Cách mạng công nghệ 4.0 có nội hàm về công nghệ tri thức và công nghệ thông minh với những đặc điểm cơ bản, tác động mạnh mẽ vào nền báo chí truyền thông từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Công nghệ số phát triển là xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược.
Bên cạnh số công chúng thường xuyên tiếp cận với các phương tiện báo chí truyền thông truyền thống như báo viết, báo nói, báo hình, ngày càng thêm nhiều công chúng tiếp cận với tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh. Vì vậy, Nhà nước ta đã xác định rõ 4 loại hình báo chí là báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, loại hình nào cũng có tầm quan trọng như nhau, không phân biệt. Loại hình báo điện tử, cùng một lúc, nó có thể cung cấp thông tin một cách nhanh nhạy, kịp thời, đồng thời cũng giúp cho công chúng dễ dàng kiểm định thông tin qua thiết bị thông tin bởi đó chính là kho lưu trữ tư liệu, dữ liệu có rất nhiều ứng dụng. Tuy nhiên, công nghệ thông minh cũng là con dao hai lưỡi, nó có thể đưa các nội dung, tư tưởng mang tính định hướng có chọn lọc do các cơ quan báo chí truyền thông trong nước phát hành, thì cũng là phương tiện của các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, đối lập, đối trọng, gọi chung là các phần tử xấu, lợi dụng tung ra những thông tin độc hại nhằm chống phá Nhà nước và Nhân dân ta. Cùng một vấn đề, cùng một sự kiện các cơ quan báo chí truyền thông của ta thông tin có tính chất rõ ràng, cụ thể, trung thực đảm bảo cả định tính, định lượng, thì các phần tử xấu lại lợi dụng bình luận, bóp méo, xuyên tạc, quy kết, chống phá, giả như khách quan nhưng vô cùng thâm độc. Cái nguy hiểm nhất ở các phần tử xấu là chúng chưa và không bao giờ nói cái tốt, cái được của chế độ, đặc biệt là của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, mà chúng chỉ moi móc, bịa đặt, vu cáo, nói tốt thành xấu, nói cái được thành cái chưa được, nói thành tích chống tham nhũng thành nạn tham nhũng, mà tham nhũng thì thời nào, chế độ nào cũng nảy sinh tham nhũng. Chống tham nhũng là việc làm thường xuyên, kiên quyết, rõ ràng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Hơn lúc nào hết, không chỉ trên báo viết, báo nói, báo hình mà trên báo điện tử và mạng thông tin điện tử, những người làm báo Việt Nam với tư cách là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, khi đưa thông tin, phải giữ vững tính định hướng, đảm bảo rõ cái mới, cái hay, cái thật, cái đúng, cái trúng của báo chí cách mạng, đồng thời cũng thẳng thắn, mạnh mẽ đấu tranh, phản bác, làm triệt tiêu mức độ ảnh hưởng thông tin của các phần tử xấu.
Với tư cách người làm báo chân chính, bản thân tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp khác đã nhanh chóng tiếp cận với các thiết bị điện tử thông minh, thường xuyên sáng tạo tác phẩm tham gia phương tiện báo chí điện tử trong tâm thế vững vàng, tự tin, bản lĩnh, có tính chiến đấu cao, bảo đảm đúng định hướng của báo chí nước nhà. Đề nghị Nhà nước cần tiếp tục đổi mới báo chí truyền thông trong thời công nghệ 4.0, đáp ứng yêu cầu của 5 yếu tố căn bản sau đây: Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông; Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực; Xây dựng môi trường pháp lý; Phát triển kinh tế báo chí truyền thông; Nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả. Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức cho hội viên và những người làm báo Việt Nam thực hiện nghiêm túc, triệt để, thường xuyên Điều 5- Quy định đạo đức nghề nghiệp NLB Việt Nam: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Hội Nhà báo Việt Nam rất cần xây dựng văn bản độc lập về nội dung này, bởi lẽ ở nước ta không có báo chí tự do kiểu phương Tây mà chỉ có một dòng báo chí do Nhà nước quản lý, dù đó là cơ quan phát ngôn của tổ chức hay địa phương nào cũng phải thể hiện rõ tôn chỉ, mục đich đúng như các điều khoản Luật báo chí quy định. Người làm báo Việt Nam dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp khi hành nghề vẫn phải tuân theo Luật báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp NLB Việt Nam. Đó là hai văn bản điều chỉnh mọi hoạt động của người làm báo. Nhà báo không được làm trái Luật và Quy định đạo đức nghề nghiệp NLB Việt Nam. Như mọi công dân khác, người làm báo có thể tham gia mạng xã hội, thông tin, trích dẫn, bình luận nêu ý kiến cá nhân về các sự kiện, vấn đề mang tính xây dựng, tạo sự đồng thuận cho công chúng và lợi ích chung của đất nước; không được trích dẫn, bình luận theo quan điểm của các phần tử bất mãn, thoái hóa, thù địch, chống đối. Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, đặc biệt là Hội cơ sở cần phối hợp với cơ quan báo chí cùng cấp tổ chức cho nhà báo, hội viên sinh hoạt, trao đổi nghiệp vụ, bàn sâu vào Điều 5 - Quy định đạo đức nghề nghiệp NLB Việt Nam: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Đó là việc làm rất cần một bản lĩnh.Làm được việc này, chắc chắn khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, người làm báo sẽ có chuẩn mực và trách nhiệm cao, cụ thể, rõ ràng, thiết thực, đảm bảo tính chiến đấu, xây dựng và hiệu quả cao hơn nữa.