Báo chí - Vĩ đại và khốn khó

Thứ tư - 03/07/2019 08:05
Nhìn nhận khắt khe, nghiệt ngã đến mấy thì vẫn không thể phủ nhận 94 năm qua, kể từ tờ báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập (21/6/1925), báo chí Việt Nam đã góp sức quan trọng viết nên thiên sử rạng ngời trong dòng chảy cách mạng oanh liệt của dân tộc.
Những con chữ, tiếng nói, hình ảnh sự kiện do báo chí truyền lan từng ngày,  từng giây đã thành niềm tin yêu của công chúng. Hưởng thụ thông tin thành nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, nước uống. Thông tin nhanh, nhạy, chuẩn xác, đúng bản chất sự việc đã thành lẽ sống của nhà báo. Tiếp nhận thông tin thành quyền tất yếu của nhân dân; theo đó báo chí đã thực sự là diễn đàn dân chủ, tương tác tin cậy của công chúng. Thông tin đã là trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo; theo đó nhà báo và báo chí luôn lấy sự thật, khách quan, trung thực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân như bản tính nguyên tắc của người làm báo chân chính...
 
de94deb6-170f-11e8-9cf4-56c566ee3692

Xưa xa, cổ nhân từng nhắc nhở những ai đa mang với nghề nói và viết, rằng: “Buồn vui đời cũng lắm khi/Lưỡi thành ra súng hiểm nguy khôn lường”! Tiền bối Y đức cũng khuyên bảo: “Bệnh từ miệng mà vào/ Họa từ miệng mà ra”!... Chức năng muôn thuở của báo chí là hoạt động chính trị bằng nghệ thuật thông tin, bình luận. Quy tắc nghề nghiệp muôn thuở vẫn phải là: “Tôn trọng sự thực khách quan. Chịu trách nhiệm về những điều mình phản ánh, loan tin. Nói dối, nói sai, kích động hận thù dân tộc là lỗi nghiêm trọng nhất. Không dùng quyền nhà báo để hăm dọa, vụ lợi. Không cho ai lợi dụng danh nghĩa nhà báo để làm những điều bất minh, phi pháp”! Thấu đáo hơn, những nhà báo Việt Nam thời nay nhất mực tuân thủ, thực hiện nghiêm cẩn “10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”... Như thế đủ biết, nói và viết, quả là không dễ. Cho nên người đời mới chắt ra: “Báo chí nghề nguy hiểm”! “Báo chí nghề khắt khe”! “Báo chí nghề nghiệt ngã”! “Báo chí nghề thống khổ suốt ngày suốt đêm”!... Chung quy cũng là đặc thù nghiệt ngã của nghề báo. Song, từ lâu tôi vẫn ngẫm ngợi, canh cánh về những lời này, chẳng rõ (nguồn từ đâu): “Báo chí là một nghề vừa vĩ đại, vừa khốn khó”!

Mấy ai nghĩ nhà báo là “vô danh”? Danh xưng và tên tác giả luôn gắn với  tác phẩm. Hay thì thiên hạ khen, tìm cách lan truyền và lưu giữ. Dở thì chê bai, báng bổ, thậm chí tới tấp “ném đá” trên mạng. Sai phạm nặng thì mất nghề! Nhưng, nói báo chí là nghề “vĩ đại” thì cũng quá đại ngôn. Có chăng là cái quyền được tiếp cận thông tin từ “nơi đầu nguồn sự kiện”; tiếp cận cái mới, cái hay nẩy sinh, diễn biến trong cuộc sống xã hội và tự nhiên. Cũng có thể hiểu cái “vĩ đại” của nhà báo là sự dũng cảm trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, trong bảo vệ biên cương, hải phận tổ quốc. Để nói trúng, nói đúng sự thật, bắt buộc nhà báo phải tiếp cận. Kể từ kháng chiến chống Pháp - chống Mỹ - bảo vệ biên cương phía Nam, phía Bắc của Tổ quốc, báo giới Việt Nam đã có tới non nửa ngàn nhà báo liệt sĩ. Họ là những nhà báo chiến sĩ vừa cầm súng chiến đấu, vừa tác nghiệp nghề báo để thông tin đúng sự thật oai hùng quyết chiến quyết thắng để Tổ quốc quyết sinh. Bởi thế, những nhà báo thân yêu của chúng ta ngã xuống vẫn trong tư thế xung trận, vẫn dõi về sự thật.

Bởi thế, tôi quý trọng lời này của nhà báo Hiram Johnson: “Khi cuộc chiến xảy ra, nạn nhân đầu tiên vẫn là sự thật”! Sự thật là tối thượng với mỗi nhà báo chân chính. Nói cái hay, cái điển hình, tiên tiến, nhân tố mới họ đến tận nơi, truy đến cùng căn nguyên làm nên để người nhận thông tin không chỉ biết mà còn học và làm theo. Sự thật là tối thượng, bởi thế bao nỗi khổ, nhọc nhằn của đồng bào dân tộc nơi rừng sâu, núi thẳm đều được báo chí phản ánh, chia sẻ để Đảng, Chính quyền thấu hiểu, quan tâm giải quyết. Nói sự thật là tối thượng, nên các nhà báo Việt Nam luôn vì Đảng, vì Nhà nước, vì quyền lợi thiết thực của nhân dân để sâu sát thực tế, dũng cảm phơi bày những “nhóm lợi ích”, những cá nhân lợi dụng chức lớn, quyền cao, dùng uy danh để làm điều phi pháp... giúp các cơ quan chức năng nhập cuộc xử lý, trừng trị. Dũng cảm, sâu sát, quyết liệt... đôi khi phải trả giá, nhưng những nhà báo chân chính ấy luôn đẹp mãi trong lòng dân, bởi họ biết dấn thân vì lẽ phải và sự công bằng, vì xã hội phải tốt đẹp hơn lên. Bởi: “Trong báo chí, nói ra sự thật là luật tối thượng”! (Walter Lippmam)...

Để là như thế, hơn ai hết, nhà báo phải rèn sức phát hiện, năng lực cắt nghĩa lý giải vấn đề, cái mới, cái hay, cái tiên tiến... thật khách quan, khoa học, đúng bản chất... để truyền đến cho nhân dân những gì mình nhận biết. Cho nên, nhân dân luôn coi nhà báo là tai mắt của họ, đại diện cho họ vì lẽ phải và sự công bằng, thông tin tới họ những gì chắc chắn, chuẩn xác nhất. “Báo chí Việt Nam cũng là Khí phách Việt Nam”! Rất đậm trong suốt dặm trường cách mạng, báo chí đã đồng hành cùng Đảng tiên phong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và tiến lên. Tên tuổi của lớp lớp nhà báo tiền bối, của các nhà báo liệt sĩ suốt 94 năm qua vẫn sống mãi, sáng mãi cùng lịch sử hùng anh của dân tộc, minh chứng về nghề báo - một nghề thực sự vĩ đại!

Dẫu vậy, vẫn không ít người than thở: - Làm báo chưa khi nào gian khổ,  khốn khó như hiện nay! Đối lại, nhiều người cũng thẳng thừng: Nhà báo thời nay có quá nhiều tiện ích, nhất là lứa trẻ. Họ giàu có về kiến thức, về kĩ năng tác nghiệp, đào tạo bài bản. Được trang bị phương tiện công nghệ tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin, khai thác dữ liệu và truyền tin thông minh, siêu tốc! Thế nhưng, làm sao tình trạng sai sót trên các phương tiện thông tin vẫn cứ liên tục diễn ra. Công chúng, bạn đọc, bức xúc, bức bối thậm chí không tiếc lời đay nghiến về sự vô tâm, vô trách nhiệm của nhà báo, của tờ báo, đến mức phải nói đi, nói lại; phải cải chính tới mức xếp lần... Âu cũng là điều cảnh báo. Ấy là công chúng, bạn đọc đã thẳng thắn chỉ rõ: “Mặt chúng ta có nhọ”! Như ý của Bác Hồ nói về phê bình để chúng ta nghiêm túc sửa chữa. Chung quy cũng tại lỗi tiếp nhận thông tin không chắc chắn, nhìn nhận thiếu khách quan; cũng có thể bởi lòng gian dối, thiếu trung thực, bị tiền bạc hoặc thế lực bất minh bẻ cong lẽ phải; cũng có thể bởi lòng dạ hời hợt, vô trách nhiệm khi tác nghiệp, nguồn tin không kiểm chứng.  Nghề báo khốn khó cũng bởi sự căng thẳng, nên ở phía trời Tây người ta xếp báo chí ở hàng thứ 3 sau thợ mỏ và cảnh sát. Những nhà báo làm nhật báo, truyền hình và phát thanh trực tiếp thì thấu hiểu điều này hơn ai hết.

Làm báo, bổn phận là thông tin. Lao động báo chí là lao động khoa học. Sản phẩm báo chí là tổng hợp của tính khoa học, chính trị và văn hóa. Khám phá, phát hiện, tiếp xúc với con người, với cuộc sống xã hội là một nghệ thuật, nên không thể hời hợt. Xưa làm báo đã không dễ, nay làm báo còn khó trăm bề. Bởi thông tin đã lên mặt báo, đã lên làn sóng thì cả thế giới đều đón nhận. Họ là ân nhân của báo chí, nhưng cũng là giám thị, là người giám sát, thẩm định thông tin của nhà báo công minh và khách quan nhất. Họ ngằn ngặt, khắt khe, sét nét, căn cơ hệt như mẹ chồng khó tính. Đó cũng chính là sự khốn khó của nhà báo. Một sự khe khắt đáng nể trọng để chúng ta luôn phải để tâm đến chất lượng thông tin. Dân gian từng truyền dạy: “Viết sao cho lọt tai người/ Để người cùng khóc, cùng cười với ta”. Hay, không chỉ là chữ nghĩa, ngôn từ; viết khéo không phải để lấy lòng một ai đó; mà hơn hết là tính trung thực, bản ngã toát ra từ sự việc, sự kiện!
 
Nhà báo Nguyễn Uyển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây