Phóng viên ảnh Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951 tại Long An. Năm 1973 ông giành được giải thưởng danh giá Pulitzer nhờ bức ảnh Em bé Napalm. Bức ảnh chụp cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, gào thét chạy ra quốc lộ, quần áo và da thịt bị cháy sau trận dội bom napalm của quân đội Mỹ, đã làm chấn động thế giới. Nick Út đã nhập quốc tịch Mỹ và làm phóng viên của hãng AP tại Los Angeles, Mỹ, theo dõi tất cả loại tin tức từ động đất, cháy rừng cho đến thể thao, ngôi sao điện ảnh. |
Trong quán Cà phê trên đường Trần Hưng Đạo - Hà Nội, chúng tôi trò chuyện với Nick Út và một số phóng viên Quốc tế, câu chuyện cởi mở bên cốc trà xanh đậm. Nick Út nhớ về thời chiến tranh đầy khốc liệt, thi thoảng mắt ông lại đỏ hoe. Ông nói ý nghĩa từ những tấm ảnh ông chụp về cuộc chiến tranh tại Việt Nam cũng là tâm nguyện của anh trai ông là Huỳnh Thanh Mỹ, trước khi chết có nói với ông rằng: “Cố gắng góp phần chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam”. Qua câu trả lời và hành động của ông, chúng ta lại nghĩ nhiều đến vai trò của nghề báo được đặt lên vai của một phóng viên chiến trường như Ních Út. Ông đã tác nghiệp trong những hoàn cảnh và thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến để phản ánh đúng sự thật, đúng bản chất của cuộc chiến tranh phi nghĩa mà chính quyền Mỹ đã thực hiện ở Việt Nam.
Quang cảnh buổi giao lưu
Ông hẹn chúng tôi đúng vào chiều ngày 1/6, tại Tòa nhà Hội Nhà Báo Việt Nam, trên phố Dương Đình Nghệ, ông đã có cuộc trao đổi đầy tính nhân văn về cuộc đời, về một con người Việt Nam chứng kiến chiến tranh qua ông kính của một phóng viên quốc tế. Buổi giao lưu ấy đã lấy đi không ít nước mắt của những người tham dự mà hầu hết là các nhà báo, phóng viên, cái máy ảnh trên tay tôi rung lên. Ngồi chủ tọa buổi tọa đàm, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phải lấy bút ra viết để kìm nén cảm xúc khi Nick Út kể về hoàn cảnh khi cứu cô bé bị bom Napalm: Những câu chuyện trực tiếp nghe nhà báo Nick Út chia sẻ là người thật, việc thật từ hơn 50 năm trước khi ông tác nghiệp tại chiến trường Việt Nam và đã ghi lại những bức ảnh đầy dấu ấn lịch sử và nhiệm vụ của nhà báo không gì khác là phản ánh đúng sự thật.
Những bức ảnh của Nick Út diễn tả về một thời kì lịch sử đầy đau thương nhưng cũng hết sức oai hùng của chúng ta trong thời kì chiến tranh. Đặc biệt ở ông là câu chuyện về bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp không chỉ ở người chụp bức ảnh này mà còn là những đồng nghiệp của ông. Ông Nick Út chụp bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm” vào thời khắc người khác đã để qua đi và chứng kiến những khốc liệt của chiến tranh để thế giới được nhìn thấy sự thật về chiến tranh Việt Nam. Không chỉ ông mà cấp trên của ông chọn công bố bức ảnh này cho nước Mỹ và toàn thế giới biết cũng là một sự dũng cảm. Nick Út và đồng nghiệp của ông là câu chuyện về bản lĩnh và đạo đức làm nghề mà chúng ta cảm phục.
Bức ảnh “Em bé Napalm” được đặt tại buổi giao lưu
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên trong hội trường: Ông đã chụp bức hình Em bé Napalm trong hoàn cảnh nào? Và tại sao ông lại chọn cứu cô bé trước khi chuyển hình ảnh về tòa soạn? Nick Út đã không dấu nổi cảm xúc: Tôi suýt thì không có bức ảnh đó vì tự nhủ chụp nốt mấy tấm rồi về. Đầu tháng 8/1972, có giao tranh dữ dội ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Khi nghe bạn bè nói có chiến sự kéo dài mấy ngày, sáng hôm đó tôi đến sớm, thấy người dân kéo nhau, dắt theo con cái, trâu bò chạy ra khỏi nơi giao tranh, số lượng lên đến hàng nghìn người. Sau khi đi theo lính Việt Nam Cộng hòa vào khu rừng gần đó, tôi ra quốc lộ 1 để về, thì nghe tiếng hai chiếc phi cơ lao tới, tôi giơ máy ảnh lên chụp nhiều tấm. Tôi thấy một máy bay thả quả bom làm cả thị xã rung lên, chỉ 2 phút sau chiếc còn lại nhào xuống, thả 4 quả bom Napalm. Khi ấy tôi nghĩ không còn ai trong thị xã nữa, đột nhiên sau làn khói đen có đám trẻ con chạy túa ra, Kim Phúc là một trong số đó, cô bé bị cháy hết quần áo, mảng da trên tay cháy tuột xuống, cô la hét "Nóng quá, giúp tôi". Tôi chớp lấy khoảnh khắc đó rồi chạy tới tưới hai chai nước lên lưng Kim Phúc. Tôi nghĩ nếu mình không giúp cô bé đó sẽ chết. Khi chở cô đến bệnh viện Củ Chi cách đó khoảng 40 km. Nhưng khi vào thì y tá từ chối nhận do họ không có đủ thuốc và phương tiện. Đột nhiên tôi nhớ ra mình có thẻ nhà báo, bèn rút ra và nói nếu họ không chữa cho cô bé thì ngày mai những hình ảnh này sẽ tràn ngập trên các báo. Đặc biệt là trên bìa các tờ báo lớn. Và họ đã cứu Kim Phúc. Nhưng thực sự tôi nghĩ Kim Phúc sẽ không qua khỏi trong bệnh viện, tuy nhiên cô bé rất may mắn và đã sông sót. Hiện chúng tôi có mối quan hệ rất thân thiết, Kim Phúc mỗi khi gặp đều gọi tôi là ba xưng con. Cũng trong chuyện trò chuyện đó, có một số nhà nhiếp ảnh lão thành hỏi: “Có khi nào ông bị mang tiếng là dàn dựng bức ảnh không?” Nick Út trả lời luôn rằng: “Ở Hãng chúng tôi dàn dựng là mất Job ( mất việc) nên không ai dám. Riêng tấm ảnh em bé Napalm, có người đã nói rằng Út dùng dầu ăn để dựng cảnh đó, chính ông tổng thống Nick Sơn đã khẳng định ảnh đó dàn dựng bằng dầu ăn. Nhà trắng đã gọi Nick Út đến Nhà trắng điều trần về bức ảnh trên. Nhưng may Kim Phúc còn sống, là nhân chứng, và họ đã phải công nhận tấm ảnh đó là thật. Sau khi bức ảnh “Em bé Napalm được đăng tải, sức mạnh truyền thông đã làm lay động dư luận xã hội nước Mỹ, đã chạm vào từng trái tim và tình cảm của nhân dân Mỹ. Một làm sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam đã nổ ra trên khắp nước Mỹ, vì họ biết sự thật về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà chính quyền Mỹ lúc đó đang thực hiện tại Việt Nam”.
Nick Út chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Trung ương Hội và các phóng viên
Ông có bất ngờ vì bức ảnh Em bé Napalm trở thành một hiện tượng? Nick Út khẳng định: Thú thực lúc đó tôi còn quá trẻ, chụp ảnh về thì để cho AP duyệt đăng. Một số người cũng tranh luận về bức ảnh vì cô bé Kim Phúc khi đó bị cháy hết quần áo, không một mảnh vải, dang hai tay chạy ra, bức ảnh vì có yếu tố nude, nên có người còn tính đến phương án chỉnh sửa, che bớt đi... Nhưng may mắn là trưởng đại diện AP tại Sài Gòn khi đó là ông Horst Fass quyết định chọn dùng bức ảnh trọn vẹn và không can thiệp gì. Một năm sau, khi nghe tin bức ảnh giành được giải thưởng Pulitzer, tôi còn không biết giải thưởng đó là gì. Tôi cảm thấy rất vinh dự vì bức ảnh đó lột tả được bộ mặt chiến tranh ở Việt Nam. Bức ảnh đó cũng là một phần tâm nguyện của anh trai Huỳnh Thanh Mỹ của tôi, làm sao góp phần chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên: tại sao ông lại hiến tặng chính chiếc máy ảnh chụp cô bé Napalm cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam? Nhà báo Nick Út chia sẻ: Bảo tàng nào trên thế giới trưng bày kỉ vật của tôi thì tôi đều vui. Nhưng tôi muốn đem kỉ vật chiếc máy ảnh của tôi về Việt Nam bởi tôi là người Việt Nam. Tôi muốn người trẻ có thể hiểu được lịch sử về báo chí, lịch sử Việt Nam qua những kỉ vật của mình: Chính chiếc máy ảnh này đã làm nên bức ảnh “Em bé Napalm” làm xoay chuyển nhận thức của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đã đem lại giải thưởng Pulitzer danh giá cuộc đời làm báo của tôi. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục trao thêm nhiều kỉ vật tới Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong đó có chiếc mũ sắt đội tại chiến trường, chiếc bi đông đựng nước...
Nick Út trả lời các phóng viên về hoàn cảnh ra đời bức ảnh cô bé Napalm
Lúc chia tay, ông cười và nói với tôi rằng: nếu Út cao chút nữa chắc đạn nó lấy mất đầu Út lâu rồi, và Út đã ít nhất ba lần bị thương nặng tưởng chừng không qua khỏi... Điều quan trọng rút ra được sau buổi giao lưu với phóng viên quốc tế Nick Út là: Báo chí phải tôn trọng sự thật, chấp nhận sự hi sinh để có được sự thật, và ở chiến trường nào ông cũng làm điều đó. Luôn tôn trọng sự thật đi đến cùng sự thật làm sao đó để tác động tích cực đến xã hội loài người là điều mà Nick Út luôn theo đuổi./. Bài,ảnh: Mai Chí Vũ/ CTV Cổng TTĐT Hội Nhà báo VN |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên