Sức mạnh niềm tin trong nhân dân

Thứ sáu - 05/07/2019 07:48
Ngược dòng thời gian, trải bao biến cố thăng trầm của lịch sử qua từng thời kỳ với mỗi triều đại thịnh trị rồi suy vong đều có điểm tương đồng, đó là niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân. Lịch sử đã chứng minh với triều đại nào mà niềm tin cũng như sự ủng hộ trong dân càng mãnh liệt, lớn lao bao nhiêu thì triều đại đó càng huy hoàng, bền vững và thịnh trị bấy nhiêu. Ngược lại, ứng với triều đại nào mà niềm tin trong dân cạn kiệt, duệ dã bao nhiêu thì triều đại đó sẽ  sớm dẫn đến cảnh suy đồi bị diệt vong bấy nhiêu!
Lịch sử nước ta ghi nhận: Vương triều Trần với kỳ tích 3 lần đánh tan quân Nguyên - Mông vào các năm 1258, 1285 và 1288.  Đội quân bách chiến bách thắng, vó ngựa giẫm nát khắp Á-Âu, Nguyên - Mông đã phải dừng lại và thảm bại trước quân và dân nhà Trần. Thắng lợi của Ðại Việt trước đại quân của một đế chế hùng mạnh vào bậc nhất thế giới thời bấy giờ đã cho thấy sức mạnh vô địch của niềm tin trong nhân dân. Niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân cùng với lợi ích của cả dân tộc một khi đã được gửi trọn vào vương  triều nhà Trần thì thất bại của quân xâm lược cũng là điều dễ hiểu! Nhà Hồ (1400 - 1407) chính là một trong những triều đại có nhiều cải cách tích cực nhất và xây dựng được nền quân sự hùng mạnh bậc nhất lịch sử nước ta thời đó. Tuy nhiên, khi quân Minh kéo sang xâm lược, cha con Hồ Quý Ly đã nhanh chóng thất bại do không được nhân dân ủng hộ. Đúng như Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly) từng nói với cha mình “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Lòng dân không theo có nghĩa là triều Hồ vẫn chưa tạo dựng được niềm tin trong dân. Một khi chưa có được điều tối quan trọng đó thì bao nhiêu cái gọi là “cải cách tích cực nhất” và “quân sự hùng mạnh nhất” được nhà Hồ tạo dựng nên cũng đều trở thành vô nghĩa dưới tay quan quân nhà Minh.
111
Chung tay xây dựng nông thôn mới.
Kể từ khi ra đời (3.2.1930) và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh “soi đường, dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi”. Có được thành công đó, bởi Đảng ta đã tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng - Yếu tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đặt trọn niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, nhân dân từ khắp mọi miền đất nước đã hăng hái đi theo Đảng thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược trường kỳ gian khổ, kết thúc thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Niềm tin vào Đảng tiếp tục được nuôi dưỡng, hun đúc với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tư do”, dân tộc ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, non sông thu về một mối, đất nước độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính niềm tin đã làm nên sức mạnh vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong cuộc đối đầu lịch sử không cân sức giữa dân tộc Việt Nam và “hai đế quốc to”.

Những thành công to lớn nhờ tạo được niềm tin vững chắc và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đối với Đảng suốt quá trình cách mạng, trong công cuộc đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, do tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, làm cho nội bộ Đảng có những hạn chế, khuyết điểm. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn…”. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng. “Những hạn chế, khuyết điểm của Đảng đã làm giảm vai trò lãnh đạo, “làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Đây là điều hết sức nguy hiểm đối với một đảng cách mạng, bởi vì “mất niềm tin là mất tất cả”. Thấy rõ tính chất nghiêm trọng và nguy hiểm khôn lường của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nên tại các kỳ đại hội Đảng, đặc biệt là tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XII), Đảng ta nhấn mạnh phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; coi đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản vừa cấp bách nhằm “củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.

Đấu tranh chống tham nhũng luôn là cuộc chiến cam go, phức tạp, bởi nó không phân chia giới tuyến, bởi kẻ thù tham nhũng luôn lẩn quất trong hàng ngũ, thậm chí trong mỗi con người chúng ta. Do đó, dư luận thường hoài nghi về một sự nể nang, né tránh, về “vùng cấm” trong chống tham nhũng. Và, một khi không tạo được niềm tin ở nhân dân, cuộc đấu tranh sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Niềm tin đã được khơi nguồn mạnh mẽ từ quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, siết lại kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước. Quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng thể hiện rất rõ khi hàng loạt cán bộ "nhúng chàm" bị xử lý nghiêm minh đúng người đúng tội. Số cán bộ bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật trong năm 2018 nhiều hơn và ở diện rộng hơn. Điều đó thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Nói về “cuộc chiến” này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhất quán quan điểm trước Trung ương và nhân dân rằng, cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đấy cũng phải cháy; củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc; còn ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Tại nhiều diễn đàn, đồng chí khẳng định, chống tham nhũng phải vừa kiên quyết, quyết liệt nhưng phải rất nhân văn. Bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng, còn xử lý cán bộ nghiêm minh chỉ làm cho Đảng mạnh thêm. Vì thế, cuộc đấu tranh này càng lấy lại uy tín của Đảng. Với quan điểm không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, năm 2018, Đảng đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự…

Quả vậy, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực. Phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tháng 12.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ “Điều tôi muốn nhấn mạnh là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm giải quyết những vấn đề của đất nước, từ quyết tâm phòng chống tham nhũng đến những vấn đề môi trường, nông nghiệp, nông dân… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này”. Trong quan hệ ngoại giao quốc tế, những ngày cuối tháng 2.2019, Hà Nội là tâm điểm của thế giới, là thành phố hoà bình, nơi ghi dấu ấn lịch sử trong tiến trình hoà giải Mỹ - Triều. Và, quan trọng hơn cả, Hà Nội của Việt Nam là nơi chiếm trọn niềm tin của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên. Nhân sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn mỗi người dân thủ đô là một sứ giả quảng bá sự thân thiện, mến khách, xứng đáng với danh hiệu "Hà Nội - Thành phố vì hoà bình"…

Cùng với cả nước, năm 2018 ở tỉnh ta, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền tiếp tục được duy trì, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) được triển khai đồng bộ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với quy định mới hiện hành, chủ động trong việc tự kiểm tra nội bộ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện vụ việc tham nhũng nào.

Thời gian tới, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, các vụ án phức tạp, dư luận quan tâm; các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc giải quyết theo tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 9-11-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; khắc phục tình trạng án tạm đình chỉ thiếu căn cứ, án tuyên không rõ ràng; không làm oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Nâng cao hiệu quả của việc tiếp công dân thường xuyên và tiếp dân của lãnh đạo, cũng như chất lượng xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; việc giải quyết đơn thư phải đảm bảo trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định của pháp luật; kịp thời khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự trên địa bàn. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Tài chính, đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công… Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng...

Có thể nói, những kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng ở tỉnh ta thật đáng trân trọng, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin, ý chí và động lực mới cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong tỉnh trên bước đường đi tới. Tin tưởng rằng, bằng những giải pháp hữu hiệu, kịp thời cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng ở tỉnh ta tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới. Niềm tin trong dân đối với Đảng sẽ tiếp tục được bồi bổ và phát huy, tạo động lực lớn góp phần phần làm nên thành công mới.

Việc tìm lại niềm tin là điều rất quan trọng. Niềm tin ở đây chính là tài sản vô giá. Mỗi chúng ta phải biến niềm tin của mình thành sức mạnh. Không có niềm tin nói suông, mà niềm tin ấy phải gắn liền với hành động thực tế. Không được chủ quan, phải gạt bỏ tư tưởng ỷ lại, loại trừ biểu hiện né tránh. Trong tình hình hiện nay, yêu cầu của cuộc sống người dân cũng như yêu cầu của sự phát triển đi lên là rất lớn, đòi hỏi mỗi chúng ta phải thật quyết tâm, chung tay góp sức tạo nên sức mạnh mới, như thế mới xứng đáng với niềm tin trong nhân dân. 
                                                                                          
                                                                                      Ngọc Luyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây