Với những tiền năng lớn của một loại hình truyền thông mới, mạng xã hội tạo một môi trường, một diễn đàn xã hội để công chúng chia sẻ thông tin, giúp báo chí có thêm nguồn thông tin. Mạng xã hội là một kênh truyền thông để báo chí tiếp cận và hiểu công chúng truyền thông, là nơi để quảng bá báo chí tiện lợi, hữu ích, là một kênh phản hồi của công chúng về báo chí… Đáng tiếc, vẫn còn có những trường hợp báo chí đưa tin theo mạng xã hội mà không kiểm chứng, dẫn đến sai sót, đến mức dư luận cho rằng “mạng xã hội dẫn dắt báo chí”.
Sự phát triển của mạng xã hội trên thế giới cũng như hiện tại Việt Nam đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Tại nhiều diễn đàn nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức gần đây, các nhà báo đã cùng nhau thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà báo, các cơ quan báo chí, người làm báo truyền thông trong việc nhìn nhận, đánh giá sự tương tác và khai thác thế mạnh mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của sự tương tác này, giúp cho báo chí phát triển trong sự cạnh tranh.
Có nhiều vấn đề liên quan đến sự tương tác giữa báo chí và mạng xã hội. Đó là việc nhà báo sử dụng mạng xã hội như thế nào trong quá trình tác nghiệp, báo chí hiện đại đang phải đối mặt những gì với loại hình truyền thông mới này đang phát triển mạnh mẽ?. Đã có nhiều ý kiến chia sẻ của đại diện các cơ quan báo chí- truyền thông, các tổ chức, các nhà báo, các chuyên gia báo chí và mạng xã hội, các nhà quản lý báo chí, bày tỏ quan điểm, những sáng kiến, kinh nghiệm về việc làm thế nào để khai thác được mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của sự tương tác giữa báo chí và mạng xã hội vào quá trình tác nghiệp của nhà báo.
Nhiều mối quan hệ cần được quan tâm, phân tích một cách sâu sắc, thiết thực. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập một vấn đề có ý nghĩa thiết thực về nghiệp vụ: Tác động của mạng xã hội tới quy trình tác nghiệp của người làm báo.
Mạng xã hội là đối tác cung cấp nguồn tin dồi dào cho báo chí
Mạng xã hộ trực tiếp là dịch vụ cung cấp cho cộng đồng rộng rãi người sử dụng khả năng tương tác, chia sẻ, lưu trữ và trao đổi thông tin với nhau trên môi trường internet, bao gồm dịch vụ tạo blog, diễn đàn (forum), trò chuyện trực tuyến (chát) và các hình thức tương tự khác như điện tử (e-mail), điện thoại, xem phim, ảnh (voichat), chia sẻ tập tin (files), trò chơi (games) (theo Nghị định 97/2008/NĐ/CP về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet).
Thực tế hiện nay, mạng xã hội là một “biển” thông tin. Mọi ngóc ngách đời sống xã hội, mọi diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội .. ở khắp nơi trên thế giới, đều xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều hơn, nhanh hơn, chi tiết hơn, sinh động hơn… so với tin tức trên báo chí, kể cả báo điện tử. Không những nội dung thông tin phong phú đủ sắc màu đời sống, mà hình thức chuyển tải thông tin cũng đa dạng sinh động, tức thời và thậm chí còn hấp dẫn hơn, với các hình ảnh, video clip, các hiệu ứng, tiện ích của mạng xã hội và thiết bị thông minh.
Một dẫn chứng: Trận động đất và sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản, rất nhiều người tận mắt chứng kiến đã ghi lại hình ảnh thảm họa thiên nhiên này bằng camera và chia sẻ những đoạn video với thế giới. Chỉ tính riêng buổi chiều ngày 11/3/2011, đã có hơn 9000 video liên quan đến trận động đất và 7000 video liên quan đến trận sóng thần được tải lên Youtube từ lúc trận động đất bắt đầu xảy ra. Người khổng lồ Google cũng góp sức tìm kiếm người mất tích trong thảm họa lớn này bằng việc đưa vào hoạt động một ứng dụng trên wed giúp tìm người (Công cụ Google Person Finder), nhằm giúp các nạn nhân có thể liên hệ với gia đình ( theo http://eicvn.eu/ doi-song/doi-song/cong-nghe/).
Tuy nhiên, do tính chất “cá nhân hóa”, tính chất tự do và tự phát của mạng xã hội thông tin trên mạng xã hội thường mang tính cá nhân, khó kiểm soát, khó kiểm chứng và thiếu độ tin cậy- một yêu cầu bắt buộc của thông tin báo chí. Do vậy, nhà báo chỉ có thể xem nguồn tin trên mạng xã hội là nguồn tham khảo, đối chiếu, gợi ý, là công cụ thu thập và thẩm định thông tin, liên lạc với nguồn tin mà thôi. Tuyệt đối không sử dụng nguyên xi thông tin trên mạng xã hội khi chưa kiểm chứng, đối chiếu, thẩm định.
Mạng xã hội buộc người làm báo phải thay đổi quy trình tác nghiệp
Theo Website chuyên nghiên cứu về thị trường We Are Social có trụ sở tại Singapore (http:/www.wearesocial.sg), tính đến tháng 1/2018, tổng số người dùng internet tại Việt Nam là 64 triệu người (bằng 68,3% dân số 93,7 triệu người), tăng 13,05 triệu người so với đầu năm 2017. Với số người sử dụng mạng xã hội tìm kiếm, chia sẻ thông tin lớn như vậy, rõ ràng báo chí bị chia sẻ công chúng và quảng cáo, nhu cầu và cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng từ báo chí truyền thông cũng thay đổi. Điều này tác động sâu sắc đến quy trình tác nghiệp của nhà báo.
Trước hết, mạng xã hội thay đổi tư duy làm báo của người làm báo (từ phóng viên đến người lãnh đạo cơ quan báo chí), từ kiểu làm báo áp đặt một chiều (công chúng chỉ được biết thông tin do báo chí độc quyền cung cấp) sang kiểu làm báo đối thoại, hai chiều đối với công chúng (công chúng tiếp nhận, phản hồi và cung cấp thông tin trở lại tương tác tức thì với báo chí).
Trên thực tế, mạng xã hội là môi trường, là kênh tương tác rộng lớn, phong phú, tức thì giữa báo chí với công chúng. Cũng chính mạng xã hội là kênh phản biện xã hội những thông tin từ báo chí. Nhiều trường hợp báo chí cải chính, điều chỉnh thông tin nhờ sự phát hiện, phản biện, góp ý của cư dân mạng.
Thứ hai, mạng xã hội đòi hỏi người làm báo và người lãnh đạo báo chí cần biết truy cập, khai thác mạng xã hội để thu thập, theo dõi thông tin, nắm bắt vấn đề mà báo khác đang theo đuổi, những vấn đề xã hội đang quan tâm. Những tin tức được nhà báo khai thác, hình thành từ nguồn tin mạng xã hội, nhiều trường hợp sẽ đảm bảo nhanh hơn, thiết thực hơn, đa dạng hơn và đáp ứng sát hơn với nhu cầu đa dạng của công chúng. Vấn đề là phải biết kiểm chứng thông tin từ mạng xã hội.
Thứ ba, mạng xã hội đòi hỏi các tòa soạn cần biết tổ chức lực lượng có chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng kế hoạch, chiến dịch truyền thông, từ những đề tài hình thành từ thông tin trên mạng xã hội, nhiều tòa soạn báo chí đã coi mạng xã hội là cánh tay nối dài, là kênh mở rộng phạm vi tác động, tăng lượng công chúng. Một báo điện tử lớn ở Việt Nam như VnExpress.net, VietNamNet.vn, thanhnien.vn…đã đưa sản phẩm của mình lên facebook, Twitler… Theo thống kê của một chuyên gia nước ngoài, có tới 75% phóng viên thấy blog hữu ích để phát triển ý tưởng 21% trong số đó bỏ ra mỗi ngày 1 tiếng để đọc blog và 16% trong số đó có trang blog riêng. Đây chính là cách để khai thác sự tương tác rộng hơn giữa công chúng và báo, công chúng và tác giả, tác phẩm báo chí, nhằm nâng cao hiệu quả tác động của báo.
Thứ tư, mạng xã hội đòi hỏi các tòa soạn chủ động tương tác với mạng xã hội khi có vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là khi xảy ra khủng hoảng truyền thông. Theo cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ thông tin và truyền thông), công cụ tìm kiếm và mạng xã hội là hai dịch vụ được hàng chục triệu người dùng internet sử dụng rộng rãi nhất ( 100% sử dụng tìm kiếm 80% sử dụng mạng xã hội) nhà báo và cơ quan báo chí sẵn sàng tương tác (để giữ chân bạn đọc) với 80% sử dụng mạng xã hội.
Thứ năm, mạng xã hội đòi hỏi thay đổi cách thức quản lý quy trình làm báo (chia sẻ, trao đổi thông tin, duyệt bài) theo hướng thích ứng với công nghệ và thiết bị hiện đại trong thời đại kỹ thuật số và kết nối toàn cầu. Không chỉ phóng viên mà cả lãnh đạo báo cũng luôn phải thành thạo sử dụng công nghệ, thiết bị thông minh, thường trực theo dõi tin tức trên mạng xã hội để có kế hoạch đối phó, kiểm chứng, chạy đua, thích ứng không để tin tức của mình bị chậm trễ. Người duyệt bài cũng phải tâm thế duyệt bài bất cứ lúc nào, ở đâu với một chiếc laptop được nối mạng.
Thứ sáu, cần biết sử dụng chính mạng xã hội để quảng bá thông tin từ báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền của báo chí.
Ở Việt Nam, nhiều nhà báo đã sử dụng mạng xã hội (nhiều nhất là facebook) để quảng bá bài viết của mình, của đồng nghiệp, như là một hình thức, một kênh phát hành báo, một cánh tay nối dài tờ báo tới bạn đọc… Khi thông tin từ báo chí được đưa lên mạng xã hội, nhất là thông tin được công chúng đang quan tâm, việc phản hồi, tương tác càng dễ dàng, càng nhanh và sâu hơn, mức độ lan truyền trên mạng xã hội sẽ rộng hơn và hiệu ứng xã hội nhanh hơn.
Tóm lại, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhà báo và cơ quan báo chí trước hết cần thay đổi tư duy, thay đổi quy trình tác nghiệp báo chí trong mối quan hệ tương tác giữa báo chí và mạng xã hội. Cần coi mạng xã hội vừa là đối thủ cạnh tranh vừa là đối tác hữu hiệu để báo chí khai thác nguồn tin, tiếp cận công chúng, thay đổi quy trình tác nghiệp, nối dài ảnh hưởng tới công chúng, quảng bá sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của công chúng .
Tiến sĩ, nhà báo: Trần Bá Dung
Trưởng ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam