Suy nghĩ về hành trình sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao
Thứ hai - 04/03/2019 17:13
Nhiều bạn đồng nghiệp khi nói về tác phẩm báo chí chất lượng cao (BCCLC) thì cho là cần có máy ảnh tốt, phóng viên phải có sức khỏe, muốn có tác phẩm BCCLC thì phải cần có nhà báo chất lượng…
Nhiều bạn đồng nghiệp khi nói về tác phẩm báo chí chất lượng cao (BCCLC) thì cho là cần có máy ảnh tốt, phóng viên phải có sức khỏe, muốn có tác phẩm BCCLC thì phải cần có nhà báo chất lượng… Những điều trên đều đúng nhưng để có tác phẩm BCCLC còn cần nhiều yếu tố cấu thành khác.
Phát hiện đề tài
Ở các cuộc thi viết về báo chí có nhiều tiêu chí khác nhau được đặt ra nhưng quan trọng nhất là đề tài chiếm tới 80% điểm chấm đạt giải, các phần trăm còn lại là tính phát hiện, cách thể hiện hay, tác phẩm lan tỏa rộng trong xã hội.
Nhiều bạn đồng nghiệp có nhiều năm trong nghề báo nói về kinh nghiệm phát hiện đề tài BCCLC là cần có những vấn đề xã hội quan tâm bức xúc những việc lợi hại liên quan đến nhiều người, cái tốt nên học hỏi nhân rộng, cái xấu cần bài trừ, tham mưu cho lãnh đạo những việc cần làm để kinh tế xã hội phát triển...
Nói về phát hiện mới, nhiều nhà báo cho đây không thể tự tác giả cho là mới vì cái phát hiện của anh có thể chính là phát hiện của tác giả khác từ lâu rồi. Tác phẩm báo chí với ấy đã được đăng tải ở nhiều kênh thông tin khác mà anh chưa biết đấy thôi. Ngày nay với từ điển của gã khổng lồ Google trên không gian mạng, Người cần biết tác phẩm báo chí này có mới hay không hoặc sao chép, “xào nấu” của người khác, chỉ cần gõ ít chữ vào mục tìm kiếm của Google là biết ngay.
Ý như vậy, không phải đề tài phát hiện của tác giả khác, người làm báo bây giờ không nên viết nữa mà người viết vẫn có thể khai thác ở góc nhìn khác theo phát hiện của mình.
Khi đã có đề tài, bước tiếp theo là thu nhập từ liệu, hình ảnh. Để có đủ tư liệu cần thiết, phóng viên cần có kiến thức sâu rộng về đề tài đó. Vì vậy học hỏi, tìm hiểu để có kiến thức nhiều lĩnh vực là điều không thể thiếu ở người làm báo.
Khai thác tư liệu, người viết cần có nghệ thuật phỏng vấn sao cho người cung cấp thông tin, sự việc bộc bạch hết những gì mình biết hoặc tình cảm chất chứa trong lòng. Nhiều bạn đồng nghiệp kể chuyện khai thác tư liệu của mình: có nhiều người khi được phóng viên phỏng vấn, họ khớp quá, hỏi đâu nói đấy, câu cụt ngủn, quên trước quên sau làm cho phóng viên thất vọng: khó mà viết hay được! Những trường hợp như vậy, không nên từ giã ra về mà nên lân la tạo tình cảm thân mật, hỏi han chuyện gia đình, chuyện làm ăn, sở thích… rồi thỉnh thoảng đưa vào câu chuyện mình cần tìm hiểu thu thập tư liệu. Một bạn đồng nghiệp nói với tôi, làm việc với nông dân, thường họ ít nói nhưng khi vào bàn tiệc, rượu ngà ngà, họ bộc bạch hết, khi đó phóng viên phải mở máy ghi âm mới ghi kịp vì mình cũng hơi say men tình thân rồi. Vì vậy, đi thu thập tư liệu không nên về sớm mà cần tạo không khí thân mật để “moi” cho được tư liệu giá trị. Khai thác được nhiều chi tiết đắt giá, khi viết sẽ sinh động, thu hút người đọc, người xem. Do vậy, khai thác thông tin là nghệ thuật của từng nhà báo để viết nên tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Kinh nghiệm của nhiều nhà báo: khi cần “moi” thông tin từ một người, không nên hỏi, ghi như cán bộ điều tra. Làm như thế sẽ làm cho người cung cấp thông tin mất tự nhiên quên mất những điều muốn nói. Thu thập tư liệu càng nhiều càng tốt vì tư liệu không sợ dư thừa mà chỉ lo thiếu, tác giả khó thể hiện tác phẩm của mình. Thông tin có được nên kiểm tra từ nhiều người để bảo đảm tính chính xác. Cẩn thận hơn, phóng viên cần xin số điện thoại của người cung cấp thông tin, đây là điều cần thiết khi viết bài, có gì chưa rõ có thể alô mà không cần phải đến cơ sở nữa. Chụp ảnh cũng vậy, phóng viên khi tác nghiệp nên chụp nhiều ảnh, nhiều nội dung, góc độ chụp khác nhau khác nhau để ban biên tập có thể lựa chọn được ảnh sinh động hợp với đề tài nhất.
Thể hiện thuyết phục
Tư liệu cho tác phẩm báo chí thường không được cung cấp theo thứ tự, người cho biết thông tin thường nhớ đâu nói đấy nên sau khi đã có tư liệu đầy đủ, người viết nên đọc lại tư liệu và xử lý cái cần đưa vào, cái không. Mỗi khi viết nên suy nghĩ mình nên đặt tít tựa bài như thế nào, chapô ra sao, các tiểu tựa bố cục sao để không nan man, xa rời đề tài. Trước nhất, tít tựa tác phẩm báo chí gây cho người đọc, gây tò mò muốn xem, đọc ngay cho biết. Vì vậy đặt một tít tựa hay, thu hút “mọi ánh nhìn” là điều cần làm được ở mỗi tác giả.
Cái yếu của một số phóng viên là viết theo lối mòn, bài nào cũng như bài nấy. Nên nghĩ cách thể hiện mới, hay hơn từ tít tựa đến chữ dùng sao cho câu chuyện mình dẫn dắt thu hút người đọc, người xem, người nghe từ đầu đến kết thúc và cảm nhận làm theo. Trong thể hiện, tác giả cần tận dụng các chi tiết đắt giá làm nên các điểm nhấn như: chapô, post, hay lam màu riêng sẽ làm cho bài báo thêm sinh động, gây chú ý, dễ nhớ hoặc tạo ấn tượng về một sự việc, câu chuyện cho người đọc khó quên.
Đó mới là kĩ thuật thể hiện, cái cần hơn ở tác giả là đầu tư cho tác phẩm báo chí chất lượng cao là thể hiện làm sao có tâm, có tầm thuyết phục, cảm hóa được người đọc. Phải làm cho người đọc qua câu chuyện cảm thấy thương ghét, cười bể bụng hoặc đọc xong rơi nước mắt. Tôi nhớ một lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí giảng viên nói về viết về người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn người viết phải mô tả sao cho người đọc cảm động rơi nước mắt, xúc động cảm thương vô cùng và tự họ tìm cách giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ấy. Đó là nghệ thuật tạo nên tác phẩm báo chí kêu gọi tấm lòng từ thiện của tác giả mà không phải dựa vào bài báo kêu gọi tổ chức này, mạnh thường quân kia cần giúp đỡ.
Ở những đề tài khác cũng vậy, tác giả nên suy trước tính sau thể hiện tác phẩm của mình sao cho thuyết phục, định hướng được dư luận, xã hội làm theo. Nghệ thuật thể hiện của người viết càng cao, cảm hóa thuyết phục người đọc, người nghe, xem càng nhiều.
Ở mỗi tác phẩm báo chí, trau chuốt câu văn, suy nghĩ chữ dùng cho chính xác, bố cục chặt chẽ, viết đúng thể loại báo chí, không viết lấy có là điều cần ở mỗi tác giả.
Có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao được đông đảo bạn đọc đón nhận, tác giả nên danh trong làng báo, người viết báo không nên tự mãn với thành tích của mình mà luôn không ngừng học hỏi, trao đổi nghiệp vụ, quan điểm chính trị vững vàng để luôn có những tác phẩm báo chí hay đạt chất lượng cao.
Lư Thế Nhã