Báo chí và áp lực đổi mới: Sự thật và lẽ phải đang chờ ta lên tiếng
Thứ tư - 03/07/2019 08:37
Thời đại thông tin kỹ thuật số, việc phải thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sự cạnh tranh khốc liệt về thông tin, thực tế phát triển của truyền thông hiện nay đã và đang khiến báo chí phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng đổi mới như thế nào để phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất, với mỗi cơ quan báo chí, lại là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu cơ quan báo chí. "Trong sóng cả càng phải vững tay chèo", để vượt qua được thách thức, đưa tờ báo phát triển, đòi hỏi Tổng Biên tập (TBT) các tờ báo càng phải chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ của mình. Nhân dịp này, Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - đã có những tâm sự, trải lòng về những kỷ niệm cũng như bài học kinh nghiệm được ông đúc rút từ 40 năm làm báo và nhất là từ những năm tháng ông là Tổng Biên tập báo HàNộimới. Người làm báo Hưng Yên xin trân trong giới thiệu cùng độc giả.
Tổng Biên tập nào, tờ báo đó
+ Tổng Biên tập có phải là một nghề?
- Về mặt hành chính, Tổng Biên tập là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật, xã hội, trước cấp trên về toàn bộ hoạt động của tờ báo, đặc biệt là về những nội dung mà tờ báo phản ánh.
Về mặt nghề nghiệp, có thể ví Tổng Biên tập như “ngọn cờ” của tờ báo. Nói gì thì nói, khi ở vị trí đó, anh phải là người tiêu biểu, vững vàng về chuyên môn; là người có khả năng tạo nên bản sắc của tờ báo và không những thế, anh chính là người tạo cảm hứng sáng tạo cho những cây bút trong cơ quan, từ đó tạo nên phong cách cho tờ báo mà anh cầm trong tay. Có thể nói, Tổng Biên tập nào, tờ báo đó. Tổng Biên tập có thể biến tờ báo thành một vũ khí chiến đấu thực sự, đồng thời cũng đưa tờ báo xích lại gần và trở thành người bạn gần gũi với bạn đọc, nơi để giãi bày, an ủi, một chỗ dựa đáng tin cậy cho bạn đọc. Tổng Biên tập vừa phải có bản lĩnh, vừa phải có phẩm cách văn hoá thì mới xây dựng được tờ báo vừa có tính chiến đấu vừa có tính nhân văn.
Ở Việt Nam, Tổng Biên tập chính là người quyết định chất lượng, sức hấp dẫn của tờ báo, quyết định nó là một tờ báo hay hoặc không hay trong lòng công chúng và đồng nghiệp. Và không chỉ vậy. Tờ báo có đứng vững được trong thương trường hay không khi xác định được đề bài và lời giải của những bài toán kinh tế hóc búa. Chuyện cơm áo gạo tiền không những không xa lạ đối với các nhà báo mà thậm chí đang là vấn đề rất căng thẳng đối với không ít cơ quan báo chí. Tổng Biên tập thực sự là một người có quyền lực và quyền lực đó thể hiện trước hết ở khả năng điều hành tòa soạn để tạo nên sức sống cho tờ báo. Vai trò của Tổng Biên tập rất lớn, có tính quyết định.
Hiện chỉ có rất ít cơ quan báo chí mà Tổng Biên tập chỉ phụ trách về mặt nội dung, mà không quản lý tòa soạn, mô hình vốn không phổ biến ở những cơ quan báo chí truyền thống nước ta.
Tựu trung lại, Tổng Biên tập phải hội tụ được nhiều phẩm chất.
+ Theo ông, những phẩm chất nào sẽ “làm nên” một Tổng Biên tập, hoặc “phế truất” một Tổng Biên tập được bổ nhiệm nhưng không hội đủ những phẩm chất đó?
- Trước hết là phải có bản lĩnh của người đứng đầu. Tổng Biên tập phải đủ dũng khí để bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, vì công lý và lẽ phải; bản lĩnh không tự sinh ra mà luôn cần được trau dồi, rèn luyện và để từ đó “truyền lửa” cho đội ngũ người làm báo trong cơ quan.
Thứ hai, phải có trí tuệ, kiến thức sâu rộng về các vấn đề mà xã hội, thời cuộc, cuộc sống đang đặt ra hàng ngày. Điều đó sẽ giúp anh có được phương pháp luận đúng đắn để xử lý kịp thời và phù hợp những thách thức của nghề báo nói chung và những vấn đề cụ thể, liên quan khác nói riêng.
"Tổng Biên tập nào, tờ báo đó. Tổng Biên tập có thể biến tờ báo thành một vũ khí chiến đấu thực sự, đồng thời cũng đưa tờ báo xích lại gần và trở thành người bạn gần gũi với bạn đọc, nơi để giãi bày, an ủi, một chỗ dựa đáng tin cậy cho bạn đọc. Tổng Biên tập vừa phải có bản lĩnh, vừa phải có phẩm cách văn hoá thì mới xây dựng được tờ báo vừa có tính chiến đấu vừa có tính nhân văn."
Và thứ ba là phải vững nghề, tinh thông về nghề. Có những Tổng Biên tập trưởng thành từ phóng viên nên họ như “con dao pha” trong chuyên môn. Vừa là cây bút chính luận viết xã luận, bình luận, họ vẫn có thể viết phóng sự, ký sự... Đồng thời, Tổng Biên tập hơn ai hết phải có những mối quan hệ xã hội rộng rãi, phong phú, nhất là những mối quan hệ cho phép đủ điều kiện tiếp cận thông tin nguồn, thông tin loại A, những thông tin cần thiết và quan trọng, thậm chí cả những thông tin thuộc dạng “thâm cung bí sử”... phục vụ cho việc chỉ đạo, xử lý kịp thời, chính xác, hiệu quả về nội dung.
Thứ tư, Tổng Biên tập phải là chỗ dựa tin cậy cho người làm báo, đồng nghiệp cấp dưới trong cơ quan; đặc biệt đối với những người được giao nhiệm vụ khó khăn, đang lăn xả tìm kiếm, khai thác, viết bài đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, họ rất cần một niềm tin rằng Tổng biên tập đang luôn bên cạnh mình.
Cuối cùng, Tổng Biên tập phải là một người dám chịu trách nhiệm về tất cả những việc mình làm, về mọi hoạt động của tờ báo.
Không phải ai ngồi vào ghế Tổng Biên tập cũng hội đủ ngay những phẩm chất như vừa nêu ở trên. Đó thực sự là những phẩm chất cần được bồi đắp dần qua thời gian mới có thể trở nên mạnh mẽ và sáng chói. Đặc biệt, đối với những người mà cái ghế Tổng Biên tập đến với họ như một tình huống ngẫu nhiên. Cá nhân tôi, khi đã trải qua những năm tháng làm Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập, tôi luôn mong muốn phấn đấu thành một người như thế. Sự cân bằng giữa “cái cần” và “cái có thể”
+ Ai đó đã ví nghề Tổng Biên tập “như đi trên dây” bởi trong từng tích tắc luôn đứng trên những lằn ranh mỏng manh của những đúng, sai, nhanh, chậm, hay, dở, tốt, xấu, an toàn, nguy hiểm...?
- Tôi cũng có lúc nghĩ làm Tổng Biên tập là người “đi trên dây” như chị nói. Nhưng là ở những tình huống nào đó. Tính mong manh, thách đố của những quyết định, rằng việc đó có làm không, bài đó có đăng không, tin đó có đưa không, có ý kiến của ai đó thì có nên gác lại không? Nhân vật ở tầng mức đó, mối quan hệ xã hội đó có nên đề cập không? Ảnh hưởng xã hội sau khi tin bài đăng lên sẽ thế nào? Nó sẽ tác động trực tiếp tới tờ báo, tới số phận anh em như thế nào? Lợi ích cục bộ và lợi ích toàn cục?... Phải cân đong đo đếm thế nào để quyết định đưa ra, trong một thời khắc nhiều khi rất chớp nhoáng, để kịp thời, phù hợp và chính xác - hoàn toàn không dễ!
Tôi thích một câu nói mà khi vận vào công việc của Tổng Biên tập có lẽ rất thích hợp: “Nghệ thuật chính trị là gì? Là tìm ra sự cân bằng giữa cái cần và cái có thể”. Câu đó không chỉ đúng với người lãnh đạo quốc gia, những người làm chính trị chuyên nghiệp. Người làm báo, ở đây chính là Tổng Biên tập, cũng phải biết tìm cho mình sự cân bằng đó. Bởi lẽ anh là người phải đưa ra những quyết định trước những đòi hỏi khách quan của cuộc sống, xã hội về việc anh sẽ làm/viết/ đăng tải hay không và như thế nào, nếu làm thì làm ở mức nào... và đó luôn luôn là những thách thức, áp lực, sức ép có thật mà anh phải đủ sức đối đầu và vượt lên.
Mọi cam go, thách đố, suy cho cùng đều ẩn chứa những thành công hay thất bại lúc anh giải mã được thế nào là “cái cần” và “cái có thể” khi anh ở vị trí người đứng đầu. Sự năng hoạt và trí tuệ là những tố chất cần thiết, đặc trưng nhất của nghề Tổng Biên tập giúp anh tìm được lời giải ưng ý nhất cho bài toán “đi trên dây” này. “Mọi cam go, thách đố, suy cho cùng đều ẩn chứa những thành công hay thất bại lúc anh giải mã được thế nào là “cái cần” và “cái có thể” khi anh ở vị trí người đứng đầu. Sự năng hoạt và trí tuệ là những tố chất cần thiết, đặc trưng nhất của nghề Tổng Biên tập giúp anh tìm được lời giải ưng ý nhất cho bài toán “đi trên dây” này."
Do có nhiều năm công tác ở môi trường báo chính trị, nên khi làm Tổng Biên tập, tôi nghĩ, để làm đúng, làm không sai thì không quá khó. Nhưng để làm hay, hấp dẫn thì phải nói là rất khó. Đó chính là câu chuyện của cả những cơ quan báo chí lớn, quy tụ nhiều nhà báo giỏi, nhưng tờ báo cứ bình lặng, nguyên nhân không phải ở năng lực đội ngũ yếu kém mà ở cách làm báo theo công thức, đặt lên hàng đầu thói quen “làm báo không sai”. Vượt qua được nếp nghĩ đó, không dễ. Đòi hỏi bản lĩnh, khả năng chấp nhận thách đố và năng lực sáng tạo.
Nhiều Tổng Biên tập đã không ít lần, trong môi trường không thuận lợi lắm, phải tự tạo không gian sáng tạo để có một bài báo, để tổ chức một loạt bài, mở một “chiến dịch”..., đương nhiên là khó, nhưng không phải là không thể. Tôi vẫn tin rằng, nếu mình nói đúng điều cần nói, đúng mực, xây dựng và sâu sắc, mà lại có ích, thì cho dù ai đó ở đâu đó, có thể chưa quen nghe, chưa đồng tình, nhưng dần dần giá trị của sự thật vẫn có sức mạnh riêng của nó.
“Sếp nhất” và “sếp của sếp nhất”
+ Tổng Biên tập là “sếp nhất”. Có hay không “sếp của sếp nhất”?
- Có chứ. Đó là người đứng đầu cơ quan chủ quản của tờ báo. Nhưng đôi khi còn có các sếp khác tác động vào “sếp” đó để “chỉ đạo” Tổng Biên tập. Chỉ đạo để làm đúng là rất cần thiết, nhưng không phải trường hợp nào cũng như vậy. Tổng Biên tập tất nhiên trong những hoàn cảnh đó cũng phải chịu sức ép nặng nề khi đưa ra quyết định mà bị can thiệp từ nhiều phía như vậy.
Ví dụ, bài chưa đăng đã bị can thiệp để không đăng. Bài vừa đăng lên đã bị yêu cầu không tiếp tục đăng kỳ hai, kỳ ba... hoặc yêu cầu có bài đính chính lại nội dung bài đã đăng, hoặc yêu cầu dùng thông tin, ý kiến khác phản bác lại dưới hình thức “rộng đường dư luận” hay “đối thoại dân chủ” mà thực chất là sự can thiệp...
Nói tóm lại là khó khăn thực tế đó, Tổng Biên tập phải là người xử lý được hài hòa, hợp lý nhất, không cực đoan, không bị kích động. Tôi nhớ mãi câu nói dành cho các nhà báo làm điều tra chống tiêu cực của cố nhà báo Hữu Thọ: “Làm gì thì làm, trước hết phải bảo vệ được bản thân mình vì nếu không bảo vệ được bản thân thì sẽ không làm được điều mình muốn!”. Nghĩa là phải có cái nhìn toàn diện, ngoài tinh thần chiến đấu, bảo vệ sự thật - công lý - lẽ phải (đó là ngọn cờ tư tưởng, là lẽ sống của người cầm bút) thì phải hết sức quan tâm tới việc làm sao bảo vệ được cơ quan, đồng nghiệp, bản thân để còn tiếp tục “chiến đấu”...
Nghề nguy hiểm
+ Nhân nói về “dũng khí”, xin hỏi đâu là quyết định dũng cảm nhất khi ông làm Tổng Biên tập, từng chứa đầy “nguy hiểm” đối với “cái ghế” của Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi?
- Tôi nhớ, có một loạt bài, mà sau đó báo HàNộimới của chúng tôi năm 2008 đã đoạt giải cao Giải Báo chí Quốc gia, liên quan đến việc phải xử lý một công trình sai phạm lớn. Quả thật, 10 năm rồi mà giờ tôi vẫn còn cảm giác đau xót, ái ngại... Đó là thời điểm Thủ đô rất “nóng” bởi bùng phát nhiều công trình xây dựng sai phép. Dường như thành phố rơi vào trạng thái bất lực trong việc xử lý. Đó cũng là năm đầu tiên tôi về HàNộimới với chức danh Tổng Biên tập. Bắt đầu từ một thông tin hé mở mà tôi tiếp nhận được tại một cuộc giao ban, định đăng một tin ngắn trên bản điện tử, nhưng tôi thấy ở đó lấp ló một vụ việc lớn nên đã cử một nhóm phóng viên đi điều tra. Cuối ngày, khi nghe anh em báo cáo lại tình hình, tôi đã quyết định vào cuộc và thành lập ngay một tổ công tác. Bài báo đầu tiên ra lò đã gây chấn động, rung chuyển ngay tại các cơ quan của thành phố và địa bàn nơi có công trình vi phạm. Nhiều số báo tiếp tục, kiên trì vạch ra những sai phạm. Một trận đánh được triển khai bài bản với nhiều thể loại như: bài tường thuật, phỏng vấn, phân tích, bình luận. Thực sự là một cuộc đấu tranh gay gắt khi mà vi phạm đó đã kéo dài nhiều năm, đan chéo ở đó là nhiều lợi ích, nhiều mối quan hệ, chính quyền địa phương không thể làm gì vì cứ động đến là điện thoại tới tấp, là căng thẳng... Công trình cứ thế mà bề thế, hoành tráng, nguy nga từng ngày. Việc xử lý hoàn toàn không đơn giản. Báo HàNộimới trước đó thường không mấy khi lên tiếng về những vụ như thế, nhưng khi đã lên tiếng và lên tiếng quyết liệt thì khiến nhiều người thấy lạ cũng phải.
“Mạng xã hội với xã hội nói chung và báo chí nói riêng là câu chuyện cực lớn. Báo chí sẽ phải trải qua một cuộc cách mạng thật sự về cách thức, phương thức làm nghề. Nhưng, tôi nghĩ, lý tưởng làm nghề, đạo đức làm nghề thì không thể khác”.
Vấn đề là, khi một tờ báo dấn thân vào cuộc chiến chống lại những vi phạm, tiêu cực, nếu hoàn toàn “đơn thân độc mã” thì không khỏi có lúc “nguy hiểm” và thậm chí là không đi đến đích được. May mắn là báo chúng tôi lúc đó được sự ủng hộ, đồng tình của Thành ủy mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Thành uỷ. Kết quả là sai phạm đã được xử lý nghiêm minh - một việc chưa từng có ở Thủ đô. Của đau con xót, nhưng không có cách nào khác, đó là cách duy nhất để thiết lập kỷ cương.
Đã có lúc tôi cũng mềm lòng và tự hỏi không biết mình có nên đi tới tận cùng không, có nên đề xuất cưỡng chế, xử lý triệt để không. Và khi công trình sai phạm nguy nga là thế bị phá hủy hoàn toàn, lòng tôi đau xót chứ không hề hả hê. Chỉ mong sao vụ việc đó sẽ trở thành một bài học đắt giá cho những ai đó đang có ý định vi phạm. Rõ ràng sự cảnh tỉnh luôn có giá trị của nó.
Sau đó, Hà Nội tiếp tục xử lý một số công trình vi phạm nhức nhối khác theo hướng này, dần dần thiết lập một trật tự mới: gần như tất cả các công trình xây dựng ở Hà Nội nếu sai phép đều bị xử lý, không có ngoại lệ, trong đó có vụ xử lý cắt ngọn nhà 8B Lê Trực sau này.
Không chỉ đánh một trận, bắn một loạt là xong
+ Bí quyết để “an toàn” và “hiệu quả” nhằm tiếp tục chiến đấu bảo vệ sự thật và lẽ phải mà một Tổng Biên tập cần có?
- Rất quyết liệt nhưng phải rất linh hoạt. Phải biết nhìn xa. Đấu tranh một việc sai trái, không chỉ biết mỗi việc đó, mà phải biết tỉnh táo đẩy sự việc ra xa. Người Tổng Biên tập phải luôn là người có tinh thần chuẩn bị không chỉ đánh một trận, bắn một loạt là xong, mà phải chuẩn bị lực lượng lâu dài để chiến đấu, bảo vệ lẽ phải và bảo vệ đội ngũ, bảo vệ bản thân. Thực tế nhiều trường hợp làm báo đã cho thấy, việc bảo vệ được lẽ phải chính là bảo vệ đồng nghiệp, bảo vệ bản thân mình.
+ Ngoài kỹ năng “truyền lửa”, Tổng Biên tập có cần rèn giũa kỹ năng “giữ lửa” hay “hạ nhiệt” ngay tại tờ báo của mình?
- Đến nay, tôi có gần 40 năm làm báo. Trước khi về làm Tổng Biên tập HàNộimới, tôi có 5 năm kinh nghiệm ở vị trí Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân sau khi trải qua rất nhiều công việc: phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, phó phòng, trưởng phòng. Cả cuộc sống của tôi gắn với nghề báo. Khi làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cũng gắn trực tiếp với báo chí. Về Hội Nhà báo Việt Nam với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực thì hầu như toàn bộ công việc, hoạt động của tôi là hoạt động báo chí và phục vụ báo chí...
“Tôi nghĩ, với người làm Tổng Biên tập, 3 yếu tố đó là không thể tách rời, thậm chí phải là “ba trong một”. Chính trị phải được thể hiện thông qua năng lực quản lý, điều hành bộ máy hiệu quả, thông qua năng lực hành nghề, bao gồm các hoạt động báo chí, truyền thông tổ chức sự kiện, làm quảng cáo... Kinh tế báo chí gần đây đã được coi là vấn đề sống còn của báo chí, vì thế một Tổng Biên tập quản lý giỏi, có “duyên” làm kinh tế nhất thiết phải là một Tổng Biên tập thấu đáo về chính trị, nắm bắt nhanh nhạy, chuẩn xác các vấn đề của cuộc sống, các chủ trương chính sách, quy định của pháp luật...”
Tôi đã được anh em đồng nghiệp coi là người có thể chia sẻ về nghề, có người gọi tôi là “người truyền lửa”. Trước hết là chia sẻ những nhận thức về ý nghĩa của nghề báo, trách nhiệm của người cầm bút. Trong công việc cụ thể, nếu hàng ngày cứ chỉ nói hoặc chỉ tay năm ngón thôi thì sẽ là rao giảng, mà phải thực sự đồng hành cùng anh em, cùng lao động và sáng tạo với họ. Qua trao đổi, thảo luận, chia sẻ, bàn bạc cách làm, cách tiếp cận, bố trí phân công từng người từng việc, sẽ kích hoạt sự năng động, sáng tạo, nghĩ ra được nhiều đề tài, tổ chức được nhiều bài, loạt bài chất lượng. Có nghĩa, Tổng Biên tập vừa chỉ đạo, vừa tham gia quá trình sáng tạo. Làm báo cũng như ra trận. Phải theo dõi, quan tâm từ phương tiện, bữa ăn, giấc ngủ của những anh em đang trên đường làm nhiệm vụ, biết được những hiểm nguy anh em đang đối mặt, kịp thời thăm hỏi, động viên, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho họ. Một cú điện thoại trong đêm của Tổng Biên tập khi anh em đang “ra trận” sẽ có giá trị hơn rất nhiều những lời đại ngôn trong cuộc họp, khi mà anh em hiểu được Tổng Biên tập giờ khuya đó vẫn chưa ngủ, đang dõi theo họ từng bước, và họ sẵn sàng thức thâu đêm để ngày mai tờ báo có một bài viết chấn động... Khi báo có thành tích, Tổng Biên tập không thể cứ đương nhiên nhận công lao về mình; công lao là của cả tòa soạn. Khi có sự cố, thậm chí sai lầm, Tổng Biên tập phải dám chịu trách nhiệm nếu thực sự do mình sai trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, ký duyệt; trường hợp không liên quan trực tiếp, vẫn phải cùng anh em chia sẻ trách nhiệm. Chính từ điều đó mà Tổng Biên tập sẽ lấy được trái tim của họ. Và phải luôn công bằng trong phán xử để biết đâu là sơ suất do khách quan đưa lại, phải có đủ trình độ kiểm soát mọi việc để chỉ rõ đâu là những động cơ xấu, vụ lợi, mưu cầu lợi ích riêng. Phân biệt đúng để xử lý đúng.
“Hạ nhiệt” có cần như một kỹ năng của Tổng Biên tập không? Không! Cá nhân tôi chưa từng làm như vậy vì tôi muốn nuôi dưỡng trong anh em ngọn lửa say mê nghề nghiệp. Khi phóng viên quá nóng nẩy, “bốc lửa”, mình nên đưa họ trở lại trạng thái điềm tĩnh, cùng lùi lại một bước để nhìn nhận khách quan hơn, thận trọng hơn, phân tích cho họ hiểu điều gì nên làm, chưa nên làm... để tránh sự nôn nóng, bốc đồng, để tìm kiếm sự khôn khéo, linh hoạt, tỉnh táo cần thiết...
+ Ông có nghĩ Tổng Biên tập thời nay rất vất vả, vì không chỉ thuần túy lo nội dung, mà còn phải quán xuyến nhiều việc nhằm củng cố thực lực, xây dựng thương hiệu và phát triển tờ báo trong bối cảnh nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt?
- Vất vả là đương nhiên. Ngày 2/1/2008 tôi nhận quyết định bổ nhiệm làm Tổng Biên tập báo HàNộimới. Đó là thời điểm tờ báo đang có một số khó khăn. Chân ướt chân ráo về, phải đối mặt ngay với vụ Nhà Chung. Với nhiệm vụ bảo vệ quy định pháp luật liên quan đất đai có nguồn gốc tôn giáo, báo phải mở chiến dịch dài nhiều ngày để khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chủ trương; phê phán những hành vi sai trái, hỗ trợ công tác thực thi pháp luật, lập lại trật tự kỷ cương xã hội để không thể ngay giữa trung tâm Thủ đô mà xảy ra rối loạn kéo dài. Sau đó còn có vụ Thái Hà, vụ Núi Chẽ. Ba vụ, ba trận phức tạp căng thẳng, thuyết phục, để người dân, đồng bào tôn giáo nhận thức được đâu đúng, đâu sai. Và báo Hànộimới đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Vừa về báo, lại xảy ra đợt rét kỷ lục, hàng trăm ngàn trâu bò chết ở nhiều tỉnh phía Bắc, Ban Biên tập quyết định mở chiến dịch “Lửa ấm về các miền quê”, và lửa nhân ái đã lan tỏa về nhiều miền quê, hàng nghìn con trâu, quần áo, lương thực... đã được báo HàNộimới trao cho các gia đình nông dân bị thiệt hại nặng nề. Năm 2008 còn có một việc cực lớn: Mở rộng và hợp nhất Thủ đô Hà Nội. Vấn đề rất lớn không chỉ của Hà Nội mà của cả nước. Cả guồng máy đồ sộ, vừa chạy vừa xếp hàng. Nội bộ HàNộimới đứng trước nhiều khó khăn. Tờ Tin chiều - tờ tin xuất bản mới vài ba năm, không đứng được, và không đủ lý do tồn tại, buộc phải ngừng xuất bản, 35 con người của Tin chiều không bị mất việc mà được đón về các phòng, ban của báo. Như vậy, không chỉ báo Hà Nội mới và báo Hà Tây mà cả tờ Tin chiều là 3 tòa soạn nhập 1, “xã viên 3 hợp tác về canh tác trên một cánh đồng là 8 trang báo”, làm thế nào để sắp xếp, bố trí hợp lý cho bộ máy ngót nghét 300 con người. Một bài toán quá khó. Tổng Biên tập phải nhiều đêm mất ngủ. Rồi cũng tìm được cách giải quyết, ổn định sau một thời gian không lâu. Ổn định, đoàn kết, rồi ăn nên làm ra, tờ báo tiến đến có lượng phát hành lớn nhất, tính trong vòng 5 - 10 năm...
+ Có quan niệm, Tổng Biên tập giỏi là biết cách giao việc cho cấp phó, chỉ nắm mấy khâu quan trọng nhất như tài chính, tổ chức và đối ngoại, như thế sẽ rất nhàn...
- Mỗi Tổng Biên tập sẽ điều hành tòa soạn theo cách riêng. Tôi không có hình mẫu duy nhất nào. Tùy năng lực, hoàn cảnh. Tất nhiên nghề báo không nhất thiết cứ phải ngồi lỳ bên bàn làm việc, mà còn phải tăng cường gặp gỡ, giao lưu, khai thác các nguồn lực bên ngoài... Công việc của Tổng Biên tập rất phong phú. Ai đó nghĩ Tổng Biên tập là được thoải mái đi chơi, tôi nghĩ người đó không phải là Tổng Biên tập đúng nghĩa. Họ phải làm nghề chứ. Có những Tổng Biên tập chỉ làm nghề. Có những người được trao việc chỉ đi quan hệ. Có người phải lo đồng thời cả hai. Đó là do sự phân công của tòa soạn. Không phải tòa soạn nào cũng giống tòa soạn nào.
Không thể là báo chí minh họa dễ dãi
+ Tổng Biên tập phải cơ cấu hài hòa như thế nào các trọng trách liên quan đến chính trị, quản lý và kinh tế của mình?
- Tôi nghĩ, với người làm Tổng Biên tập, 3 yếu tố đó là không thể tách rời, thậm chí phải là “ba trong một”. Chính trị phải được thể hiện thông qua năng lực quản lý, điều hành bộ máy hiệu quả, thông qua năng lực hành nghề, bao gồm các hoạt động báo chí, truyền thông tổ chức sự kiện, làm quảng cáo... Kinh tế báo chí gần đây đã được coi là vấn đề sống còn của báo chí, vì thế một Tổng Biên tập quản lý giỏi, có “duyên” làm kinh tế nhất thiết phải là một Tổng Biên tập thấu đáo về chính trị, nắm bắt nhanh nhạy, chuẩn xác các vấn đề của cuộc sống, các chủ trương chính sách, quy định của pháp luật...
+ Làm Tổng Biên tập không dễ, làm Tổng Biên tập báo Đảng còn khó hơn, vì công chúng sẽ coi anh như “nhà tuyên giáo” nếu anh không chứng minh được tài năng, bút lực của mình...?
- Không nên đối lập báo chí với tuyên giáo. Báo chí là một vũ khí đầy hiệu năng của công tác tuyên giáo; tuyên giáo là tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục các vấn đề liên quan chính trị, tư tưởng, tâm hồn, tình cảm, các mối quan hệ xã hội...
Tuy nhiên, kiểu tuyên giáo cực đoan, giáo điều, cứng nhắc thì rất cần tránh. Báo chí đích thực, nhà báo đích thực sẽ khó hòa nhập được với lối làm tuyên giáo đó.
Thực tế tôi đã từng làm báo, rồi làm tuyên giáo, rồi lại làm báo..., chẳng thấy có gì là mâu thuẫn cả. Khi làm tuyên giáo, tôi đối thoại về nghề với anh em đồng nghiệp rất thoải mái, không có bất cứ một cách bức gì. Miễn là hiểu đúng về công việc của nhau.
Có một “bệnh” của chính các nhà báo, viết không hay, khô cứng lại đổ lỗi cho tuyên giáo, đổ lỗi là viết theo yêu cầu của “nhiệm vụ chính trị” khi không biết cách làm báo hấp dẫn, tuyên truyền theo kiểu “bưng bê” nguyên xi, trích dẫn nghị quyết tràn lan, theo kiểu minh họa... Họ làm nghề một cách dễ dãi, thiếu năng động. Tôi từng đã có lần phát biểu rất thẳng thắn, rằng cách làm báo đó là không thể chấp nhận được, phải thay đổi, vì như thế chỉ làm “khô héo nghị quyết”!
“Trong thời đại truyền thông, kỹ thuật số hôm nay, thách thức chung, lớn và gay gắt nhất với nhiều tờ báo, nhất là báo in đang mất dần vị thế, là việc không đủ năng lực, phương tiện, con người, phương thức hành nghề... vì thế mà có nguy cơ bị xóa sổ. Phải nhìn thấy và nhanh chóng tìm ra con đường tồn tại bằng nhiều biện pháp, cách thức phù hợp. Vượt qua thì sẽ đứng vững. Tổng Biên tập, vì thế, mới được ví như thuyền trưởng, thủ lĩnh, nhạc trưởng... tỏ rõ bản lĩnh, tài năng nhất lúc “sóng cả”!”
Không “chết ở trận tiền” mà “chết vì những việc vụn vặt
+ Hóa giải áp lực, chèo lái tờ báo trước những “sóng to gió cả”... được coi là “thước đo” những Tổng Biên tập tài năng, quả cảm...
- Có tờ báo gặp sóng to gió cả vẫn sống tốt. Trong thời đại truyền thông, kỹ thuật số hôm nay, thách thức chung, lớn và gay gắt nhất với nhiều tờ báo, nhất là báo in đang mất dần vị thế, là việc không đủ năng lực, phương tiện, con người, phương thức hành nghề... vì thế mà có nguy cơ bị xóa sổ. Phải nhìn thấy và nhanh chóng tìm ra con đường tồn tại bằng nhiều biện pháp, cách thức phù hợp. Vượt qua thì sẽ đứng vững. Tổng Biên tập, vì thế mới được ví như thuyền trưởng, thủ lĩnh, nhạc trưởng... tỏ rõ bản lĩnh, tài năng nhất lúc “sóng cả”!
+ “Sai một ly đi một dặm”, “chết ở vũng trâu đằm ...- những chuyện đáng tiếc như thế vẫn xảy ra đâu đó trong một số tòa soạn, ngay cả khi Tổng Biên tập là người rất thông minh, giỏi giang, tưởng như “vô đối”...
- Thực tế có những chuyện gọi là tai nạn nghề nghiệp hoặc là những “tai bay vạ gió”... rất khó chống đỡ, có thể ập đến mọi nơi, mọi lúc. Điều hết sức đáng tiếc nằm ở chỗ không chết ở trận tiền, chết trong những trận đánh lớn mà chết vì những việc lặt vặt, không đáng. Có vụ do chính Tổng Biên tập gây ra, cũng có vụ do cách nhìn nhận, xử lý vấn đề của các cơ quan có trách nhiệm.
Tôi vẫn nghĩ cần phải nhìn nhận thấu đáo công việc làm báo, đánh giá đúng mức cái được và cái chưa được ở người đứng đầu cơ quan báo chí, trong đó có cả việc đánh giá đúng mức những sai lầm của họ - một việc rất cần thiết đối với các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí, pháp luật và cộng đồng xã hội. Đừng để ai bị oan khiên. Nhất là đối với người làm nghề vô tư, chính trực. Bản thân nhà báo, Tổng Biên tập phải biết tự bảo vệ mình, đừng để những sai sót lặt vặt hủy hoại mình hoặc tạo cơ hội cho kẻ xấu thọc gậy mình. Chỉ khi nhà báo được bảo vệ quyền làm nghề chính đáng thì họ mới bảo vệ được chân lý và lẽ phải.
Một cơ quan báo chí lành mạnh, đích thực, các giá trị chính đáng đều được coi trọng, lao động sáng tạo được bảo vệ và tôn vinh thì đó là môi trường lý tưởng để báo chí có thể hoàn thành các sứ mệnh nhân văn to lớn và thiêng liêng - bảo vệ chân lý và lẽ phải.
Nỗi nhớ… nghề Tổng Biên tập
+ Từng trải qua rất nhiều chức vụ khác nhau trong các tòa soạn báo chí, từng đứng đầu cơ quan Tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội, từng là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhìn lại, có bao giờ ông thấy những nghề đó không phải là “đồng minh” cho nghề viết của mình?
- Chưa bao giờ. Khi tôi cầm bút, chỉ có điều cốt yếu nhất chi phối: viết thế nào để đủ sức thuyết phục người đọc. Tôi quên mình là Tổng Biên tập hay Trưởng ban Tuyên giáo. Tôi chỉ biết trong tay mình là cây bút, phải viết như nào để chính tôi muốn đọc, mình muốn đọc thì mới có thể thuyết phục được người khác đọc cái mình viết ra. Sức thuyết phục trong báo chí là mục tiêu hướng tới của tôi.
+ Khi đã rời nghề báo nhận trách nhiệm khác, ông có mang theo nỗi nhớ về nghề Tổng Biên tập?
- Có nỗi nhớ đó. Bận bịu, họp hành nhiều, phải làm những công việc nặng về tính hành chính theo trách nhiệm, những lúc đó thèm khát lắm được trở về làm nghề, nghĩ về cách điều hành tờ báo ra sao, cách tổ chức những loạt bài... và nhớ hình ảnh của mình: mở cửa ra ban công, nhìn ra hồ Gươm xanh ngắt lúc vừa hoàn thành xong một “việc khó” nào đó với cảm giác thật sự mãn nguyện. Lại nhớ, có lúc tôi cầm trên tay tờ báo mới in xong, còn thơm phức mùi mực, đi dọc cầu thang, đi từ phòng Tổng Biên tập sang phòng Thư ký tòa soạn, gặp anh em đồng nghiệp, háo hức chia sẻ niềm vui ngập tràn trong lòng về một bài báo hay, một bức ảnh đẹp, một trang báo trình bày ưng ý... Có thể nói, đó là những thời khắc hạnh phúc nhất của nghề Tổng Biên tập mà tôi đã từng trải qua. Công việc dù mệt nhọc nhưng lòng lại xiết bao thanh thản. Tôi thực lòng vẫn rất muốn trở lại với những phút giây như thế!
+ Nếu giờ quay trở lại với nghề Tổng Biên tập, chắc chắn sẽ có một Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi là khác xưa rất nhiều...
- Kinh nghiệm làm nghề đã được bù đắp thêm, các mối quan hệ xã hội được mở rộng thêm, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn... và những điều đó sẽ giúp đưa lại cho tôi những thuận lợi mới, và việc điều hành tòa soạn sẽ có thể không hoàn toàn như trước. Nhưng có một điều sẽ không thay đổi: Niềm say mê nghề nghiệp, khát vọng làm một tờ báo xứng đáng. Bởi tôi đã từng mơ ước xây dựng HàNộimới thành một tờ báo tầm cỡ quốc gia. Nếu giờ trở lại, chắc chắn khát vọng đó sẽ tiếp tục cháy trong tôi...
Vẫn còn những “món nợ” chưa trả hết
+ Liệu có “món nợ” nào khác với nghề Tổng Biên tập mà ông vẫn còn day dứt vì chưa trả được?
- Một món nợ nghề nghiệp cụ thể nào đó thì không, nhưng món nợ với cuộc đời thì có. Vì tôi biết, tờ báo tôi từng lãnh đạo, cũng như báo chí nói chung, dù cố gắng rất nhiều nhưng vẫn còn đó những bất cập, hạn chế trong việc phấn đấu trở thành nguồn thông tin quan trọng, hữu ích cho người đọc. Đây đó, vẫn còn nhiều những bất công, ngang trái. Nhiều người dân còn quá khổ sở mà báo chí chưa đề cập đến hoặc chưa đề cập đúng mức. Người ta thất vọng mà báo chí chưa đem lại được cho họ niềm hy vọng. Cuộc vật lộn giành trái tim, niềm tin của công chúng vẫn còn là một vấn đề lớn của báo chí chúng ta...
“Báo chí có trách nhiệm bảo vệ công lý và lẽ phải, cho nên nhà báo phải dũng cảm và có tinh thần dấn thân. Đã nói đến báo chí là nói đến tinh thần chiến đấu, đi đến cùng, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Nhưng tính chiến đấu của báo chí phải gắn liền với tính nhân văn. Chúng ta không thể phơi bày mọi thứ lên mặt báo bất chấp số phận của cá nhân và tập thể có liên quan. Có thể đằng sau mỗi bài báo là sinh mạng, là số phận của một con người hay một tập thể và sau đó nữa còn là bố mẹ, vợ con, người thân của họ. Cho nên, khi nhấn mạnh tính chiến đấu của báo chí, chúng ta cũng phải luôn suy nghĩ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Rồi đi đến quyết định, viết cái gì, viết như thế nào như Bác Hồ đã căn dặn. Cái tốt luôn cần được bảo vệ và lan toả. Càngđấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác càng đòi hỏi tính nhân văn.”
+ Mạng xã hội đang tác động mạnh, thậm chí đang gây ra những áp lực “khủng khiếp” lên đời sống báo chí. Ông cảm nhận báo chí rồi sẽ như thế nào?
- Mạng xã hội gây áp lực mạnh lên cả đời sống xã hội chứ không phải chỉ riêng đời sống báo chí. Mạng xã hội đang trở thành một phần “không thể thiếu” của đời sống xã hội và thế giới ngày nay. Cơ hội rất lớn, tiện ích không hề nhỏ. Nhưng mạng xã hội cũng đang là nỗi khiếp đảm với nhiều người. Có xây đắp, nhưng cũng có huỷ hoại, tàn phá. Facebook đang là “siêu quyền lực” vì tính không bị kiểm soát và không thể kiểm soát. Sự bình yên đang bị tước đoạt vì sự thiếu tử tế và tàn nhẫn. Mark Zuckerberg, 34 tuổi, cha đẻ của Facebook đã bị Chris, người bạn cùng phòng ở ký túc xá Đại học Harvard, sau này là người đồng hành, nhận xét: “Mark vẫn là một con người. Nhưng bởi chính cái sự người đó, thứ quyền lực chẳng ai kiểm soát được của nó đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng”.
Mạng xã hội với xã hội nói chung và báo chí nói riêng là câu chuyện cực lớn. Báo chí sẽ phải trải qua một cuộc cách mạng thật sự về cách thức, phương thức làm nghề. Nhưng, tôi nghĩ, lý tưởng làm nghề, đạo đức làm nghề thì không thể khác.
+ Ở thời kỳ hiện nay, đâu là phẩm chất cần thiết nhất của một nhà báo?
- Ở bất cứ thời kỳ nào thì “trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật” vẫn là những yêu cầu có tính nguyên tắc khi hoạt động nghề báo. Để làm được điều đó, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Báo chí có trách nhiệm bảo vệ công lý và lẽ phải, cho nên nhà báo phải dũng cảm và có tinh thần dấn thân. Đã nói đến báo chí là nói đến tinh thần chiến đấu, đi đến cùng, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Nhưng tính chiến đấu của báo chí phải gắn liền với tính nhân văn. Chúng ta không thể phơi bày mọi thứ lên mặt báo bất chấp số phận của cá nhân và tập thể có liên quan. Có thể đằng sau mỗi bài báo là sinh mạng, là số phận của một con người hay một tập thể và sau đó nữa còn là bố mẹ, vợ con, người thân của họ. Cho nên, khi nhấn mạnh tính chiến đấu của báo chí, chúng ta cũng phải luôn suy nghĩ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Rồi đi đến quyết định, viết cái gì, viết như thế nào như Bác Hồ đã căn dặn. Cái tốt luôn cần được bảo vệ và lan toả. Càng đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác càng đòi hỏi tính nhân văn. Đây là việc cực kỳ khó khăn. Bởi khoảng cách giữa cái thiện và cái ác trong đấu tranh chống tiêu cực đôi khi rất mỏng manh. Cho nên, nếu phải nói gọn lại, tôi nghĩ, nhà báo phải là người “dũng cảm và nhân văn”.
+ Gần đây, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Hội sẽ có những bước đi thế nào để góp phần thực hiện tốt quy hoạch?
- Trước tiên, phải khẳng định sự cần thiết ra đời của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần đến quy hoạch cụ thể để bảo đảm phát triển đúng định hướng. Chính vì vậy, quy hoạch trên hứa hẹn mang đến những điều tích cực hơn cho báo chí cả nước, qua đó làm rõ quan điểm của Đảng, Chính phủ khi đề ra và xây dựng quy hoạch là báo chí phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. Quy hoạch sẽ giúp báo chí phát triển mạnh và bền vững, làm tốt chức năng thông tin và định hướng dư luận xã hội cũng như hạn chế được sự chồng chéo và lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, quy hoạch sẽ góp phần ngăn chặn được các biểu hiện tiêu cực trong đời sống báo chí.
Nhưng việc quy hoạch này cũng tác động trực tiếp đến đời sống báo chí và đời sống của từng nhà báo, hội viên, các cấp Hội và cơ quan báo chí. Hệ thống báo chí sẽ có bước chuyển lớn với những thay đổi về cơ cấu tổ chức. Không ít Tổng Biên tập sẽ phải đau đầu về vấn đề này. Tới đây sẽ có nhiều cơ quan báo chí hoặc sáp nhập, hoặc chuyển từ báo thành tạp chí, đồng thời chấm dứt hoàn toàn việc báo hóa tạp chí. Điều đó dẫn đến nhiều nhà báo thiếu hoặc thậm chí là mất việc làm, hoặc chuyển sang làm việc khác. Hội Nhà báo Việt Nam với trách nhiệm bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và luôn luôn sát cánh cùng các cấp Hội, các hội viên để hỗ trợ, giúp đỡ các cấp Hội, hội viên thích ứng với quy hoạch báo chí và vượt qua khó khăn. Đây là việc rất thời sự trong cuộc họp gần đây của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng như Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, định hướng năm 2019 của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại Cần Thơ ngày 19/4 vừa rồi.
Đồng thời, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn và đề nghị các cấp từ Trung ương đến địa phương khi thực hiện Quy hoạch báo chí cần có lộ trình hợp lý, quan tâm thích đáng để giải quyết, hỗ trợ giúp đỡ một cách cụ thể, thiết thực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, nhà báo.
+ Một vấn đề, thiết nghĩ Hội Nhà báo Việt Nam cũng có trách nhiệm: Tại Việt Nam cũng như trên thế giới hiện mới chỉ có trường/lớp đào tạo phóng viên, biên tập viên, bình luận viên... mà chưa có nơi nào có trường đào tạo Tổng Biên tập!
- Tổng Biên tập là một nghề tích hợp, đòi hỏi rất nhiều tố chất mà không một trường lớp nào, bài giảng nào, ông thầy nào, có thể cầm tay chỉ việc được. Người thầy của Tổng Biên tập chính là đời sống báo chí, đời sống xã hội, là sự trải nghiệm, là những bài học thành công và thất bại, và còn là công chúng báo chí nghiêm khắc, đòi hỏi ngày càng cao... Cuộc sống - đời sống báo chí, đời sống xã hội - sẽ dạy cho Tổng Biên tập những bài học thấm thía và sâu sắc, cụ thể nhất mà không có trường lớp, sách vở nào có thể dạy đủ cho họ.
+ Có lẽ, rất nên có hồi ký về nghề Tổng Biên tập, bởi những tư liệu, câu chuyện quý giá đằng sau trang báo, những trải nghiệm thú vị, gắn với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều ấn tượng để đời...
- Bây giờ chưa phải là lúc làm việc đó. Còn sau này, nếu có viết, sẽ viết về những năm tháng làm báo và thời kỳ làm Tổng Biên tập. Nhưng sẽ không viết theo tuần tự thời gian từ lúc bắt đầu vào nghề mà là viết về những kỷ niệm làm báo gắn liền với thời cuộc ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời làm báo. Sự kiện báo chí và sự kiện thời cuộc gắn chặt với nhau. Nói về báo chí tức là nói về thời cuộc, làm rõ hơn thời cuộc.
Nhưng, một cánh én không làm nên mùa xuân. Tổng Biên tập không thể một mình làm nên tờ báo mà phải quy tụ được bản lĩnh, khát vọng làm nghề của cả một tập thể, đội ngũ; từ đó kích hoạt những năng lực và khát vọng trong mỗi con người thành nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ, nuôi dưỡng tờ báo, đưa được ra xã hội những sản phẩm báo chí đáp ứng được lòng mong mỏi của công chúng, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.