Đôi điều về nghề báo
Thứ hai - 25/11/2019 08:14
Đã hơn 20 năm làm tại Đài PTTH tỉnh, trong bài viết này, với kinh nghiệm của mình, tôi xin có vài lời trong khi làm báo, các phóng viên nên coi trọng với nghề, đó là: Tiếp cận sự kiện nhanh, kịp thời, đầy đủ, nhưng phải đảm bảo tính chính xác của sự kiện mình tiếp cận, cộng với trách nhiệm cao với đề tài mình định đưa lên trang báo, trên sóng PTTH và trang điện tử. Tác phẩm đó phải thể hiện được bản lĩnh, năng lực chuyên môn và nhất là phải nêu cao tính đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, các bạn đồng nghiệp cần khắc phục những thách thức và khó khăn về khoảng cách, thời gian, địa điểm nơi sự kiện đang diễn ra… mới có thể tạo ra tác phẩm báo chí có chất lượng, được đông đảo công chúng ghi nhận.
Bây giờ, khi đánh giá về nghề báo, chắc nhiều anh, chị đồng nghiệp như tôi là những người trong cuộc có thể cho rằng: Nghề báo là một nghề vất vả cả về thể lực, trí tuệ với trách nhiệm xã hội cao. Nhưng theo tôi thì: Nghề báo cái cần nhất là phải có lòng say mê nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội và hiện nay là đạo đức nghề báo sẽ luôn luôn phải gắn bó với nhau trong suốt cuộc đời người làm báo. Bởi vì, hàng ngày tất thảy các loại hình báo chí đều mang đến cho người xem, người nghe, người đọc một lượng thông tin rất lớn diễn ra từng phút, từng giờ trong xã hội, bất kể góc cạnh nào, nhưng để có được thông tin như vậy, các nhà báo phải lao tâm, khổ tứ, phải lăn lộn ngày đêm, mày mò đi cơ sở, phải cực kỳ năng động sáng tạo và cao hơn cả là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân trước thông tin mà mình viết để đưa lên các trang báo in, báo điện tử, trên sóng PTTH,… Ngày nay trong thời kỳ kỷ nguyên số, với công nghệ 4.0, thì trách nhiệm xã hội của những người làm báo cần được nâng cao hơn bao giờ hết, đó là ở việc: Không chỉ riêng có việc thu thập, xử lý thông tin mà quan trọng hơn là phải đảm bảo tính khách quan, tính chân thực. Đặc biệt là không vô cảm trước những vấn đề bức xúc, nỗi đau của người dân, của cộng đồng trong đời sống xã hội. Và để thực hiện được trách nhiệm xã hội, làm tốt công việc của mình thì yếu tố say mê, tâm huyết với nghề là một điều đặc biệt quan trọng. Lòng yêu nghề chính là chất xúc tác giúp nhà báo vượt qua những khó khăn, thử thách và cả những hiểm nguy trong quá trình tác nghiệp.
Trong cuộc đời làm báo đã cho tôi những kinh nghiệm. Đó là trong nghề của mình nhiều khi phải đối diện với khó khăn và thử thách. Chính vì thế, nghề báo được ví như một trong những nghề nguy hiểm. Bởi khi làm phóng sự điều tra sẽ gặp rất nhiều áp lực lớn trong tác nghiệp, như chuyện một nhà báo từng bị thương, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng đã xảy ra khi tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vào năm 2010 khi tác nghiệp ở biên giới Đồng Đăng, khi nhà báo này điều tra về việc chống buôn lậu ở Lạng Sơn… Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Khi một mình lăn lộn tác nghiệp ở những nơi đang có khó khăn trong đấu tranh chống tiêu cực, thì các nhà báo phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không được cung cấp thông tin, bị thu giữ hoặc cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp; bị giữ người; bị tấn công, gây thương tích… Còn nhiều những việc làm khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả tinh thần và thể xác. Có thể thấy, để có được những sản phẩm là những bài báo, đôi khi có cả máu, mồ hôi và nước mắt của người cầm bút.
Không những vậy, hiện nay, làm nghề báo như chúng tôi đã phải chịu rất nhiều áp lực. Đó là về thời gian, vì báo chí là sản phẩm «tươi sống», gắn liền với thời sự nóng bỏng trong ngày, cho nên chúng tôi phải đến địa điểm diễn ra sự kiện đúng giờ để kịp thời lấy thông tin, quay phim, chụp ảnh đúng, đủ tính thời sự và đặc biệt là đưa tin về cơ quan đúng thời điểm để phát sóng và đăng tin lên sóng, lên báo… Do đó, áp lực về thời gian của nghề là cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn của tờ báo. Ngoài ra, nhà báo còn phải đứng trước áp lực vô cùng lớn khi không gian báo chí đang thay đổi từng ngày, từng giờ đòi hỏi người làm báo phải hòa nhập và phù hợp với nền báo chí đan nền tảng, đa phương tiện trong tình hình hiện nay.
Với riêng nhà báo, không chỉ cần có đam mê, dấn thân mà còn rất cần phải có bản lĩnh. Bản lĩnh đó giúp người làm báo có cách nhìn nhận khách quan, vượt qua những khó khăn, chướng ngại vật, sự đe dọa, áp đảo và kể cả sự cám dỗ của đồng tiền. Bản lĩnh đó giúp nhà báo có cái nhìn đúng đắn và phản ánh trung thực khách quan hiện thực, nêu gương cái tốt, đấu tranh với cái xấu, góp phần vào sự công bằng của xã hội. Đây chính là đạo đức của người làm báo Việt Nam hôm nay.
Xuân Tam