Phóng viên – Người đầu nguồn sự kiện cần những bài báo hay
Thứ tư - 27/02/2019 10:56
Đối với mỗi cơ quan báo chí thì lực lượng phóng viên là đội quân chủ lực trực tiếp tạo ra sản phẩm báo chí. Họ là người nắm vững đối tượng nghiên cứu, đối tượng phục vụ của tờ báo nơi mà họ công tác, đồng thời họ cũng là người hơn ai hết nắm vững định hướng tuyên truyền, nắm vững chủ đích của mỗi kỳ ra báo. Họ là người nắm vững kỹ năng làm báo, thạo nghề làm báo, đó là lẽ đương nhiên. Song, hơn tất cả những điều được kể trên, họ là người luôn đứng ở đầu nguốn sự kiện; gắn bó mật thiết với cuộc sống; phản ánh cuộc sống bằng sự thực mắt thấy, tai nghe.
Phóng viên phải là người tuân thủ nghiêm ngặt nhất quy tắc của nghề làm báo (của nhà báo) đấy là: Phải tôn trọng sự thực khách quan (phản ánh thế giới hiện thực như nó có chứ không phải như ta mong muốn); phải chịu trách nhiệm về những điều mình viết; phải ý thức rõ nói dối, nói sai là lỗi nghiêm trọng nhất của nhà báo. Đừng bao giờ quên rằng: Báo chí là một nghề (phóng viên là người hành nghề) nên phải tuân thủ nghiêm ngặt 10 điều quy ước đạo đức báo chí, trong đó những đức tính như: Tính trung thực – Tính nguyên tắc – Lòng dũng cảm – Đức khiêm tốn… phải được xem như lẽ sống của nhà báo.
Đối với báo chí phương Tây thì lợi nhuận là trên hết, lợi nhuận chi phối quan điểm làm báo của phóng viên, biên tập. Sẽ là ngộ nhận nếu cho rằng việc báo chí phương Tây mặc sức bới móc, xỉa xói vào đời tư của các nguyên thủ quốc gia hoặc các nhà chính trị là họ có tự do báo chí (!) Thật ra, cái gọi là tự do và dân chủ đó đã được khôn vào trong một luật chơi nhất định, ấy là túi tiền của các ông chủ báo. Năm 2001, Trung tâm công chứng và báo chí PEW đã tiến hành một cuộc thăm dò đối với phóng viên và cho biết đến 1/3 phóng viên Mỹ thú nhận rằng nếu một đề tài nào đó có thể gây thiệt hại cho doanh thu bản báo thì họ buộc phải né tránh. 61% phóng viên điều tra cho rằng đề tài phóng sự là rất ăn khách, nhưng không phải đề tài nào cũng có thể biến thành phóng sự điều tra được. Cuộc thăm dò của tổ chức “Đề án tính ưu việt trong báo chí” (Project on Excellence in Journalism) tiến hành năm 2000 cho hay có đến 1/3 số giám đốc các hãng, đài truyền hình địa phương luôn loại bỏ đề tài phóng sự điều tra phanh phui các chủ doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đó có đăng ký quảng cáo trên phương tiện thông tin của mình! Rõ ràng, các nhà phụ trách, các phóng viên này đã tiến hành các hoạt động nghiệp vụ không phải vì mục đích cung cấp thông tin kịp thời và xác thực cho đối tượng nghe, nhìn của mình mà chỉ vì mối quan hệ làm ăn hai bên cùng có lợi!
Đồng tiền, lợi nhuận dễ trở thành sức ép vô hình hủy hoại lương tâm và trách nhiệm công dân của nhà báo! Trong khi đông đảo độc giả lại đang trông chờ những bài báo hay đích thực…
Trước khi trả lời câu hỏi: “Làm sao để phóng viên có những bài báo hay đích thực?” xin hãy tạm thống nhất với nhau khái niệm: thế nào là một bài báo hay?... Lời giải hẳn không giống nhau. Vì mỗi người có những khiếu thẩm mỹ khác nhua, có những nhu cầu tiếp nhận thông tin khác nhau, và trạng thái tâm lý của mỗi người trong từng thời gian, thời điểm cũng có sự khác nhau…
Tuy nhiên, vẫn có thể có một ý niệm chung, một đáp số tương đối. Theo chúng tôi, một bài báo (tác phẩm báo chí) hay phải hội đủ các tiêu chí dưới đây: - Cách viết phải hấp dẫn – Tư liệu phải chính xác (đúng với sự thật) – có hiệu quả xã hội, được dư luận thừa nhận. Theo đó, người ta cũng có cách nói khác: Một bài báo (sản phẩm báo chí) được xem là hay, có chất lượng gồm 3 mặt: Chính trị - Văn hóa – Khoa học. Vì lẽ, báo chí có sức lan tỏa nhanh rộng và có sức lưu trữ lâu bền, nên 3 yếu tố này, xem ra cũng có phần đồng nhất với 3 tiêu chí trên.
Ngày nay,người đoc, người nghe, người xem báo nói chung đang ngày càng trở nên khó tính hơn. Đó là sự khó tính đáng yêu, đáng trân trọng, đáng phải chiều vì đấy là biểu hiện bước phát triển của dân trí, của nhân cách con người. Sự khó tính ấy có sự đóng góp quan trọng của công nghệ thông tin, của các nhà báo. Bạn đọc, bạn nghe, bạn xem ngày nay có nhiều phương tiện để tiếp nhận thông tin. Ở đó các nhà báo đều tìm mọi cách để hút bạn đọc về phía mình bằng cách chuyển tải thông tin sao cho hay nhất, hấp dẫn nhất, chinh phục nhất, thuyết phục sự chú ý của đối tượng nhất trên phương tiện loan tin của mình… Một thông tin đưa ra không hấp dẫn, tư liệu không chính xác, thông tin vô bổ, không có ý nghĩa với người nhận thông tin… lập tức sẽ bị họ khước từ. Nếu những tiêu chí ấy bị khuyết hãm nhiều lần thì thậm tệ hơn sẽ bị bạn đọc tẩy chay. Cho nên, phóng viên phải ý thức thường trực: Viết cho hay là trách nhiệm tối quan trọng. Ý thức thường trực này phải được thể hiện trong tất cả các thể loại báo chí, từ tin tức đến phóng sự , điều tra, người tốt việc tốt, ký, tường thuật, ghi chép…
Tư liệu chuyển tải, viện dẫn trong bài viết ngoài sự chính xác, không chấp nhận sự hư cấu, bịa đặt thì việc khen, chê phải đích đáng, rành mạch, dứt khoát. Muốn nội dung bài báo phong phú thì tư liệu của phóng viên khi khai thác thực tiễn cuộc sống, sự kiện phải kỹ càng, có nhiều tình tiết lý thú, xúc động gây ấn tượng… Tiếp đó, là nghệ thuật viết, nghệ thuật chuyển tải thông tin của phóng viên qua tác phẩm ở thể loại báo chí nhất định mà mình quyết định lựa chọn. Nhưng dù thể loại nào thì phóng viên cũng phải tìm lối hành văn truyền cảm nhất, văn phong khúc triết, giản dị nhất, dễ hiểu nhất. Cao hơn là phải tự xây dựng cho mình một phong cách viết báo.
Đương nhiên, để có bài báo hay, thì đề tài phải hay, chủ đề phải có ý nghĩa lớn, được nhiều người quan tâm. Chủ đề tác phẩm báo chí là sự minh chững thái độ chính trị của phóng viên và người viết nói chung. Chủ đề được xác định rõ ràng cũng là thông điệp quan trọng biểu lộ sự nhanh nhạy, mẫn cảm, tinh tường trong khám phá, phát hiện vấn đề của phóng viên. Không thể có bài báo hay nếu bài viết của phóng viên không phát hiện được cái mới, không đề cập được vấn đề mới; không cắt nghĩa, phân tích, lý giải đúng thực trạng đặt ra. Cho nên chủ đề trong đề tài tuyên truyền phải là điều được người viết phát hiện trước tiên. Chủ đề được xác định rõ sẽ là cơ sở, là nguồn mạch quan trọng xuyên suốt giúp cho phóng viên dễ dàng hình thành bố cục, chọn lựa những chi tiết “đắt nhất” cho bài viết, cũng là lý do để tác giả dễ dàng cắt bỏ những chi tiết thừa làm lếnh loáng chủ đề…
Vậy, bằng cách nào để thực hiện tốt việc xác định chủ đề cho bài viết?
Vấn đề có tính nguyên tắc mà mỗi phóng viên không được lãng quên đấy là: Làm báo là làm chính trị. Phóng viên phải là người nắm chắc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; bám sát định hướng chủ trương tuyên truyền trong từng thời kỳ… Đồng thời, phóng viên cũng phải là người nắm rất vững trạng thái tâm lý của đối tượng bạn đọc trong từng thời điểm… Những điều nêu trên được xem là cơ sở, là những yếu tố quan trọng giúp cho phóng viên dễ dàng nhanh nhạy xác định rõ đề tài tuyên truyền và định rõ chủ đề cho bài viết, biết gạt bỏ những chi tiết, những sự việc có thật nhưng lại không nên đưa vào bài viết.
Lâu nay, người ta vẫn thường mách bảo nhau cách thức khai thác tài liệu của phóng viên. Người ta cũng nói nhiều tới năng lực và năng khiếu phát hiện của nhà báo. Quả thực, đây cũng là tố chất hết sức quan trọng của nhà báo. Có những bài viết về một tập thể lao động tiên tiến với lượng ngôn từ đồ sộ, nhưng người đọc chỉ nhận ở đó thông tin có tính thông báo rằng những người lao động này đã làm gì mà không biết được họ đã làm việc của họ như thế nào? Nghĩa là còn thiếu mất cái cốt tử của thông tin…
Nói đến phóng viên, nói đến nhà báo là nói đến tác phẩm báo chí của họ được phản ánh bằng thực tiễn cuộc sống như đúng bản chất của nó đã và đang diễn ra… Cho nên phóng viên phải là người sành sỏi trong phương pháp thu thập tài liệu. Phương pháp đầu tiên, quan trọng nhất là khai thác tài liệu trực tiếp. Nghĩa là phóng viên phải trực tiếp tiếp xúc với sự kiện, với đối tượng để khai thác, để có nguồn tư liệu phóng phú. Chỉ có gắn với thực tế, chỉ ở đầu nguồn sự kiện thì phóng viên mới có được những chi tiết lý thú, xúc động, gây ấn tượng phục vụ cho chủ đề tư tưởng trong bài viết của mình… Cùng đó, phóng viên cũng còn phải khai thác tài liệu qua những con người cụ thể, qua những cơ quan, qua những văn bản có độ tin cậy cây, mà trong nghề báo chúng ta quen gọi là lấy tài liệu gián tiếp. Tuy nhiên, cách “viết theo báo cáo” này đang bị lạm dụng. Ở một số thể loại báo chí khác như phóng sự, điều tra, người tốt việc tốt, bắt buộc phóng viên phải lấy tài liệu về các nhân vật phụ để phục vụ cho chủ đề, để làm tôn nhân vật chính…
Tài liệu được phóng viên khai thác phong phú kỹ càng có nhiều chi tiết, tình tiết hấp dẫn… là nguồn mạch chính tạo nên bút lực của phóng viên. Đây cũng là nguyên cớ để tác giả xác định được kết cấu logic của bài viết; rút được những tên bài hay và dễ nhận, là lối để tác giả chọn góc độ hợp lý mào đầu cho bài viết; là “lượng bột” để tác giả “gột nên hồ”… Cũng chính từ thực tế cuộc sống, sự kiện sinh động và phong phú mà phóng viên dễ dàng xác định rõ chủ đề, chọn đúng thể loại và ngôn ngữ biểu đạt cho bài viết của mình…
Nhân đây, muốn nói lại rằng: Tờ báo và tạp chí là gương mặt của Tổng biên tập. Gương mặt ấy được hiện hình từ những tác phẩm báo chí và những tác phẩm quan trọng nhất bao giờ cũng thuộc về đội ngũ phóng viên – vì họ là những người ở đầu nguồn sự kiện.
Một đội bóng đá mạnh thường là nhờ ở những ngôi sao. Một tờ báo, tạp chí mạnh thì phải có những cây bút trụ cột mà tên tuổi của họ luôn được đông đảo bạn đọc hâm mộ.
Quên lãng việc chăm lo đội ngũ nơi đầu nguồn sự kiện sẽ là một thiếu sót, một lỗi lầm không nhỏ của chính Ban biên tập, mà trước tiên là Tổng biên tập.
Nguyễn Uyển