Cái tâm của người làm báo trong thời đại báo chí 4.0
Thứ năm - 14/03/2019 08:15
Với xu thế hội nhập mạnh mẽ, báo chí Việt Nam không đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh những lợi ích, báo chí sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại.
Nếu không thay đổi sẽ khó tồn tại!
* Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: “Thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là đòi hỏi mang tính sống còn với các cơ quan báo chí và điều đó sẽ làm thay đổi kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Giờ đây, một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh. Nhà báo cần phải biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ”, nhanh chóng chuyển tác phẩm về tòa soạn và sau đó, đến bạn đọc dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, trong điều kiện của thời đại thông tin kỹ thuật số hiện nay, sự phát triển của mạng xã hội có thể coi là “con dao hai lưỡi”, vì thế thông tin cần phải được kiểm chứng rõ ràng, không làm ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân.
Sự cạnh tranh khốc liệt về thông tin sẽ đặt báo chí, truyền thông trước nhiều thách thức và cơ hội. Vì vậy, cần vai trò của báo chí để thẩm định thông tin trên mạng xã hội, để khi báo chí đã đưa tin là phải đảm bảo chính xác và tin cậy. Có người đặt vấn đề rằng mạng xã hội đang dần thay thế báo chí về cung cấp thông tin. Nhưng chính lúc này, vai trò của báo chí cần được khẳng định và phát huy. Và chỉ có độ tin cậy, tính thuyết phục mới chính là con đường sống của báo chí trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự thách thức của mạng xã hội”.
* Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh: “Nhà báo hiện đại không chỉ biết kỹ năng 3 trong 1 (viết báo hay, chụp ảnh đẹp, quay video ngắn). Ngoài ra, họ cần phải biết những kỹ năng khác như tương tác mạng xã hội, lập trình… Do đó, các nhà báo cần được học vấn đề này ở mức độ nhất định bởi việc tương tác với mạng xã hội là cần thiết để bài báo được lan tỏa rộng rãi.
Hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ thì một cơ quan báo chí chính thống cũng có thể thua kém một người dùng mạng xã hội về khả năng lan tỏa thông điệp, dù cùng sở hữu một lượng thông tin như nhau.
Đó là nhận định mang tính đúc kết sau khi thế giới chứng kiến sự phát triển với tốc độ chóng mặt của mạng xã hội vốn có tính năng không khác gì một ấn phẩm báo chí đích thực, có khả năng tiếp cận bạn đọc rất nhanh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, tôi khẳng định dù công nghệ có cao siêu đến đâu thì vai trò cốt lõi nhất vẫn là cái tâm của người làm báo và để làm tốt nhiệm vụ, nhà báo phải luôn luôn giữ được những tiêu chuẩn quan trọng của người làm báo là sự thật, công bằng và cân bằng”.
“Rèn nghề và rèn công nghệ”
* Trung tướng Hữu Ước - nguyên Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân: “Trong thời đại phát triển như hiện nay, tất cả các ngành nghề đều phải đổi mới theo xu hướng phát triển của toàn cầu, và báo chí luôn phải là người đi tiên phong, cập nhật nhanh, hiện đại và chuẩn xác các thông tin đến với cộng đồng, đối với người đọc, người nghe.
Đã là thời đại Cách mạng 4.0 mà các nhà báo không bắt kịp xu thế thì hỏng, nhưng các nhà báo phải thể hiện được bản lĩnh của mình, có chính kiến riêng, có cách khai thác riêng. Tóm lại là yêu cầu rất cao về mặt tốc độ trong việc truyền tải thông tin đến với công chúng.
Chắc chắn để đáp ứng được xu thế phát triển của thời đại, của thế giới các nhà báo, phóng viên phải học hỏi, đào tạo để hoàn thiện bản thân. Lớp chúng tôi bây giờ mà cho làm báo chắc khó bắt kịp thời đại, vì ngày đấy chúng tôi không được tiếp xúc với công nghệ hiện đại như ngày nay.
Vậy nên, với sự phát triển của phương tiện truyền thông mới, cách thức làm báo đã và đang thay đổi. Với thời công nghệ số, công chúng cũng thay đổi khi ngày nhiều người dùng smartphone để đọc, xử lý thông tin.
Do vậy, nhà báo hiện đại không chỉ rèn bản lĩnh, tay nghề mà phải rèn cả về công nghệ để đáp ứng với xu thế hội nhập.
Là người đứng đầu trước hết là phải nhìn nhận được công việc, là người phải giỏi “nghề chỉ huy”. Đòi hỏi người đứng đầu phải hết sức nhạy bén, phải tâm huyết để tạo ra bản sắc của tờ báo mình. Nếu như không có được cái riêng cái tôi để tạo dấu ấn cho tờ báo của mình thì rất khó tồn tại trong lòng của độc giả.
Ở thời đại cách mạng 4.0 muốn một cơ quan báo chí tồn tại, phát triển bền vững được thì người đứng đầu, người tổng tư lệnh phải có tâm và có tầm trong xu hướng phát triển”.
Làm báo thời cách mạng 4.0: “Yêu cầu người làm báo buộc phải đa năng”
Trong thời đại phát triển của xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, thách thức song hành với yêu cầu đổi mới, nhưng cũng tạo cơ hội cho các nhà báo Việt Nam. Xu hướng đọc trong tương lai cũng được dự báo, với sự thông minh của các thiết bị đeo tay, rất có thể trong tương lai gần, cách thức đọc sẽ không điều khiển bằng cách gõ mà bằng âm thanh, giọng nói.
* Nhà báo Trần Đình Tú (VTC1): “Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự sinh tồn và phát triển của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của những người làm báo. Một nghiên cứu gần đây của hãng tin Reuters được nhiều trường đào tạo báo chí đưa vào giảng dạy cho đội ngũ làm báo trẻ đã nhận định: “Công nghệ đang làm thay đổi hầu hết các phương án tác nghiệp truyền thống của bất kỳ cơ quan báo chí nào, loại hình báo chí nào. Những người làm báo không nắm bắt và sử dụng được công nghệ, một cách đa năng chỉ còn một biện pháp: Đổi nghề!”
Điều này có thể hiểu là nhân sự làm báo vừa phải có chuyên môn nghiệp vụ một cách “lành nghề” nhưng cũng phải biết sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ phù hợp với đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao của độc giả”.
Ngoài nghề giỏi cần tâm sáng
Dù công nghệ là yếu tố rất quan trọng, nhưng cái tâm của người làm báo chính là căn bản để báo chí Việt Nam phát triển bền vững. Nhiều tờ báo coi mạng xã hội như một mảnh đất tốt để đưa các sản phẩm báo chí chính thống đến với người đọc, người xem. Những mặt trái của mạng xã hội, trong đó, rõ nhất là nạn đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng… báo chí phải phát huy vai trò của mình, các tác phẩm báo chí chính thống có thêm độc giả và có điều kiện phát triển, được người đọc, người xem, người nghe tin cậy tìm đến.
* Nhà báo Trần Lan Anh, Phó tổng biên tập Báo Nhà báo và Công Luận: “Sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp cho nghề báo ngày nay khác hẳn so với trước kia, vừa thuận lợi lại như một thách thức. Có một điều tôi trăn trở, là nhiều phóng viên trẻ không còn đủ thời gian để đầu tư cho những bài viết, những chuyên đề, những đề tài dài hơi, có tính chuyên sâu. Điều tôi quan tâm không phải là câu chuyện nhà báo trẻ tạo dựng tên tuổi của mình thế nào trong dòng chảy của báo chí 4.0, mà là nhà báo giữ đạo đức nghề thế nào trên không gian mạng ấy.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra không gian kết nối thông tin, nhất là kết nối kho tàng dữ liệu thông tin không giới hạn. Đây vừa là cơ hội cho nhà báo, nhưng cũng là môi trường dễ làm cho nhà báo lười suy nghĩ, lười khám phá, lười tìm kiếm, lười học hỏi. Đó cũng là thách thức lớn khiến nhà báo dễ tụt hậu trong thế giới phẳng.
Vị trí của nhà báo trong xã hội do chính các nhà báo tạo ra. Nhà báo có tâm, phụng sự lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội thì được xã hội tôn trọng, đánh giá cao. Có tâm sẽ có tên!”.
* Nhà báo Đỗ Văn Khanh (Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam): “Trong xu thế phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện tại, ngoài sự phát triển bền vững của báo chí, thì người làm báo cần dung hòa với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự tiến bộ của khoa học để áp dụng vào sự phát triển của báo chí. Hiện tại, áp lực của báo điện tử là rất lớn, nhiều phóng viên phải chịu áp lực lớn từ định mức tin bài, rồi áp lực của sự cạnh tranh thông tin đối với các báo bạn, đối với đồng nghiệp nên sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ hỗ trợ lớn đối với sự phát triển của sự đa năng của một nhà báo, phóng viên.
Tuy nhiên, dù công nghệ có phát triển đến đâu, thì muốn trở thành một nhà báo giỏi, tâm huyết, yêu nghề thì phải nỗ lực từ bản thân, bạn phải biết “tìm tòi, phát hiện, dấn thân và bản lĩnh”.
Báo chí Việt Nam đang phát triển cùng dòng chảy Cách mạng công nghiệp 4.0. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ là tốt. Tuy nhiên, phải đáp ứng các vấn đề là cơ quan báo chí đưa ra nội dung gì, hình thức tiếp cận thế nào, vấn đề gì nên nói… để định hướng, giáo dục công chúng giúp họ tiếp cận thích hợp. Bởi lẽ, công nghệ phải phục vụ con người, và những nhà báo cần cân nhắc để sử dụng chúng thế nào cho hiệu quả. Bởi, chỉ có vậy, nền báo chí Việt Nam mới phát triển bền vững và mang lại những giá trị thiết thực, hữu ích cho xã hội”.
* Nhà báo Nguyễn Hoàng Long (Báo Lao Động): “Ảnh hưởng lớn nhất của thời đại 4.0 lên nghề báo có lẽ là dẫn tới hàng loạt những thay đổi trong quy trình tác nghiệp. Giờ đây, phóng viên có thể cập nhật tin tức và sáng tạo tác phẩm báo chí ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Nhanh nhạy và tiện lợi chính là những ưu điểm vượt trội mà công nghệ đang mang đến. Gần như toàn bộ từ tìm kiếm đề tài, liên lạc với nguồn tin, nhân vật, soạn thảo văn bản hay dựng video,… các thiết bị và nền tảng công nghệ đã giúp ích rất nhiều cho chúng ta. Không thể phủ nhận, trong thời đại 4.0, khi sự kết nối được nâng tầm, nghề báo đã trở nên chuyên nghiệp hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn và lên tiếng được nhiều vấn đề trong những ngóc ngách của xã hội hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng khi công nghệ càng hiện đại, chúng ta lại càng có xu hướng hời hợt và dễ dãi, thậm chí là ỷ lại vào những tiện ích ấy. Điều này hoàn toàn có thể dẫn tới những “bi kịch” trong nghề nghiệp là vắng bóng dấu ấn cá nhân và lối mòn trong sáng tạo.
Dù vậy, niềm tin vẫn còn nếu chúng ta giữ được sự rung cảm với các vấn đề của cuộc sống, cùng khóc, cùng cười với nhân vật, với câu chuyện trên trang báo. Và ở thời đại nào đi chăng nữa, niềm tin nơi độc giả vẫn là mục đích cuối cùng mà nghề báo hướng tới”.
* Nhà báo Nguyễn Anh Thế (Thư ký toà soạn, Trưởng ban Bạn đọc Báo Dân trí): “Công nghệ 4.0 có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến báo chí nói chung và người làm báo nói riêng. Sự ảnh hưởng ở đây với cả 2 khía cạnh: kỹ thuật báo chí và đạo đức báo chí. Ở khía cạnh kỹ thuật báo chí, công nghệ 4.0 đòi hỏi người làm báo không chỉ cần trang bị những kỹ năng cơ bản truyền thống như viết, chụp ảnh, quay video clip mà còn phải liên tục cập nhật các ứng dụng công nghệ mới vào sáng tạo tác phẩm báo chí, đưa thông tin đến công chúng bằng những phương tiện truyền tải mới.
Thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi một thế hệ nhà báo đa phương tiện, nhạy bén và cấp tiến về mặt công nghệ. Nhà báo lúc này không còn chỉ đơn thuần là một người viết mà còn phải kiêm cả một kỹ thuật viên công nghệ, biết sử dụng, vận hành thành thạo, thậm chí có những sáng tạo về mặt công nghệ với mục đích đưa tác phẩm báo chí đến với công chúng hiệu quả nhất. Và dĩ nhiên những người làm báo không theo kịp các bước tiến công nghệ 4.0 sẽ rất nhanh chóng bị đào thải, các cơ quan báo chí nằm ngoài vòng xoáy của thời đại công nghệ 4.0 sẽ lạc hậu rất nhanh chóng, mất bạn đọc và sẽ bị loại ra khỏi cuộc cạnh tranh về thông tin vốn rất khốc liệt.
Ở khía cạnh đạo đức báo chí, những người làm báo hiện nay, phổ biến nhất là những người làm báo trẻ rất dễ ỷ lại vào công nghệ, vào mạng xã hội... để cóp nhặt và xào xáo lại thông tin, lười biếng và ít đầu tư vào các tác phẩm báo chí. Thậm chí, nhiều trường hợp còn sử dụng luôn những thông tin trên mạng xã hội, thiếu kiểm chứng để nhào nặn trở thành những thông tin đăng tải chính thức trên báo, gây hoang mang và nhiễu loạn dư luận. Thời đại 4.0 đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh, có đạo đức và trí tuệ để biến ứng dụng công nghệ thành công cụ phục vụ công chúng”.
Theo Lê Hoàng - Duy Khương/ báo Pháp luật Việt Nam