Ngày nghỉ hưu, cách đây chục năm, tôi được thông báo trả lại thẻ Nhà báo cho cơ quan. Tôi hỏi vì sao thì được cán bộ tổ chức trả lời gọn lỏn:“Hưu rồi thì còn viết lách gì nữa. Nghỉ cho khỏe bác ạ”. Người làm công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực báo chí mà hiểu về nghề báo như thế ư? Tôi băn khoăn mãi.
Cuộc đời làm báo như dòng sông chảy hoài, không ngơi nghỉ, chỉ khác là trong biên chế hay ngoài biên chế mà thôi
Làm báo như dòng sông chảy hoài
Không dùng thẻ Nhà báo, tôi vẫn viết báo. Xem ra nghỉ hưu còn viết nhiều hơn thời đương chức. Bởi có thời gian để suy nghĩ, có trải nghiệm, hằng ngày lại tự bồi dưỡng thêm kiến thức, nạp thêm năng lượng.
37 năm
làm báo trong biên chế Nhà nước tôi cũng như bao đồng nghiệp đã đi, đã nghe, đã thấy, đã đọc, đã suy nghĩ và viết.
Nghỉ hưu chỉ hạn chế một động từ “đi” thôi, còn bao nhiêu động từ khác vẫn dày hơn, mạnh mẽ hơn theo năm tháng.
Xã hội ngày nay ban tặng cho nhà báo một không gian rộng lớn, đổi mới và hội nhập, một khoảng thời gian cô động, nén bao sự kiện, đổi thay. Một công chúng khát khao cái mới, cái thay đổi, cái tốt đẹp. Một công chúng trẻ trung muốn biết ngay những gì mới xảy ra, vừa kết thúc, cái gì đáng chê trách, lên án, cái gì tươi mới, đẹp đẽ.
Công nghệ kết nối
Internet, trên nền tảng hạ tầng truyền thông đa phương tiện phát triển đến chóng mặt. Thời mà cầm trên tay một thiết bị di động là bạn có cả thế giới. Thời mà tiêu chí hàng đầu là trung thực, cởi mở, kết nối, rõ ràng, minh bạch. Thế giới phẳng, bày ra tất cả trên các mạng xã hội, không có đất cho dối trá, lừa bịp, phỉnh nịnh. Một xã hội không đồng thuận, nhất trí cao gần như tuyệt đối như thời chiến tranh vệ quốc “đã lên xe là cùng một hướng”.
Xã hội ngày nay chất chứa nhiều luồng tư tưởng, lắm suy nghĩ ngang dọc, vô vàn suy tư giằng xéo. Một hiện thực cuộc sống phong phú, đa dạng, phức tạp và sống động như vậy chẳng phải là mảnh đất sống màu mỡ cho người cầm bút? Chừng nào xã hội, con người cần tháo gỡ khó khăn, cần giải bài toán hóc búa của cuộc sống, cần dự báo và định hướng, cần minh bạch,rõ ràng, cần bảo đảm công bằng và bình đẳng, cần bảo vệ quyền con người “bất khả xâm phạm”, cao hơn nữa bảo vệ chủ quyền dân tộc thiêng liêng thì bài báo, cây bút, nhà báo còn đất vẫy vùng và nguyên giá trị.
Các nhà báo từng trải nghiệm cuộc sống, có bề dày nghề nghiệp, có tích lũy kiến thức, đang sung sức, nhưng phải nghỉ hưu theo chế độ, chẳng lẽ lại yên vị bởi “hưu trí”? Cái tâm
làm báo và đòi hỏi của cuộc sống thúc đẩy họ viết và viết. Một
Phan Quang sau 10 năm hưu trí đã cho ra tuyển tập báo chí 10 năm dày gần nghìn trang in, ngồn ngộn thông tin, sâu sắc ý tưởng. Một Hữu Thọ đọc, nghe, nghĩ và đặt dấu chấm hết bài báo cuối cùng đầy tâm huyết cho đến cuối đời. Những nhà báo “không hưu” nghề nghiệp.
Ở họ, cuộc đời làm báo như dòng sông chảy hoài, không ngơi nghỉ, chỉ khác là trong biên chế hay ngoài biên chế mà thôi.
Nhà báo cũng cần được vinh danh
Tại sao chúng ta chưa có những chính sách, quy chế thật cụ thể, rõ ràng bảo đảm cho nhà báo hưu trí tiếp tục hành nghề, tiếp tục đóng góp. Với họ, không phải có thẻ Nhà báo mới viết được báo mà là bút lực, là
trách nhiệm xã hội. Những điều họ viết, họ nói, họ chịu trách nhiệm trước pháp luật, được luật pháp bảo vệ. Nói khác đi họ được tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ của luật pháp.
Đến nay, Nhà nước đã vinh danh Nhà giáo Nhân dân, Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, Ưu tú, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm về Văn học nghệ thuật. Với báo chí và các nhà báo mới dừng lại giải thưởng Giải Báo chí Quốc gia về nhằm tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc trong một năm hành nghề.
Vậy, những nhà báo dành cả cuộc đời cho báo chí, cả viết báo và quản lý, lãnh đạo. Họ có những tập sách đầy đặn về phản ánh hiện thực, nghiên cứu báo chí, đóng góp xứng đáng cho báo chí Việt Nam sao không được vinh danh?
Những nhà báo nổi tiếng đã hy sinh, qua đời, nhiều
nhà báo gạo cội, thể loại báo chí nào cũng có, cũng đáng được vinh danh. Thiết nghĩ họ phải được tôn vinh Nhà báo cống hiến với tên gọi “Giải thưởng Nguyễn Ái Quốc”./.
Nguồn tin: Nguoilambao.vn