Không đổi mới, không có báo Tuổi trẻ hôm nay

Thứ hai - 21/01/2019 10:33
Đa số bạn đọc Tuổi trẻ có chung nhận định nếu không có Đổi Mới  sẽ không có Tuổi trẻ như hôm nay. Vì sao vậy?
Tuổi Trẻ xuất phát từ một bản tin tuyên truyền của thanh niên – học sinh – sinh viên Sài Gòn – Gia Định năm 1975 đã “lột xác” thành một tổ Hợp truyền thông đa phương tiện ngày nay cùng với sự đổi mới của đất nước.
Làm báo phải có người đọc
Điều đó tưởng chừng như đơn giản nhưng chúng ta hãy thử quay trở lại bối cảnh đất nước những năm 1970 để thấy rằng Tuổi Trẻ chỉ mới phát hành được vài ngàn bản/ kỳ. Thời đó, Tuổi Trẻ làm báo như thế nào?
“Những năm 1977-1978, Tuổi Trẻ tập trung phản ánh phong trào hành động cách mạng của thanh niên thành phố, nói lên sức mạnh của tuổi trẻ qua lao động, nêu gương người tốt việc tốt, góp phần hướng dẫn thanh niên về lý tưởng…” (*). Tuy nhiên, Tuổi Trẻ đã không dừng lại ở việc tuyên truyền một chiều.
“Cũng từ năm 1978, chống tiêu cực là một nội dung thường xuyên trên trang 7 của Tuổi Trẻ, chống thói quen ăn bám, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, chống nếp sống lề mề, chống bệnh hình thức, chống các hiện tượng tham ô, hối lộ, ức hiếp quần chúng… Các bài viết được thể hiện dưới hình thức mẩu chuyện, diễn đàn thanh niên, tranh châm biếm, thơ đả kích…”
Có thể nói từ thời điểm này, Tuổi Trẻ không còn là một tờ tin đơn thuần cổ vũ thắng lợi hay chỉ nói về những cái  tốt đẹp, phê phán cái cũ nữa mà đã dần trở thành diễn đàn thẳng thắn của thanh niên Sài Gòn với truyền thống “năng động, phóng khoáng, nghĩa hiệp”.
“Cho dù số lượng tin bài còn nói về công tác tổ chức, đề bạt cán bộ, chưa đề cập đến những sai lầm trong chính sách kinh tế mới, chưa mạnh dạn phát hiện nay có những nhận xét, đánh giá về việc quản lý đất nước bộc lộ nhiều khuyết điểm” (Lịch sử báo chí TP.HCM từ 1975-1990, tr.23); nhưng cũng đã có những tin bài bàn về sự biến chất, hư hỏng của cán bộ, phát hiện những sai lầm trong một số hoạt động kinh tế.
Năm 1981 là cột mốc quan trọng khởi đầu cho quá trình tự khẳng định của Tuổi Trẻ để xác lập những giá trị cốt lõi của mình. Với chủ trương “thông tin dù ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam và người dân cần biết thì báo phải đáp ứng”, hoạt động của báo Tuổi Trẻ đã vươn ra các tỉnh thành. Bạn đọc Tuổi Trẻ ban đầu chỉ có thanh niên thành phố mở rộng dần ra nhiều đối tượng, tất nhiên chủ yếu là thị dân có học. Đó là nhóm đối tượng bạn đọc có nhu cầu đọc báo và có khả năng mua báo thường xuyên.
Không chỉ bạn đọc đòi hỏi sự phát triển của Tuổi Trẻ mà lãnh đạo TP.HCM lúc ấy cũng đặt ra yêu cầu như vậy. Ngày 18-1-1981, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đến làm việc với Ban Thường vụ Thành đoàn và báo Tuổi Trẻ đã chỉ đạo Tuổi Trẻ phải tăng lượng phát hành lên 80.000 bản/kỳ. Nhiệm vụ đặt ra cho Tuổi Trẻ: ngoài tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, hãy phản ánh kịp thời những vấn đề sôi động của đất nước, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn của thành phố.
Được bật đèn xanh, từ năm 1981 đến 1984, Tuổi Trẻ không chỉ tăng kỳ mà còn cho ra đời thêm hai ấn phẩm Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần) và Tuổi Trẻ Cười. Số phát hành từ vài ngàn bản đã nhảy lên vài chục ngàn bản nhưng gặp ngay cái khó, đó là nguồn giấy in báo rất hạn chế của thời đêm trước Đổi Mới.
Ngửa tay xin tiền nhà nước để làm báo?
Trong những năm đầu, Tuổi Trẻ chưa có vốn liếng nên mọi thứ cần đến tiền đều phải ngửa tay xin nhà nước. Phóng viên và công nhân viên của Tuổi Trẻ không có lương, không có nhuận bút. Mọi thứ đều phải tự lo để sống mà làm báo. Có lúc Tuổi Trẻ phải giảm số phát hành vì không đủ  giấy để in báo (năm 1978).
Là đơn vị sự nghiệp của Thành đoàn TP.HCM và là báo cấp 3 theo khung qui định, Tuổi Trẻ chỉ được phân bổ, cấp phát giấy rất chừng mực. Phải tự xoay xở chứ không thể ngồi chờ “sung rụng”?
Năm 1981, Tuổi Trẻ xác định chủ trương tự tháo gỡ khó khăn tài chính, trước hết là phải lo cho được giấy in. Cái khó ló cái khôn khi Tuổi Trẻ nẩy ra sáng kiến: ra trang quảng cáo. Lúc ấy Tuổi Trẻ bắt đầu có vài mẩu quảng cáo đầu tiên và hết sức dè dặt. Có lúc Tuổi Trẻ phải ngừng đăng quảng cáo vì vi phạm qui định “đoàn thể không được hoạt động kinh doanh”. Chẳng lẽ bó tay chờ cấp phát giấy, Tuổi Trẻ phải đi đường vòng bằng cách phối hợp với Thành đoàn để lập Công ty quảng cáo Trẻ làm đơn vị in các trang quảng cáo kẹp chung với các trang báo Tuổi Trẻ. Từ đó, hoạt động quảng cáo đi vào ổn định và mang lại nguồn thu cho Tuổi Trẻ.
Anh em ở báo Tuổi Trẻ vẫn hay nhắc lại câu hỏi của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt năm 1983: “Tại sao trước 1975 ở Sài Gòn, ai làm chủ báo cũng giàu mà Tuổi Trẻ phải ngửa tay xin tiền nhà nước để làm báo?”. Chính câu hỏi này đã gợi hướng cho Tuổi Trẻ mở ra tầm nhìn xa. Tuổi Trẻ chủ động đặt mối quan hệ hàng ngang với các nhà máy giấy Tân Mai, Bãi Bằng. Tuổi Trẻ đi khai thác tre lồ ô làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy để đổi lấy giấy.
Tháng 9 – 1985 là một cột mốc đổi mới của Tuổi Trẻ hình thành từ nguồn vốn tự có cộng với vốn vay ngân hàng, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế đầy đủ. Từ cột mốc lịch sử này, Tuổi Trẻ không chỉ chủ động được hàng trăm tấn giấy in báo mỗi năm mà còn giải quyết được vấn đề tài chính của chính mình.
Đây là thời điểm Tuổi Trẻ đã tăng lên 3 kỳ/tuần với số lượng phát hành trung bình 45.000 – 50.000 bản/kỳ. Đặc biệt là Tuổi Trẻ không còn giới hạn số lượng đăng ký báo như trước, đồng thời phát hành tự do qua hệ thống sạp báo tư nhân. Chỉ tiêu cấp giấy 18 tấn/năm nhưng thực tế báo in đến 800 tấn/năm.
Thương hiệu báo chí quốc gia
Những hình ảnh trong Phòng Truyền thống của báo Tuổi Trẻ hiện nay cho thấy đội ngũ Tuổi Trẻ trong những ngày đầu chập chững vào nghề phần lớn là các nhà báo nghiệp dư, chỉ có một số ít từng làm báo trong phong trào học sinh – sinh viên ở đô thị miền Nam. Đúng như măng  - sét tờ báo, họ đều rất trẻ, đầy nhiệt huyết và có điểm chung khát khao làm báo.
Tinh thần khát khao làm báo truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Tuổi Trẻ và đó chính là “hồn cốt” làm nên bản sắc Tuổi Trẻ “năng động – dấn thân – sáng tạo”.
Đội ngũ Tuổi Trẻ “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau” nhưng tinh thần làm báo đều thể hiện rõ không chấp nhận an phận, né tránh, lùi bước mà luôn luôn “chòi đạp” để vượt qua, ủng hộ cái mới, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề quốc tế dân sinh.
Vì vậy, nếu không có Đổi Mới, Tuổi Trẻ khó có thể “xông pha” được như vậy. Và thật sự Tuổi Trẻ đã đổi mới từ đêm trước Đổi Mới.
Khi góp phần vào quá trình dân chủ hóa và công khai hóa, Tuổi Trẻ đã trở thành chất xúc tác nhằm tích cực thúc đẩy tiến trình Đổi Mới đất nước. Gần như không có lĩnh vực nào đáng phản ánh mà phóng viên Tuổi Trẻ bỏ qua hoặc né tránh. Những gì phản ánh, phân tích trên mặt báo Tuổi Trẻ phần lớn đã trở thành chủ đề để bạn đọc bàn luận, phản hồi và tạo ra dư luận tích cực trong đời sống xã hội. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với nhà báo mà còn góp phần thay đổi xã hội. Người làm báo còn mong muốn gì hơn thế nữa!
Chính hiện thực ngồn ngộn chất liệu của những năm đất nước Đổi Mới là nguồn đề tài vô hạn cho Tuổi Trẻ. Và Tuổi Trẻ đã cố bắt kịp để vươn lên. Tuổi Trẻ đã được bạn đọc cả nước xem là tờ báo của gia đình mình, không giới hạn lứa tuổi hay không gian hành chính địa phương.
Khi Ban biên tập Tuổi Trẻ  quyết định tổ chức các chương trình công tác xã hội và các chiến dịch truyền thông thu hút hàng triệu người tham gia, thắp lên ngọn lửa lòng yêu nước trong thời bình có lẽ không còn ai đặt vấn đề giới hạn phạm vi và đối tượng bạn đọc của Tuổi Trẻ. Các thế hệ làm báo làm nên bản sắc Tuổi Trẻ đều nói về ý tưởng thực hiện các chương trình truyền thông lớn đã vượt ra ngoài cách nghĩ cũ trước đây. Từ nguồn tin của bạn đọc về một hành khách bị chủ quán cơm đánh chết vì không chịu ăn cơm của quán ăn này đến chiến dịch “Xóa bỏ nạn cơm tù dọc tuyến quốc lộ 1” đặt ra câu hỏi cho Tuổi Trẻ: phải làm gì đây?
Câu hỏi trên không chỉ là yêu cầu tác nghiệp của người làm báo mà còn là sự day dứt lương tâm, ý thức công dân trước bất công, trước cái ác… Vì thế, loạt bài về “cơm tù” trên Tuổi Trẻ đã buộc nhiều địa phương vào cuộc và trở thành vấn đề nóng trong kỳ họp Quốc hội ngay sau đó. Các chiến dịch truyền thông về Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nỗi đau da cam – ký tên vì công lý, Góp đá xây Trường Sa, Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông… là những minh chứng rõ nét về hiệu ứng xã hội của Tuổi Trẻ trong những năm qua. Các chương trình học bổng Vì ngày mai phát triển bắt đầu từ những năm đầu Đổi Mới vẫn tiếp tục phát triển cho đến nay và đã thể hiện trách nhiệm của người làm báo với cộng đồng xã hội, đặc biệt với thế hệ trẻ. Tuổi Trẻ qua đó đã truyền đi thông điệp “các bạn trẻ khó khăn đứng trước nguy cơ bỏ học hãy gọi đến Tuổi Trẻ”. Với sự đồng hành của bạn đọc và các nhà hảo tâm cũng như cả xã hội, Tuổi Trẻ đã trao hàng chục ngàn suất học bổng cho sinh viên học sinh vượt khó, hiếu học.
Như vậy, Tuổi Trẻ giờ đây không chỉ là một tờ báo mà còn mang lấy sứ mạng làm báo để góp phần đổi mới, phát triển đất nước. Tuổi Trẻ phải xứng tầm một thương hiệu báo chí quốc gia của Việt nam!
Lê Xuân Trung
Báo Tuổi trẻ Tp.HCM

(*) Trích dẫn từ cuốn sách Báo Tuổi Trẻ 40 năm hình thành & phát triển, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2015.


 

Nguồn tin: Báo chí Việt Nam thời kỳ đổi mới những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb Thông tin và Truyền thông:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây