Độ tin cậy cao tạo nên ưu thế của báo chí địa phương

Thứ hai - 01/07/2019 08:19
LTS- Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), ngày … tại TP Hưng Yên, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên đăng cai tổ chức hội thảo báo chí khu vực với chủ đề: "Những yếu tố làm cho báo chí địa phương không thua mạng xã hội". Nhiều lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phía Bắc và một số cơ quan báo chí Trung ương cùng đông đảo hội viên, nhà báo các cơ quan báo chí trong tỉnh tham dự. Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng nội dung một số tham luận tại hội thảo (đầu đề do Tòa soạn đặt).
Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm,
Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên

Báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có báo địa phương, là một bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng. Mỗi tác phẩm báo chí được công bố, phát hành rộng rãi đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm và tư tưởng của quần chúng và hành vi của cộng đồng. Nói đến báo chí là nói đến thông tin và một sự kiện, hiện tượng nào đó. Báo chí tồn tại và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của con người và xã hội. Chính vì nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng cao, đòi hỏi các cơ quan báo chí nhanh nhạy nắm bắt và cung cấp thông tin về những vụ việc, vấn đề đang được xã hội quan tâm, giúp người đọc thấy được bản chất vấn đề, sự thật vụ việc.

 Thực tế cho thấy những tác phẩm báo chí đáp ứng nhu cầu xã hội thường được cộng đồng mạng tiếp nhận và chia sẻ rất nhanh chóng. Từ đó sẽ tạo ra được làn sóng thông tin mà báo chí là nguồn, lan tỏa nhanh chóng trong xã hội. Vì thế, báo chí góp phần định hướng thông tin, vấn đề được thảo luận, chia sẻ trên mạng xã hội. Muốn vậy, các cơ quan Báo, Đài tỉnh cần đào tạo đội ngũ phóng viên thực sự giỏi nghề, đam mê, tâm huyết, luôn bám sát cơ sở để thực hiện những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng sự quan tâm của công chúng. Cần có những nhà báo thật sự dũng cảm, xông xáo, sẵn sàng thực hiện những đề tài “nóng” tại những “điểm nóng”. Lãnh đạo các cơ quan báo chí có kế hoạch dài hơi và trước mắt, quan tâm đầu tư cho phóng viên thực hiện những tác phẩm báo chí chất lượng. Với những thông tin trên mạng xã hội được công chúng quan tâm, báo chí phải kiểm chứng, khi thấy đúng sự thật mới chính thống hóa thông tin, đưa ra những bình luận sắc sảo góp phần nâng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả. Chỉ có như vậy báo chí mới được xã hội tìm đọc, uy tín của tờ báo mới ngày một được nâng cao, mới góp phần đắc lực phục vụ xã hội, tờ báo mới ngày càng phát triển.

 Nhìn nhận một cách khách quan, mạng xã hội là một kênh thông tin yêu thích của đông đảo công chúng. Thực tế, ngay cả chúng ta - những người làm báo - cũng đã hình thành thói quen lướt facebook để nắm bắt tình hình xã hội. Theo tôi, sự hấp dẫn của mạng xã hội là tính nhanh nhạy và đa chiều. Song đây cũng là hạn chế của mạng xã hội, khi thông tin không có căn cứ để tin cậy vì không có gì bảo đảm cho tính chính xác. Bên cạnh những tin “nhảm” mang tính câu view, câu like, thông tin trên mạng xã hội phần lớn không phải là nguồn thông tin chính thống, chủ yếu mang tính cá nhân của chủ tài khoản, nội dung thông tin dàn trải, vụn vặt về nhiều vấn đề, từ đời tư một nhân vật nào đó, một sự việc cụ thể ngoài xã hội, tới cả những lời kêu gọi, cuộc vận động của một cá nhân, nhóm người thuộc mạng xã hội trước một vấn đề, một sự việc nào đó của xã hội… cũng không ít thông tin do chủ tài khoản bịa đặt nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, lừa đảo. Đồng thời với đó, do các quy định của nhà mạng còn khá lỏng lẻo, các ràng buộc pháp lý chưa thật nghiêm khắc, đã dẫn tới trách nhiệm xã hội của không ít người tham gia mạng xã hội còn hạn chế. Mặc dù Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ tháng 1.2019 nhưng mới chỉ có một số ít trường hợp bị xử lý, chưa đủ tính răn đe.

Với chức năng nhiệm vụ của báo chí là công cụ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội và diễn đàn nhân dân…, những sự việc được đăng tải trên các cơ quan báo chí đã trở thành công cụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính quyền các cấp ở Thái Nguyên. Thời gian qua,  rất nhiều sự việc tung lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo và đài tỉnh đã kịp thời thông tin phê phán, lên án những thông tin sai và giải tỏa bằng những thông tin chính xác của mình. Điển hình như một số vụ việc như: Thông tin về vỡ đập Hồ Núi Cốc; thông tin sản xuất chè bẩn; thông tin về bắt cóc trẻ em; thông tin thất thiệt về có cán bộ công an liên quan đến vụ cô gái giao gà bị hãm hại… Chính nhờ sự vào cuộc của các cơ quan báo, đài tỉnh, nhiều tác phẩm báo chí đã được thực hiện, đưa những thông tin chính xác, khách quan, bác bỏ những thông tin xấu, độc hại, nên đã có tác dụng trấn an dư luận xã hội, hình thành dư luận xã hội đúng đắn, kịp thời; đồng thời các trường hợp vi phạm đã được cơ quan chức năng xử lý kịp thời, có tác dụng giáo dục răn đe đối với người tham gia mạng xã hội.

Ở đây, tôi muốn đề cập thêm về trách nhiệm thông tin báo chí trên mạng xã hội, thông qua đội ngũ những người làm báo: Các nhà báo, phóng viên, biên tập viên cần chia sẻ trên trang cá nhân của mình những tác phẩm báo chí nhằm lan tỏa những thông tin chính thống, thông tin tốt, như vậy sẽ góp phần định hướng thông tin trong giai đoạn hiện nay.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây