Tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện tại cơ quan báo Đảng địa phương

Thứ hai - 21/01/2019 10:37
Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội , báo điện tử, truyền thông Internet… đang dần chiếm ưu thế...
Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội , báo điện tử, truyền thông Internet… đang dần chiếm ưu thế. Các cơ quan báo Đảng địa phương sẽ phải làm gì và làm như thế nào để bắt kịp xu hướng phát triển, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong môi trường hội tụ truyền thông hiện nay?
Từ đời sống thực tiễn
Tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí chính là xây dựng một quy trình bao gồm các công đoạn mang tính trình tự bắt buộc để sản xuất ra các sản phẩm báo chí như báo in, tạp chí, chương trình truyền hình, phát thanh hay báo mạng điện tử. Do các sản phẩm báo chí phong phú, đa dạng nên quy trình tổ chức được đưa ra là khác nhau để phù hợp với đặc thù của từng loại hình. Tuy nhiên, với quy trình nào cũng vậy, nguyên liệu đầu vào đều chung một loại “hàng hóa” đặc biệt là thông tin, tin tức. Thông tin được xử lý theo quy trình trước khi cho ra sản phẩm báo chí được thể hiện dưới hình thức tương ứng với nội dung, theo nhiều thể loại của tác phẩm báo chí như: tin, tường thuật, phỏng vấn, ghi nhanh, điều tra, phóng sự… Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, bên cạnh các ấn phẩm báo in truyền thống, tùy theo đặc thù và điều kiện mỗi nơi, một số cơ quan báo Đảng địa phương đã, đang phát triển thêm các loại hình báo chí mới như: báo mạng điện tử, truyền hình, Internet… Qua khảo sát thực tế, nhìn chung đa số các cơ quan báo Đảng địa phương vẫn là đang tổ chức sản xuất theo mô hình “tòa soạn mẹ - tòa soạn con”, tức là với mỗi ấn phẩm hay loại hình báo chí lại có một phòng (ban) độc lập từ cơ cấu tổ chức cho đến quy trình tổ chức sản xuất ra sản phẩm ấy. Mô hình “tòa soạn mẹ - tòa soạn con” và quy trình tổ chức sản xuất này đang gây ra sự chồng chéo, lãng phí  nguồn lực mà hiệu quả không cao.
Trước tình trạng này, một số cơ quan báo Đảng địa phương đã, đang nghiên cứu áp dụng mô hình tòa soạn đa phương tiện, có khả năng tích hợp “nhiều trong một”. Có nghĩa là giữa báo in và báo mạng điện tử hay những loại hình báo chí khác sẽ không còn tổ chức theo từng đơn vị độc lập và riêng rẽ, mà tất cả đều được hội tụ, tích hợp lại từ khâu đầu vào cho đến đầu ra. Giải pháp này không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng nội dung, tạo sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các loại hình báo chí trong cùng tòa soạn mà còn giúp sử dụng nguồn nhân lực, tài chính của các báo một cách khoa học, hiệu quả hơn.
Đến những vấn đề đặt ra
Khảo sát tại một số cơ quan báo Đảng địa phương khu vực Bắc Trung bộ, có thể thấy, vấn đề chuyển đổi từ tổ chức sản xuất sản phẩm báo in truyền thống sang tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện còn một số bất cập sau:
Một là, lãnh đạo các cơ quan báo Đảng địa phương thường do cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương bổ nhiệm theo quy trình đối với cán bộ thuộc diện Thường vụ quản lý, vì vậy trong số đó không ít người hoặc chưa từng được đào tạo qua nghiệp vụ báo chí hoặc được đào tạo nghiệp vụ báo chí nhưng đã nhiều tuổi… nên thường có tư duy lối mòn, ngại đổi mới.
Hai là, kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện của đội ngũ phóng viên rất hạn chế, nhất là những phóng viên “lão làng” thường chỉ có “cuốn sổ và cây bút”; kỹ năng xử lý phân lớp thông tin cho các loại hình báo chí gặp nhiều lúng túng.
Ba là, từ trước tới nay, tòa soạn các cơ quan báo Đảng địa phương lấy sản phẩm báo in làm trung tâm, báo mạng điện tử được xem như một “phiên bản” của báo in, vì vậy khi tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện gặp nhiều trở ngại về hạ tầng kỹ thuật công nghệ.
Bốn là, nơi làm việc của các cơ quan báo Đảng địa phương thường được bố trí nhiều phòng riêng biệt, diện tích nhỏ hẹp, không có không gian rộng lớn để có thể thiết kế văn phòng làm việc theo mô hình tòa soạn hội tụ.
Năm là, nhiều cơ quan báo Đảng địa phương chưa có cơ chế nhuận bút cho các loại hình báo chí khác ngoài báo in. Một số bài đăng trên báo mạng điện tử nhuận bút chỉ mang tính khuyến khích, động viên hoặc bằng chế tài hành chính.
Một số khuyến nghị, giải pháp
Để giải quyết những vấn đề bất cập nêu trên, thiết nghĩ bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể Ban biên tập, cán bộ, phóng viên cũng cần có những bước đi phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình.
Về hạ tầng kỹ thuật
Hiện không ít cơ quan báo Đảng địa phương có phòng làm việc được phân chia thành nhiều phòng nhỏ và bố trí nhiều tầng khác nhau, do đó, để sắp xếp thành văn phòng tòa soạn hội tụ theo tiêu chuẩn là rất khó khăn.
Giải pháp khắc phục là chúng ta có thể ứng dụng công nghệ thông tin để tạo sự liên kết giữa Superdesk (Bàn siêu biên tập) với các phòng, ban chuyên môn thành một Tòa soạn hội tụ “ảo”. Lúc này, tại phòng làm việc của bộ phận Superdesk được thiết kế thêm các màn hình kết nối trực tuyến với các phòng chuyên môn. Việc họp, bàn bạc, thảo luận kế hoạch xuất bản, tổ chức nội dung, trình bày các ấn phẩm đều có thể được diễn ra như trên một mặt bằng của văn phòng hội tụ rộng lớn. Lãnh đạo các phòng chuyên môn có thể chỉ đạo, theo dõi hoạt động của các bộ phận phóng viên thông qua hệ thống các màn hình kết nối trực tuyến, qua mạng cục bộ, mạng xã hội, điện thoại…
Về đội ngũ nhân lực
Những phóng viên trẻ, năng động được đào tạo bồi dưỡng thêm kỹ năng làm báo đa phương tiện để có thể tác nghiệp cho nhiều loại hình báo chí khác nhau.
Phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền thông hội tụ tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng làm báo đa phương tiện cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên.
Sử dụng cơ chế nhuận bút linh hoạt cho từng loại hình báo chí trên cơ sở chi đúng, chi đủ và chính sách thưởng, phạt công minh để nhuận bút thực sự là động lực khơi gợi sự năng động, sáng tạo và niềm đam mê với nghề của cán bộ, phóng viên.
Về quy trình tổ chức sản xuất
Thứ nhất, bên cạnh việc lập kế hoạch hàng tháng, hàng tuần cho các ấn phẩm của báo in và báo mạng điện tử, cần có kế hoạch cụ thể cho hàng ngày cho mỗi số báo in, từng giờ cho báo mạng điện tử.
Hàng ngày tổ chức giao ban đầu giờ buổi sáng giữa Ban Biên tập (hoặc Tổng Thư ký tòa soạn) và bộ phận biên tập (Superdesk) với lãnh đạo các phòng chuyên môn để quyết định nội dung trên báo mạng điện tử sẽ triển khai trong ngày và trên số báo in phát hành vào ngày hôm sau.
Trên cơ sở tiếp nhận các thông tin từ các nguồn khác nhau (phóng viên, cộng tác viên, thông tin viên…) bộ phận biên tập (Superdesk) thảo luận và quyết định lựa chọn, phân lớp thông tin để bổ sung vào kế hoạch xuất bản. Đây là công đoạn cực kỳ quan trọng, quyết định chất lượng nội dung, tính hấp dẫn của mỗi loại hình báo chí, loại hình ấn phẩm của cơ quan báo chí.
Sau khi được Tổng Biên tập (hoặc bộ phận trực xuất bản) phê duyệt, các vấn đề bổ sung sẽ được chỉ đạo kịp thời cho phóng viên để triển khai thực hiện. Trong đó, thông tin mới, nóng sẽ được ưu tiên xuất bản trên báo mạng điện tử; tin, bài sâu sẽ được hoàn chỉnh vào cuối ngày để xuất bản vào số báo ngày hôm sau.
Thứ hai, trong khâu biên tập, tổ chức tác phẩm báo chí trên các ấn phẩm cần lưu ý, đối với các tác phẩm được sử dụng trên báo mạng điện tử nên sử dụng những từ, cụm từ dễ tìm kiếm trên mạng và được các công cụ tìm kiếm hỗ trợ sử dụng như: Google, Yahoo,…; khuyến khích các dạng tin, bài đa phương tiện, tin ảnh, video… Đối với báo in nên lưu ý lựa chọn các dạng tin, bài có vấn đề, chuyên sâu, phân tích, bình luận, phóng sự, điều tra… đang được dư luận xã hội quan tâm.
Thứ ba, trong khâu phân phối các sản phẩm báo chí đến độc giả nên chú ý đến sự liên kết giữa các loại hình báo chí (quảng bá cho nhau) và tạo điều kiện thuận lợi để công chúng dễ dàng tiếp nhận được thông tin trên các sản phẩm báo chí. Đối với báo mạng điện tử phải có giao diện thân thiện với người dùng, được sử dụng tương thích với nhiều trình duyệt khác nhau và có phiên bản thích ứng đối với các loại thiết bị di động đang phổ dụng hiện nay. Đối với báo in, bên cạnh việc phát hành theo kế hoạch, cần tổ chức các điểm bán báo lẻ tại các điểm bưu điện thành phố, thị xã, thị trấn và các sạp bán báo trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, theo dõi và xử lý thông tin phản hồi từ các sản phẩm báo chí trong mô hình tòa soạn tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình là công đoạn hết sức quan trọng, bởi thông qua công đoạn này, tòa soạn có thể nhận được những thông tin phản hồi để đưa ra những điều chỉnh và kế hoạch xuất bản tiếp theo cho các ấn phẩm. Thông tin phản hồi có thể được tiếp nhận qua kênh bạn đọc, qua mạng xã hội, qua điện thoại, email và qua mục bình luận dưới mỗi tin bài./.
Ngô Quang Tự

Nguồn tin: Báo chí Việt Nam thời kỳ đổi mới những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb Thông tin và Truyền thông:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây