“Dẫn hiện trường” trong phóng sự truyền hình

Thứ năm - 10/01/2019 11:55
Tôi có cơ hội gặp Nhà báo Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Chào buổi sáng – Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) tại lớp tập huấn “Kỹ năng sản xuất phóng sự truyền hình” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5/2013, do chị làm giảng viên. Cũng tại lớp học này, tôi mới càng hiểu thêm về kỹ năng dẫn hiện trường trong phóng sự truyền hình, một kỹ năng mà trước đây tôi đã từng thực hiện trong phóng sự của mình, nhưng đôi lúc vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
 
pv
Phóng viên Khánh Huyền trong một lần dẫn hiện trường

Cách đây khoảng chục năm, khi xem chương trình thời sự của Đài THVN, ngoài sự xuất hiện của phát thanh viên dẫn ở trường quay, thì ở các phóng sự thỉnh thoảng đã có thêm sự xuất hiện của phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Rồi thời gian sau này, mật độ các phóng sự có sự xuất hiện phóng viên dẫn hiện trường ngày càng nhiều hơn. Chưa bàn đến việc xuất hiện đó đã hợp lý hay chưa, nhưng quả thật, khi xem chương trình, có thêm sự xuất hiện của phóng viên, người xem cũng thấy được sự mới mẻ, hấp dẫn hơn hẳn một chương trình chỉ có phóng viên dẫn ở trường quay mà ngày nào cũng nhìn thấy.
Ở Đài PTTH Bắc Giang, việc phóng viên xuất hiện dẫn hiện trường trong phóng sự truyền hình đã có từ lâu, song chưa nhiều và vẫn có nhiều phóng viên còn ngại ngùng, chưa dám tự tin xuất hiện trước máy quay, mặc dù có khá nhiều phóng sự có đề tài hay, cần thiết sự xuất hiện của phóng viên.
Đến nay vẫn còn nhiều phóng viên chưa đánh giá, hay chưa hiểu hết tầm quan trọng về dẫn hiện trường trong phóng sự truyền hình. Nhiều người còn cho rằng, do ngoại hình không được xinh đẹp, hay nói không lưu loát thì không nên dẫn hiện trường, hay cho rằng đã có phát thanh viên dẫn ở trường quay thì không cần dẫn hiện trường nữa. Ngoài ra, nhiều phóng viên khi dẫn hiện trường nhưng lại chọn sai địa điểm đứng, hay nói quá dài trong khi dẫn.
Tôi công tác tại Đài PTTH Bắc Giang đã được 8 năm, trong quãng thời gian này, thỉnh thoảng khi gặp đề tài hay, tôi cũng mạnh dạn dẫn hiện trường, mặc dù giọng nói không “chuẩn” như một phát thanh viên. Tuy nhiên, khi được tham gia tập huấn, được thảo luận cùng với nhà báo Thu Hà, tôi mới hiểu thêm rằng dẫn hiện trường cũng cần những kỹ năng nhất định.
Vì sao nên dẫn hiện trường?
Thứ nhất, khi phóng viên tác nghiệp xuất hiện trong giai đoạn phóng sự, có thể khẳng định rằng sự việc, con người đó là sự thật, điều này giúp khẳng định tính chất thực của thông tin. Có nghĩa là khán giả khi xem có thể tin ngay những gì phóng viên nói là đúng, là thực, vì anh ta/chị ta đã trực tiếp có mặt tại đó. Thứ hai, khi dẫn hiện trường giúp tăng thêm tính tương tác, giao lưu với khán giả. Vì trong khi dẫn, phóng viên có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Thứ ba, dẫn hiện trường giúp bù lấp sự thiếu hụt về hình ảnh hoặc phỏng vấn. khi mà phóng viên không thể nào có được hình ảnh đó.
Ai nên dẫn hiện trường?
Bất cứ người phóng viên nào cũng có thể dẫn hiện trường cho phóng sự của mình, trừ khi bạn có tật về phát âm, hoặc nói giọng địa phương quá khó hiểu với khán giả. Còn về nguyên tắc, phóng viên tại hiện trường ai cũng có thể dẫn. Chỉ cần chỉnh tề để thể hiện sự tôn trọng khán giả.
Phóng viên khi dẫn hiện trường có cần trang điểm xinh đẹp lộng lẫy? Điều này là không cần thiết, bạn chỉ cần ăn mặc gọn gàng, phù hợp với bối cảnh dẫn. Ví dụ như dẫn hiện trường trong mưa bão nên mặc áo mưa, đi ủng. Trên tàu bè sông nước nên có áo phao. Ra đồng ruộng hay vào xưởng máy, có lẽ tốt nhất không nên mặc báo vest hoặc sơ mi trắng…
Sức thuyết phục của dẫn hiện trường chủ yếu không nằm ở ngoại hình hay sự lưu loát của phóng viên, mà ở chỗ phóng viên đang có mặt trực tiếp và chứng kiến sự kiện, thậm chí có phần trải nghiệm cùng với những người trong cuộc, khiến cho phóng sự trở nên chân thực và thuyết phục hơn bao giờ hết.
Khi nào cần dẫn hiện trường?
Dẫn hiện trường giúp hấp dẫn người xem, tạo sự mới mẻ cho phóng sự, nhưng có phải phóng sự nào cũng nên dẫn hiện trường hay không? Câu trả lời là không, mà phải phụ thuộc vào đề tài phóng sự mà bạn thực hiện, từ đó cân nhắc xem có nên dẫn hiện trường hay không. Sau đây là những tình huống không nên bỏ qua việc dẫn hiện trường.
Khi phóng viên tác nghiệp tại nơi có thiên tai thảm họa như bão, lũ, động đất… Việc xuất hiện tại hiện trường sẽ thuyết phục khán giả về tính chân thực của thông tin và hình ảnh, sự cảm phục của họ đối với mức độ dấn thân của phóng viên, từ đó trân trọng hơn những gì chúng ta mang tới cho họ qua màn ảnh nhỏ.
Khi phóng viên tác nghiệp tại những địa bàn đặc biệt: vùng sâu vùng xa, nơi khó tới, các địa bàn ở nước ngoài; hoặc tại những sự kiện đặc biệt quan trọng, như các Hội nghị quốc tế, Thế vận hội, Lễ hội lớn… hoặc những sự kiện có không khí.
Khi phóng viên có mặt tại những hiện trường đặc biệt, ví dụ như hiện trường vụ tai nạn, hiện trường vụ án, hiện trường vụ khai thác gỗ, khai thác khoáng sản trái phép, công trường khai thác đá nguy hiểm…
Nên đứng ở đâu hiện trường?
Sự xuất hiện của phóng viên dẫn hiện trường nhằm mục đích muốn nhấn mạnh nơi phóng viên có mặt, nên khung cảnh dẫn hiện trường, nơi chúng ta đứng dẫn cũng như lấy bối cảnh, phải thể hiện được đặc điểm của nơi đó. Ví dụ như ở tình huống thảm họa hay thiên tai, trừ trường hợp vì lý do an toàn không thể có mặt tại chỗ, còn lại, phóng viên phải đứng ở bối cảnh lột tả được tình huống. Tương tự như vậy, tại vùng sâu vùng xa, thì phóng viên nên chọn bối cảnh dẫn tiêu biểu cho phong cảnh của vùng núi đó, chứ không nên chọn bối cảnh mà nhìn giống như ở mọi vùng quê khác. Ở Hội nghị quan trọng thì nên chọn đứng ở bối cảnh có phông của hội nghị. Phóng viên đi ra nước ngoài cũng vậy, cần chọn bối cảnh có những hình ảnh tiêu biểu cho địa danh đó. Ví dụ như Moskva nên chọn Quảng trường Đỏ, thay vì dẫn ở một đường phố bất kỳ…
Nói gì khi dẫn hiện trường?
Tùy thuộc vào nội dung và kết cấu cụ thể của phóng sự mà bạn có thể quyết định mình sẽ nói gì khi dẫn hiện trường. Nhưng tựu trung có mấy nội dung như sau:
Phóng viên dẫn hiện trường giới thiệu cụ thể bối cảnh phóng viên đang đứng và chứng kiến thấy điều gì. Thể hiện, chia sẻ những suy luận hoặc cảm xúc của mình, nhất là khi đứng tại các lễ hội có không khí sôi động, chắc chắn là sẽ nhận được sự đồng cảm của đông đảo khán giả. Phóng viên có thể nói những thông tin quan trọng, mà không có hình ảnh phù hợp hoặc ấn tượng để diễn tả hoặc thông tin tin cậy mà vì lý do nào đó chúng ta không lấy được phỏng vấn.
Những chú ý
Người dẫn hiện trường với người đọc phóng sự là hai người khác nhau (khán giả sẽ không được thuyết phục và có thể không tin rằng người làm phóng sự chính là người có mặt tại hiện trường). Do vậy, phóng viên khi dẫn hiện trường nên đọc luôn lời bình trong phóng sự của mình.
Nhờ phát thanh viên hoặc đồng nghiệp có hình thức “khá” hơn dẫn hiện trường (việc nhờ xuất hiện như vậy sẽ khó thật, và không có sức thuyết phục). Phóng viên đứng ở bối cảnh không phù hợp với nội dung dẫn, hay dẫn quá dài, thông tin dẫn lặp lại với lời bình hoặc phỏng vấn trong phóng sự.
Trên đây là một số kỹ năng dẫn hiện trường trong phóng sự truyền hình mà tôi đã học được trong đợt đi tập huấn. Dù chưa thật đầy đủ, nhưng sẽ là những điều thú vị, đem lại sự trải nghiệm mới cho những phóng viên truyền hình.
 
Khánh Huyền
 

Nguồn tin: Người làm báo Bắc Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây