- Là phóng viên thời sự phụ trách theo dõi, tuyên truyền mảng lao động, công đoàn khoảng 2 năm nay, vào dịp cuối năm 2018, nhất là thời điểm trước Tết Nguyên đán, khi chúng tôi đi tác nghiệp tại các công ty, công đoàn doanh nghiệp thì được nghe các anh chị cán bộ công đoàn phản ánh nhiều về tình trạng công nhân kêu cứu vì dính vào tín dụng đen. Ngoài ra, khi tận mắt chứng kiến cảnh hàng chục trẻ em được thuê phát tờ rơi cho công nhân lao động trước cổng công ty sau mỗi giờ tan ca, thậm chí có người còn mang cả nửa bao tải tiền đến cho công nhân vay thì chúng tôi mới tìm hiểu và làm loạt phóng sự truyền hình 3 kỳ phản ánh về vấn đề này.
Sau khi phóng sự được phát sóng, dư luận và lãnh đạo phòng đã có nhận xét tích cực và gợi ý tôi tiếp tục đeo bám đề tài này để tham gia dự thi Giải BCQG 2018. Điều mà tôi thực sự lo lắng khi triển khai đề tài là liệu mình làm có tốt hay không, có đáp lại được sự kỳ vọng của lãnh đạo hay không thôi chứ không suy nghĩ gì nhiều về những vấn đề khác.
+ Được biết, chị vốn là “dân truyền hình”, lần đầu tiên dự thi ở lĩnh vực phát thanh, chị đã gặp những khó khăn nào?
- Việc một phóng viên truyền hình như tôi đi làm phát thanh dù là chưa có tiền lệ nhưng cũng sẽ là điều hoàn toàn bình thường trong thời gian tới. Rất may là trong suốt quá trình tác nghiệp cũng như phần hậu kỳ, tôi đã được các chị bên nhóm phát thanh động viên và hỗ trợ nhiệt tình. Thành công của tác phẩm có được là nhờ vào các đồng nghiệp phát thanh. Tôi rất cảm ơn họ!
+ Trở lại với tác phẩm “Tín dụng đen: Nợ tiền – Trả máu”. Chị có thể chia sẻ thêm về các chiêu thức hoạt động của các nhóm đối tượng này như thế nào? Cách đối phó với các quy định pháp luật, với cơ quan chức năng ra sao?
- Như chúng tôi đã phân tích trong tác phẩm, loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen rất tinh vi, phức tạp với nhiều thủ đoạn, cách thức khác nhau như cho vay tiêu dùng, cầm đồ… Đặc biệt là chúng không ghi lãi suất trong hợp đồng mà chỉ qua thỏa thuận miệng giữa hai bên. Không trả hết nợ cũ thì chúng xé giấy, cộng dồn ghi nợ mới trên tờ khác, cho nên đó chỉ là những giao dịch dân sự bình thường. Khi cơ quan công an có bắt được thì cũng rất khó xử lý.
+ Đây là đề tài phải có nhiều va chạm với “thế giới ngầm”, vậy trong quá trình triển khai bóc tách sự thật nhóm tác giả đã gặp những khó khăn nào?
- Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là đi tìm những nhân vật “điển hình”, tức những nhân vật tiêu biểu, chịu nhiều hậu quả khi dính líu đến tín dụng đen. Để có được 2 nhân vật trong tác phẩm, chúng tôi đã phải liên hệ rất nhiều nguồn, có cả sự giới thiệu của cơ quan công an, các anh chị đồng nghiệp ở các báo. Ngoài ra còn hàng chục nhân vật khác mặc dù gửi đơn thư kêu cứu tổ chức công đoàn và cả ngành ngân hàng nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề muốn gặp gỡ tìm hiểu thêm câu chuyện của họ thì lại bị từ chối vì họ sợ.
+ Điều gì đã gây ấn tượng “để đời” cho nhóm tác giả trong quá trình thâm nhập thực tế?
- Chúng tôi chỉ có hơn 2 tuần để tác nghiệp, gom góp tư liệu nên rất vội vàng. Nhưng có một kỷ niệm cũng khá thú vị mà tôi đã trải qua. Đó là sau khi liên hệ, nói chuyện điện thoại nhắn tin, hẹn hò gặp mặt với nhân vật cần phỏng vấn xong thì tự nhiên sáng hôm đó chị ấy nhắn sẽ không đi gặp chúng tôi nữa. Hỏi ra mới biết vì chị ấy sợ bị lừa, không tin tôi là phóng viên. Lúc đó gia đình chị đang bị nhóm cho vay nặng lãi truy sát và phải đi trốn. Thực sự lúc đó tôi rất bất ngờ vì lần đầu tiên gặp trường hợp như vậy. Sau đó tôi phải chứng minh các kiểu, gửi cả ảnh chụp thẻ phóng viên, ảnh tôi đang trên cơ quan và nói là chiều gặp chị em sẽ mặc đúng cái áo này nhé. Thế là chị ấy mới tạm tin và chịu cho tôi gặp mặt.
+ “Tín dụng đen: Nợ tiền – Trả máu” đã được ghi nhận ở Giải báo chí danh giá nhất. Nhưng theo chị còn điều gì “tiếc nuối”, chưa đưa được vào tác phẩm này của mình?
- Trong suốt quá trình hoàn thiện tác phẩm, dù rất cố gắng nhưng vì không có nhiều thời gian, trong khi chúng tôi còn phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan nên ở mỗi khâu, tôi đều cảm thấy chưa thực sự hài lòng. Có lẽ để…. rút kinh nghiệm lần sau!
+ “Tín dụng đen” là vấn nạn nhức nhối của xã hội trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và đưa nhiều vụ ra ánh sáng. Tuy nhiên đến nay dường như vấn nạn này vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn xuất hiện nhiều biến tướng phức tạp. Vậy sắp tới chị có dự định tiếp tục theo đuổi, khai thác sâu hơn đề tài này không?
- Tại Đồng Nai trong thời gian vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt và truy tố nhiều băng nhóm lớn, hoạt động quy mô trong lĩnh vực cho vay nặng lãi. Điều này cũng cho thấy sự quyết liệt của các ngành, các cấp trong công tác ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Đài PT-TH Đồng Nai chúng tôi vẫn liên tục cập nhật và đưa tin về vấn đề này. Còn việc có tiếp tục khai thác sâu hơn mảng đề tài này hay không thì còn phải tùy thuộc vào mỗi thời điểm. Hiện xung quanh chúng ta còn nhiều vấn đề thời sự nóng khác cũng cần triển khai, do đó đến nay tôi chưa thể nói trước về vấn đề này.
+ Phía sau câu chuyện “Nợ tiền – Trả máu” thể hiện rõ mong muốn cần nhanh chóng dẹp bỏ vấn nạn tín dụng đen đang gieo rắc nhiều đau thương cho xã hội. Vậy sau khi thâm nhập thực tế, theo chị vai trò của báo chí trong “cuộc chiến” này như thế nào?
- Rất khó dẹp bỏ nạn tín dụng đen. Có cung thì có cầu! Gần đây ngành ngân hàng cũng đã có rất nhiều động thái, nhiều chính sách hỗ trợ người dân vay tiền. Với vai trò báo chí của mình, chúng tôi đã nỗ lực truyền tải thông điệp mong muốn người dân tránh xa tín dụng đen, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng thời cung cấp cho người dân những đơn vị, địa chỉ uy tín để vay tiền.
+ Vâng, xin cảm ơn chị!
Thanh Hải (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên