Như bài trước đã đề cập, các Giải báo chí trong năm có nhiều và từng đài, báo cần có kế hoạch chuẩn bị cho cuộc. Nhưng cũng có khi, để chuẩn bị cho một tác phẩm báo chí, có ê kíp đã phải mất gần 2 năm. PS truyền hình “NA NÔ VÀNG VÀ NHỮNG CUỘC THỬ NGHIỆM MỜ ÁM”- Tác phẩm đạt Giải A Báo chí Quốc gia 2018 của Truyền hình Công an là một ví dụ. Đầu năm 2017, nhóm PV gần 20 người đã hóa trang là thân nhân của bệnh nhân ung thư và tìm cách tiếp cận vào bệnh viện quân đội 354 để bóc trần đường dây sản xuất và mua bán thuốc chữa ung thư giả với giá 15 triệu đồng một chai. Phóng sự 6 kỳ lúc đầu là để phát sóng nhằm lật tẩy thủ đoạn gian dối và cảnh báo sự ngây thơ quá tin vào “Na nô vàng – Thần dược giả” của nhiều bệnh nhân ung thư. Sau đó nhóm dự thi và đạt giải cao nhất một cách xứng đáng tại Giải BCQG năm 2018. Nêu lại PS trên để chúng ta thống nhất rằng làm một PS dù là để đăng báo hay là để phát sóng thì cũng rất là kỳ công trong điều tra sưu tầm tài liệu. Thậm chí người PV còn phải đối mặt với cả những hiểm nguy. Ví dụ nhóm PV ở Đài Đồng Nai đạt Giải B Giải BCQG với phóng sự phát thanh “Tín dụng đen - Nợ tiền trả máu” hoặc PS truyền hình “Cơn lốc tín dụng đen” của Đài Bắc Giang đạt giải Bạc tại LHTH toàn quốc và đạt Khuyến khích Giải BCQG cho thấy nhóm PV đều gặp khó khăn nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp, ngay nhân chứng nhiều khi cũng không dám nói, huống hồ lại ghi hình những hoạt động của tín dụng đen... Nhưng lẽ phải đã chiến thắng, sự dũng cảm của nhóm PV đã đưa đường cho họ lên nhận giải.
Trở lại với các cuộc thi báo chí, bạn và bản Báo cần có sự tự tin và cần phải có Kế hoạch để tham gia. Nếu không có Kế hoạch, thì sự dự thi trông chờ vào may rủi, mà may rủi thì ít thành công lắm. Để xây dựng được Kế hoạch thì Ban Biên tập hoặc là phân công những đề tài có tầm vấn đề cho nhóm PV, hay những đề tài mang tính phát hiện hoặc là trên cơ sở đăng ký của PV, từ đó hình thành kế hoạch. Kế hoạch bao gồm thời gian duyệt đề tài, thời gian duyệt đề cương, thời gian duyệt tác phẩm cùng những ưu tiên đầu tư tài chính để nhóm PV thực hiện. Nhưng nhiều khi với lý do bận tin bài hằng ngày nên Ban Biên tập không xây dựng được kế hoạch, còn PV cũng vì bận mà chẳng tham gia. Nhưng nếu nói vì bận mà không tham gia thì tại sao các cơ quan khác họ lại có thời gian để dự thi. Ví dụ như báo Thái Bình năm năm 2017 đạt giải C với loạt bài 5 kỳ “Đi tìm thương hiệu gạo Thái Bình” và năm 2018 đã đạt 2 giải gồm “Giao lưu truyền hình Nhịp cầu nhân ái” giải KK, loạt bài báo điện tử 4 kỳ “Nhớ lẽ khoan dân” giải KK. Cũng có thể xây dựng kế hoạch dựa trên những tác phẩm tốt trong năm để từ đó chỉnh sửa nâng cấp tác phẩm để mang dự thi. Giải B- giải cao nhất của cuộc thi giải Báo chí Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên năm 2018 dành cho phát thanh thuộc về PV đài huyện Kim Động với bài phản ánh về phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Đức Hợp, được phát sóng trên đài huyện, sau đó có sửa chữa cho tốt hơn để dự thi. Cho nên có những phóng sự tốt hay những bài phản ánh tốt trong năm cũng là một lợi thế để tham gia các cuộc thi báo chí.
Nguyễn Công
(Bài 3 sẽ trao đổi về thể loại và đề tài dự thi)