Để nghề báo đẹp hơn

Thứ tư - 30/01/2019 10:34
Trong thời đại thông tin đang bùng nổ như hiện nay, nghề báo luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Ngoài việc không ngừng học hỏi để bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, cung cấp cho độc giả những thông tin chất lượng, hấp dẫn, nhà báo còn phải là cầu nối quan trọng, đưa tiếng nói của người dân đến gần với các cấp chính quyền và giúp xã hội ngày một tốt đẹp từ chính lương tri của những người cầm bút...
Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, Người làm báo ghi lại những cảm nhận, kỷ niệm về nghề của các nhà báo, giảng viên báo chí.
321
Để nghề báo đẹp hơn, rất cần những nhà báo chân chính

Nhà báo Lò Anh Hiếu, Phó trưởng Ban thời sự - Chính trị (Báo Công an Nhân dân)
Trắng đêm, dầm mưa, thấm rét cùng trinh sát  “đánh án ma túy”
Là một nữ nhà báo nhưng lại có duyên viết về án ma túy, nên tôi đã nhiều lần đi cùng các trinh sát trực tiếp “đánh án”. Hiểu được sự vất vả của trinh sát, cánh nhà báo chúng tôi mới có chất liệu mang hơi thở cuộc sống để viết bài sống động.

Năm 2009, để có tư liệu về loạt bài “Cuộc chiến nơi cửa tử”, tôi cùng đồng nghiệp đã cùng ăn, ở, bám sát quá trình đánh án với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy Công an huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Có thức đêm trong cái lạnh “cắt da cắt thịt” tại vùng ma túy nguy hiểm, nghe những câu chuyện bắt tội phạm, chúng tôi mới hiểu được công việc khó khăn nhưng hết sức vinh quang của những chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam.

Hay với loạt bài “Chuyển hóa “vùng đất dữ” Lóng Luông” năm 2017, xuất phát từ Hà Nội lên Mộc Châu từ đầu giờ chiều, nhưng do thời tiết mưa bão, chúng tôi phải mất gần 10 giờ đồng hồ. Trên Quốc lộ 6 uốn lượn theo đồi núi, đất đá có thể sạt lở bất cứ lúc nào gây nguy hiểm cho xe cộ đang đi. Đến đích, chúng tôi gặp Ban chuyên án và các nhân chứng để thu thập tư liệu cho bài viết. Lũ tràn về, chia cắt tuyến đường Hòa Bình – Sơn La khoảng nửa cây số đã khiến chúng tôi mắc kẹt 3 ngày. Trời mưa, người có thể ướt, nhưng máy tính, máy ảnh, tài liệu của chúng tôi vẫn được bảo quản cẩn thận. Là phóng viên, không thể ngồi phòng máy lạnh viết bài mà phải chịu khó đi địa bàn, bám cơ sở. Có đi thực tế mới có đủ sáng tạo để đưa lên mặt báo những sự kiện được người dân quan tâm nhất, từ đó sẽ gây dựng được “thương hiệu” của riêng mình.

Phóng viên Nguyễn Thị Tâm, Báo điện tử VTC News:
Mãnh liệt để cống hiến
Thời gian đầu mới vào nghề, tôi gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đề tài hoặc liên hệ phỏng vấn các chuyên gia, các nhà lãnh đạo, những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Mới ra trường, nên tôi không có nhiều mối quan hệ để phục vụ cho công việc của mình. Qua thời gian, tôi nhận được sự giúp đỡ từ những anh chị đồng nghiệp đi trước, từ bạn bè và thậm chí từ chính các nhân vật tôi từng phỏng vấn. Là người chuyên viết về mảng giáo dục, tôi thường xuyên theo sát các diễn biến mới nhất về những thay đổi của ngành. Đặc biệt, vào mùa tuyển sinh, những phóng viên giáo dục như tôi hầu như không thể có được một bữa ăn, giấc ngủ, trọn vẹn…
Nghề báo vất vả, nhưng cũng có nhiều niềm vui khi được đi nhiều, trải nghiệm nhiều và học hỏi được vô vàn những điều mới mẻ. Hy vọng rằng, khi lửa nghề trong mình còn cháy mãnh liệt, tôi cố gắng tiếp tục cống hiến cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, phục vụ tốt nhất nhu cầu thông tin của công chúng.

Nhà báo Ngọc Hà, Báo Xây dựng:
Được sống đúng với ước mơ
Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi luôn nung nấu một mơ ước trở thành nhà báo hoặc một hướng dẫn viên du lịch. Ý nghĩ đó đã thôi thúc tôi đặt bút đăng ký thi vào một trường đào tạo báo chí chuyên nghiệp và ra trường, tôi quyết tâm trở thành một nhà báo chuyên nghiệp.

Một phóng viên giỏi ngoài năng khiếu, cần có một môi trường đào tạo chuyên sâu và những đồng nghiệp – lãnh đạo tâm huyết. Tôi may mắn được nhận làm việc ở tòa soạn Báo Xây dựng - ở đó, mỗi đồng nghiệp, anh, chị trong tòa soạn giống như một chuyên gia phụ trách từng lĩnh vực khác nhau. Tôi thấy được ở họ sự năng động, thông minh. Tôi nhận được sự chỉ bảo tận tình của các bậc tiền bối để trưởng thành hơn qua từng bài viết, qua cách nhìn nhận vấn đề và hơn thế nữa, tôi được sống, được yêu và mong muốn gắn bó với nghề báo – dù ai cũng nhận định đây là một nghề gian truân vất vả nhất là với nữ giới.

Để có những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống và có giá trị thông tin cao, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác có lúc phải mạo hiểm, gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Nhưng chính thực tế trải nghiệm, tôi thấy mình ngày càng trưởng thành hơn và tự tin hơn qua từng bài viết. Với tôi, nghề báo là nghề không chấp nhận sự lười biếng, phải thực sự yêu nghề, say nghề mới thành công. Nghề báo đã cho tôi thỏa mãn mơ ước được đặt chân lên mọi miền đất nước, càng khó khăn gian khổ tôi lại càng thấy yêu nghề hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, giảng viên khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Hòa mình vào làm báo và dạy báo
Sau khi được đào tạo chuyên ngành ngôn ngữ từ Nga về, cơ duyên đã đưa tôi đến với báo chí và sự nghiệp giảng dạy tại Khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tại đây, khi được tiếp cận với nhiều nhà báo và chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, tôi bị thu hút với nghề báo – một nghề có ích cho xã hội và đầy ắp những điều thú vị.

Trên cương vị của một giảng viên báo chí, tôi luôn phải trau dồi thật nhiều về kỹ năng, chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, tăng cường học ngoại ngữ để bổ sung thêm những vốn kiến thức cần thiết liên tục được cập nhật trong xu thế báo chí hiện đại. Thông qua các khóa học về bồi dưỡng nghiệp vụ, tích cực học hỏi từ những người thầy đi trước, tự học từ các tài liệu trong và ngoài nước, tôi có thể tự tin đứng lớp, truyền đạt những vốn kiến thức và hiểu biết của mình đến các thế hệ sinh viên báo chí, tham gia các buổi thảo luận để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Làm báo và dạy báo đã cho tôi nhiều cơ hội được hòa mình với nhịp sống trẻ của sinh viên và sự sôi động của cuộc sống, được cống hiến hết mình với đam mê và giúp ích cho xã hội từ chính lương tri của “người cầm bút”.

Phóng viên Minh Thương Báo Tuổi trẻ:
“Ngòi bút” giúp đỡ một cuộc đời
Đó là lần tôi đi tác nghiệp ở xóm chài bãi giữa sông Hồng. Rất xúc động khi đập vào mắt mình đầu tiên là những căn chòi đơn sơ nổi trên mặt nước. Tôi được tiếp xúc và lắng nghe hoàn cảnh của những người dân ở đó, nhất là những em nhỏ.

Hôm đó gần Trung thu, một em bé nói với tôi là em không cần đi rước đèn, không cần được tặng quà gì cả, em chỉ muốn ngày Trung thu bố mẹ ở nhà với em. Vì bố mẹ em phải đi làm quần quật ở chợ Long Biên từ sáng sớm đến nửa đêm mới về.

Nhưng điều mà tôi nhận được hôm đó không chỉ là thông tin để viết bài mà còn cảm thấy yêu thêm nghề báo, vì nhờ có nghề này mà được gặp gỡ nhiều người, cảm thông với những nỗi đau của người khác. Bài viết được một số nhà hảo tâm đọc và đến giúp đỡ hỗ trợ gia đình em được phản ánh trong tác phẩm. Tôi thấy vui vì ít ra ngòi bút của mình đã có thể thay đổi hay giúp đỡ được cuộc đời của một ai đó.

Phóng viên Nhân Hòa, Tạp chí Doanh nhân Việt Nam:
Chuyến đi đáng nhớ
Những ngày đầu chập chững bước vào nghề, khi nhận được đề tài, tôi đầy ắp háo hức, tràn đầy hy vọng của một phóng viên trẻ. Nhân vật để chúng tôi đến phỏng vấn ở Chương Mỹ (Hà Nội) phải đi 2 chuyến xe bus, sau đó đi bộ thêm 3km mới tới được nhà nhân vật.

Để có được bài báo hay, phản ánh chân thực cuộc sống ở cơ sở, phóng viên dấn thân vào những vấn đề nóng để đem thông tin chân thực đến với độc giả. Và những dấu ấn này trở thành hành trang đầy lưu luyến trong cuộc đời mỗi phóng viên, nhà báo như tôi để tiếp tục cống hiến.
 
Ngọc Huyền


 

Nguồn tin: Người làm báo Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây