Biên tập viên: Phía sau những bài báo
Thứ ba - 17/12/2019 08:27
Ở mỗi cơ quan báo chí thì mọi công việc như hành chính - trị sự, phóng viên, xuất bản, bạn đọc đều rất quan trọng. Mỗi phòng mỗi chức năng, nhiệm vụ nhưng đều chung mục đích là phục vụ tờ báo và làm cho tờ báo ngày càng phát triển.
Để có được tác phẩm báo chí hay đến được với bạn đọc, phóng viên phải trải qua cả một quá trình, từ ấp ủ ý tưởng, xây dựng đề cương, đi thực tế thu thập thông tin, xử lý số liệu tài liệu, nhốt mình trong một không gian, thời gian nhất định để định hình, nhào lặn nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để có tác phẩm chất lượng cao, được đông đảo độc giả đón nhận thì vai trò của người biên tập viên rất quan trọng.
Công việc biên tập là công việc thầm lặng, song độc giả lại không biết tới biên tập viên vì họ không được đứng tên trên các bài báo như phóng viên. Vì công việc thầm lặng nên ít ai biết tới, và hậu trường nghề biên tập lại càng chỉ có người trong nghề mới hiểu!
Biên tập viên không được làm việc nửa vời, phải luôn đọc kỹ và biên tập đi, biên tập lại từng nội dung của tác phẩm. Nếu không làm đủ các khâu, các bước trong quy trình biên tập rất dễ xảy ra những sai sót không đáng có. Thậm chí đó là những sai sót mang tính “rủi ro nghề nghiệp” mà biên tập viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tòa soạn và công chúng. Công chúng luôn sẵn lòng đón nhận và kỳ vọng, nhưng cũng luôn đặt ra những đòi hỏi khắt khe cho báo chí về tính thời sự, độ nhanh nhạy, độ chuẩn xác của thông tin. Cho nên, biên tập viên không chỉ có yêu cầu làm đúng, làm đủ, mà còn phải làm nhanh các khâu, các bước của quy trình biên tập để thông tin đến với công chúng nhanh hơn, có tính thời sự và thiết thực hơn.
Tác phẩm báo chí được độc giả đón nhận trước hết là do nội dung hay, sâu sắc, có tính thời sự. Bởi vậy, biên tập viên phải biết “gạn đục, khơi trong”, chính xác về câu từ, ngữ nghĩa, hành văn diễn đạt để tác phẩm trong hơn, sáng hơn, dễ nhớ, dễ hiểu.
Một bài báo hay không ai khen người biên tập tốt. Nhưng nếu sai sót xảy ra trong bài báo được đăng, mặc dù do lỗi bắt đầu từ tác giả, câu hỏi đầu tiên đặt ra là: Tại sao biên tập không phát hiện ra lỗi?…
Có phóng viên, cộng tác viên thường kêu ca bài viết bị cắt xén hay chỉnh sửa nhiều. Và nói rằng “văn mình vợ người”, khi mình đã tốn công sức suy nghĩ để viết ra những câu tư “tâm đắc”, bị cắt, chỉnh sửa thì thấy thật khó chịu. Tuy nhiên, người biên tập không chỉ suy nghĩ được trong bản thảo, mà còn phải suy nghĩ được trong tác phảm in, nghĩa là người biên tập có trách nhiệm suy nghĩ để bằng mọi cách làm cho các tác phẩm đến với công chúng dễ dàng hơn. Theo đó, để hướng đếnn mọi đối tượng độc giả, mỗi bài báo, câu từ, cách diễn đạt cần đơn giản, dễ hiểu. Hoặc đôi khi, vì khuôn khổ trang báo có hạn, lại phải tuyên truyền nhiều nội dung khác nhau, nên bài báo phải được cắt gọn cho phù hợp. Mỗi bài báo cần phải được biên tập, nếu người biên tập - người đọc bản thảo đầu tiên không hiểu nội dung tác giả muốn nói gì, không thấy hấp dẫn, lôi cuốn thì làm sao đông đảo công chúng – đối tượng hướng đến của sản phẩm báo chí - muốn tiếp nhận bài báo. Mặt khác, người biên tập còn đứng trên lập trường của cơ quan báo chí để chỉnh sửa theo hướng quan điểm, định hướng thông tin của cấp trên,cũng như đánh giá tác động của bài viết đến công chúng tiếp nhận và ngược lại, dự báo trước phản ứng của công chúng sau khi được tác động thông tin, … để có sự điều chỉnh phù hợp.
Với tôi, một biên tập phòng bạn đọc phải đặt, tiếp nhận biên tập tin, bài cho đội ngũ cộng tác viên - những người làm báo không chuyên hoặc những phóng viên công tác tại các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Phóng viên đài truyền thanh - truyền hình ở các huyện là những phóng viên đa năng, bởi họ không chỉ làm báo nói mà còn cả báo viết và báo hình… Chính vì vậy, khi viết tin, bài họ thường viết theo báo nói, báo hình… Thậm chí có tin, bài do khi tác nghiệp thiếu thông tin nên viết sai số liệu, sai ngày, tháng, năm. v.v… Có tác phẩm khi cộng tác viên gửi lên còn nguyên lời giới thiệu chương trình của đài truyền thanh - truyền hình huyện như: Kính thưa quí vị và các bạn hoặc sau đây là nội dung chương trình… Có những tác phẩm phải gọi đi gọi lại để xác nhận thông tin cho chính xác… Do đó, có cộng tác viên nói chúng tôi khó chịu, không thông cảm cho người viết… Mỗi khi tác phẩm được đăng trên báo, có cộng tác viên không chịu đọc lại xem tác phẩm của mình được biên tập, sửa chữa, cắt cúp như thế nào? Nên lần sau gửi bài, biên tập viên lại phải sửa những lối cũ…
Công việc biên tập khó ở chỗ người biên tập chỉ có thể xuất phát từ dụng ý của tác giả, sự chỉnh sửa và thay đổi không thể vượt quá một giới hạn nhất định. Để làm được như thế quả thật là điều không dễ dàng, người biên tập cần có sự cộng tác của người viết.
Vì vậy, người viết đừng thắc mắc tại sao nộp bài rồi còn “bị” hỏi lại, “bị” bổ sung, “bị” chỉnh sửa, “bị” cắt bài… Bởi, người biên tập chỉ muốn giúp bạn cải thiện việc viết lách, để cho bài viết trở nên rõ ràng và được trình bày một cách tốt nhất có thể được; đồng thời, giúp bạn đọc tiếp nhận bài báo của bạn một cách thuận lợi nhất.
Lê Nga