Hội thảo “Báo chí 30 năm Đổi mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức gợi cho tôi nhớ lại ngay lập tức cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ trong hai ngày mồng 6 và mồng 7/10/1987. Đồng chí Nguyễn Văn Linh mở đầu một cách thẳng thắn và giản dị: “Tôi có một băn khoăn: hình như từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay những thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước, không biết có đúng thế không? Nếu không đúng như thế, thì tôi mừng. Còn nếu đúng như thế thì tại sao? Hay do lãnh đạo có sự kiểm duyệt, sự hạn chế gì?... Nếu có tình hình ấy, tôi đề nghị có thể đó là một chủ đề để chúng ta trao đổi. Tôi mong được nghe ý kiến các đồng chí…”.
Nhà lý luận Hồ Ngọc trả lời thẳng câu hỏi của đồng chí Nguyễn Văn Linh: “Vâng, văn nghệ ta nghèo, vừa nghèo vừa lạc hậu như đất nước ta hiện nay vậy”. Còn nhà văn, nhà báo Nguyễn Khắc Viện thì bộc trực như một sử quan: “Văn nghệ sĩ là những người nhạy cảm với tâm tư nguyện vọng của nhân dân, với những gì mới chớm nở, họ nuôi những ước mơ cao hơn những người khác, họ cũng xót xa hơn những người khác trước những điều tiêu cực; và tất cả những buồn vui hào hứng hay căm giận tủi nhục của mọi người được họ đúc kết lại, diễn đạt ra bằng những bài thơ, quyển truyện, vở kịch, cuốn phim, bức tranh, pho tượng… Trong những năm qua, văn học nghệ thuật của ta chưa đóng được đầy đủ vai trò của nó. Vì bị trói buộc. Sự lãnh đạo văn nghệ trong mấy năm qua nhiều lúc còn thô sơ, tỉa cành bắt sâu trong một vườn hoa quý lại dùng dao búa làm rừng khai hoang… Những người làm báo, viết văn, làm phim thường xuyên được nhắc nhở: phải làm như thế này, không được làm như thế kia, bị trói buộc bởi một loạt húy kỵ… Lâu lâu lại nổ ra một vụ án: bài báo này, quyển sách kia, cuốn phim nọ bị kết án là “xét lại”, là “chống Đảng”, là “có tính kích động”… Thông thường, bản án nào cũng có kỳ hạn, mãn hạn án chung thân, có khi còn hại đến cả con cháu”… Đồng chí Tổng Bí thư đã bắt tay thân thiết bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và trực tiếp nhận lấy bản tham luận.
Sau hai ngày ngồi nghe, người đứng đầu của Đảng lúc ấy nói chừng 50 phút.
“Qua ý kiến anh em, tôi nhận ra ba điểm thống nhất:
Một là: sự lãnh đạo của Đảng trong nhiều năm qua đã đánh giá thấp vai trò vị trí của văn học nghệ thuật và của văn nghệ sĩ.
Hai là: chẳng những thế, sự lãnh đạo ấy còn thiếu dân chủ, trói buộc văn nghệ, nhiều khi độc đoán, sát phạt.
Ba là: cơ chế quản lý tổ chức không đúng, nhiều chính sách bất công, không chỉ làm cho đời sống các đồng chí khổ cực mà công việc của các đồng chí rất khó khăn, phức tạp…
Và đồng chí kêu gọi: “Phải làm theo câu thơ của Bác Hồ: Ở trong thơ cần có thép. Phải dũng cảm. Đừng chùn bước. Lịch sử sẽ chứng minh cho mình… Văn nghệ phải nói lên sự thật, dù là sự thật phũ phàng, nhưng mà có thật… Nếu như còn bị trói thì thà đừng viết, chưa viết. Hãy đi vào trong thực tế quần chúng đã. Cởi trói được rồi hãy viết, chứ đừng uốn cong ngòi bút của mình, đừng uốn cong tư duy, tình cảm của mình. Đừng viết cho “hợp thời”. Làm thế tức là vứt bỏ hết chất cách mạng của mình rồi”…
Đó là hai ngày đáng nhớ đối với ai trực tiếp tham gia sự kiện đó; đó là những điều đáng nhớ với tất cả những ai cầm bút.
Nêu rõ sự thật, đấu tranh vì dân chủ, tự do và hạnh phúc của nhân dân là hạt nhân Đường lối báo chí của Đảng
Trong lịch sử, không phải sự thật nào cũng hiển nhiên như ánh sáng mặt trời. Nó luôn bị che giấu, đàn áp. Và những quyền tự nhiên của con người không phải tự nhiên mà có. Nó phải qua đấu tranh rất cam go, khốc liệt và quá lâu dài.
Tư tưởng dân chủ, dân là gốc đã có từ thời cổ đại. Song suốt hàng chục thế kỷ qua, nhưng bước tiến về dân chủ của nhân loại là quá chậm.
Tại Châu Âu, ngày 17/02/1600, tại Quảng trường Hoa của La Mã, tòa án Giáo hội đã đem thiêu sống nhà bác học vĩ đại Gioóc-đa-ni Bru-nô, bởi từ phát kiến trái đất và các hành tinh quay quanh mặt trời của Cô-péc-ních; Bru-nô đã chỉ ra rằng, chính mặt trời cũng quay và vũ trụ là sự vô tận. Điều này trái với những gì nhà thờ nhồi sọ, rằng trái đất là tâm của vũ trụ, rằng tất cả do Chúa sáng tạo ra, một lần và mãi mãi. Trước khi thiêu sống, Tòa án Giáo hội còn cắt lưỡi ông, để ông không nói được điều gì trước công chúng. Và dã man hơn, đau xót hơn; chứng kiến cuộc hành hình này là cả đám đông hò reo, sung sướng xem việc trừng phạt người phát hiện ra chân lý như trừng phạt quỷ dữ - trong khi đó là một đám đông không biết mảy may một quy luật nào về vật lý, về thiên văn, đúng là không biết trời đất là gì!
Đến thế kỷ XX, chủ nghĩa phát xít còn muốn biến cả thế giới thành trại tập trung; còn có kẻ diệt chủng cả dân tộc như Pôn-pốt. Sự bạo tàn nhiều khi làm cho cả một dân tộc không cất lên nổi một tiếng nói bảo vệ sự thật.
“Tháng Năm năm 1789, vua Pháp Louis XVI triệu tập đại diện các đẳng cấp đến họp tại Cung điện Versailles. Đẳng cấp thứ nhất gồm 300 nhà quý tộc. Đẳng cấp thứ hai gồm 300 chức sắc tăng lữ. Đẳng cấp thứ ba gồm 600 thường dân. Vài năm sau, sau Cách mạng Pháp, Edmund Burke nhìn lên khu vực dành cho giới báo chí trong Hạ viện, nói: Trên đó là đẳng cấp thứ tư, và họ nắm giữ quyền lực nhiều hơn mọi đẳng cấp khác”. Vấn đề quyền lực ấy phục vụ ai.
Quyền lực của báo chí là sức mạnh của sự thật. Và nó là sức mạnh của tinh thần dân chủ nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh của nhân dân để bảo vệ các quyền thiêng liêng của mình. Những nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác khẳng định: “Xét theo sứ mệnh của nó, báo chí là người bảo vệ của xã hội, là người tố cáo không mệt mỏi những nhà cầm quyền, là con mắt ở khắp mọi nơi, là tiếng nói rộng rãi của tinh thần nhân dân đang hăng hái gìn giữ quyền tự do của mình”* (C.Mác và Ph. Ănghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 1995, tập 6, tr.313).
Lênin coi báo chí (của Đảng) là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể và chỉ rõ sứ mệnh của báo chí là phải giương cao ngọn cờ dân chủ: “Chỉ có một cơ quan ngôn luận chung của Đảng, áp dụng một cách quán triệt những nguyên tắc đấu tranh chính trị và giương thật cao ngọn cờ dân chủ, mới có thể thu hút được tất cả những phần tử dân chủ giàu tinh thần chiến đấu và mới có thể sử dụng được toàn bộ những lực lượng tiến bộ của nước Nga và cuộc đấu tranh giành quyền tự do chính trị” (V.I.Lênin: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 4, tr.250-251).
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam đã dùng báo chí như một vũ khí sắc bén để đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ. Ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài, Người đã sáng lập báo Người cùng khổ và Thanh niên. Người đã viết Bản án chế độ thực dân Pháp. Người đã viết Tuyên ngôn Độc lập để khẳng định trước thế giới rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám đánh đuổi thực dân Pháp là chính nghĩa, vì thực dân Pháp đã tước đi của mỗi người, của cả một dân tộc quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, thực hiện những chế độ hà khắc:
“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”…
Những tác phẩm của Bác cho thấy sức mạnh to lớn của ngọn bút. Và nó có sức mạnh to lớn vì nói lên sự thật một cách hùng hồn.
Nhà báo phải là chiến sĩ đấu tranh cho sự thật; cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân, sự nghiệp phò chính trừ ta. Bác Hồ luôn nêu cao tính chiến đấu của báo chí. Tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam, Người khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng… Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (Báo Nhân dân, số 3089, ra ngày 9/9/1962). Trong một bức điện gửi Hội Nhà báo Á – Phi, Người nhấn mạnh: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng” (Hồ Chí Minh – Toàn tập, tập 11, NXB CTQG, H. 2001, tr.441). Trong thư gửi trí thức Nam Bộ ngày 25/5/1947 Người báo chí, của ngòi bút: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà” (Hồ Chí Minh – Toàn tập, tập 5, NXB CTQG, tập 5, tr 131).
Các lãnh tụ của Đảng như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đều hết sức quan tâm đến văn hóa, đề cao tính chiến đấu của báo chí, văn học nghệ thuật. Với bút danh Sóng Hồng, trong bài thơ “Là thi sĩ”, đồng chí Trường Chinh yêu cầu:
“Là thi sĩ phải là hồn cao khiết
Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu
Ca tự do, tiến bộ với tình yêu..
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng năm 2001 đề ra yêu cầu đối với báo chí: “Báo chí, xuất bản… làm tốt chức năng tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát hiện những nhân tố mới, cái hay, cái đẹp trong xã hội, giới thiệu gương người tốt việc tốt, những gương điển hình tiên tiến, phê phán các hiện tượng tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm sai trái; coi trọng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của thông tin;… khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí, xuất bản” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, H.2001, tr.116).
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII đề cao tính tư tưởng, nhân văn, khoa học và trách nhiệm xã hội: “Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam”.
(Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng – NDĐT, 25/3/2016)
Hiến pháp năm 2013, Điều 25 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 30 ghi rõ: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Cùng với việc công nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận; Hiến pháp còn khẳng định Nhà nước và toàn xã hội có trách nhiệm xây dựng và phát triển báo chí, đồng thời yêu cầu báo chí phải là một bộ phận của cách mạng có nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều 60 viết: “Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nội dung Điều 60 khiến ta nhớ lại điểm nổi tiếng của Lê-nin: “Sự nghiệp văn học nhất định phải là một bộ phận công tác của đảng dân chủ - xã hội gắn liền chặt chẽ với các bộ phận khác. Báo chí phải trở thành những cơ quan của các tổ chức của Đảng” (V.I.Lênin: Toàn tập NXB CTQG, H. 2005, tập 12, tr,124).
Điều 4 Luật báo chí 2016 quy định về chức năng, nhiệm vụ của báo chí:
“Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”. Và nhiệm vụ hàng đầu là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”.
Như vậy, đường lối báo chí của Đảng là một đường lối nhất quán, có nhấn mạnh yêu cầu đặc thù của từng thời kỳ; song bản chất và cốt lõi của nó có thể tóm tắt ở chỗ phải là tiếng nói của nhân dân, là tiếng nói trung thực về hiện thực, phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng vì lợi ích của đất nước và của nhân dân vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng không có gì ngoài khác lợi ích của đất nước và của nhân dân. Sự thật và tính chiến đấu là cái làm nên sức mạnh và sự phát triển của báo chí. Để mất hoặc nguội lạnh điều đó, báo chí sẽ không còn là báo chí, sẽ không còn là vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng vì tiến bộ xã hội.
Làm thế nào để báo chí là tiếng nói dũng cảm của tinh thần nhân dân?
“Báo chí là tiếng nói dũng cảm của tinh thần nhân dân” là chữ dùng của Ăng-ghen. Ông viết: “Báo chí là tiếng nói dũng cảm của tinh thần nhân dân mang tính chất lịch sử, là hình tượng công khai của nó” (C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, NXB CTQG, H. 1995, tập 1, tr68).
Tôi lại nhớ thời kỳ đầu đổi mới. Nếu Báo Nhân dân đi đầu trong việc góp phần phê phán sự bảo thủ, trì trệ; xây dựng chính sách, cải tổ và hoàn thiện cơ chế trong nông nghiệp, công nghiệp, phân phối lưu thông; cổ vũ tinh thần nói thẳng, nói thật, nói đi đôi với làm trong Đảng; thì Báo Văn nghệ (sau đó mới là báo Lao động, Tiền phong…) đi đầu trong việc phản ánh hiện thực đời sống qua những mảnh đời cụ thể. Hai tác phẩm ký nổi tiếng nhất thời ấy có lẽ là “Lời khai của bị can” của Trần Huy Quang và “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc.
Khi được trình làng ở Báo Văn nghệ ngày 23/01/1988, được bạn đọc chào đón, hoan nghênh, nhưng Phùng Gia Lộc cũng buộc phải trốn ra khỏi làng, “sống lưu vong” ở Hà Nội. Nhà báo nghiệp dư này vốn là một thầy giáo cấp một. Sự trốn chạy ấy cũng là một nguyên nhân khiến ông mất sớm (1939 – 1992), nhưng cái ký ấy thì sống mãi. Và chỉ với cái ký ấy, một làn sóng được dâng lên, góp phần lên án và xóa bỏ nạn cường hào mới ở Thọ Xuân, Thanh hóa và ở nông thôn trong cả nước.
Tôi kể lại một số trường hợp trên để thêm một lần minh chứng, nếu báo chí sớm phát hiện và nói lên sự thật; nếu dũng cảm đấu tranh vì lợi ích của nhân dân sẽ được nhân dân và lịch sử ghi nhận.
Sự nghiệp đổi mới 30 năm qua quả thật là vĩ đại. Đất nước đã có những phát triển kỳ diệu. Song với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật từ Đại hội VI, phải nói rằng bên cạnh những thành tựu không thể và không được phủ nhận, cũng có những sai lầm rất đau xót. Đây là cảm nhận của tôi, cảm nhận từ thực tế. Báo cáo chính trị của BCH TƯ khóa XI do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”.
Nếu vấn đề của báo chí những năm đầu đổi mới là nói hay không dám nói sự thật thì vấn đề của báo chí hiện nay là gì?
Trước hết, nó có vấn đề cần phải giải quyết hay không?
Tôi nghĩ là có. Và có vấn đề còn nghiêm trọng hơn thời kỳ đầu đổi mới như những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng, nhiều và rõ như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Là có hay không sự cố tình che giấu hay xuyên tạc sự thật. Vấn đề nằm cả hai khâu: Sáng tạo và quản lý báo chí.
Trước hết, nói về quản lý báo chí. Thực sự, trong những người quản lý báo chí, có hay không tư tưởng cảnh giác quá, sợ mất chế độ, sợ cái mới mà dựng nên quá nhiều rào cản. Không quản được thì cấm là căn bệnh ở nhiều ngành. “Dân chủ” là một thành quả của phát triển xã hội loài người, là cái thuộc về chúng ta, nói như Bác Hồ, dân chủ, giản dị là để cho “dân được mở miệng ra”; vậy mà có hay không sự e ngại khi đề cập tới phạm trù này? Tôi nghĩ là có. Và chúng ta phải phá bỏ điều ấy, phải quán triệt hơn nữa nghị quyết của Đảng, của Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, về dân chủ.
Nếu báo chí mạnh mẽ, phản biện và đấu tranh tích cực để bảo vệ sự thật, tôi nghĩ rằng, việc phá rừng sẽ được ngăn chặn; Formosa không xảy ra, không có chuyện thất thoát trong các tập đoàn kinh tế nhà nước…
Tôi muốn nhắc lại hai sự kiện báo chí gần đây.
Một là bức ảnh của Reuters chụp cảnh sát viên Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ciplak đang bồng xác Aylan Kurdi, bé trai 3 tuổi người Syria, trên bờ biển Bodrum, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã gây xúc động toàn thế giới; làm nhân loại có ứng xử thích hợp hơn về chiến tranh và hòa bình, về sự đùm bọc con người khi loạn nạn.
Hai là thông tin về nước mắm ở Việt Nam. Phục vụ được trả thù lao cho lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài, chiều 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai của 88 nhãn hiệu sản xuất tại các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và 1 mẫu của Thái Lan, đưa ra kết luận: “Các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng Arsen (thạch tín – chất độc hại) tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”. Kết luận của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 12 – 23/10, truyền thông xã hội có trên 44 nghìn bài viết, 50 cơ quan báo chí đã cho đăng 560 tin, bài sai sự thật, phương hại đến lợi ích quốc gia.
Đó là gì? Là tiền, là sự xa rời sứ mệnh chiến đấu cho sự thật, cho lợi ích công cộng của báo chí.
Lòng tin của nhân dân đối với báo chí qua những việc đáng buồn trên đang bị suy giảm. Vì một phần không nhỏ các nhà báo, tờ báo đang thông tin không đúng sự thật, đang phục vụ lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm.
Trên Tuần Việt Nam, ngày 26/10/2016 có một bài báo khẳng định: “Có không ít phóng viên hiện nay có thu nhập chính từ việc ăn lương, nhận tiền công tuyên truyền, làm đầu mối tổ chức tin cho các công ty PR”.
Nếu sử dụng báo chí làm công cụ làm giàu cho một “nhóm lợi ích”, đó là điều quá tệ.
Để báo chí đi đúng đường lối của Đảng, để phát huy tối đa sức mạnh của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôi xin có một số đề xuất:
Một, người chọn vào nghề báo chí, cơ sở đào tạo báo chí trước hết phải nắm vững và làm cho học viên thấm nhuần đường lối báo chí của Đảng; phải thấy rõ sứ mệnh của mình trên mặt trận tư tưởng, là con chim báo bão của cách mạng. Và phải chấp nhận sự hy sinh của một thiên sứ.
Hai, người làm báo, cơ quan báo chí chỉ phục tùng pháp luật, chỉ chấp hành và phấn đấu cho sự thắng lợi nghị quyết của Đảng, biết phản kháng bất kỳ ai, nói trái với Nghị quyết của Đảng.
Ba, khắc sâu lời thề chỉ nói sự thật, đấu tranh cho sự sáng tỏ của chân lý; trong bất cứ trường hợp nào cũng đứng về lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, không bẻ cong ngòi bút trước cường quyền.
Bốn, những người làm công tác quản lý theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bao giờ cũng nên hướng suy nghĩ của mình về phía tương lai; khơi dậy sức mạnh của báo chí để phát hiện và cổ vũ cho sự thắng lợi của cái mới, cái tiến bộ.
Tôi xin nói thêm. Ở nước ta, báo chí không chịu sự kiểm duyệt, không có vùng cấm. Tuy nhiên, vẫn có vùng nhạy cảm, vùng nguy hiểm. Khi xâm phạm đến lợi ích của “nhóm lợi ích”, thực tế đã cho thấy trong không ít vụ việc tiêu cực, kẻ làm sai lại nhân danh, thậm chí họ đứng trên pháp luật, kỷ luật để kết tội người trung thực, các nhà báo. Nếu các nhà báo vì sợ sệt, vì sự an toàn mà thoái thủ; sự tiến bộ xã hội theo đó mà tụt lùi, có khi đến hàng thế kỷ.
Ai sẽ là người giải quyết vấn đề này? Tất nhiên là Đảng. Tôi muốn gửi lòng tin tuyệt đối ở những cơ quan có thẩm quyền của Đảng, ở Hội Nhà báo Việt Nam.
TS Nguyễn Sĩ Đại
Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân dân