Nghề báo và lòng tự trọng

Thứ sáu - 05/07/2019 07:52
Lòng tự trọng vốn được xem như một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người. Người có lòng tự trọng là người có đạo đức, sống nhân nghĩa, thủy chung, trọn vẹn trước, sau. Nói cách khác, lòng tự trọng có bản chất văn hóa và tính nhân văn. Nghề báo là nghề thông tin, tuyên truyền, cắt nghĩa lý giải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng với dân, là diễn đàn của nhân dân. Vì thế lòng tự trọng của nhà báo phải được đặt lên hàng đầu.
Trong quá trình sáng tạo tác phẩm, sự lựa chọn mục đích cho mỗi tác phẩm báo chí, đi liền với năng lực, đạo đức, danh dự của nhà báo. Trước một sự kiện, sự việc, tình hình… đang diễn ra trong cuộc sống, nhà báo có hai sự lựa chọn. Một là đưa tin, viết bài đúng sự thật, mang lại sự công bằng, thúc đẩy xã hội ngày một phát triển. Hai là đánh đổi sự thật, đưa tin, viết bài tố cáo hoặc bênh vực cho những sai trái, nhằm mang lại quyền lợi cho cá nhân. Lựa chọn thế nào, việc này hoàn toàn phục thuộc vào năng lực, bản lĩnh, đạo đức của người làm báo và trước hết, là lòng tự trọng của nhà báo. Để có cách lựa chọn đúng đắn nhất, nhà báo phải là người có tâm, có tầm, dũng cảm và phải hết sức khéo léo linh hoạt. Trong những năm qua không ít nhà báo cũng vì đưa tin, viết bài đúng sự thật đã bị đe dọa thậm chí đã bị hành hung. Điển hình là vụ nhà báo Vũ Minh Khang báo VTC News. Nhà báo này đã từng bị bọn xấu đe dọa sẽ quăng lựu đạn vào nhà khi mở rộng thông tin, điều tra về vụ chống người thi hành công vụ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng. Vụ thứ hai là nhà báo Nguyễn Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Thời sự Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên. Do viết nhiều tin, bài phản ánh, và đã có những phóng sự điều tra về lĩnh vực quản lý khai thác khoáng sản, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường ở Thái Nguyên, nhà báo này đã bị 2 đối tượng chặn đường, cầm búa đinh và dao đập cửa kính ô tô, dùng dao chém tới tấp khi đang trên đường chở vợ đi làm. Diễn biến và kết quả của 2 vụ việc nói trên cho thấy, đạo đức, lòng tự trọng của người làm báo đã được đề cao. Một vụ việc khác thì ngược lại. Đó là Phan Hà Bình, nguyên Phó tổng thư ký Tòa soạn báo Tiền Phong, do không có lòng tự trọng, đã phải chịu án phạt 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Cụ thể, Phan Hà Bình đã có bài viết tạo  những yếu tố bất lợi cho doanh nghiệp, nhằm gây sức ép buộc họ phải “bồi dưỡng”. Qua ba vụ việc nói trên cho thấy những nhà báo có đạo đức, có bản lĩnh, có lòng tự trọng đã được nhân dân, dư luận đề cao. Những nhà báo đưa tin, viết bài sai sự thật cho thấy đạo đức và lòng tự trọng của nghề báo đã bị xói mòn hoặc biến tướng. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo. Những nhà báo làm sai lệch sự thật sẽ cảm thấy xấu hổ, phải chịu đựng sự lên án, xỉ vả của dư luận xã hội, phải chịu những hình phạt của pháp luật. Những nhà báo đưa tin, viết bài đúng sự thật luôn cảm thấy tự tin, tự hào, được khích lệ và được tôn vinh.
TỰ TRỌNG VÀ CHUẨN MỰC TRONG ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO
Nhà báo tác nghiệp
Ở Hưng Yên, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, số lượng các nhà báo được biểu dương, tôn vinh chưa nhiều, song những tác phẩm do họ đem lại cho công chúng đã chứng tỏ được cái tâm, cái tầm, lòng tự trọng của những người làm báo quê nhãn. Điển hình là các nhà báo: Nguyễn Thế Đắc với tác phẩm “Bản lĩnh Hưng Yên”; Đức Nhuận với tác phẩm “Tăng cường quản lý đất đai”; Ngọc Luyện với tác phẩm “Chuyện thường ngày ở thôn Bằng Ngang”; Công Đán với tác phẩm “Đóa sen quê nhà”; Hùng Sướng với tác phẩm “Cổ tích xứ nhãn lồng”; Hải Đăng với tác phẩm “Cây đề làng may”; Ngọc Anh với các tác phẩm “Nữ tướng xứ nhãn lồng”, “Dấu son người xứ nhãn” vv… Những tác phẩm ấy đã được các nhà báo lựa chọn, khai thác, thể hiện bằng tâm huyết, tình yêu quê hương, lòng tự trọng nghề nghiệp. Điều đáng mừng, ở đâu đó có phóng viên, có cơ quan báo chí đã bị tác động, bị chi phối bởi cơ chế thị trường và đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, nhưng ở Hưng Yên, các phóng viên, các cơ quan báo chí vẫn luôn hoạt động, đúng tôn chỉ mục đích. Mục tiêu “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” được các phóng viên, các cơ quan báo chí bám sát và thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Những nhà báo có nhận thức và quan điểm lệch chuẩn đều được Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí nhắc nhở, uốn nắn và xử lý kịp thời. Vì thế mà khi phát sóng, đăng tải và phát hành, báo chí Hưng Yên đã không có những sai sót lớn, những sai sót đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên để báo chí Hưng Yên vươn lên ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngoài sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự theo dõi, giúp đỡ của nhân dân, mỗi nhà báo phải không ngừng tự học hỏi, tự rèn luyện, nâng cao đạo đức, trau dồi nghiệp vụ sau mỗi lần đi cơ sở, sau mỗi tin, bài được phát sóng, đăng tải hoặc phát hành. Chỉ khi tự nhìn nhận một cách nghiêm túc, nhà báo mới cảm thấy tự hào hoặc chưa bằng lòng vì tin, bài của mình hay hoặc chưa hay, còn thiếu chi tiết hoặc có sai sót. Thông qua đó để biết mình đang ở đâu; mình đang cần cái gì; thiếu cái gì… Nghiệp vụ, kiến thức, lòng say nghề, sự nhiệt huyết, hay lòng tự trọng?
 
Ngọc Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây