Đặt tít cho tin, bài
Thứ tư - 16/01/2019 13:35
Để viết tít được hay, tốt phải đảm bảo các yêu cầu gồm: rõ ràng, dễ hiểu; ngắn gọn, mạnh mẽ, trực tiếp...
Có nghìn lẻ một cách để đặt tít kích thích như dùng từ ngữ gây sốc để đánh vào trí tưởng tượng của người đọc (Hải Phòng: Đua nhau “bức tử” đê sông…); dùng từ gợi mở có mối quan hệ với chủ đề được nói đến (Thế mạng trả nợ rừng…);đánh vào trí tò mò (Nguy cơ lũ lụt từ đập Tam Hiệp vì nước quá… sạch); nói với độc giả (Người tiêu dùng bị móc túi: Nhiều khâu “ăn chặn”); chơi chữ; sử dụng các mẫu có sẵn (Xử lý rác thải sinh hoạt: Cái sảy nảy cái ung)…
ể viết tít được hay, tốt phải đảm bảo các yêu cầu gồm: rõ ràng, dễ hiểu; ngắn gọn, mạnh mẽ, trực tiếp; gần gũi; không nên đặt câu hỏi; chính xác; thích hợp; độc đáo và phù hợp với thể loại.
Bất cứ ai, từ người rành trong viết báo đến những người chỉ có nhu cầu thưởng thức thông tin khi cầm một tờ báo lên đều có cùng một cách thức là lướt nhanh những dòng tít trước để xem số báo hôm ấy nói những gì. Rồi sau đó từ sự hấp dẫn của tít sẽ lựa chọn tin, bài nào để đọc trước; riêng với người bận rộn thì chính những tít tin, bài ấn tượng sẽ nhắc nhở họ giở báo ra đọc lúc rảnh rỗi trong ngày. Vì thế, tít tin, bài được bày biện trên mỗi trang báo, tất nhiên đi cùng với nội dung tương xứng, sẽ quyết định tờ báo ấy bán chạy hay không, có trở thành món ăn tinh thần mà ngày nào bạn đọc cũng ngóng trông để cầm trên tay. Những cái tít có những cụm từ như “… diễn biến phức tạp”, “… nỗ lực xây dựng nông thôn mới”, “… vượt khó”, “… được cử tri quan tâm”, “quán triệt…”,… lặp đi lặp lại hoài trên báo khiến người đọc chỉ lướt qua tít đã phải thốt lên từ đáy lòng “Biết rồi, khổ lắm nói mãi!”. Bởi từ tít, người rành nghề biết ngay nội dung bài nói gì, chắc mẩm người viết là người chép lại số liệu, tình hình của báo cáo một cách thô cứng, bởi thường những ai biết “tiêu hóa” được tình hình số liệu một cách có ý đồ theo hướng nhìn riêng thì thường cũng biết cách đặt tít để bài viết trọn vẹn. Dù vậy, đôi khi trên mặt báo có cái tít dở nhưng nội dung bài lại hay, vì tính chất của nghề là lao động tập thể, bài viết phải qua nhiều cửa nhưng có cửa lại rơi đúng vào người biên tập “dỏm”…
Tít có tầm ảnh hưởng quyết định như trên, vì bản thân nó có đến 6 chức năng, theo quan điểm làm báo của báo chí Pháp. Đó là thu hút ánh mắt của độc giả, cung cấp thông tin chính, giúp lựa chọn, thúc giục đọc, tổ chức trang và săp xếp thông tin. Việc lựa chọn cỡ chữ, kiểu chữ, sắp xếp cụm tít, nhấn mạnh bài báo thì tít của bài đó dễ đập vào mắt của bạn đọc… là sự thể hiện trình độ tay nghề của đội ngũ phóng viên, biên tập.
Trong cuốn “Khám phá nghề biên tập” của nhà báo Ngọc Trân, người từng tu nghiệp ở Đại học báo chí Lille và thực tập ở Nhật báo Ouest France có nhiều kinh nghiệm trong viết và giảng dạy báo chí ở Việt Nam đã cung cấp nhiều kiến thức trong cách đặt tít tin, bài. Theo nhà báo Ngọc Trân, để viết tít được hay, tốt hãy đảm bảo các yêu cầu: tít rõ ràng, dễ hiểu; ngắn gọn, mạnh mẽ, trực tiếp, gần gũi; không nên đặt câu hỏi; chính xác; thích hợp; độc đáo và phù hợp với thể loại. Với tin, bài tường thuật nên dùng tít thông tin, loại tít có đặc tính cung cấp thông tin cho độc giả, ví dụ: Tiếng kêu cứu của thiếu nữ bị cha nhốt 3 tháng. Bài phỏng vấn dùng tít trích dẫn câu nói của người được phỏng vấn. Tiểu phẩm hài hước dùng tít chơi chữ. Bài điều tra dùng tít thể hiện cô đọng vấn đề được đề cập hoặc hé lộ kết quả của cuộc điều tra. Tít của phóng sự màu sắc hơn tít các thể loại khác, chỉ ra cho độc giả “thấy” nhiều hơn, lắm khi sử dụng cả câu ca, thơ, hò như Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em, Mùa nay, sông Lam nước biếc… Có nhiều dạng tít nhưng loại tít kích thích luôn được các báo sử dụng để thu hút độc giả. Đây là tít đóng vai trò thúc giục người đọc rất lớn nên cũng quyết định độc giả móc túi mua báo, hay nhắc nhở để đọc cho tường tận vấn đề.
Chung quy lại, chính tít tin, bài lôi kéo bạn đọc cầm tờ báo trên tay có lâu hay không hoặc có để dành mà đọc lúc rảnh rỗi trong ngày hay không. Trong sự cạnh tranh thông tin hiện nay của báo chí hiện đại, chính việc giật tít đóng vai trò quyết định. Tít dở không gây thích thú có thể khiến độc giả bỏ qua bài, đây là điều thất bại của người làm báo.
"Tôi thà yêu thích những nhà báo bí tít quá nên đặt lại những tít xưa cũ như: Có một ngôi trường như thế; Có một con người như thế… còn hơn là đọc mấy bài có tít là Hé lộ, Đắng lòng…"
Không hiểu sao người ta cứ nói là giật tít, tôi vẫn thích chữ “đặt”. bởi nó bó buộc trách nhiệm của mình trong ấy, giống như đặt tên con cái vậy.
Một thời, việc đặt tít bài rất được đắn đo, thậm chí nó quyết định một phần sự thành công của bài viết. Có hai cách đặt tít, một là nói rõ điều sẽ nói của bài, hai là để bài viết nói. Có người thích kiểu thứ nhất, ví dụ: Hai cô giáo được biểu dương trong mùa lũ, hay Cụ Tám hiến đất làm trường. Nhưng cũng có nhiều nhà báo thích đặt tít còn để người đọc tò mò và suy nghĩ, ví dụ: Hai trong một, nên chăng (nói về việc làm kiêm), Bài toán khó (nói về sinh viên ra trường tìm việc làm hay vài vấn đề khác), hay Chuyện bây giờ mới nói (nói về cái gì cũng được).
Không ai nói kiểu nào dễ hơn mà chỉ có thích hay không thôi. Tất nhiên tôi thích kiểu rõ ràng, đọc tít là đã biết một phần bài viết, biết vấn đề mình có quan tâm hay không để quyết định đọc tiếp hay dừng lại.
Ngày nay, có lẽ nghĩ rằng mọi người đều thiếu thời gian, không đọc nổi một bài báo cho trọn vẹn, nên nhiều nhà báo chọn cách đặt tít cực kỳ ấn tượng. Ví dụ: Xé lòng con rể giết mẹ, Lộ vòng một – cô ấy nói gì, Đắng lòng ngủ với anh rể… Trong đó, phổ biến nhất là hé lộ. Cái gì cũng hé lộ dù chẳng có gì lộ ra cả hoặc có lộ thì cũng không “hé” mà ai cũng thấy toang hoác rồi. Kiểu giật tít này chắc chắn câu được người tò mò, rảnh rỗi chứ những người muốn có thêm kiến thức hay thông tin qua báo chí không quan tâm. Tôi thà yêu thích những tít xưa cũ như: Có một ngôi trường như thế, Có một con người như thế… còn hơn là đọc mấy bài có tít là Hé Lộ, Đắng lòng…
Đặt tít không chỉ đơn thuần là đưa ra một cái tên mà thực chất là cách tác giả thể hiện quan điểm của mình. Bài báo “Đắng lòng cha dượng ngủ với con vợ” chẳng hạn là đã thể hiện rõ sự phẫn nộ, xót xa của người viết trước một sự kiện, nhưng đằng sau nó là quan điểm làm báo để kinh doanh. Những người như thế chưa chắc mong xã hội không xảy ra chuyện… đắng lòng.
Tít bài cũng giới hạn mức độ vấn đề tác giả hướng tới, cái tít hời hợt chỉ diễn tả sự việc thì bài viết cũng như thế, nếu cũng một sự kiện, người viết nhìn sâu hơn vào một vấn đề đang khiến cả xã hội quan tâm thì cái tít sẽ khác.
Tôi biết nhiều nhà báo đặt tít rất giỏi, khiến mình nhìn thấy là muốn đọc, trong đó có bài báo nói về việc sử dụng tiếng Việt vô tội vạ hiện nay, tít bài là: Tiếng Việt hiện đại… hiểu chết liền. Thường thì họ đặt tít trước, coi đó như một cái đích và viết bài sau. Nhưng cũng có rất nhiều nhà báo viết bài xong mà ngần ngừ mãi không đặt nổi cái tên.
Dù đặt trước hay sau khi viết bài, dù đặt thuận hay nghịch, nhà báo đừng dùng tít câu khách mà hãy dùng tít để định hình bài viết của mình. Chắc nhiều bạn đọc, khán giả, thính giả mong vậy.
Bích Nghị - Kim Oanh
Nguồn tin: Người làm báo Bình Thuận