Đối với ảnh báo chí, tính hiện thực là tiêu chí quan trọng nhất...
Thứ bảy - 03/08/2019 19:35
Bà Sophie Boshouwers - Giám tuyển và Quản lý của Tổ chức Ảnh báo chí thế giới đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Nhà báo và Công luận xung quanh giá trị hiện thực của ảnh báo chí.
Bà đánh giá như thế nào về chất lượng những bức ảnh được gửi tới Tổ chức ảnh báo chí thế giới (WPP) những năm qua?
Sau 50 năm hoạt động của WPP, đã có rất nhiều tác phẩm, dự án được gửi đến WPP. Các tác phẩm thực hiện ngay tại nơi cá nhân tác giả đang sinh sống và làm việc, tại những địa điểm yên bình không có bóng dáng chiến tranh, nhưng các tác phẩm được tạo ra vẫn theo sát giá trị báo chí và những yếu tố nhân văn. Khi những câu chuyện được kể từ góc nhìn của những người trong cuộc được lan toả, khán giả sẽ có thể hình thành cái nhìn đa dạng và cân bằng hơn về thế giới.
Chúng tôi mong chờ những bức ảnh "có hồn", để người ta biết chúng đã được phát hiện như thế nào, ở đâu, do ai, và trong bối cảnh như thế nào. Nhờ đó mà mỗi hiện vật đơn lẻ có được giá trị thông tin cao hơn chính bản thân chúng, và mỗi bức ảnh đều có thể cất lên những câu chuyện nho nhỏ.
Chẳng hạn như, bức ảnh về một thanh niên đeo mặt nạ chống độc với ngọn lửa đỏ rực cháy ngùn ngụt trên lưng, những xác người lạnh lẽo trên cỏ được phủ dưới những tấm vải xanh, vàng; những người phụ nữ trong áo trùm đen đứng quây thành một vòng tròn lặng lẽ, một em bé trần truồng ngủ gục trên tay một người línhgiữa đống đổ nát do bom đạn; …Những tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc nhất thế giới năm qua được gửi đến World Press Photo (WPP) đã cho công chúng cảm nhận rõ sức mạnh của ảnh báo chí trong thời đại công nghệ số hôm nay.
Chúng tôi muốn đưa đến những thông điệp về hòa bình, về hạnh phúc để hướng nhân dân Việt Nam cũng như nhân loại toàn thế giới cùng đấu tranh và hướng đến một cuộc sống tích cực hơn.
Vậy, giá trị của những bức ảnh báo chí nằm ở đâu, thưa bà?
Mỗi bức ảnh báo chí là một chứng cứ hay một sự thật được xác thực. Ảnh báo chí diễn tả khuôn mặt của thế giới. Mỗi bức ảnh là một mảnh ghép của hiện thực, trong đó có đầy đủ những nỗi đau, nỗi mất mát, hay sự đồng cảm, sẻ chia của công chúng toàn thế giới khi đón nhận những thông điệp đầy trách nhiệm của người cầm máy. Ảnh báo chí đã cung cấp cho công chúng những hình ảnh chân thực, sống động, quen thuộc diễn biến xung quanh họ.
Đối với ảnh báo chí, tính hiện thực là tiêu chí quan trọng nhất. Nhiều nhà báo cùng với chiếc máy ảnh đã thu thập những bằng chứng đầy chân thực về lẽ phải và công lý, bênh vực cho quyền sống và quyền hạnh phúc của con người. Những tấm ảnh đã xoay vần cả thế giới, làm chuyển hướng bánh xe của lịch sử. Đó là sức mạnh của sự thực và chân lý mà ảnh báo chí hướng tới.
Ảnh báo chí cung cấp cho người đọc những cứ liệu xác định về cuộc sống, con người, sự kiện, sự việc đang diễn ra dưới sự chứng kiến của nhà báo. Những thông tin trong ảnh và chú thích ảnh được tác giả diễn tả khách quan, bản chất, thể hiện đúng đặc trưng, thời điểm điển hình của đối tượng, sự việc, sự kiện. Nó kêu gọi lương tâm và thúc đẩy hành động trong sâu thẳm nhận thức và tình cảm mỗi người muốn lắng nghe sự thật đằng sau mỗi hiện tượng mà họ nhìn thấy. Khi bản chất hiện thực được sáng rõ, thì sức lôi cuốn, ảnh hưởng của ảnh báo chí càng lay động tâm lý, thuyết phục nhận thức của công chúng.
Nếu tất cả mọi người đều đồng cảm với những số phận con người trong chiến tranh, chứng kiến sự bấp bênh giữa sự sống và cái chết của người thân và chính mình thì sẽ không còn tồn tại các cuộc chiến vô nghĩa. Mỗi một bức ảnh báo chí xuất sắc đều là một thông điệp hòa bình. Bởi ảnh báo chí là tiếng nói đanh thép bài trừ cái xấu, cái ác, bảo vệ tự do và hạnh phúc vốn có của con người.
Hằng ngày khi lướt web, xem báo hoặc xem TV, bạn có thể đã xem hay nghe qua những tin tức trên. Nhưng khi tập hợp tất cả chúng lại ở một chỗ bằng những hình ảnh vô cùng chân thực, sống động và sắc nét như vậy, chúng khiến người xem thật sự choáng váng về mức độ bạo lực mà con người đang gây ra và hứng chịu. Tuy nhiên có nhiều bức ảnh làm ấm lòng người xem.
Các bạn có thể thấy, các bức ảnh không thiếu nước mắt và nỗi buồn nhưng từ đó vẫn thấy ánh lên niềm hy vọng…đó là giá trị của ảnh báo chí.
Ngoài giá trị hiện thực là bắt buộc, còn yếu tố quan trọng nào nữa đối với mỗi bức ảnh báo chí không thưa bà?
Mỗi bức ảnh là góc nhìn chủ quan của người chụp, do vậy, ở bất cứ “thời” nào, để đảm bảo tính chân thực của những bức ảnh, vấn đề đạo đức nghề báo ảnh là một trong những yếu tố quan trọng.
Người chụp cần phải có trách nhiệm đối với tác phẩm của mình. Một bức ảnh thời sự không được qua photoshop mà phải tuyệt đối chân thật về không gian, bối cảnh, thời gian và mô tả nhân vật. Không được dàn xếp nhân vật. Ảnh báo chí là không sắp đặt.
Những hình ảnh mà tác phẩm đem lại cho người xem đòi hỏi phải có tính chân thực cao. Vì bất cứ lí do gì mà người cầm máy can thiệp vào hình ảnh thì sẽ không còn nguyên gá trị nữa nó sẽ làm mất long tin của công chúng vào hình ảnh vì thế thông tin sẽ kém thuyết phục. Điều trên hết là bức ảnh phải cho thấy được lương tâm của người phóng viên ảnh.
Bà đánh giá thế nào về các tác phẩm Ảnh báo chí đến từ Việt Nam?
Hàng năm chúng tôi nhận được số lượng ảnh không hề nhỏ, trong đó có những bức ảnh đến từ Việt Nam. Tôi đánh giá cao những tác phẩm của các bạn, các bạn có rất nhiều tiềm năng để khai thác truyền tải ảnh báo chí. Trên thực tế đã có tác giả Việt Nam đạt được giải thưởng danh giá của chúng tôi đó là Bộ ảnh “The Pink Choice” về chủ đề đồng tính của tác giả Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) - giải Nhất ảnh hạng mục “Những vấn đề đương đại”. Chúng tôi đánh giá cao bộ ảnh và trông chờ nhiều hơn nữa những tác phẩm đến từ Việt Nam.
Những bức ảnh báo chí thế giới rất biết tận dụng những khuôn hình “đánh” thẳng vào thị giác của người xem, được khai thác từ chính cuộc sống của con người…Vì vậy, các bạn cần thêm sự gai góc, cá tính, nhạy bén cũng như mạnh dạn mở rộng đề tài khai thác để có những bức ảnh có dấu ấn hơn nữa.
Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện!
Hàng năm, World Press Photo tổ chức cuộc thi ảnh với quy mô lớn nhất thế giới và được đánh giá là cuộc thi danh giá nhất trong lĩnh vực này. Những tấm ảnh trúng giải sẽ được triển lãm lưu động tại hơn 100 quốc gia và in trong một tuyển tập với sáu ngôn ngữ. Ngoài chương trình phát giải thưởng và triển lãm, World Press Photo còn theo dõi sát sao những diễn biến của hoạt động ảnh báo chí và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo 7 lần mỗi năm dành cho các nhà nhiếp ảnh, các tổ chức nhiếp ảnh và các biên tập viên ảnh tại các nước đang phát triển và lớp học Joop Swart Masterclass, tổ chức hàng năm tại Hà Lan dành cho các nhà nhiếp ảnh tài năng mới khởi nghiệp.