã hội vững, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ báo chí sâu, tác nghiệp thành thạo theo xu hướng chuyên nghiệp, biết nắm bắt, phát hiện, lý giải những vấn đề nảy sinh từ thực tế cuộc sống, từ đó đưa ra những biện pháp để khắc phục mang tính khả thi và dự báo cao. Nhà báo phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương, của cơ sở; chủ động, nhạy bén tìm ra những vấn đề mà xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, nhà báo phải từng bước bắt kịp với xu thế làm báo hiện đại, phản ánh nhiều khía cạnh, đi sâu giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề... Mỗi nhà báo đều có một sở trường, thế mạnh riêng nên phải biết phát huy tối đa một cách phù hợp, kiên trì và bền vững. Nêu cao ý thức và trách nhiệm công dân của nhà báo trong mỗi tác phẩm báo chí, phải có rung động và cảm xúc khi cầm bút viết về vấn đề mà mình đam mê đeo đuổi. Có như vậy mới sáng tạo ra những tác phẩm báo chí mang lại hơi thở của cuộc sống, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây