TS. Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ HNBVN, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Trưởng Ban Thư ký Tổng hợp Giải BCQG: Đầu tư xứng tầm mới có những tác phẩm đoạt giải
Thứ tư - 10/07/2019 10:45
"Các đơn vị nên quan tâm đầu tư và có 'con mắt xanh' trong lựa chọn tác phẩm trước khi gửi tham gia dự Giải. Công việc này nếu được sàng lọc kĩ càng sẽ góp phần quan trọng nâng cao hơn nữa chất lượng của giải thưởng..."
Việc sàng lọc từ cơ sở có vai trò gần như tiên quyết
+ Hơn một phần tư thế kỷ (15 năm Giải Báo chí Toàn quốc và 13 năm Giải BCQG) là khoảng thời gian vận động đủ dài để Giải BCQG tự khẳng định, trở thành một thương hiệu lớn, xứng tầm trong làng báo chí Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về vai trò, tầm vóc của giải thưởng BCQG hiện nay?
- Giải BCQG đã trở thành một thương hiệu, một sự kiện được xã hội trông đợi, thu hút sự tham gia của đông đảo đội ngũ nhà báo trong cả nước. Đây là Giải quốc gia, Hội đồng Giải do Chính phủ quyết định thành lập và giao cho Hội Nhà báo Việt Nam là cơ quan thường trực, mời Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) phối hợp tổ chức. Cơ cấu Hội đồng BCQG có 8 người thì 4 người thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, hai người của Ban Tuyên giáo Trung ương và 2 người của Bộ TT&TT, Chủ tịch HNBVN là Chủ tịch Hội đồng Giải. Hội đồng Giải được Thủ tướng ra quyết định thành lập. Còn Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo được Hội đồng Giải thành lập hàng năm. Giải BCQG có Điều lệ riêng do Hội đồng giải ban hành và năm 2018 đã có sửa đổi, điều chỉnh sau hơn 10 năm thực hiện. Điều lệ của Giải được xây dựng bài bản, khoa học, chặt chẽ và sửa đổi, điều chỉnh trên cơ sở bám sát đời sống báo chí. Hằng năm HĐ Giải ban hành Hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm dự Giải (Hướng dẫn hàng năm chứ không phải Thể lệ như các giải khác, vì tầm cỡ của Giải Quốc gia đã có Điều lệ riêng). Đây là giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực giải báo chí nước nhà nên bất cứ lễ trao giải nào từ Giải lần I (năm 2006) đến nay, đều có lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đến dự và phát biểu đúng vào ngày 21/6 – Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam hàng năm.
+ Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức và chấm giải, riêng với Giải BCQG, công tác tuyển chọn, thẩm định và chấm giải có những điều gì đặc biệt thưa ông?
- Riêng về quy trình của giải, Điều lệ giải nhấn mạnh, khẳng định việc tuyển chọn, thẩm định và chấm giải là rất quan trọng, được thực hiện qua ba vòng. Vòng tuyển chọn ở cơ sở, do Ban hoặc Hội đồng tuyển chọn thực hiện ở các Chi hội, Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội và Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Giải không nhận tác phẩm do tác giả tự gửi, trừ Ảnh báo chí). Vòng sơ khảo, tiến hành ở Trung ương do Hội đồng Sơ khảo chấm. Vòng chung khảo, tiến hành ở Trung ương do Hội đồng Chung khảo chấm. Hai Hội đồng độc lập nhau, một thành viên không tham gia hai Hội đồng. Tư vấn giúp Hội đồng Chung khảo là Ban Thẩm định, tư vấn cho HĐ Chung khảo, được thành lập hằng năm (cơ cấu theo các nhóm thể loại ở các Tiểu ban Sơ khảo), gồm các chuyên gia có uy tín, thẩm định, phản biện kín các tác phẩm vào chung khảo, trình Hội đồng Chung khảo. Trước khi bỏ phiếu kín, Hội đồng Chung khảo thảo luận rất kĩ các vấn đề được nêu ra. Hội đồng Giải BCQG quyết định việc trao giải theo đề nghị của Hội đồng Chung khảo. Quyết định của Hội đồng Giải là quyết định cuối cùng.
+ Nhiều ý kiến cho rằng, việc “sàng lọc” thẩm định tuyển chọn tác phẩm quan trọng nhất phải là ngay từ cơ sở, từ chi hội, Liên chi hội, HNB địa phương, ông nghĩ sao điều này?
- Nói đúng hơn là việc sàng lọc từ cơ sở có vai trò gần như tiên quyết để có tác phẩm tốt dự Giải. Ở dưới mà không giới thiệu sản phẩm tốt thì trên này chẳng có gì mà thẩm định, xét duyệt. Cũng chính vì thế, có trường hợp tác phẩm đã công bố, được dư luận đánh giá tốt, nhưng cơ sở bỏ sót hoặc không chọn, nên không có trong danh sách dự Giải. Điều đó giống như một cuộc “đãi cát tìm vàng” trong vô vàn những tác phẩm bám sát hơi thở của cuộc sống. Bởi với Giải BCQG, về nguyên tắc là không nhận tác phẩm tự gửi, trừ ảnh báo chí, tác giả tự chọn. Chính vì thế, sự chọn lựa ban đầu này rất cần đầu tư công phu, có sự đánh giá các tác phẩm một cách chính xác chứ không phải cứ đến kỳ hạn là tập hợp bài theo kiểu “hớt váng”. Mặt khác, các cấp Hội cơ sở cũng cần chú ý tuyển chọn tác phẩm theo đúng quy định chặt chẽ tại Hướng dẫn của Hội đồng Giải (Ví dụ: không chọn tác phẩm quá 5 kỳ hoặc quá 60 phút), nếu sai quy định sẽ bị loại. Công phu và có chiến lược bài bản
+ Nghĩa là phải có những chiến lược thật bài bản trong việc định hướng đầu tư tác phẩm và tuyển chọn này, thưa nhà báo?
- Theo kinh nghiệm nhiều năm của tôi, những đơn vị nào đầu tư công phu cho sáng tạo tác phẩm ngay từ đầu năm và có những chiến lược bài bản trong công tác này thì đều có thể đoạt giải cao của Giải BCQG. Để có tác phẩm báo chí tốt dự GBCQG có nhiều khâu, nhiều yếu tố cấu thành. Đó là tài năng của tác giả, nhóm tác giả, công tác tổ chức chỉ đạo của Ban biên tập, Ban Giám đốc Đài, các khâu tổ chức thực hiện, nắm bắt phản hồi của công chúng… Ở đây, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh sự quan tâm trực tiếp của Tổng Biên tập, lãnh đạo báo, đài trong việc lựa chọn đề tài trúng, đúng, triển khai tác phẩm đeo bám sự kiện đến cùng và lựa chọn tác phẩm tốt nhất để dự giải BCQG là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần vào thành công của mỗi tác phẩm báo chí. Tác phẩm có thể do một tác giả, nhóm tác giả... nhưng đó chính là hội tụ, kết tinh của sức mạnh tập thể, vì bản chất lao động báo chí là lao động tập thể. Và khi mà Ban biên tập báo, đài cho rằng, việc có tác phẩm báo chí đoạt giải BCQG là niềm tự hào thì chất lượng trong mỗi tác phẩm mới ngày càng được đầu tư và nâng cao hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng mùa giải BCQG.
+ Nhưng để có được “con mắt xanh” trong định hướng và chọn lọc, quả thực không dễ với các đơn vị, thưa ông?
- Ở đây, chúng ta cần đưa ra vấn đề cốt lõi làm nên chất lượng của khâu tuyển chọn này. Đó là đầu tư đề tài và tuyển chọn đúng nội dung, đề tài như thế nào? Các cơ sở cấp Hội ở tỉnh trực thuộc thành phố, liên chi hội, chi hội đều có kinh nghiệm nhưng khó là ở góc độ bao quát khác nhau, tùy từng sự kiện, vấn đề cũng cần có cái nhìn có tầm thời cuộc, có tính phát hiện. Công tác tuyển chọn này ở Trung ương về cơ bản rất tốt, trên thực tế, ở Giải BCQG, đã phát hiện, trao giải rất nhiều những tác phẩm xuất sắc, lay động lòng người, hiệu ứng xã hội rất tốt. Dĩ nhiên ở địa phương so với Trung ương vẫn còn có những khoảng cách nhất định về chất lượng nhưng không thể phủ nhận rằng, những năm gần đây nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư hơn trong việc tuyển chọn này như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang,…. Dĩ nhiên là, ở góc độ nào đó báo chí địa phương trong Giải BCQG vẫn còn những hạn chế nhất định nên chưa có được những tác phẩm thực sự ấn tượng.
+ Vậy theo ông, việc giải BCQG vẫn chưa có được những tác phẩm thực sự ấn tượng là do công tác tác nghiệp của nhà báo hay do việc tuyển lựa tác phẩm đem đi dự thi chưa thực “đúng, trúng”...?
- Phải khẳng định ngay rằng, đời sống xã hội khách quan không lúc nào thiếu đề tài hay, hấp dẫn, có ý nghĩa xã hội sâu sắc cho nhà báo. Vấn đề là chúng ta có phát hiện được đề tài đó hay không. Có nghĩa là chưa có tác phẩm thực sự xuất sắc là do nhà báo chưa nắm bắt được và chưa phản ánh kịp.
Cũng cần nhìn lại để thấy, ngoài các địa phương quan tâm đến công tác tuyển chọn sàng lọc nghiêm túc, có kinh nghiệm và công bằng thì vẫn có Chi hội, Hội Nhà báo tỉnh sơ sài, đơn giản, thậm chí đến việc sắp xếp thể loại còn nhầm lẫn đáng tiếc. Tuyển chọn chưa thực sự sâu sát dẫn đến có những tác phẩm phạm quy là điều đã xảy ra. Ở một số cấp Hội trực thuộc tỉnh, thành phố và liên chi hội trực thuộc vẫn còn tình trạng chỉ tập hợp lại để dự giải, chưa thực sự đầu tư thẩm định, chọn lọc. Muốn có tác phẩm đoạt Giải BCQG thì phải đầu tư ngay từ đầu năm. Chẳng hạn, đầu năm xác định chủ đề, đề tài, 6 tháng có điều chỉnh, sao cho có 3-4 đề tài được đầu tư một cách công phu, trong đó có phân công công việc, người thực hiện, Ban biên tập sửa chữa, bám sát, dồn sức cho tác phẩm và từ đó sàng lọc, lựa chọn tham dự. Kinh nghiệm cho thấy không có sự đầu tư bài bản thì không có giải.