Giữ “lửa” cho nghề

Thứ ba - 21/05/2019 10:46

Đôi khi người làm báo sa vào tình trạng bị ỳ, thiếu cảm hứng làm việc, viết mãi không ra bài, hoặc nếu có thành bài thì đọc cũng không được như ý. Vậy, phải làm gì? Không có cách nào khác là... làm việc để giữ “lửa” cho nghề.

111
Mỗi phóng viên, nhà báo cần biết giữ “lửa” cho nghề
 
Mỗi lần có bài đăng, tôi lại thấy phấn khích, mặc dù đã làm báo nhiều năm và tuổi không còn trẻ nữa. Tôi luôn giữ được niềm vui viết báo. Không phải vì nhuận bút, mà được chia sẻ với bạn đọc điều tâm huyết, cần lên tiếng trước một vấn đề, xã hội bức xúc, nổi cộm nào đó. Một lý do nữa, được đăng bài hiện nay cũng không phải dễ, vì các ban biên tập luôn đòi hỏi bài có chất lượng.

Cuộc sống thật đẹp, nhưng không phải không có những chỗ “xấu xí” yêu cầu nhà báo phải nói ra. Ví dụ, việc treo logo Thủ đô Hà Nội trên các không gian Hà Nội là chuyện bình thường, không có gì đáng nói. Vậy mà vẫn có đấy. Quan sát kỹ một chút, tôi thấy trên logo được treo thiếu địa danh “Hà Nội”. Chi tiết tưởng như rất nhỏ đó lại không hề nhỏ chút nào. Thiếu “Hà Nội” nghĩa là biểu tượng Thủ đô vô nghĩa.

Sự vô nghĩa hàng ngày diễn ra trước mắt mọi người làm báo cần lên tiếng. Và tôi đã viết trên Báo Bảo vệ pháp luật bài Cần tôn trọng biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Đó là một cách kiến nghị cơ quan văn hóa Hà Nội nhận ra cái sai mà sửa chữa đúng bản quyền tác giả logo này. Chỉ có sự nhạy cảm nghề nghiệp mới giúp người làm báo “nhìn” ra cái mới trong những hiện tượng xảy ra xung quanh mình để thông tin tới bạn đọc.

Đó là một cách giữ “lửa” cho nghề báo! Tôi luôn bắt đầu bài viết bằng sự thôi thúc bên trong cần phải cầm bút. Một vụ vi phạm bản quyền tác giả, một nỗi oan của công dân bị thu hồi huân chương vô cớ, hay chính quyền trì hoãn cấp sổ đỏ để hành dân; Hoặc một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia bị bỏ hoang; Rồi một câu nói bình thường của chính khách nhưng được báo chí tán dương quá mức, thậm chí chuyện nghiệp vụ phỏng vấn của người làm báo... Tôi tìm thấy ở đó một cái gì cần viết ra và lên tiếng, không bao giờ để ngòi bút bị “bẻ cong”, đó là lời tự răn của tôi.

Nhà báo cần có giới hạn, có “lằn ranh” danh dự nghề nghiệp không được bước qua. Cũng có khi tôi phân vân, nhưng không phản bội nghề nghiệp cao quý này, cái nghề mà người ta phong cho nó là “quyền lực thứ tư” trong xã hội, hay “Nhà báo là ông vua không vương miện” như câu ngạn ngữ châu Âu vinh danh.
111
Mỗi lần cầm bút luôn mang lại niềm vui cho nhà báo
Niềm vui mỗi lần cầm bút, tôi biết, sự hào hứng mỗi khi bài được đăng, có được là do cách giữ “lửa” như thế. Nếu viết vì nhuận bút, “lửa” trong tôi tự nhiên sẽ vụt tắt, hoặc mưu lợi, bài viết sẽ thiếu đi trung thực.
“Xét cho cùng, không có một mức nhuận bút nào thỏa đáng cho một bài báo hay, một bài báo có thể làm thay đổi nhiều thứ trong xã hội”.
Vả lại, thù lao các báo bây giờ tuy đã được cải thiện, nhưng chưa phải là cao lắm. Tôi hiểu, hầu hết các báo, trong cơ chế hiện nay, cũng phải “tự thân vận động”, phải gồng mình lên để tồn tài và phát triển.

Tôi vô cùng tâm đắc câu nói của J.J Rousseau (1712 - 1778), triết gia Pháp: “Không cái gì lớn lao mà lại phát ra từ ngòi bút vụ lợi”. Một nữ nhà báo nổi tiếng người
Úc thật lòng từng tâm sự với đồng nghiệp Tạp chí Người Làm Báo rằng: “Bà không làm báo để làm giàu”.


Thật may mắn, nếu ta được cuộc đời trao cho nghề làm báo; Thật hạnh phúc nếu nhà báo, bằng ngòi bút, máy quay của mình góp phần cùng mọi người mang lại sự công bằng, những giá trị đích thực cho cuộc sống, đất nước và xã hội. Không có gì cường điệu khi nói rằng: Bằng thiên chức của mình, nhà báo chân chính có thể làm nên những điều kỳ diệu.

Để giữ “lửa” nghề trước “cơm áo không đùa với nhà báo”, hoặc sa vào sức ỳ dẫn bỏ bút, tôi luôn thường gom những “thanh củi” nhỏ, bật “lửa” nghề lên, nhóm lửa thường xuyên. Cái khó là làm sao giữ cho “lửa” đã cháy rồi không bị tắt mà cháy dài lâu.
 
Minh Phan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây