Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội đều có vô vàn ứng dụng mới, tiện ích và thiết thực. Làm báo thời kỷ nguyên số rõ ràng hiện đại hơn, nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn nhưng cũng có những cái khó riêng. Sự phát triển của Internet và các phương tiện kết nối, mạng xã hội tác động mạnh mẽ đến các loại hình báo chí. Trong kỷ nguyên số, người làm báo muốn đứng vững, đem đến thông tin thời sự, hấp dẫn, chính xác cho độc giả buộc phải rèn luyện cả kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.
Nói về kỹ năng, dường như công nghệ thông tin đã được người làm báo trẻ “phổ cập”. Ngày nay hiếm có nhà báo nào không có facebook, không ngày nào không lướt web, chek mail. Đó không chỉ là nơi gặp gỡ bạn bè, giải trí, mà với nhiều người làm báo, đó còn là một kênh thông tin phong phú, là kho tư liệu đa phương tiện cập nhật từng giây. Mạng xã hội giúp người làm báo dù ở một chỗ vẫn có nhiều thông tin, nên việc nắm bắt các vấn đề nóng, được xã hội quan tâm cũng nhanh hơn. Nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mỗi người dân đều có thể là một “nhà báo” trong cộng đồng. Cũng vì lẽ đó, người làm báo phải là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, chọn lọc và xử lý tốt thông tin để từ đó có hướng tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí.
Trên thực tế, tôi cũng đã nhiều lần sử dụng các nguồn thông tin từ mạng xã hội, từ báo điện tử để triển khai thành đề tài báo chí sau khi đã kiểm chứng; ngược lại, nhiều thông tin báo chí phù hợp với mạng xã hội được tôi đẩy lên mạng. Trong rất nhiều trường hợp, những thông tin trên facebook của người làm báo được đón nhận và tin cậy. Dù trong trường hợp nào, người làm báo phải có cả trình độ lẫn bản lĩnh.
Đặc biệt, làm báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số có tính tương tác rất lớn, người làm báo phải thận trọng hơn rất nhiều trong từng câu, từng từ, từng sự việc. Đây là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để người làm báo luôn phải tự sửa mình, làm tốt vai trò thông tin cho bạn đọc.
Nhưng một thực tế phải nhìn nhận là thông tin trên mạng xã hội không phải luôn chính xác. Không ít thông tin sai sự thật, mang tính giật gân, câu khách trong khi không phải ai cũng đủ bình tĩnh lẫn khả năng để xác tín một thông tin trên mạng xã hội. Sống giữa kỷ nguyên công nghệ số cũng là cơ hội để truyền thông chính thống khẳng định lại vai trò của mình. Vì chỉ có người làm báo chuyên nghiệp mới có đủ các mối quan hệ, kinh nghiệm, nghiệp vụ để lọc tin, xác tín thông tin. Người làm báo vì thế càng phải rèn kỹ năng, đạo đức để đưa thông tin chính xác, hữu ích đến với độc giả.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tạo ra những mặt tích cực cũng như tiêu cực đối với những người làm báo. Cũng vì thế mà yêu cầu về mặt hình thức, nội dung, độ nhanh nhạy, độ chính xác, độ thẩm mỹ… của báo chí cũng đòi hỏi phải ngày càng tăng lên. Tất nhiên, đã làm báo, đã sống trong thời đại công nghệ số thì bản thân nhà báo buộc phải thích ứng với những mặt trái và mặt phải của sự phát triển công nghệ thông tin. Một mặt nhà báo phải tận dụng tối đa những thuận lợi mà công nghệ thông tin, mạng xã hội đem lại, để vận dụng trong quá trình tác nghiệp, mặt khác nhìn thấy những nguy cơ để hạn chế tối đa sự cẩu thả, dễ dãi khi sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội thành công cụ tác nghiệp, nguồn tin của mình.
Vi Ngoan