Được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo, dìu dắt của Bác Hồ và niềm tin yêu, đùm bọc của nhân dân, 66 năm qua kể từ ngày thành lập (21/4/1950 - 21/4/2016), Hội Nhà báo Việt Nam – tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh, chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo – những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng. Đội ngũ người làm báo ngày càng đông đảo, chất lượng ngày một nâng cao, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Đảng ta. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, hơn 400 hội viên – nhà báo đã ngã xuống trên các chiến trường khi đang tác nghiệp. Đó là sự hy sinh, cống hiến bằng xương máu của đội ngũ những người làm báo cách mạng. Tự hào về truyền thống vẻ vang, phát huy những thành tích đã đạt được, những người làm báo cả nước thấm nhuần sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo chí, đề ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả xã hội của báo chí, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và sự nghiệp báo chí cách mạng nói riêng.
I. Sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam.
Từ gần 300 hội viên buổi đầu tiên thành lập tại chiến khu Việt Bắc ngày 21/4/1950, trải qua 10 kỳ Đại hội, đến nay, Hội Nhà báo đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, với gần 24.000 hội viên. Với bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm, những nhà báo đã xông pha, dấn thân, phản ánh chân thực, kịp thời mọi mặt đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, và luôn ở tuyến đầu trên mặt trận chống tiêu cực. Hội Nhà báo đã khẳng định sứ mệnh tiên phong, tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh, tác phong người làm báo. Đạt được những kết quả đó, trong suốt quá trình hoạt động tổ chức Hội Nhà báo luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các ban ngành liên quan bằng các chỉ thị, Nghị quyết cụ thể và thường xuyên thể chế hóa các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và hoàn thiện hệ thống các văn bản cụ thể và thường xuyên thể chế hóa các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí vói chung và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các cấp Hội Nhà báo phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong xã hội, các nhà báo – hội viên thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân theo đúng định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới; Chỉ thị số 37 – TC/TW (khóa IX) ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả, chất lượng hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam; Thông báo kết luận số 221- TB/TW của ban Bí thư Trung ương (khóa X), đảm bảo để Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp trong giai đoạn cách mạng mới; Chỉ thị 919/CT – TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam; Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam ngày 23/7/2013 cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện cho tổ chức Hội Nhà báo hoàn thành trọng trách của mình.
II. Đội ngũ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng đông đảo
Bằng những hoạt động thiết thực và hiệu quả, có sức lan tỏa rộng, tổ chức Hội Nhà báo ngày càng thu hút sự tham gia của những người làm báo. Hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết cùng các văn bản quan trọng khác của Đảng và Nhà nước, các cấp Hội được cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn, được tạo điều kiện về cơ sở vật chất và tinh thần. Các cấp Hội hoạt động tuân thủ theo Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, không xây dựng Điều lệ riêng.
Bộ máy tổ chức hội được kiện toàn, điều kiện hoạt động được cải thiện, số lượng hội viên gia nhập Hội tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 277 tổ chức Hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 18 Liên Chi hội, 196 Chi hội trực thuộc Trung ương với gần 24 ngàn hội viên, bình quân mỗi năm tăng gần 1.000 hội viên. Với điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp hội viên ngày càng chặt chẽ. Đơn cử như điều kiện về trình độ học vấn, nếu trước đây yêu cầu hội viên phải có trình độ từ cao đẳng trở lên (ở vùng sâu vùng xa thì chỉ cần trình độ sơ cấp) thì tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) yêu cầu hội viên phải có trình độ đại học, còn vùng suu, vùng xa phải có trình độ cao đẳng trở lên. Đây là điều kiện bắt buộc dẻ sang lọc chất lượng hội viên.
Cùng với việc phát triển tổ chức Hội và hội viên, hàng năm Hội đã tiến hành rá soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả. Năm 2014. Trung ương hội quyết định giải thể 25 tổ chức Hội và xóa tên nhiều hội viên. Đặc biệt, trong đợt đổi thẻ hội viên giai đoạn 2016 – 2021, Thường trực Thường vụ Hội chủ trương tiến hành rà soát các cáp Hội, kiên quyết giải thể những đơn vị không tuân thủ hoạt động theo Điều lệ Hội Nhà báo Việt nam. Tại thời điểm này, qua việc rà soát kỹ hồ sơ đổi, cấp thẻ của các cấp Hội gửi lên đợt đầu, có 19.233 trường hợp đủ điều kiện đổi thẻ hội viên. Điều đó cho thấy các cấp hội đã rà soát xét rất kỹ từng trường hợp, kiên quyết loại bỏ những đối tượng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện trở thành hội viên. Việc đổi thẻ hội viên giai đoạn 2016 – 2021 được kết hợp chặt chẽ với việc rà soát củng cố tổ chức cơ sở Hội từ Trung ương xuống các địa phương, đồng thời với việc tổ chức Đại hội các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, Liên chi hội và các Chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Đến nay sinh hoạt các cấp Hội ngày càng nền nếp, có hiệu quả và chất lượng. Đây chính là biện pháp hữu hiệu để sàng lọc chất lượng hội viên, nhằm đáp ứng yêu cẩu trong thời kỳ mới.
III.Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hội viên
Xác định chất lượng hội viên là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển lớn mạnh của tổ chức Hội cũng như quyết định chất lượng báo chí, nhiều năm qua Lãnh đạo các cấp Hội luôn quan tâm và có nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo và hiệu quả, có tác dụng rất lớn trong việc thu hút hội viên, từng bước nâng cao chất lượng hội viên góp phần giúp người làm báo nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Hàng năm Thường trực Thường vụ Hội kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các cấp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm và được các cấp Hội triển khai hiệu quả, tạo sự đồng thuận thống nhất trong các cấp Hội.
1.Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành: Thực hiện Chương trình hoạt động toàn khóa và kế hoạch hàng năm, Trung ương Hội đã kịp thời chỉ đạo và có các văn bản hướng dẫn các cấp Hội thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất theo Nghị quyết Hội nghị toàn quốc hàng năm đề ra.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội, các tổ chức Hội căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương đã có những cách làm sáng tạo, nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị. Nhờ sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa trung ương Hội Nhà báo Việt Nam với các địa phương, các cơ quan chủ quản, ý thức trách nhiệm cao của hội viên, các đơn vị cấp Hội đều đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
2. Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã chỉ đạo các cấp hội triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 226/KH-HNBVN về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tạo bước chuyển trong nhận thức của hội viên về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Qua thực tiễn hoạt động Hội cho thấy, hầu hết những người làm báo trong cả nước đều tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng một số hội viên, nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo bị xử lý kỷ luật ngày càng tăng. Tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống báo chí và thông qua hệ thống báo chí trước hết bắt đầu từ người làm báo. Đáng tiếc một bộ phận người làm báo ít quan tâm vấn đề này, chưa nhận thức nghiêm túc về vai trò xã hội, trách nhiệm với bạn đọc, ý nghĩa tích cực của báo chí với sự phát triển xã hội và con người tác động xấu đến xã hội, làm người đọc hoang mang, suy giảm niềm tin vào chính quyền. Bên cạnh đó sự thiếu trách nhiệm, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý của một số cơ quan chủ quản báo chí cũng làm gia tăng tình trạng trên. Trước tình hình đó, vừa qua Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trên cơ sở bổ sung, sửa đổi 9 Điều quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam ban hành từ năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
3. Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ:
Trung ương Hội và các cấp Hội luôn coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt với nhiều hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực. Ban Nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam bình quân mỗi năm tổ chức 12 cuộc tọa đàm, hội thảo quốc gia, quốc tế; Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội hàng năm tổ chức từ 80 đến 100 lớp. Việc sử dụng hiệu quả kinh phí Chính phủ hỗ trợ cho các cấp hội để sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao có tác động mạnh mẽ góp phần nâng cao chất lượng nghiệp vụ, thông tin báo chí. Đặc biệt Giải báo chí Quốc gia đến thời điểm này vẫn là giải danh giá nhất của những người làm báo, uy tín, chất lượng Giải ngày càng được khẳng định và nâng cao.
4.Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên ngày càng được quan tâm đúng mức: Những năm gần đây tình trạng người làm báo khi đi tác nghiệp bị hành hung, bị thu giữ phương tiện làm việc xảy ra khá nhiều. Khi vụ việc xảy ra, được sự chỉ đạo của Thường trực Thường vụ, Ban Kiểm tra các cấp kịp thời vào cuộc, có ý kiến đến các đơn vị liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra thường xuyên được đẩy mạnh, có nội dung và đạt hiệu quả cao hơn theo hướng kiểm tra và tự kiểm tra. Ban Kiểm tra Trung ương Hội tổ chức nhiều cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất hoạt động của các cấp hội theo 5 nhiệm vụ quy định tại Điều lệ Hội. Trung ương Hội tăng cường quản lý hội viên, hạn chế tình trạng hội viên vi phạm pháp luật, kỷ luật công tác. Hội coi trọng việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, hội viên, đồng thời chấn chỉnh các hành vi sai phạm.
5. Các hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện xã hội: Đây là hoạt động được các cấp Hội tổ chức sôi động và có sức lan tỏa trong xã hội, thể hiện nét đẹp nhân văn của người làm báo. Các cấp hội tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội, văn hóa thể thao, từ thiện, làm phong phú đời sống tinh thần của hội viên và nâng cao vai trò của tổ chức Hội, góp phần tập hợp, cổ vũ, động viên, giáo dục ý thức cộng đồng trong đội ngũ hội viên. Hội báo Xuân hàng năm tổ chức tại các địa phương và Hội báo Xuân toàn quốc 5 năm một lần ở Trung ương đã trở thành nét đẹp văn hóa, phục vụ nhu cầu tinh thần của xã hội. Từ năm 2016, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam quyết định tổ chức Hội báo toàn quốc hàng năm tại Thủ đô Hà Nội với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động báo chí.
Hoạt động từ thiện trong các cấp Hội và các cơ quan báo chí được hội viên, nhà báo hưởng ứng mạnh mẽ bằng các nguồn đóng góp của các nhà báo và huy động các nguồn lực xã hội đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, tạo thành phong trào sôi nổi, mang tính tự nguyện với số tiền và hiện vật quyên góp trị giá hàng chục tỷ đồng.
6. Công tác thi đua, khen thưởng: Bên cạnh việc đổi mới mạnh mẽ phương thức, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cấp Hội, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ở các cấp Hội luôn coi trọng công tác thi đua, khen thưởng nhằm kịp thời động viên các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương Hội xây dựng Quy chế hết sức chặt chẽ và căn cứ vào đấy để bình xét hàng năm một cách công khai, chính xác, kịp thời. Sự khen thưởng chính là nguồn động viên to lớn để người làm báo hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.
7. Hoạt động đối ngoại: Trên cơ sở duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác truyền thống, đặc biệt là các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Cuba, Hàn Quốc và các nước trong khối ASEAN, hang năm Hội Nhà báo Việt Nam đã cử các đoàn cán bộ, hội viên, phóng viên báo chí thăm và trao đổi nghiệp vụ báo chí tại các nước, đồng thời cũng tổ chức đón đoàn báo chí các nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Năm 2015, tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập và Đại hội đồng lần thứ 18 Liên đoàn các nhà báo ASEAN tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam được Ban Giám đốc CAJ bầu giữ chức Chủ tịch CAJ lần thứ 18 (nhiệm kỳ 2015 – 2017); Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam được bầu làm Tổng thư Ký thường trực CAJ. Phát huy vai trò Chủ tịch của Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ), năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã triển khai tốt 3 sự kiện: Khóa tập huấn cho phóng viên CAJ “Báo chí với vấn đề biến đổi khí hậu” tại Hà Nội; Chuyến tham quan và viết bài của phóng viên CAJ với chủ đề “Những thành tựu của Việt Nam sau 30 năm đổi mới” tại Hà Nội, Đà Nẵng và ngày 29/12 tới đây sẽ tổ chức Hội thảo toàn quốc “30 năm đổi mới báo chí – những vấn đề lý luận và thực tiễn” kết hợp trao giải thưởng cuộc thi ảnh báo chí “ASEAN – Một cộng đồng”.
IV. Kiến nghị, đề xuất:
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, hoạt động của các cấp Hội còn một số mặt tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, hội viên chưa cao. Một số tổ chức Hội chưa được chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản quan tâm, tạo điều kiện hoạt động. Một số cơ quan báo chí còn buông lỏng công tác quản lý cũng như định hướng nội dung tuyên truyền dẫn đến tình trạng vẫn còn có hội viên – nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của hội viên – nhà báo rất cao nhưng Hội chưa có đủ năng lực, kinh phí để đáp ứng. Sự phối hợp giữa ban Kiểm tra Trung ương với các cấp Hội chưa thực sự chặt chẽ trong việc kiểm tra, phát hiện và có biện pháp triệt để trong việc xử lý hội viên vi phạm đạo đức, nghề nghiệp.
Trên cơ sở thực tiễn hoạt động của các cấp Hội, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
1. Đề nghị Đảng, Nhà nước tăng kinh phí hoạt động cho tổ chức Hội, đồng thời có quy định cụ thể về biên chế, kinh phí hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố theo một mô hình thống nhất trên toàn quốc, trên cơ sở đó để các cấp ủy, chính quyền địa phương làm cơ sở pháp lý lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cấp hội.
2. Đề nghị xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích cán bộ tham gia công tác Hội, có chính sách hỗ trợ hoặc phụ cấp công vụ cho các Ủy viên ban Chấp hành và cán bộ, viên chức chuyên trách tại Văn phòng Hội như các hội đoàn thể, chính trị - xã hội khác. Đối với người đã nghỉ hưu hiện giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các HNB tỉnh, thành phố phải được hưởng chế độ thù lao theo Quyết định 30 của Chính phủ. Nếu kéo dài tình trạng như hiện nay, lo ngại sẽ không có người muốn tham gia công tác Hội.
3. Phát huy hơn nữa vai trò của Hội Nhà báo trong việc đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật nhân sự lãnh đạo các cơ quan báo chí.
4. Nên tăng kinh phí hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao.
5. Đề nghị Trung ương tạo điều kiện cho Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường hơn nữa các hoạt động đối ngoại và tạo điều kiện cho lãnh đạo các cấp Hội được tham gia các chuyến công tác, giao lưu với HNB nước ngoài.
Hà Thị Hồng Dương
Trưởng Ban Công tác Hội Nhà báo Việt Nam