Nghề vác tù và hàng tổng

Thứ bảy - 26/01/2019 21:46
Có lẽ, thêm một năm trải nghiệm với nghề, hành trang làm người tử tế trong tâm can chúng tôi chất chứa thêm bao nỗi niềm...
Nghề báo, nhà báo, trong mắt nhiều người “rất oách”, nhưng, gần 30 năm làm báo, tôi cho rằng, nghề báo, nhà báo để giữ được “chân cứng đá mềm”, giữ được “bút thẳng”, “tâm sáng”, giúp ích cho người, cho đời, phải xác định mình cũng là người “vác tù và hàng tổng”...

Cũng may, trong thành ngữ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chúng tôi được dành cho vế “vác tù và hàng tổng”. Có nghĩa, chúng tôi không phải ăn bám, mà chỉ ẩn dụ là người ôm đồm chuyện thiên hạ... Lắm lúc, chúng tôi cũng bị những người thân yêu, gần gũi chỉ trích, nhắc nhở như vậy, dù chúng tôi cảm nhận được trong thâm tâm họ vẫn tự hào và yêu quý chúng tôi.

Với các bạn trẻ sống hời hợt, sống ích kỷ hoặc với mô tuýp người thực dụng, dù là đồng nghiệp, những việc làm gọi là “vác tù và hàng tổng” của chúng tôi sẽ bị cho là dại, là bao đồng, dở hơi,... Bởi lẽ, những việc làm được gọi là “vác tù và hàng tổng” của chúng tôi là những việc không thiết thực cho bản thân, mà có khi nó còn mang lại nhiều phiền phức cho bản thân. Song, vì sao chúng tôi biết bất lợi, biết phiền phức cho mình, biết có thể làm mất lòng nhiều quan chức, hoặc có thể sẽ mất đi những mối quan hệ đang tốt, nhưng chúng tôi vẫn chọn hành động?! Đó cũng chính là thắc mắc của rất nhiều người và cũng chính là nỗi niềm chúng tôi muốn chia sẻ...

Với nhiệm vụ chính trị, chúng tôi được giao trọng trách định hướng dư luận. Song, trên thực tế, chúng tôi cũng chỉ được xem như phương tiện, chứ chưa thật sự được trọng dụng đúng nghĩa. Vì vậy, lắm lúc chúng tôi đã ở thế “cầm đèn chạy trước ô tô” hoặc rơi vào thế “việt vị”. Luật Báo chí đã được ban hành từ rất lâu, được Quốc hội bổ sung,sửa đổi, thông qua nhiều lần, nhưng chưa thực thi nghiêm ngặt; nhà báo chưa thật sự thụ hưởng và được bảo vệ theo đúng luật,...

Với công tác xã hội, nếu an phận thủ thường, thì không có gì để bàn. Nhưng nếu có chút lòng trắc ẩn, chúng ta sẽ khó bỏ qua những chuyện “bao đồng”. Chỉ đơn giản, chúng ta biết, chúng ta có thể làm gì đó để giúp những người dân đang “gặp nạn”, tại sao lại không làm?! Nếu không làm, liệu có ăn ngon ngủ yên được không ?!... Thực tế, không phải chuyện gì cũng đưa lên báo được, hoặc là đưa lên báo mà có hiệu quả. Có khi, đó là hành động gõ một cánh cửa, đánh động một lương tri; có khi đó là cuộc tranh luận tại diễn đàn họp báo; đó là hành trình lặn lội “mục sở thị” để lắng nghe, để chia sẻ và để góp nhặt chứng cứ,...

Xã hội muôn màu, bởi lòng người muôn mặt. Nhưng trong hành trình gọi là “vác tù và hàng tổng”, cái đích chúng tôi đi đến là tháo gỡ khó khăn cho ai đó - những con người yếu thế, đang gặp nạn... Nạn của họ không chỉ là tai bay vạ gió do thiên tai, mà có khi từ chính những con người được coi là cán bộ không có tâm gây ra... Trong trường hợp này, nếu những nhà báo có thể tỏ đường đi lối về của các vụ việc không giúp họ, thì ai có thể giúp họ được đây ?!...

Hoặc, sau bao trận thiên tai bão lũ, tiền và quà cứu trợ cho người dân vùng bão đã bị “ăn chặn”. Nếu báo chí không lên tiếng, sau thiên tai, người dân vùng bão lũ đã gặp thêm những “tay thiên lôi” táng tận lương tâm nhất được ví đã “ăn thịt đồng loại”...

Cụ thể, một dự án tái định cư giao đất cho dân bị thu hồi đất làm dự án, giao đất nền không đúng kỹ thuật, nhà chưa ở đã sập; móng nhà thiết kế 3 tầng, chỉ xây 1 tầng, nhà đã nứt, sụt móng,... Nếu báo chí không lên tiếng, liệu các nhà quản lý, các đơn vị thi công, ban quản lý dự án có chịu trách nhiệm bồi thường, hay chỉ là hỗ trợ?!...

Lại đất, lại dự án, lại bão, lại hạn hán,... nhà báo cứ tham gia bao chuyện bao đồng, đụng chạm khó chịu đến các nhà quản lý. Và trên thực tế, lo chuyện người, đến chuyện của mình cũng rơi vào chậm trễ, ách tắc,... Dẫu biết, nghề và nghiệp, bao đồng thường thiệt thân, nhưng nhà báo tài mọn và chung bệnh “vác tù và hàng tổng” như chúng tôi cũng thường động viên nhau: “Rắn sống để da, người ta sống để tiếng”, mình làm việc nhỏ, dù nghèo nhưng thơm tho, còn hơn giàu to, nhưng trống rỗng. Chúng ta cứ sống tử tế, hết lòng với nghề, cho dù con cháu chúng ta không hơn người, nhưng chắc chắn chúng sẽ thành người tốt...
 
PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây