Đặc điểm loại hình của ngôn ngữ báo chí

Thứ ba - 15/10/2019 10:23
Ngôn ngữ báo chí có ba đặc điểm loại hình sau đây: Đó là Ngôn ngữ sự kiện; Ngôn ngữ định lượng; Ngôn ngữ của độ không xác định.
111
Nhà ngôn ngữ học nguyễn Tri Niên trò chuyện cùng học trò
I. Ngôn ngữ sự kiện

1.1 Ngôn ngữ sự kiện là ngôn ngữ bám sát sự kiện có thật và nguyên dạng để phản ánh

Với nội dung này chúng ta thấy ngay sự khác biệt rõ rệt giữa ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học.

Văn học sử dụng ngôn ngữ hình tượng dựa trên phép hư cấu để phản ánh. Điều đó có nghĩa là trên cơ sở cái thực mà tạo ra cái hư. Như vậy, nhà văn có quyền tưởng tượng, có quyền tạo ra những gì mình mong muốn. Hình tượng nghệ thuật là sản phẩm hoàn toàn của chủ quan nhà văn. Bởi thế trong cuộc đời thật không có ai giống hệt trăm phần trăm như các nhân vật trong tiểu thuyết. Không tìm đâu ra ai đó trong cuộc sống thực xung quanh ta lại có một lý lịch, một nhân cách, một tính cách, một cuộc sống… hoàn toàn giống với Thúy Kiều của Nguyễn Du, chị Dậu của Ngô Tất Tố, Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng…Thế nhưng ta cũng có thể thấy ai đó có những nét đồng dạng với Thúy Kiều, với chị Dậu, với Xuân tóc đỏ… trong cuộc đời này.

Điều vừa nói làm rõ chân lý nghệ thuật không phải là bản thân sự thực mà chỉ là cái tương đồng (trong ảo giác) của các hình tượng nghệ thuật so với hiện thực, hay nói như Diderot “Sự thực của tự nhiên là cơ sở cho tính giống thực của nghệ thuật”. Khi tạo nên những hình tượng nghệ thuật, nhà văn có thể góp nhặt chi tiết ở nhiều nơi, ở nhiều thời điểm khác nhau và tái tạo nên một hình tượng trọn vẹn theo cách riêng của mình mang theo hơi thở của cảm quan cá nhân nghệ sĩ về con người, về cuộc sống.

Văn học có thể vươn tới những giới hạn “không gian và thời gian vô cực”. Một hình tượng nghệ thuật càng chân thật khi nó không giống một nguyên bản nào đó ở ngoài đời nhưng người đọc luôn tìm thấy bóng dáng nhiều người ở trong đó. Bởi thế nhà phê bình văn học Nga Biêlinxki thường nói đó là “Người lạ quen biết”.

Còn nhà báo, ngược lại, chỉ được quyền nói cái thật mà độc giả, khán giả, thính giả đều cảm nhận được ngay trong cuộc sống xung quanh họ. Nhà báo không được bịa ra sự thật hay tưởng tượng ra sự thật. Đồng thời cái có thật mà mình phản ánh phải để nguyên dạng chứ không được thêm bớt hay tô vẽ. Sự thêm bớt hay tô vẽ vào cái thật của cuộc đời chỉ khiến tác phẩm của mình thiếu sức thuyết phục. Ở ta đã có một trường hợp một nhà báo “sáng tác” hẳn một câu chuyện ly kỳ về một phụ nữ bị bệnh phong đã dốc hết sức mình đóng bao nhiêu thiên gạch bằng đôi tay không còn nguyên vẹn để có tiền cho con ăn học. Khi đăng báo câu chuyện ấy đã khiến nhiều người rơi nước mắt. Giá như đấy là một tác phẩm văn học thì nhà báo kia đã có may mắn ngồi vào chiếu văn sang trọng. Nhưng đây lại là một tác phẩm báo chí và chẳng bao lâu sau, tòa soạn nơi đăng bài báo đã phải có lời xin lỗi bạn đọc vì nó được viết bằng trí tưởng tượng bay bổng của một nhà báo. Như vậy khác với không gian và thời gian của văn học có thể vươn tới những giới hạn vô cực thì không gian và thời gian của báo chí để các sự kiện hình thành và diễn biến là “không gian và thời gian vật lý, địa lý hoàn toàn có thể định lượng được một cách chính xác” (Hoàng Linh Sơn, Có nên gọi Thi pháp báo chí?).

Có thể thấy thêm ví dụ sau đây. Theo lời kể của nhà báo quân đội Lê Sỹ Hành (Lê Sỹ Hành, Truân chuyên nghiệp báo), trong cuộc chiến tại mặt trận Tây Nguyên những năm cuối của thập niên 60 sau tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, trung đoàn Trường Sơn đã có một trận giao thông chiến thắng lợi giòn giã. Nhà báo Lê Sỹ Hành tường thuật trận đánh có tình tiết quân ta thu được chiếc xe thiết giáp còn đang nổ máy. Xe chưa hỏng nhưng trước sức tiến công của ta, địch bỏ xe chạy lấy người. Quân ta chiếm được xe, dùng súng trên xe bắn xối xả vào quân địch. Bài báo chỉ nêu chi tiết chiếc xe “còn sống” và dùng súng trên xe để đánh địch như một điểm nhấn hay và làm điểm kết thúc bài báo. Nhưng khi bài gửi về tòa soạn lại tưởng tượng ra một hình ảnh hào hùng, hấp dẫn với cái tít rất kêu “Cù Chính Lan của Tây Nguyên” (Tên gốc của bài là “Tường thuật trận đánh giao thông”) và so sánh Cù Chính Lan thật thì “Cù Chính Lan” này có cả một khẩu B41. Khi anh giương súng lên, địch đã hồn vía lên mây vội bật nóc xe chạy trốn. Anh nhảy phóc lên, chui tọt vào xe, ấn ga cho xe chạy, dùng súng trong xe để bắn, dùng xích xe nghiền nát những ổ đề kháng của địch v.v… và v.v…Bài báo “hay”, “ly kỳ” như thế nên đã điện cho Đài Tiếng nói Việt nam đọc. Ở đây chúng ta thấy biên tập viên đã tùy tiện bổ sung những chi tiết không có trong bài, sửa lại tít không ăn nhập gì với khung cảnh trận đánh. Sự thêm thắt, tô vẽ đó khiến tác giả phải chịu đựng sự lạnh nhạt của chiến sĩ vì họ cho là anh đã bịa ra những điều không có. Chẳng hạn có ai biết lái xe đâu mà bảo “ấn ga cho xe chạy”…

Tóm lại, nhà báo chỉ có quyền thuật lại mà không được chế tác ra như người xưa thường nói “Thuật nhi bất tác”. Một khi chúng ta tôn trọng “cái có thật” “cái nguyên dạng” thì ít nhất chúng ta mới thể hiện được “là người quan sát trung thực các sự kiện” và “là người phản ánh các dư luận của xã hội”.
Nhờ ngôn ngữ sự kiện mà Ngôn ngữ báo chí đạt được các yêu cầu sau đây:

- Mới và cụ thể
 
Đây là hai yếu tố căn bản tạo ra tính thời sự. Đồng thời hai yếu tố này còn giúp cho nhà báo “tránh lặp lại, tránh khuôn sáo” và tạo ra động lực tìm cách diễn đạt sáng tạo.
 
- Khách quan
 
Sự kiện là cái tồn tại khách quan. Chính sự kiện sẽ nói lên chân lý, bộc lộ ý nghĩa, bộc lộ thái độ đối với hiện thực chứ không phải là nhà báo tự nói ra.

1.2 Ngôn ngữ sự kiện là ngôn ngữ bám sát sự kiện hiện hữu để phản ánh.
111
Thầy và trò
Sự kiện hiện hữu là sự kiện “đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại” (như chống tham nhũng,chống tệ nạn xã hội…), “đang là vấn đề thời sự” (quy chế tuyển sinh, ùn tắc giao thông…) là “vấn đề được xã hội quan tâm” (chống đói nghèo,tôn trọng luật pháp…) Tóm lại, đấy là những câu chuyện của ngày hôm nay.

Khái niệm hiện hữu có thể mở rộng với những sự kiện của ngày hôm qua, thậm chí của cả quá khứ lịch sử xa xôi và cả những sự kiện của ngày mai (tương lai) nếu đặt tất cả những sự kiện ấy vào ngày hôm nay chúng vẫn có giá trị thời sự, vẫn có giá trị hiện hữu.

Khi chúng ta tiến hành cải cách hành chính thì báo đã có bài về cải cách hành chính của vua Minh Mạng. Khi chúng ta đặt vấn đề tuyển chọn công chức, đặt vấn đề cán bộ sâu sát với dân thì đã có những bài về việc sử dụng hiền tài của các đấng minh quân, về những chuyện các vua hàng năm vẫn đi cày ruộng.v.v…Đằng sau những chuyện tưởng chừng xưa cũ ấy là bao vấn đề của cuộc sống đương đại. Và cũng chẳng thiếu những tác phẩm báo chí mang tính dự báo tương lai. Những bài báo loại này thường đề cao những ý tưởng mới, những cách làm ăn mới, tuyên truyền ủng hộ cái mới. Việc làm này đòi hỏi năng lực trí tuệ của nhà báo để có thể phân tích, lý giải, thuyết phục mọi người. Hơn thế còn phải có lòng dũng cảm nữa vì những gì của ngày mai thường là chưa đủ sức thuyết phục trong ngày hôm nay, vì thế nó dễ bị phủ nhận.

1.3 Ngôn ngữ sự kiện là ngôn ngữ bám sát sự vận động của sự kiện để phản ánh.

Đây là nội dung rất quan trọng của đặc điểm ngôn ngữ sự kiện. Nhà báo bao giờ cũng có ham muốn viết lên sự thật, hơn thế, toàn bộ sự thật. Đó là ham muốn chính đáng nhưng lại là điều bất khả kháng không chỉ đối với người làm báo mà đối với cả nhân loại.

Khi chúng ta theo dõi, quan sát một sự kiện ở một thời điểm nào đấy thì chúng ta mới chỉ biết đến một mặt vận động của sự kiện. Qua thời điểm đó, sự kiện lại cấp cho ta những mặt mới của vận động tiếp theo và cứ thế cho đến vô tận. Thành ra con người chỉ có thể tiếp cận chân lý chứ không thể nắm bắt chân lý như triết học đã khẳng định. Chính vì sự vận động không ngừng của sự vật mà nhà báo phải hết sức tránh những câu chữ có tính kết luận tuyệt đối hóa và cấu trúc tin bài nên là cấu trúc mở.

Ví dụ: Trong bài tường thuật phiên tòa xử vụ án ma túy Vũ Xuân Trường trước đây vì theo dõi liên tục diễn biến mà phóng viên chứng kiến được trong cái ngày ấn định là cuối cùng ấy (theo lịch trình thì còn ít ngày nữa vụ án mới tới phiên kết thúc) bị can mang án tử hình vẫn tiếp tục tố giác những người có liên quan.

Vì thế tòa tuyên bố kết thúc quá trình xét xử, chỉ cho bị can nói lời cuối cùng và làm đơn trình tòa về những lời tố giác. Cho nên câu kết thúc bài tường thuật rất phù hợp với diễn tiến của sự việc: “Vụ án này khép lại để mở ra những vụ án khác”.

Một ví dụ khác. Có một bài báo ca ngợi các kiểm lâm viên ở trạm Bãi Kè (Quỳ Hợp- Nghệ An) dũng cảm chiến đấu với lâm tặc để bảo vệ tài nguyên của quốc gia. Chỉ ít lâu sau toàn bộ cán bộ của trạm kiểm soát trên đã bị bắt giữ vì tội nhận hối lộ.

Hoá ra những ngày sống “ba cùng” với cán bộ trạm kiểm lâm Bãi Kè phóng viên mới chỉ thấy một mặt vận động của sự kiện mà lại là mặt vận động được dàn dựng để đánh lừa nhà báo. Không phải phóng viên không lăn lộn với thực tế. Chính phóng viên đã từng chịu đựng những hiểm nguy với cán bộ kiểm lâm trong những đêm chiến đấu với lâm tặc. Thế nhưng mới tiếp xúc với mặt hoạt động này mà không tiếp tục quan sát, phán đoán những mặt vận động tiếp theo nên bài báo đã vội vàng đánh giá một cách sai lệch như vậy.

Thật ra cán bộ kiểm lâm “đánh vẫn đánh” mà “ăn vẫn ăn”.  “Đánh nơi này, ăn nơi khác, đánh để mà ăn” (Tản Viên,Thể thao văn hóa 15/01/2002).

Một ví dụ nữa. Sau vụ án ma túy Vũ Xuân Trường, toàn bộ cán bộ chiến sĩ cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) đều thay đổi. Qua tiếp xúc với lớp cán bộ mới đầy sức trẻ, hồn nhiên, năng động, nhà báo viết bài và đặt vấn đề có thể yên tâm sau cuộc “lột xác” này chăng.

Bài báo vừa đăng thì được tin một số trong lớp cán bộ trẻ ấy bị phát hiện có dính líu với ma túy!
“Quả là một nửa sự thật không còn là sự thật” (Tản Viên, Thể thao Văn hóa 15/01/2002).

 
Nguyễn Tri Niên (Nhà ngôn ngữ học)
(Còn nữa)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây