Biên tập viên – Người xử lý thông tin cần tay nghề cứng cỏi
Thứ tư - 27/02/2019 15:19
* Biên tập viên báo chí phải vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ
Trong nghề báo, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của người biên tập. Nếu phóng viên là người trực tiếp nhận thông tin nơi đầu nguồn sự kiện thì biên tập được mệnh danh là người xử lý sự việc được ghi lại trong khâu cuối cùng của dây chuyền làm “sản phẩm” báo chí trước khi loan tin. Không ai khác, chính họ là những người phải gồng mình lên, dồn công sức trí tuệ, vốn hiểu biết về thực tiễn, về nghề nghiệp… để nâng cao chất lượng tin, bài tranh ảnh về cả nội dung lẫn hình thức trước khi “sản phẩm” được xuất bản, được loan tin. Ở đây, vai trò của người biên tập được ví như vai trò của người lính gác (về mặt tư tưởng) là hoàn toàn chính xác.
Ở một tờ báo cụ thể, một phóng viên giỏi có thể kiêm luôn cả chức năng biên tập, nhưng một biên tập lành nghề chưa hẳn đã là một nhà báo giỏi.
Biên tập viên là người thực hiện nghĩa vụ công dân của mình bằng chất xám, bằng đạo đức nghề nghiệp, bằng trách nhiệm xã hội… nhưng họ lại là người ít danh tiếng. Tên tuổi của người biên tập không được lưu dấu ở những bài viết của phóng viên và biên tập… và nghiệt ngã hơn, họ rất ít được thăng hoa, rất ít được đề bạt, cát nhắc lên chức trọng, quyền cao như những người làm công việc khác ở tòa soạn. Và sự hưởng thụ vật chất của họ thường cũng ở mức độ (nếu như lãnh đạo tòa soạn không mấy để tâm đến họ)… Song, từ thực tế công việc biên tập xử lý thông tin, từ việc nắm đầu mối công tác nên họ là người được đồng nghiệp và cả tòa soạn nể trọng. Để làm tốt công việc của người biên tập, chính họ chứ không chỉ phóng viên, không chỉ tổng biên tập hay phó tổng biên tập, phải thường ngày nghiên cứu nắm vững đường lối, chính sách và tình hình thực tế. Đây chính là chiếc “gậy thần” giúp cho họ trong công việc xử lý tin, bài; giúp cho họ có những quyết định đúng đắn, chắc chắn trong việc được giao.
Dưới đây là lời chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, cán bộ Biên tập bản tin trong nước (BTBTTN) của TTXVN: “… Là những thành viên của ban biên tập tin trong nước, hàng ngày, hàng giờ tham gia làm tin và biên tập, xử lý tin do phóng viên của 61 phân xã trong cả nước gửi về, chúng tôi rất ý thức về nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống và kiến thức, năng lực của từng cán bộ, đảng viên đang làm tốt nhiệm vụ cao cả của người làm báo TTXVN. Ban biên tập tin trong nước còn đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức, động viên các hội viên nhà báo thường xuyên học tập, nâng cao những hiểu biết về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về đường lối chiến lược của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, về những đường lối, chủ trương cụ thể của Đảng trong các kỳ Đại hội… Với nhiều cách học tập, nghiên cứu khác nhau như khi học tập trong các lớp do Đảng bộ và cơ quan tổ chức, khi do Ban BTBTTN tổ chức, nhất là từng người, trên từng mảng công tác được giao phải nắm thật vững nội dung và bám sát các vấn đề cụ thể để tuyên truyền như các Nghị quyết của Đảng về vấn đề khoa học giáo dục, về văn hóa, về kinh tế, về xây dựng Đảng. Với khẩu hiệu “nhanh, đúng, trúng, hay” – tin bài ở các lĩnh vực nội chính – ngoại giao, văn hóa – xã hội, công nghiệp, nông nghiệp – nông thôn đều bám sát và tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng trong cuộc sống…”.
Còn đây là ý kiến của anh Lưu Vạn Kha, cán bộ biên tập Việt Nam News: “… Bám sát chức năng được xác định, Ban biên tập báo Việt Nam News đặc biệt coi trọng chất lượng của tờ báo, trước tiên là chất lượng chính trị, thông tin có định hướng. Cho nên mỗi khi làm tin, viết bài phóng viên, biên tập đều tự vấn: Tờ báo này là của ai, theo tôn chỉ mục đích nào, điều này có lợi hay có hại cho đất nước. Trước khi quyết định để loan tin, chúng tôi thường đặt ra những câu hỏi: Tin, bài này có tính đảng không? Có tính đại chúng không? Có chân thật không? Có khách quan không? Có toàn diện không?... Lật đi lật lại vấn đề trước khi quyết định đưa tin chính là sự bảo đảm cho chất lượng chính trị của tờ báo… Cùng đó, chúng tôi cũng rất chú ý nắm bắt và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của bạn đọc, chú trọng hơn đến trao đổi đối thoại, tránh áp đặt một chiều, tạo điều kiện cho bạn đọc tự rút ra kết luận sau khi tiếp nhận thông tin…”.
Ngần ấy lời cũng đủ thấy những đức tính như một sự bắt buộc cần có đối với người biên tập báo chí. Điều này nói rõ vì sao ở một vài tòa soạn còn để sơ xảy những lỗi biên tập đáng tiếc. Ví như: Người biên tập tự ý sửa câu chữ trong Điều luật đã được Quốc hội thông qua khi mà phóng viên trích dẫn đã ghi rõ. Thậm chí có những bài nội dung thông tin mang tính ma thuật; thông tin sai lạc, thiếu căn cứ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm công dân. Nặng nề hơn, trong báo chí còn không ít hiện tượng “ông nói gà, bà nói vịt”. Điển hình là vụ Tăng Minh Phụng – Liên Khui Thìn với 75 bị cáo, một vụ tham nhũng nặng nề nhất từ trước tới nay. Khi luật pháp đang xét xử, vậy mà vẫn có nhà báo, có tờ báo còn gân cổ bênh vực!... Khi ấy lại có tình trạng, biên tập viên, hoặc lãnh đạo tòa soạn “thí quân”, “bán đứng” phóng viên chỉ vì những chiếc “phong bao” bất lương, xô đẩy nội bộ vào cảnh “trận mạc”. Ở mức thấp hơn, số ít tòa soạn thường có sự bất đồng giữa người biên tập với phóng viên trong việc sửa chữa cắt cúp tin, bài. Lỗi này, nhiều khi không hẳn do người biên tập gây ra… Nhưng, thực tế ấy cũng đưa đến cho ta một lời khẳng định: Biên tập viên cần phải có tay nghề cứng cỏi!
Trước tiên, điều bắt buộc biên tập viên báo chí là phải trải qua công tác phóng viên; có đầy đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực của một phóng viên, không được phép kém hơn (mặt bằng) phóng viên trong tòa soạn về trình độ chính trị, về nghiệp vụ báo chí và đạo đức nghề nghiệp. Cùng với kiến thức sâu rộng, biên tập viên phải là người có ý thức trách nhiệm cao, có tinh thần kiên nhẫn, chịu suy nghĩ; tác phong khẩn trương, linh hoạt say sưa với công việc. Luôn tôn trọng quy chế biên tập (của tòa soạn), nền nếp, ngăn nắp; có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Luôn khiêm tốn, tôn trọng người viết, quý trọng công sức của phóng viên và cộng tác viên. Luôn là người thức thời, mẫn cảm với thời tiết chính trị và những diễn biến thực tế của cuộc sống, của thời cuộc… Tay nghề không giỏi, không đủ những đức tính và những điều kiện cần có kể trên, thì rất khó trở thành người biên tập cứng cỏi theo đúng nghĩa của công việc.
* Biên tập viên – phải thạo xử lý thông tin
Thông tin là chức năng cơ bản của báo chí. Tố chất của người biên tập ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng của tin, bài trên báo chí.
Một biên tập viên thiếu một cái nhìn sắc sảo trong phân tích, đánh giá có thể sẽ dẫn tới những sự đáng tiếc trong việc loan tin, và ngược lại. Ví như, có rất ít báo đối ngoại của nước ta đưa các ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham góp vào (Dự thảo) văn kiện Đại hội IX của Đảng thì Việt Nam News lại đưa rất nhiều ý kiến của quần chúng nhân dân… Nhằm minh chứng cho nền dân chủ XHCN để người nước ngoài thấy rằng con đường mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta lựa chọn đã được dân chủ bàn bạc, thảo luận công khai, chứ không phải là việc của “ông nghị” với nhau. Từ định hướng này, việc định lượng về số tin, bài và định hình về phương thức thể hiện cũng sinh động theo lên.
Cũng tương tự như vậy, khi những người biên tập ở bản tin trong nước của TTXVN, tham gia biên tập bộ sách “người tốt việc tốt” mang tên Tâm sáng, chí bền – một công trình chào mừng Đại hội đảng lần IX. Yêu cầu đặt ra cho phóng viên phân xã ở 61 tỉnh thành là phải gửi về những tấm gương tiêu biểu, đảm bảo tính chân thật. Ấy vậy mà vẫn có trường hợp phóng viên đã “xào lại” điển hình cũ, điển hình có vấn đề về lịch sử chính trị để đảm bảo tính chính xác, những người biên tập đã tìm cách xác minh và phát hiện ra có điển hình đã “mồ yên mả đẹp”, có điển hình quần chúng không đồng tình… Ở một góc độ khác, hầu hết phóng viên viết gương điển hình quá dài. Có bản fax tấm gương dài cả mét, như một tờ sớ. Trong khi ấy khuôn khổ của tập sách chỉ cho phép mỗi bài viết ở mức 300 – 400 từ. Đây là công việc được ví như: “Đưa con lừa qua lỗ chôn kim”. Ấy vậy mà 10 tập sách với 300 gương sáng đã kịp ra đời, được người đọc đón nhận nồng nhiệt”.
Là những người chuyên tâm với công việc biên tập như trên, vậy mà các đồng nghiệp ở đây vẫn khẳng định rằng: Việc hoàn thành bộ sách Tâm sáng, chí bền cũng là dịp để “rèn cán luyện quân”, thực sự là dịp bồi dưỡng, nâng cao một bước trình độ nghiệp vụ viết tin, bài, nhất là viết mẩu chuyện cho phóng viên trẻ mới vào nghề và cả những phóng viên có thâm niên nhưng lâu nay ít viết về thể loại này!... Hóa ra, việc tu luyện tay nghề của người làm báo là không có điểm dừng.
Thực tế công tác biên tập cho hay: Việc đánh giá, phân tích từng tin, bài của phóng viên, hoặc bạn viết gửi về tòa soạn là hết sức quan trọng. Đây là công việc đòi hỏi tính cẩn trọng, sự kỹ càng, chu đáo và ý thức trách nhiệm thực sự của người biên tập… Nhưng, căn cứ nào để đánh giá tin bài của người viết? Đương nhiên, phải hiểu đúng chủ đích của bài viết là gì, đề cập những vấn đề gì… nội dung ấy, chi tiết ấy có đáp ứng yêu cầu tuyên truyền hiện nay không? Dựa trên cơ sở của sự phân tích, đánh giá để người biên tập quyết định cách dùng, quyết định cách xử lý tin bài như: Dùng nguyên văn (nếu nội dung tốt, viết hay), hoặc bổ sung và biên tập lại để nâng cao hơn chất lượng tin bài, hoặc gạn lọc những chi tiết để phối hợp với các tin khác (thường là tin bài của cộng tác viên). Trong biên tập, điều cần khắc phục là bệnh đọc qua loa, quá tin vào những “cây viết” quen thuộc dễ đưa đến những sơ hở, thậm chí gây nguy hiểm làm mất uy tín của tòa soạn và Tổng biên tập. Hoặc người biên tập lạm dụng việc sửa chữa để viết lại bài của phóng viên, của cộng tác viên làm sai lạc vấn đề, hoặc theo gu văn phạm của mình… Hoặc “biển thủ” tư liệu của bạn đọc để “xào xáo”, chắp vá và thành ấn phẩm của mình. Đó là một cách đạo văn, đạo báo, vi phạm đạo đức nghề nghiệp!
Lâu nay, tựa như nhiều người biên tập đã quên đi việc ghi nhận xét để rút kinh nghiệm nghiệp vụ, là cách để xây dựng mối quan hệ giữa phóng viên, cộng tác viên với biên tập viên; đây cũng là công việc hữu ích đối với chi hội nhà báo trong việc bồi dưỡng tại chỗ về nghiệp vụ cho hội viên trong mỗi tòa soạn…
Biên tập, xử lý thông tin là công việc chính, công việc cốt yếu nhất của biên tập viên báo chí. Song, biên tập viên cũng còn phải tham gia vào tổ phóng viên “mũi nhọn”, hoặc phóng viên chuyên ngành, chuyên đề của tòa soạn trong chừng mực có thể… Họ là người phải nắm chắc tình hình thực tế, nắm chắc đầu mối công tác để đề xuất vấn đề tuyên truyền… Họ cũng còn là những người phải xây dựng chương trình, kế hoạch tin, bài; gợi ý chủ đề cho phóng viên; tổ chức mạng lưới thông tin viên, cộng tác viên, rút kinh nghiệm công tác theo quy định… Những công việc như vậy sẽ thiết thực giúp cho biên tập viên hoàn thiện công việc của người xử lý sự việc được ghi lại và sẽ là người biên tập cứng cỏi, thạo xử lý thông tin, là trợ lý hàng đầu của Tổng biên tập trước khi quyết định loan tin.