Ngày nay, thuật ngữ “truyền thông đa phương tiện” (tiếng Anh: multimedia) không còn xa lạ với truyền thông. Tuy nhiên, hiểu, nắm bắt và ứng dụng đa phương tiện trong thực tiễn hoạt động truyền thông còn nhiều vấn đề cần phải luận bàn. Ở góc độ lĩnh vực báo chí, những tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ đã và đang làm thay đổi cơ bản phương thức làm báo truyền thống. Khả năng sử dụng tối đa các tính năng đa phương tiện để tạo ra các sản phẩm báo chí chất lượng cao, thu hút công chúng và tạo ra các nguồn lực tài chính đang được các cơ quan báo chí trên thế giới đặc biệt quan tâm. Bài viết đề cập đến 5 khía cạnh tiếp cận truyền thông đa phương tiện, đó là: hội tụ, tích hợp đa nền tảng kỹ thuật – công nghệ; tích hợp, hội tụ đa loại hình; sử dụng đa mã ngôn ngữ; khả năng tương tác đa chiều; mô hình nhà truyền thông đa năng và lớp công chúng mới. Từ thực tiễn hoạt động báo chí ở Việt Nam, tác giả đã đưa ra hướng đi đối với các cơ quan báo chí ở Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ truyền thông đa phương tiện hiện nay.
1. Truyền thông đa phương tiện dưới 5 góc độ tiếp cận
Thuật ngữ “truyền thông đa phương tiện” ra đời vào giữa thế kỳ XX ở Mỹ. Đó là ước mơ của những nhà làm truyền thông nghệ thuật với mong muốn các tác phẩm của mình có khả năng biểu đạt tích hợp bằng đa mã ngôn ngữ để phục vụ công chúng. Tuy nhiên, những ước mơ này chưa trở thành hiện thực, bởi để làm được điều này phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố kỹ thuật và công nghệ. Thời điểm này, nôi phát minh về khoa học và công nghệ của loài người là châu Âu lại bị kiệt quệ do hậu quả của thế chiến thứ I và II. Phải đến tận đầu thế kỷ XXI, khi mà cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư bùng nổ và xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ thì lĩnh vực truyền thông đa phương tiện mới thực sự có cơ hội phát triển.
Dưới đây là 5 khía cạnh tiếp cận về truyền thông đa phương tiện:
- Thứ nhất, truyền thông đa phương tiện là sự hội tụ, tích hợp dựa trên cơ sở đa nền tảng kỹ thuật – công nghệ.
Ngành công nghiệp công nghệ thông tin của thế giới, đặc biệt là Internet phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XX. Thế hệ Web 1.0 ban đầu, tính năng chuyển tải dữ liệu đa phương tiện trên Internet nói chung, đối với báo mạng điện tử nói riêng còn nhiều hạn chế. Khả năng tích hợp đa mã ngôn ngữ chỉ áp dụng tiện ích đối với các yếu tố như văn bản (text), hình ảnh chụp (emage/picture), hình vẽ đồ họa (graphic) và âm thanh (audio) còn rất thô sơ, đơn giản. Yếu tố hình ảnh động (video/animation) và các chương trình tương tác (interaction) hầu như không áp dụng được.
Bước sang đầu thế kỷ XXI, thế kỷ Web 2.0, ngôn ngữ đa phương tiện mới được phát huy ở mức cao hơn, trong đó khả năng chuyển tải hình ảnh động và các chương trình tương tác cũng như các dịch vụ tiện ích trở nên thông dụng. Ở các nước tiên tiến, có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, công chúng được hưởng thụ các sản phẩm truyền thông đa phương tiện với chất lượng cao. Dịch vụ phát thanh, truyền hình, giải trí trực tuyến trở thành những công cụ hữu hiệu để mang lại giá trị gia tăng cho các cơ quan truyền thông.
Hiện nay, nhiều người đã bắt đầu nghĩ tới thế hệ Web 3.0. Có thể đó sẽ là các trang Web thời gian thực (real-time), nơi mà tất cả mọi sự kiện đều được phản ánh tức thời như qua một chiếc camera khổng lồ hay có thể đó là các nội dung được 3D hóa làm cho khái niệm “trang web” (page) đã mất dần ý nghĩa. Những trang web thế hệ thứ 3 xuất hiện sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về phương thức con người sử dụng Internet.
Bản chất của truyền thông đa phương tiện thì vấn đề đầu tiên chính là yếu tố kỹ thuật và công nghệ. Dựa trên nền tảng kỹ thuật và công nghệ cao, các lĩnh vực truyền thông đã có cơ hội tốt để tạo ra các sản phẩm bằng những phương thức biểu đạt mới mẻ, dễ lôi cuốn hút công chúng tiếp nhận so với những sản phẩm truyền thống, đơn phương tiện.
- Thứ hai, truyền thông đa phương tiện là khả năng tích hợp, hội tụ đa loại hình. Sự hội tụ, tích hợp đa loại hình ở đây được hiểu trên hai bình diện. Một là, sự tích hợp, hội tụ sẽ tạo ra một đơn vị truyền thông theo cấu trúc có khả năng tổ chức sản xuất sản phẩm đa loại hình như: báo chí, xuất bản, điện ảnh, quảng cáo, dịch vụ thông tin… Đối với một cơ quan báo chí, có thể tích hợp tổ chức sản xuất ít nhất hai loại hình theo thế mạnh truyền thống đã đạt được. Hai là, một đơn vị truyền thông có thể chỉ chú trọng lựa chọn một loại hình cụ thể, sản phẩm cụ thể có khả năng thực hiện tối đa các tính năng đa phương tiện để duy trì và phát triển. Các tòa soạn báo mạng điện tử có nhiều thế mạnh trong việc tích hợp, hội tụ truyền thông với nó là các dịch vụ giá trị gia tăng như: quảng cáo trực tuyến, cung cấp thông tin thiết yếu phục vụ dân sinh hoặc bác hình thức game online… Hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hội tụ đa phương tiện theo bình diện thứ hai này dễ dàng đem lại cho các cơ quan báo chí và công chúng về giá trị thông tin cũng như giá trị kinh tế báo chí – truyền thông.
- Thứ ba, truyền thông đa phương tiện là khả năng tích hợp, hội tụ đa mã ngôn ngữ biểu đạt thông tin. Ngôn ngữ là vỏ của tư duy. Có hai loại mã ngôn ngữ cơ bản phổ biến để chuyển tải thông tin trong đời sống xã hội, đó là mã ngôn ngữ văn tự và mã ngôn ngữ phi văn tự. Mã ngôn ngữ văn tự thường được sử dụng triệt để trong các sản phẩm truyền thông in ấn với những giá trị riêng có. Mã ngôn ngữ phi văn tự rất đa dạng như lời nói, âm thanh, âm nhạc, hình ảnh tĩnh (ảnh chụp, hình vẽ), hình ảnh động (hình ảnh video, hình ảnh chụp, vẽ chuyển động bằng can thiệp kỹ thuật – công nghệ).
Trước đây, điều kiện kỹ thuật và công nghệ chưa phát triển, một cơ quan truyền thông khó có thể tổ chức sản xuất được một sản phẩm có khả năng tích hợp đa mã ngôn ngữ để biểu đạt thông tin. Ngày nay, kỹ thuật công nghệ đã đạt đến đỉnh cao. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin đã tạo ra cơ hội lớn để các cơ quan truyền thông thực hiện mơ ước đa phương tiện, trong đó có việc tận dụng tối đa tích hợp đa mã ngôn ngữ để biểu đạt thông tin. Trong lĩnh vực báo chí, thế mạnh này thuộc về loại hình báo mạng điện tử và truyền hình. Các tờ báo mạng điện tử hoặc các dịch vụ mạng xã hội truyền Internet đã và đang phát huy tối đa khả năng tích hợp đa mã ngôn ngữ đa phương tiện. Các mã ngôn ngữ như: văn bản (text), hình ảnh chụp (image/picture), hình vẽ đồ họa (graphic) và âm thanh (audio), hình ảnh động (video/animation) và các chương trình tương tác (interation) được trợ giúp của kỹ thuật và công nghệ cũng đã được chuyển tải dễ dàng và tiện ích hơn cho công chúng tiếp nhận trên các sản phẩm, thiết bị truyền thông.
- Thứ tư, truyền thông đa phương tiện được hiểu đó là khả năng tạo sự tương tác đa chiều trong các sản phẩm. Đối với các sản phẩm đơn phương tiện truyền thống, được tạo ra trong thời đại kỹ thuật và công nghệ thấp, khả năng tạo ra sự tương tác với công chúng rất kém. Điều này đã tạo ra một xã hội truyền thông đơn chiều, thiếu tính dân chủ và khách quan. Ngày nay, kỹ thuật và công nghệ cao đã và đang dần tạo ra một xã hội dân chủ thông tin. Các cơ quan truyền thống khó có thể bưng bít được thông tin hoặc đưa tin thiếu tính chân thật, khách quan. Chỉ sau ít giây thông tin được đưa lên mạng sẽ là sự phản hồi nhanh chóng từ nhiều phía, cho dù đó là tin tốt (good news) hay tin giả (fake news).
Hiện nay, công chúng cảm thấy lo ngại với nạn thông tin giả tràn lan trên mạng xã hội, thậm chí là trên báo chí, nhưng họ là những người sẽ tiêu diệt nạn này bằng những khả năng tiện ích của công nghệ tương tác để đòi hỏi được hưởng thụ những sản phẩm truyền thông “sạch”. Nếu không có sự tương tác đa chiều tạo nên một làn sóng dư luận xã hội sâu sắc thì sự kiện truyền thông “bẩn” của Báo Thanh niên vừa qua sẽ không được ngăn chặn kịp thời.
Cũng chính từ những tiện ích và khả năng tương tác đa chiều dẫn tới buộc những cơ quan truyền thông, nhất là báo chí phải làm ăn tử tế, tạo ra những sản phẩm sạch, trí tuệ, đem lại lợi ích chính đáng cho công chúng.
- Thứ năm, truyền thông đa phương tiện tạo ra mô hình nhà truyền thông đa năng và lớp công chúng mới. Khác với một cơ quan truyền thông đơn phương tiện truyền thống với những nhân viên chỉ biết một việc hoặc thành thạo một kỹ năng nghiệp vụ, trong cơ quan truyền thông đa phương tiện đòi hỏi những nhân viên phải đa năng. Đó là nắm bắt, hiểu biết và thành thục các kỹ năng trong quá trình tổ chức sản xuất ra một sản phẩm truyền thông đa phương tiện. Ví dụ, trong một cơ quan báo chí tích hợp, một phóng viên phải có khả năng tiếp cận, khai thác, xử lý nguồn tin bằng tác phẩm theo lớp thông tin như đưa tin nhanh trên báo mạng điện tử hoặc phát thanh, truyền hình; phân tích, bình luận sâu rộng về sự kiện đăng tải trên các sản phẩm báo in.
Nhà báo thời truyền thông đa phương tiện sẽ bận rộn hơn với các thiết bị công nghệ làm báo và những ý tưởng sáng tạo cho sản phẩm báo chí đa loại hình. Không chỉ là chuyện viết lách, giờ đây nhà báo buộc phải quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng các loại hình ảnh, âm thanh và xử lý các chương trình tương tác. Các nhà báo còn phải là những “doanh nhân truyền thông” với những thủ thuật kinh doanh báo chí chuyên nghiệp để thu lại lợi nhuận từ hoạt động kinh tế báo chí – truyền thông.
Sản phẩm truyền thông đa phương tiện cũng đã tạo ra lớp công chúng mới, đó là những người trẻ, tiếp cận nhanh với kỹ thuật và công nghệ truyền thông hiện đại. Lớp công chúng mới đã làm thay đổi thói quen, phương thức sáng tạo các sản phẩm truyền thông truyền thống. Điều này đã ngày càng tạo ra các phương thức truyền thông mới với những sản phẩm truyền thông mới để đáp ứng nhu cầu của lớp công chúng mới hiện nay. Ví dụ, hiện nay, các tòa soạn báo mạng điện tử đã và đang chú trọng nhiều hơn đến việc tạo ra các sản phẩm báo chí dành cho công chúng sử dụng các thế hệ điện thoại thông minh (smartphone). Mô hình “nhà báo mobile” (Mojo – mobile jounalist) ra đời. Hình thức báo chí này đang được công chúng mới ưa chuộng. Theo dự đoán của các chuyên gia nghiên cứu về truyền thông, trong tương lai sẽ ít dần các sản phẩm báo chí truyền thống như báo in, phát thanh và truyền hình. Điều này buộc các tòa soạn báo in, các đài phát thanh và truyền hình phải suy nghĩ tìm hướng đi mới với những sản phẩm báo chí có giá trị riêng biệt để tồn tại, phát triển và níu giữ công chúng, nhất là lớp công chúng mới.
2. Ứng xử của các cơ quan báo chí trong bối cảnh phát triển truyền thông đa phương tiện
Trên thế giới, những năm cuối của thế kỷ XX, xu thế tập trung và độc quyền hóa và thương mại hóa báo chí diễn ra mạnh mẽ ở các nước phương Tây đã làm thay đổi các phương thức hoạt động báo chí truyền thống. Bằng chứng là nhiều tập đoàn báo chí phát triển với quy mô lớn, thâu tóm nhiều đơn vị báo chí nhỏ lẻ, đang có nguy cơ giải tán bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các loại hình báo chí, nhất là sự cạnh tranh với truyền hình và báo mạng điện tử.
Internet phát triển, mạng xã hội bùng nổ, báo chí thế giới bước vào cuộc cạnh tranh mới, khốc liệt, đe dọa sự sống còn của nhiều đơn vị báo chí, kể cả những tòa soạn báo vốn đã tạo dựng được thương hiệu và lịch sử xuất bản lâu đời. Nhiều tòa soạn báo in truyền thống đã chuyển hướng sang làm báo mạng điện tử và thay đổi cách làm báo in nhằm duy trì công chúng và thu lại lợi nhuận kinh tế. Nguồn thu từ hoạt động quảng cáo và bán sản phẩm của các tòa soạn báo ít dần. Thay vào đó, các cơ quan báo chuyển sang kiếm lời bằng các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ xã hội – một hình thức hoạt động kinh tế báo chí – truyền thông vốn được coi là “sân sau”, ít hiệu quả so với quảng cáo và bán sản phẩm báo chí.
Hai mô hình tổ chức cơ quan báo chí cũng đã và đang được nhiều tòa soạn trên thế giới áp dụng, đó là hình thành cơ quan báo chí tích hợp, hội tụ sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình và cơ quan báo chí tích hợp, hội tụ sản xuất sản phẩm đa phương tiện. Những cơ quan báo chí ở các quốc gia phương Tây cấu trúc theo mô hình tích hợp, hội tụ đa loại hình, đa phương tiện coi mục tiêu đạt được các giá trị thương mại là hàng đầu, do đó tính toán rất kỹ lưỡng việc lựa chọn loại hình báo chí, công cụ đa phương tiện nào để tổ chức sản xuất sản phẩm tích hợp mang lại hiệu quả.
Ở châu Âu, Wiener Zeitung là một tập đoàn báo chí lớn, có lịch sử hơn 300 năm phát triển ở Cộng hòa Áo. Thế mạnh truyền thống của tập đoàn là xuất bản nhật báo Wiener Zeitung với thông tin thời sự tổng hợp. Khi chuyển đổi sang mô hình tòa soạn tích hợp, hội tụ sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình, Tập đoàn chỉ lựa chọn sản xuất sản phẩm của hai loại hình, đó là báo in và báo mạng điện tử. Thay vì xuất bản báo Wiener Zeitung theo lối truyền thống, Tập đoàn đã chuyển sang xuất bản các ấn phẩm báo chí chuyên biệt với những thông tin được phân tích, bình luận sâu, rộng để phục vụ cho các nhóm công chúng chuyên biệt. Tập đoàn xác định sản phẩm báo mạng điện tử Wiener Zeitung sẽ là nơi cung cấp tin tức nhanh, trực tuyến và là nơi tăng nguồn thu từ cung cấp các dịch vụ - xã hội. Cách làm này giúp cho Wiener Zeitung tồn tại và phát triển mạnh ở Áo và cộng đồng châu Âu.
Ở châu Á, Đài cộng đồng Thai PBS (Thai Public Broadcasting Service) là một ví dụ cho sự thay đổi. Sau khủng hoảng kinh tế năm 1997, Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề. Thai PBS phải trải qua tái cấu trúc mô hình hoạt động hướng đến tổ chức thông tin giải trí nhiều hơn là tin tức để thu hút quảng cáo, tài trợ nhằm tăng nguồn để trả các khoản nợ lớn. Chính phủ cũng đã phải thành lập một lực lượng đặc biệt để tiến hành nghiên cứu chuyển đổi thành một đài truyền hình có đầy đủ khả năng về phục vụ lợi ích chính trị và thương mại.
Hiện nay, ở Việt Nam, các cơ quan báo chí cũng đã và đang lựa chọn các phương án để cải thiện mô hình tổ chức cơ quan báo chí truyền thống. Tuy nhiên, do nền không phải là nền báo chí – truyền thông thị trường nên chưa trở thành vấn đề bức thiết đối với nhiều cơ quan báo chí, nhất là hệ thống báo chí địa phương. Một số cơ quan báo chí đã chủ động tái cấu trúc theo hướng tích hợp loại hình hoặc đa phương tiện như: Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Các cơ quan báo chí này về cơ bản đã tích hợp, hội tụ sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình, đó là các sản phẩm báo in, kênh phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử. Một số cơ quan báo ngành, đoàn thể, tổ chức hội, địa phương cũng xây dựng mô hình tòa soạn tổ chức sản xuất ít nhất hai loại hình là báo in và báo mạng điện tử hoặc trang tin điện tử.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, một điều dễ nhận thấy, việc tích hợp, hội tụ của các cơ quan báo chí ở Việt Nam đang diễn ra một cách cơ học, đó là tích hợp các loại hình báo chí vào trong một cơ quan chứ chưa có sự tính toán tới hiệu quả thông tin cũng như hiệu quả kinh tế từ mô hình này. Việc “nhốt” các loại hình vào cùng một “rọ”, nhưng tính chất tích hợp sản xuất sản phẩm không tuân theo thế mạnh của mỗi loại hình dẫn đến thông tin bị chồng chéo, trùng lặp.
Như trên đã đề cập, nếu áp dụng mô hình tích hợp, hội tụ sản xuất sản phẩm đa loại hình thì cơ quan báo chí phải tổ chức hoạt động báo chí giống như tổ chức một trận đánh trong một cuộc chiến. Binh chủng, đơn vị và cá nhân nào xung kích? Tiền phương thế nào, nhiều tờ báo mạng trong tòa soạn tích hợp đa loại hình ở ta lại đưa tin chậm hơn sản phẩm báo in hoặc trùng lặp thông tin. Đối với các tòa soạn báo mạng điện tử ở Việt Nam áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ sản xuất sản phẩm đa phương tiện đem lại những thành công nhất định, tuy nhiên, cũng chưa thực sự tận dụng hết được các tính năng đa phương tiện để sản xuất thông tin và cung cấp các dịch vụ tiện ích để phục vụ công chúng. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa tương xứng; đồng thời khả năng làm chủ công nghệ và tác nghiệp đa kỹ năng của các nhà báo còn chưa thể hiện tính chuyên nghiệp cao.
Theo Đề án quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2025 thì việc tái cấu trúc các cơ quan báo chí theo mô hình mới là cần thiết, bởi nó sẽ thích ứng với sự phát triển của báo chí trong thời đại bùng nổ truyền thông đa phương tiện. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cần tính toán kỹ lưỡng về tính hiệu quả của thông tin cũng như các vấn đề về kinh tế báo chí – truyền thông để tránh hình thành những mô hình cơ quan báo chí gây tốn kém, lãng phí và hiệu quả truyền thông thấp.
PGS, TS Hà Huy Phượng
Giảng viên cao cấp, Phó trưởng Khoa Báo chí,
Học viện Báo chí và Tuyên truyền