Trong các yêu cầu của khai thác và xử lý thông tin cho tác phẩm báo chí, có nhiều khâu, nhiều yếu tố, nhiều tiêu chí cần chú ý: Quan điểm tiếp cận và cách tiếp cận đề tài, cách khai thác chi tiết, cách sử dụng chi tiết và cách thể hiện chi tiết…
Việc chọn đề tài
Không bao giờ cạn đề tài đối với nhà báo. Vấn đề ở chỗ nhà báo có chịu đào sâu suy nghĩ, đổi mới cách tư duy, cách tiếp cận hay không? Đây không phải là lí thuyết, mà là thực tiễn nghề báo. Bởi cuộc sống luôn luôn vận động, biến đổi. Một sự kiện, một nhân vật… đã được viết ngày hôm kia, hôm qua thì hôm nay đã khác rồi.
Hãy tìm cái vận động, cái khác, cái mới đó để viết, chứ không phải chỉ nhìn vào cái cũ mà người khác đã viết, hay viết lại cái cũ. Thậm chí nếu phải viết lại cái cũ, thì hãy tiếp cận theo góc độ khác, theo cách nhìn mới của mình.
Một đề tài hay, trước hết ở nội dung câu chuyện, sự kiện. Phải đảm bảo hai yêu cầu đúng và trúng: Đúng quan điểm, chủ trương, chính sách, đúng bản chất tình hình thực tiễn; Trúng thời điểm, trúng với tinh thần chỉ đạo của cấp ủy, trúng sự mong đợi của dư luận xã hội đang cần được giải đáp, v.v…
Nội dung có tính phát hiện
Cần khai thác cho được, phát hiện cho được nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Hầu hết những bài báo dự các giải báo chí toàn quốc hay giải báo chí quốc gia, dù có tiêu đề rất hay, viết dài kì mà không được đánh giá cao, trước hết vì chỉ mới dừng lại ở mức phản ánh cái bề mặt thô ráp, xù xì, phức tạp bên ngoài của sự kiện, con người.
Ở đây, nhà báo thiếu đi cái nhìn xuyên suốt bên trong của sự kiện, con người, được thể hiện qua những câu chuyện, chi tiết… Để đánh giá tính phát hiện, có thể có nhiều tiêu chí: phát hiện tư duy mới, cách tiếp cận mới, cách giải quyết mới đối với vấn đề cũ; phát hiện sản phẩm mới, mô hình mới, nhân tố mới…
Cách tiếp cận mới
Cách tiếp cận mới là tiếp cận đa chiều, có sự phản biện cao.
Ngày nay, trong môi trường truyền thông xã hội ngày càng phát triển, thông tin phong phú, dễ tiếp cận với các thiết bị cầm tay, tiếng nói đa chiều, công chúng báo chí không thích tiếp nhận những thông tin một chiều, theo kiểu nói lấy được. Chính vì vậy, trong công tác tuyên truyền, ngay cả những thông tin mang tính định hướng cũng đã được phân tích trên cơ sở tiếp cận một cách toàn diện: có ưu điểm, hạn chế, có thành công và mặt chưa làm được, có nguyên nhân thành công và cả nguyên nhân của những hạn chế, thất bại… Đó cũng là thể hiện cách tiếp cận đa chiều.
Thông tin tiếp cận đa chiều được hiểu là thông tin có tính đại diện cao. Chẳng hạn, khi viết về một chính sách kinh tế của Trung ương hay của địa phương mới ban hành, cần thu thập được thông tin có tính đại diện sau: Ý kiến của người trong cuộc, cơ quan hoặc người biên soạn, quyết định, ban hành chính sách; ý kiến của người được hưởng thụ hoặc bị ảnh hưởng (doanh nghiệp hoặc tổ chức, người dân); ý kiến nhà quản lý trong lĩnh vực đó; ý kiến nhà đầu tư; ý kiến chuyên gia; chính kiến của nhà báo/tòa soạn,… Đáng tiếc, nhiều tác phẩm báo chí khi phân tích một chính sách, chỉ phỏng vấn hoặc trích ý kiến của một phía (cơ quan ban hành chính sách) và chỉ dựa vào đó để lập luận sự cần thiết phải ban hành và phải thực thi chính sách. Về mặt lý thuyết, đây là điểm yếu, mặt bất cập trong truyền thông chính sách, mà báo chí là kênh có vai trò đặc biệt quan trọng, có tác động rộng lớn và hiệu quả xã hội nhanh nhất.
Thông tin có tính phản biện xã hội cao, cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng nội dung tác phẩm báo chí. Phản biện cần có ý kiến đa chiều của nhiều chủ thể: Chuyên gia; đối tác/đối thủ cạnh tranh; người bị tác động, ảnh hưởng; chính kiến nhà báo/tòa soạn. Phản biện trước hết không có nghĩa là phản đối hay chỉ là phản đối. Mặt khác phản biện của báo chí là phản biện xã hội. Nếu phản biện của các tổ chức khoa học mang tính tư vấn, như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,… là phản biện hoàn toàn trên cơ sở khoa học; thì phản biện của báo chí không hẳn như vậy.
Báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội, trước hết trên cơ sở phản biện bằng dư luận xã hội. Cố nhiên, trong phản biện bằng dư luận xã hội, báo chí không loại trừ những cơ sở khoa học của vấn đề. Chẳng hạn, một sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời điểm hiện nay, là sự cố BOT ở nhiều địa phương. Nhân dân địa phương, người tham gia giao thông (các tài xế ô tô) tỏ ra bức xúc, lo lắng, dư luận cả nước băn khoăn về sự chưa hợp lý về vị trí đặt trạm BOT, về cách thu tiền và mức phí qua trạm, v.v… của hàng loạt trạm BOT trong cả nước. Trong khi đó, các nhà quản lý ngành giao thông vận tải, từ địa phương đến bộ, ngành Trung ương đều khẳng định các trạm BOT đặt đúng vị trí và đã được thẩm định, cho phép hợp lý. Báo chí phản biện vấn đề này, thể hiện ở chỗ không phải bằng việc nói ngược lại ý kiến của các nhà quản lý, mà rộng đường dư luận đăng tải tất cả những ý kiến của người dân, người tham gia giao thông, ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý (không trực tiếp chịu trách nhiệm vấn đề này) và của các đồng nghiệp… để xem xét tính chất của vấn đề một cách toàn diện, khách quan. Nhờ sự phản biện xã hội rộng rãi, Chính phủ đã giao Bộ GTVT rà soát lại các trạm BOT, còn các BOT đều đã điều chỉnh mức thu phí,…
Phản biện xã hội là cách để báo chí giúp công chúng (đương nhiên có cả người trong cuộc của vụ việc được đề cập) nhìn nhận một sự kiện, một vấn đề ở nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau (về lợi ích xã hội, về cơ sở khoa học), và đặc biệt đây là kênh thông tin chuyển tải được tiếng nói của cộng đồng dư luận xã hội.