Phóng sự, phóng sự ngắn truyền hình là thể loại mũi nhọn được sử dụng phổ biến trong các chương tình Thời sự của các Đài truyền hình. Dù được sử dụng nhiều song mỗi phóng viên có cách hiểu khác nhau, thậm chí còn khá lúng túng vì thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết để vận dụng thực hiện thể loại này. Vì vậy, bằng kinh nghiệm, cũng như tổng hợp các ý kiến của đồng nghiệp và tham khảo một số tài liệu liên quan, tôi xin được đóng góp một vài ý kiến làm thế nào để có được một phóng sự ngắn truyền hình tốt.
1. Cần có đề tài và xử lý đề tài
Phóng sự ngắn truyền hình cần phải có đề tài, đề tài bắt nguồn từ hiện thực đời sống, phản ánh một mâu thuẫn trong thực tế. Mâu thuẫn ấy chính là tính “có vấn đề” của phóng sự. Mâu thuẫn ấy chính là yếu tố đầu tiên cần có của một phóng sự. Những phóng sự ngắn truyền hình tốt thường là những phóng sự phản ánh về một mâu thuẫn nào đó. Ví dụ, những hạn chế khi thực hiện quy định cân tải trọng xe liên quan đến sản xuất, vận tải hàng hóa nông sản. Nói về nhiều doanh nghiệp thu mua chế biến sắn khô ở Văn Yên có nguy cơ bị thua lỗ vì không vận chuyển được sắn đi tiêu thụ.
2. Cách đặt tên phóng sự ngắn truyền hình
Có nhiều cách đặt tên, nhưng phải khơi gợi sự tò mò của khán giả đối với phóng sự, thu hút được sự quan tâm ngay từ đầu. VD: 1.000 ngày mượn hội trường chữa bệnh cho dân; Người lính già dưới chân núi Voi, Sự học vùng cao; Chè bẩn; gỗ đắng; Bữa ăn học sinh vùng cao cũng bị đánh thuế…
3. Kết cấu và thời lượng phóng sự ngắn truyền hình
+ Thông thường, một phóng sự ngắn truyền hình trung bình có thời lượng khoảng 3 đến 5 phút. + Kết cấu phóng sự ngắn thông thường gồm 3 phần Phần (1): Phần mở đầu, nêu thực trạng vấn đề mà phóng sự phản ánh, đôi khi là hiện trạng, hiện tượng tự nhiên, xã hội mà phóng sự đề cập đến. Ví dụ cảnh dột nát của một phòng học, gây khó khăn cho học sinh khi ngồi trong lớp, rồi sau đó phỏng vấn nhân vật từ 1 đến 2 nhân vật. Phần (2): Là phần đi tìm nguyên nhân của thực trạng vấn đề, cung cấp những thông tin nền đề cung cấp cho khán giả hiểu rõ hơn về thực trạng ở phần đầu nêu ra. Kết hợp giữa lời bình cũng có các ý kiến phỏng vấn nhân chứng, có thể ghép các phỏng vấn đối nghịch nhau, giữa người có liên quan trực tiếp hay gián tiếp; nhận định nguyên nhân sự việc, tạo ra sự mâu thuẫn. Tìm hiểu nguyên nhân là gì? Do thiếu vốn doanh nghiệp xây dựng không đủ khả năng thi công… Phần (3): Phần kết phóng sự, luôn phải có một thông điệp theo hướng mở, hoặc đóng, gợi ra những suy nghĩ, hoặc liên hệ với những nơi khác, dự đoán tình hình…
4. Khởi đầu phóng sự ngắn
+ Để bắt đầu câu chuyện cho phóng sự mỗi phóng viên cần có tính sáng tạo, sự linh hoạt, nhạy bén trong cách thể hiện. Ngay từ những hình ảnh đầu tiên, ngay phần đầu của phóng sự; phóng viên sẽ tìm ra chi tiết nào quan trọng nhất để đề cập. Muốn có chi tiết hay phóng viên cần quan sát kỹ khi tác nghiệp, hỏi chuyện cũng là cách phát hiện ra những chi tiết hay để khai thác cho phần mở đầu có ấn tượng.
5. Phỏng vấn trong phóng sự
+ Đối với phóng sự ngắn chỉ cần hỏi những câu hỏi để người trả lời đi thẳng vào vấn đề chính. Hỏi như vậy phóng viên sẽ lấy được thông tin và nhận được một câu trả lới ngắn, trọng tâm. + Phỏng vấn càng ngắn càng tốt. Do đó, cách đặt câu hỏi như thế nào sẽ có câu trả lời tương xứng, cần sự linh hoạt, kinh nghiệm, hiểu biết về vấn đề mình đang tìm hiểu. + Thông thường có ba đến 4 phỏng vấn trong 1 phóng sự ngắn, có thể ghép phỏng vấn tạo kịch tính, mâu thuẫn, hay đa chiều về thông tin.
6. Khai thác chi tiết để có một phóng sự hấp dẫn
+ Trong phóng sự ngắn thời sự “chi tiết” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một phóng sự hay được làm nên bởi các chi tiết đắt, người xem cũng cần nó để nhớ về phóng sự. Thông thường trong một phóng sự có vài chi tiết, chi tiết này thường được sắp đặt ở các phần, tùy thuộc vào ý đồ của tác giả để tạo hấp dẫn cho phóng sự. + Nếu thực hiện một phóng sự dạng ít hấp dẫn nhất: Ví dụ như công tác chuẩn bị sản xuất vụ Xuân ở một địa phương.. Hay các lễ hội văn hóa, người phóng viên sẽ phải đầu tư khai thác, tìm hiểu, đi sâu vào 1 chủ đề, khai thác chi tiết thì chi tiết ấy làm nên sức sống của phóng sự. Liên quan đến việc khai thác chi tiết, trình tự sắp xếp cao trào, kịch tính của phóng sự cũng cần được chú ý theo xu hướng từ thấp đến cao.
7. Lời bình trong phóng sự ngắn
+ Nếu ví phóng sự ngắn truyền hình như một cái áo, thì hình ảnh được coi là những mảnh áo, trách nhiệm còn lại là người viết sẽ may nó lại thành chiếc áo. + Lời bình là một bài văn không hoàn chỉnh, muốn hiểu trọn vẹn cần phải xem hình ảnh và nghe âm thanh sau khi được dựng hoàn thiện. + Khi tác nghiệp phóng viên biên tập cần phối hợp tốt với quay phim, yêu cầu những cụm cảnh cơ bản, trên cơ sở đó có thể “liệu cơm gắp mắm”, viết lời bình tương ứng với hình ảnh mình có trong tay, tránh tình trạng thừa chữ lại thiếu hình. Theo kinh nghiệm, người viết phải hiểu được hình ảnh, còn người quay phim phải hiểu được ý đồ của người biên tập. + Để có lời bình tốt, phóng viên phải có tư duy hình ảnh tốt, lời bình cần trong sáng, để hiểu giản dị, tùy từng vấn đề mà có cách viết lời bình phù hợp, sử dụng nhiều kỹ năng khi viết lời bình: hài hước, châm biếm hay nghiêm túc, so sánh, liên tưởng, gợi mở, hay viết lời bình dí dỏm, mang lại hiệu quả cao cho phóng sự. Khi viết tránh dùng những câu từ, văn phong tỏ ra quan trọng, to tát thậm chí là gay gắt, tự cho mình là quan tòa phán xét sự việc. Một điểm chung dễ nhận thấy là hiện nay có nhiều phóng sự ngắn truyền hình đang trong tình trạng viết lời bình rồi trám hình, điều này chứng tỏ phóng viên chưa đầu tư công phu cho phóng sự hoặc hạn chế về tư duy hình ảnh.
8. Nhân vật trong phóng sự ngắn
+ Nhân vật chính là người dẫn dắt câu chuyện trong phóng sự. Một phóng sự hấp dẫn là khi có nhân vật, có người thật tham gia trong sự kiện. Hình ảnh nhân vật luôn xuất hiện đầu, giữa và cuối tác phẩm. Khi phát hiện ra một đề tài phóng sự người phóng viên cũng cần lựa chọn tìm nhân vật trong phóng sự của mình là ai? Đây sẽ là điểm quan trọng để khởi đầu và kết thúc phóng sự, để phóng viên kể câu chuyện mình định kể với khán giả. + Để lựa chọn nhân vật, trước hết nhân vật ấy phải là người biết hoặc nhân chứng sự việc, là người liên quan đến chi tiết chính được nêu trong phóng sự. Có nhân vật cũng làm cho phóng sự hấp dẫn hơn, chân thực hơn.
9. Kết cho phóng sự
Vấn đề đặt ra ở đây là kết thúc như thế nào để phóng sự đọng lại trong tâm trí khán giả? + Có cách kết thúc mở và đóng, nhưng thông thường phóng viên hay sử dụng kết mở cho phóng sự + Kết thúc mở nghĩa là việc khép lại phóng sự không phải là chốt vấn đề đã xong mà mở ra hướng giải quyết mới, gợi ra sự suy ngẫm của các nhà quản lý. Phóng viên chỉ làm phận sự của mình là nêu vấn đề, gợi mở thông điệp của mình phát hiện trước dư luận mà thôi. + Cũng không nên dùng cái kết dưới dạng câu hỏi như: phải chăng? Tại sao? Có lẽ? Điều này thể hiện sự mông lung của chính phóng viên.
10. Thông điệp từ phóng sự truyền hình
- Phóng sự ngắn có tính chiến đấu cao trong các bản tin hay chương trình thời sự, từ đó chuyển tải thông điệp. - Mặt khác, để nâng tầm phóng sự nếu phóng viên cũng cần có cái nhìn rộng hơn, khái quát vấn đề mình đang đề cập đang là câu chuyện chung cới tình hình thời sự trong nước và quốc tế dựa trên “phông kiến thức” sẵn có của mình. Để sử dụng tốt thao tác này đòi hỏi phóng viên, phải thường xuyên tích lũy tri thức được tích lũy và sự nhạy bén nghề nghiệp. Cách liên hệ này thường dùng ở phần kết của phóng sự ngắn.
11. Kiểm tra lại tác phẩm và một số kỹ năng khác
+Trong phóng sự ngắn, mỗi phóng viên phải tự xác định cho mình các bước đi cần thiết; trong đó phóng viên có thể thực hiện dẫn hiện trường để chứng thực cho mình là người trực tiếp tìm hiểu và thực hiện, đồng thời chứng minh tính xác thực những thông tin của mình khi đưa tới khán giả. Mặt khác, nên xem lại tác phẩm khi dựng xong, cần chú ý lời bình, âm thanh, các kỹ sảo hình ảnh đã hợp lý chưa? Họ tên, chức danh, địa chỉ của nhân vật, hay người phỏng vấn, kiểm tra số liệu, nội dung phỏng vấn có sai hay trùng ý với lời bình không? + Ngoài ra, mỗi phóng viên cũng có trách nhiệm trước tác phẩm của mình khi cung cấp tới khán giả tuy nhiên, để thực hiện đòi hỏi ý chí và sự kiên trì rèn luyện. Kiên trì thực nghiệm qua từng đề tài, từng phóng sự để tự rút kinh nghiệm.
PV
Nguồn tin: Người làm báo Vĩnh Phúc số Xuân Kỷ Hợi 2019: