Nâng cao hiệu quả tuyên truyền công tác xây dựng Đảng
Thứ hai - 23/12/2019 07:39
Tuyên truyền đưa nghị quyết vào cuộc sống không phải chỉ là tuyên truyền về nghị quyết, đưa toàn văn nghị quyết lên mặt báo hay đọc nghị quyết cho người xem, người nghe. Công tác này cần phải được hiểu một cách toàn diện là tuyên truyền về nghị quyết, việc triển khai nghị quyết, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết; việc xây dựng và triển khai các đề án, dự án, các cuộc vận động, phong trào hành động, hoạt động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trên tất cả lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng - an ninh, nội chính và đối ngoại...
Cùng với hệ thống báo chí cả nước, những năm qua báo Hưng Yên đã dành tỉ lệ thích đáng, đầu tư nhân lực và trí tuệ để tuyên truyền về xây dựng Đảng và đã đạt những kết quả nhất định, góp phần đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, biến ý Đảng, lòng dân thành hiện thực sinh động. BBT Báo Hưng Yên luôn xác định việc tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng trước hết là tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Việc tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống phải đảm bảo yêu cầu dễ hiểu, dễ nhớ đi sâu vào những vấn đề trọng tâm của các nghị quyết, đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn của cuộc sống; coi thực tiễn là nơi kiểm nghiệm tính đúng đắn của các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó có những đề xuất kiến nghị hợp lý các chính sách phù hợp với sự vận hành của đời sống xã hội, đem lại lợi ích cho tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, viết về xây dựng Đảng là lĩnh vực khó. Từ khâu xác định nội dung, phát hiện đề tài, khai thác tư liệu, cho đến việc thể hiện tác phẩm về công tác xây dựng Đảng, đều có những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe nhất định. Người viết, nếu không có nghiệp vụ tốt, khó có thể viết được những tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, thu hút công chúng về đề tài xây dựng Đảng. Do vậy, BBT Báo Hưng Yên nhận thức công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền công tác xây dựng Đảng nói riêng vẫn còn một số hạn chế, đi vào lối mòn, chưa có nhiều đổi mới cách thể hiện, thường là tuyên truyền một chiều từ trên xuống, tức là từ chủ trương, chính sách đến người dân mà ít thông tin phản hồi từ cơ sở. Nhiều vấn đề mới nhưng cách tuyên truyền không mới, khiến vấn đề vốn nóng hổi tính thời sự nhưng không được phản ánh một cách sinh động nên không thu hút được bạn đọc.
Viết về xây dựng Đảng là viết về vai trò lãnh đạo của Đảng trên các mặt từ chính trị, tư tưởng cho đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh... Do vậy, mỗi nhà báo khi viết phải có sự hiểu biết về Đảng, xem mình như người trong cuộc để suy nghĩ, để thể hiện thì bài viết mới có tính thuyết phục. Đây là lĩnh vực rộng lớn, đề tài khó đòi hỏi báo chí phải đổi mới phương thức tuyên truyền về nội dung, phương pháp, tác nghiệp, đổi mới cách thể hiện. Bên cạnh việc tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng, phát hiện biểu dương các cơ sở đảng, điển hình tiên tiến, báo chí còn phải đấu tranh tập trung phê phán các quan điểm sai trái, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng nước ta; phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân của cán bộ, đảng viên, các biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội. Mặt khác, báo chí còn phải đi sâu phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi của nhân dân đối với tổ chức đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu tổ chức đảng, các cơ quan, ban, ngành, địa phương. Báo chí phải gắn công tác dựng Đảng với việc giải quyết những vấn đề bức xúc, vấn đề nóng đang đặt ra từ cuộc sống, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân; đề cao tính chiến đấu, tính phản biện của báo chí. Trong tuyên truyền, thái độ, tâm thế của người cầm bút luôn mang tính xây dựng. Chúng ta phát hiện, tôn vinh gương điển hình tiên tiến hay phê phán đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực cũng đều nhằm mục đích là để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của từng tổ chức đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để tuyên truyền Nghị quyết của Đảng đạt hiệu quả thiết thực, sinh động và phong phú, cần tập trung một số nhiệm vụ chuyên môn như sau:
Thứ nhất:Tuyên truyền trên các lĩnh vực cụ thể: kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh, nội chính và đối ngoại... cần bám sát các chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết để thông tin về tình hình thực hiện, kết quả, hiệu quả, những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm, các điển hình, ý kiến của nhân dân, các giải pháp, đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân được phản ánh và cả những đề xuất của riêng nhà báo.
Thứ hai:Đối với cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức: Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của báo chí, không né tránh mà cần tranh thủ báo chí, thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; hợp tác với báo chí để kịp thời thông tin, tuyên truyền các chính sách, các dự án phát triển của ngành, địa phương, quảng bá hoạt động, uy tín, hình ảnh của các cấp, các ngành, để có sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của người dân.
Thứ ba: Thường xuyên thực hiện tốt công tác định hướng thông tin, tuyên truyền cho báo chí, hỗ trợ báo chí trong việc tiếp cận thông tin ở cơ sở; đồng thời rà soát, kiểm tra việc thực hiện định hướng tư tưởng chính trị, tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí; xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm.
Thứ tư: Cơ quan báo chí cần chú trọng tuyên truyền, thông tin hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự quyết tâm, nỗ lực triển khai của các cấp, các ngành. Phản ánh và tạo được khí thế thi đua sôi nổi, lao động hăng say, quyết liệt trong các tổ chức, doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương. Phản ánh những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình có những việc làm tâm huyết, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập, công tác, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới...
Thứ năm: Phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết; đưa ra được đề xuất, kiến nghị có tính gợi mở để cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương tham khảo, điều chỉnh, rút kinh nghiệm, uốn nắn kịp thời.
Thứ sáu: Tích cực đấu tranh, phê phán các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự phát triển của địa phương.