LTS- Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), ngày … tại TP Hưng Yên, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên đăng cai tổ chức hội thảo báo chí khu vực với chủ đề: "Những yếu tố làm cho báo chí địa phương không thua mạng xã hội". Nhiều lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phía Bắc và một số cơ quan báo chí Trung ương cùng đông đảo hội viên, nhà báo các cơ quan báo chí trong tỉnh tham dự. Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng nội dung một số tham luận tại hội thảo (đầu đề do Tòa soạn đặt).
Tham luận của Báo Hưng Yên
Những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống của hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới sử dụng nó như một tiện ích được ưa chuộng nhất. Mạng xã hội, với tính chất cung cấp thông tin nhanh nhạy, rộng rãi và phạm vi tương tác đa chiều đã và đang tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội, trong đó có báo chí. Vậy làm thế nào để biến mạng xã hội trở thành trợ thủ đắc lực của người làm báo.
Trước tiên, chúng ta phải xác định mạng xã hội là một nguồn tin lớn. Có người ví: Nếu bạn vào một cái chợ ồn ào huyên náo, bạn chỉ nghe được vài người nói. Nhưng khi bạn vào mạng xã hội, bạn sẽ nghe rõ rất nhiều người nói gì. Tin tức, đề tài cho các bài điều tra, phóng sự, phản ánh... chính là từ đó. Báo chí được biết đến như là kênh thông tin nhanh nhạy, phổ biến, sâu rộng. Tuy nhiên một tòa soạn với số lượng phóng viên có hạn sẽ không thể nào nắm bắt ngay những thông tin nóng hổi diễn ra ở mọi nơi nhưng mạng xã hội thì lại làm được vì thành viên trong mạng xã hội rất đông đảo. Nếu một sự kiện quan trọng vừa mới xảy ra ở đâu đó thì ngay tức khắc trên mạng xã hội đã phản ánh bởi các “cộng tác viên” tại chỗ bằng các thiết bị thông minh. Do vậy nhiều trường hợp thông tin về sự kiện mới xảy ra xuất hiện trên mạng xã hội trước khi xuất hiện trên báo chí. Điều này là do người sử dụng mạng xã hội có mặt ở khắp mọi nơi, họ có thể thu nhận những hình ảnh, âm thanh về sự kiện mới xảy ra bất cứ lúc nào và tải lên mạng xã hội, trước cả khi nhà báo phát hiện và tiếp cận sự kiện. Tuy nhiên, những thông tin trên mạng xã hội đơn thuần chỉ là phản ánh sự kiện xảy ra. Độc giả không chỉ đòi hỏi tin nhanh, tin nóng mà dứt khoát tin đó phải chính xác, được dẫn từ những nguồn chính thống, rõ ràng, tin cậy, đưa tin có mục đích. Báo chí cung cấp cho độc giả những thứ “hơn cả tin tức”, đó là thái độ, quan điểm, giải pháp. Vì vậy kiểm chứng, điều chỉnh thông tin trên mạng xã hội một cách thường xuyên, báo chí sẽ tác động vào dư luận xã hội, hình thành dư luận xã hội đúng đắn, kịp thời. Trong điều kiện thực tế hiện nay, mỗi một nhà báo, phóng viên còn là thành viên trong cộng đồng cư dân mạng. Chính vì vậy, chúng ta có điều kiện nắm bắt dư luận, cập nhật thông tin. Nhiều vấn đề, sự kiện được xã hội quan tâm, được bàn luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội chính là dư luận xã hội mà báo chí quan tâm và muốn nắm bắt. Nắm bắt, triển khai những đề tài, ý tưởng, giải đáp được những bức xúc, nhu cầu thông tin này một cách nhanh chóng, chính là hiệu quả mà báo chí có thể mang lại.
Thứ hai, mạng xã hội là không gian tương tác giúp nhà báo hoàn thiện tác phẩm của mình. Trước đây, nhà báo và tờ báo chủ động cung cấp thông tin cho độc giả, rất khó nắm bắt được mong muốn, chia sẻ và được đối thoại với người đọc. Giờ khi nhà báo đăng tải bài viết của mình trên mạng xã hội thông qua hình thức thông tin và kèm theo đường link thì nhờ những tính năng của mạng xã hội mà nhà báo, tòa soạn báo có thể dễ dàng theo dõi được các ý kiến góp ý, các quan điểm, sự nhận xét của họ về vấn đề được nói đến trong bài báo đó thông qua phần thích, bình luận, chia sẻ. Từ đó, nhà báo, cơ quan báo chí có thể viết bài, đăng tải các tin tức sao cho phù hợp với nhu cầu của độc giả. Và nhà báo cũng có thể đưa ra các quan điểm của mình để cùng nhau thảo luận, bình luận với công chúng, có thể phản hồi một cách trực tiếp thông qua phần “comment” (bình luận), từ đó hình thành trong đầu những ý tưởng cho nhiều bài báo mới của mình.
Thứ ba, mạng xã hội góp phần đưa tác phẩm báo chí đến với đông đảo bạn đọc. Thông qua sự quảng bá của mạng xã hội, nếu những bài báo có chất lượng, lập luận khoa học, sắc bén được người đọc thừa nhận… thì thương hiệu của tờ báo, uy tín của nhà báo được nâng lên. Nếu mạng xã hội tiếp nhận, truyền bá và thảo luận về một bài báo nào đó thì đây sẽ là kênh có hiệu ứng lan truyền nhanh, mạnh nhất, tới được số lượng độc giả gấp nhiều lần so với việc nó chỉ được đăng tải trên trang báo chính thức. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn là công cụ cho các phóng viên, nhà báo chuyển tin tức, hình ảnh và video về tòa soạn ngay từ hiện trường. Hiện nay nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng mạng xã hội để điều hành phóng viên, nhận tin bài, một cách nhanh chóng, thuận lợi và ít tốn kém. Nhiều phóng viên đã biến trang mạng xã hội của mình trở thành tờ báo có rất đông người đọc, theo dõi.
Với những yếu tố trên, mạng xã hội có trở thành trợ thủ đắc lực cho các nhà báo hay không hoàn toàn ở quan điểm, cách nhìn của các nhà báo, cơ quan báo chí.