Khi đánh giá sự đổi mới của báo chí thiết nghĩ không thể không nói đến vai trò của các Tổng biên tập.
Gần đây, nhiều ngành, nhiều đoàn thể quần chúng, nhiều tổ chức kinh tế xã hội, nhiều tỉnh, thành phố đã rà soát lại người thay thế, bồi dưỡng những người sẽ kế nhiệm. Nhưng ở một số nơi, việc cân nhắc đề bạt Tổng biên tập không đúng luật định đã vấp phải sự phản ứng không nhỏ trong báo chí. Ví như ở Đài phát thanh ở một tỉnh nọ, Giám đốc và Phó Giám đốc đều là người ngoại đạo, quá ít hiểu biết về báo chí. Rốt cuộc, nhiều người trong Ban biên tập đã lao đơn đòi thay Giám đốc và Phó Giám đốc. Một số tỉnh và ngành khác lại bắt Tổng biên tập kiêm nhiệm quá nhiều việc hết “ủy viên” nọ đến “ủy viên” kia theo cơ cấu mà thực chất thì không cần thiết. Do đó Tổng biên tập bị biến mình, hoặc tự biến mình thành người chỉ “phụ trách chung”, ít tâm huyết với nghiệp vụ báo chí. Cá biệt có vị chỉ thích vi vu, giao tiếp mà quên mất công việc của mình là tờ báo và anh em trong tòa soạn. Phải thế chăng nên ở tờ báo nọ, có hàng chục người đứng đơn kiện Tổng biên tập, lời lẽ nặng nề đến nhường này: “Tổng biên tập của chúng tôi ưa phô trương, nói nhiều, làm ít… Rất ít họp hành với phóng viên, thậm chí thường lảng tránh những cuộc họp mặt, đối thoại với nhân viên, phóng viên… Đã thế lại hay nịnh trên, nạt dưới, trù dập những người trái ý”!...
Tất nhiên, xem xét, đánh giá sự trục trặc của người đứng đầu một cơ quan báo chí bao giờ cũng phải có quan điểm lịch sử, toàn diện và cụ thể. Xem từ phía chủ quan (Tổng biên tập), từ phía khách quan (đội ngũ và điều kiện), từ phía cấp quản lý và chủ quản (trong mối quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho báo chí), từ phía công chúng… Nhưng rõ ràng việc đề bạt một Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập bao giờ cũng thuộc về cấp ủy và chính quyền trực tiếp quản lý báo chí. Điều cần nói là phương pháp thẩm định, đúng hơn là công tác tổ chức phải đảm bảo tính chuẩn xác nhất trong việc tuyển lựa và cất nhắc cán bộ quản lý. Đây là vấn đề thuộc về quan điểm và nghệ thuật của nhà tổ chức.
Điều đáng buồn là thời gian qua ở một số ít địa phương, cấp ủy đã đổi thay quá nhiều Tổng biên tập và Giám đốc Đài với những lý do không thỏa đáng và không hề có sự tranh thủ ý kiến của Bộ Văn hóa – Thông tin, của Vụ Báo chí Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương.
Trên thực tế, người được cấp ủy bổ nhiệm tỏ ra có phẩm chất tốt và làm việc có hiệu quả. Nhưng phần đông thì thiếu những điều căn bản cần có của người cầm cân nảy mực một đơn vị báo chí, nên đã gây ra những hậu quả đáng tiếc như đã nói trên.
Vậy cái cần có Tổng biên tập là gì? Điều này được giải đáp rõ trong Điều 13, Chương IV của Luật Báo chí: “Tổng biên tập cần có đủ tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định”. Ai cũng biết, hoạt động báo chí là hoạt động chính trị - xã hội – nghề nghiệp có tính định hướng rõ ràng. Tổng biên tập phải có tư tưởng và đạo đức tốt, khách quan và trung thực, có lương tâm nghề nghiệp, có trách nhiệm với bạn đọc; ở đâu, nói gì và viết gì cũng phải phụng sự tuyệt đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi ích chung của Tổ quốc, nhân dân, tôn trọng pháp luật và yêu cầu của cộng tác tuyên truyền. Về mặt nghiệp vụ báo chí, Tổng biên tập trước hết phải là một cây bút có khả năng về nhiều mặt, đặc biệt là cây bút nghị luận sắc bén. Muốn như thế tất yếu Tổng biên tập phải có kiến thức văn hóa cơ bản, có kiến thức quản lý kinh tế - xã hội, am hiểu pháp luật… mới mong thực hiện tốt nhiệm vụ “là người đứng đầu cơ quan báo chí, lãnh đạo và quản lý cơ quan báo chí về mọi mặt, đảm bảo thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan và pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí như luật định”.
Mặt khác, Tổng biên tập là người điều hành, tổ chức tờ báo, giữ vai trò thẩm định quan trọng nhất các bài viết; là người quy tụ và phát huy khả năng của phóng viên, biên tập, thu hút các cộng tác viên và đông đảo bạn viết. Tổng biên tập còn là người chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm báo kế cận. Tổng biên tập phải có uy tín, năng động, nhạy bén, bám sát được ý đồ chỉ đạo và đoán định đúng tâm tư, nguyện vọng của bạn đọc, giữ được dây liên hệ thường xuyên với họ.
Tóm lại, Tổng biên tập phải đáp ứng những yêu cầu cao về nhiều mặt để có thể quán xuyến công việc, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập, định hướng đúng cho mỗi tờ báo, đáp ứng chiều sâu công tác nghiên cứu và đối tượng bạn đọc để tờ báo của mình có thể tranh đua với các báo bạn trong rừng báo đang tràn trề sức năng động và mới mẻ hiện nay.
Câu hỏi đặt ra: Tiêu chuẩn chọn Tổng biên tập cho mỗi tờ báo là gì?
Làm báo được khẳng định là một nghề, nghề chính trị. Đương nhiên người làm báo phải có nghề - cái cốt lõi của nghề là viết báo. Người đứng đầu cơ quan báo chí lại càng cần có tay nghề giỏi. Có như vậy mới ứng với lời thách thức: “Có cứng mới đứng đầu báo”.
Hiện nay ta chưa có trường lớp chuyên đào tạo cán bộ lãnh đạo cho các cơ quan báo chí, để từ đó chọn được những Tổng biên tập “chuẩn”. Nhưng thiết nghĩ hiện tại vẫn phải tìm Tổng biên tập theo cách “chọn cây” trong bó đũa. Nhưng ai là người chủ trì trong việc tìm cây thực sự là cây trong bó đũa ấy? Vẫn không ai khác, nếu là sự kế tiếp nhau thì chính là Tổng biên tập trước khi rời “chỗ” phải giới thiệu với cấp ủy, với cơ quan chủ quản về người thay thế mình. Lúc này vai trò của tổ chức Đảng và chính quyền là phải thẩm định lại dưới nhiều hình thức như định chọn ai thì tổ chức bỏ phiếu thăm dò đồng nghiệp của họ, trên cơ sở những tiêu chuẩn phải có của người Tổng biên tập. Nếu làm tốt thì đây là cách lựa chọn hay, nhưng nếu làm không tốt thì rất có thể sẽ làm rối thêm nội bộ. Do đó trách nhiệm đào tạo những người kế tiếp phải được xem là công việc thường ngày của thủ trưởng, của cấp ủy và mọi thành viên trong cơ quan báo chí. Việc không tìm được người thay thế, theo tôi có thể có nhiều nguyên nhân: do thiếu công tác chuẩn bị, đào tạo; do quan liêu hoặc ích kỷ, hẹp hòi, sợ đồng cấp vượt hơn mình… Cũng có trường hợp phải tìm Tổng biên tập từ ngoài tòa soạn. Nhưng dù trong trường hợp nào cũng cần dựa vào tiêu chuẩn cơ bản, cần được sự đồng tình của số đông thành viên trong tòa soạn và không thể bỏ qua việc tham khảo ý kiến của các cơ quan chủ quản, các tổ chức liên quan như đã quy định… Lẽ đương nhiên là mỗi báo có yêu cầu Tổng biên tập riêng. Báo Văn nghệ thường phải và phải là nhà văn có uy tín, kiêm ủy viên BCH. Báo địa phương thì phải là nhà báo, có thể là cấp ủy (tỉnh ủy). Báo ngành (Kinh tế, Ngoại thương…) thì phải có nghiệp vụ kinh tế… nếu có học vị chuyên môn thì càng tốt.
Nói chung cần bảo đảm về mọi mặt để Tổng biên tập thực sự xứng đáng là vai trò quyết định sự trường tồn và không ngừng phát triển của mỗi tờ báo.