Tiền trạm cho đêm giao lưu văn nghệ “Hát với biên cương”
Thứ hai - 16/12/2019 08:10
Ngày 21.4.2018, Hội Nhà báo Hưng Yên cùng với Đài PT-TH Hưng Yên đã tổ chức thành công chương trình giao lưu văn nghệ “Hát với biên cương” và trao học bổng Bùi Nguyên Khiết tại xã Tả Ngài Chồ huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai. Đây là sự kiện nhằm tri ân nhà báo liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết, một tấm gương sáng cho đội ngũ các nhà báo học tập, noi theo. Đó cũng là thể hiện tình cảm, tấm lòng của những người làm báo Hưng Yên với đồng bào nơi biên cương Tổ quốc. Chương trình đã để lại tiếng vang, quỹ học bổng mang tên nhà báo Bùi Nguyên Khiết với trị giá gần 100 triệu đồng đã được trao cho xã Tả Ngài Chồ quản lý, sử dụng, góp phần phục vụ sự nghiệp giáo dục và công tác khuyến học ở địa phương. Để góp phần vào thành công của sự kiện này, nhóm tiền trạm chúng tôi đã phải chuẩn bị nhiều ngày trước đó.
Có lẽ trong sâu thẳm đời làm báo của mình, mảnh đất Lào Cai, phên dậu Tổ quốc, nơi gắn liền với cuộc đời làm báo của nhà báo liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết, luôn được anh Nguyễn Công Đán, Chủ tịch Hội Nhà báo, Giám đốc Đài PT-TH Hưng Yên đau đáu, trân trọng. Anh thường tâm sự: “Nhà báo Bùi Nguyên Khiết là tấm gương sáng cho các nhà báo học tập, noi theo. Đó là làm báo phải biết dấn thân, làm báo phải đồng hành cùng dân tộc và chiến đấu vì hòa bình, vì tình hữu nghị của dân tộc Việt Nam”; vì vậy phải làm gì đó để tri ân tấm gương một nhà báo anh dũng quả cảm, sắc sảo trong các tác phẩm báo, chí văn học cũng như đồng bào biên cương của Tổ quốc. Từ tâm huyết, ý tưởng của anh, chúng tôi bắt tay vào công tác chuẩn bị với bao dự định như làm phim tài liệu, tổ chức giao lưu văn nghệ, gặp gỡ nhân chứng đã từng công tác, gắn bó với nhà báo Bùi Nguyên Khiết.Ngày 21.3.2018, anh Đán cùng tôi và các phóng viên Anh Phương, Minh Đức lên đường để tìm hiểu tư liệu và chuẩn bị cho buổi giao lưu ở Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Mờ sáng chúng tôi từ Hưng Yên theo cao tốc Hà Nội - Lào Cai lên TP Lào Cai, rồi ngược lên quốc lộ 4D đến huyện Mường Khương. Dọc đường trùng trùng lớp lớp những quả đồi ngút ngàn dứa, sa nhân, sa mộc xen lẫn thấp thoáng sắc đào cuối vụ. Đường đi khúc khuỷu, lạ nước lạ cái, vừa đi vừa hỏi đường, khá mệt nhưng ai cũng phấn chấn với những kế hoạch, ý tưởng để thực hiện các dự định đã đề ra, từ việc quay gì, gặp phỏng vấn nhân vật nào, kế hoạch tổ chức giao lưu ra sao… Khi ở Hưng Yên, chúng tôi chỉ có thông tin là nhà báo Bùi Nguyên Khiết làm báo, chiến đấu và hy sinh tại xã Pha Long thuộc huyện Mường Khương; do đó chúng tôi đã liên hệ làm việc với chính quyền xã Pha Long. Đẫy một ngày trời, vượt hơn 400 km từ Hưng Yên lên đến Pha Long với tâm trạng háo hức, phấn chấn chúng tôi đã có mặt tại trụ sở xã. Đón chúng tôi là anh Hạnh bí thư Đảng ủy và anh Phủ chủ tịch UBND xã. Sau khi nghe chúng tôi trình bày về mục đích của Hội Nhà báo và Đài PTTH Hưng Yên muốn xây dựng phim tài liệu về nhà báo Bùi Nguyên Khiết và tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, các anh lãnh đạo xã Pha Long rất nhiệt tình ủng hộ, dẫn chúng tôi sang Đồn biên phòng Pha Long nằm đối diện trụ sở UBND xã để làm việc. Đồn biên phòng Pha Long trấn giữ của khẩu Lồ Cố Chin, quản lý 16,3 km đường biên giới với 19 cột mốc, trải dài trên hai xã Pha Long và Tả Ngài Chồ, được mệnh danh là “cổng trời khô khát” của huyện Mường Khương. Nơi đây toàn núi đá vôi, địa hình hiểm trở, đi lại rất khó khăn. Nhưng ở đồn các chiến sỹ phần lớn là trẻ, việc lưu trữ tài liệu thất lạc nên cung cấp tư liệu cho chúng tôi còn mơ hồ; không có tư liệu, hình ảnh của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và đặc biệt không nắm được về sự hy sinh của nhà báo Bùi Nguyên Khiết.
Chiều biên giới se lạnh, mưa lất phất bay, chén rượu ngô thơm nồng mà chúng tôi không nuốt trôi. Ai cũng buồn bã, tâm trạng, dù các anh lãnh đạo xã cũng cố gắng giúp gặp mấy đồng bào cao tuổi nhưng phần lớn không nhớ rõ; còn người nắm rõ thì lại chưa được gặp. Thậm chí chúng tôi đã tìm đến các bia tưởng niệm ở Pha Long nhưng không có bia nào nhắc đến liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết. Hay là chúng tôi đã chọn sai địa điểm? Thực sự lúc đó tâm trạng của ê-kip rất hoang mang. Con đường từ Pha Long về thị trấn Mường Khương le lói ánh đèn xa xa từ các bản làng, sương giăng mù mịt; chỉ có 20 km mà ai cũng ngỡ nó dài vô tận. Trở về thị trấn Mường Khương tìm chỗ nghỉ, anh Đán liên tục gọi điện cho các mối quan hệ để xác định địa bàn, nơi chiến đấu và hy sinh của nhà báo Bùi Nguyên Khiết. Sau rất nhiều cuộc điện thoại, thật may nhận được một thông tin quí giá: Nhà báo Bùi Nguyên Khiết hy sinh trên địa bàn xã Tả Ngài Chồ! Vậy là chúng tôi lại tiếp tục lần mò để kết nối với lãnh đạo xã Tả Ngài Chồ. Có được số điện thoại, anh Đán kết nối ngay được với bí thư đảng ủy xã. Chỉ qua điện thoại, vị lãnh đạo này rất sốt sắng và hẹn sáng hôm sau. Không những thế anh còn giới thiệu cho chúng tôi một người bạn của nhà báo Bùi Nguyên Khiết hiện đang sinh sống ở thị trấn Mường Khương là nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Trút được gánh nặng tâm lý sau những giờ phút căng thẳng và mệt mỏi, anh Đán động viên anh em chúng tôi ngủ sớm để ngày mai tiếp tục công việc.
Sáng hôm sau, việc đầu tiên là chúng tôi đến thăm nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người con của dân tộc Pa Rí, người có rất nhiểu bài thơ hay và nổi tiếng với bài thơ “Cây hai ngàn lá” đã được giải thưởng của Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và nhiều giải thưởng khác. Hóa ra ông không chỉ là nhà thơ nổi tiếng mà còn là người bạn thân, tường tận về nhà báo Bùi Nguyên Khiết. Với bản chất mộc mạc, chân chất, ông đã kể cho chúng tối nghe rất nhiều câu chuyện về những năm tháng chiến tranh biên giới, về nhà báo - chiến sỹ Bùi Nguyên Khiết.
Ngược lên xã Tả Ngài Chồ, lãnh đạo xã đã có mặt đông đủ chờ chúng tôi từ lâu. Dù chỉ lần đầu gặp gỡ nhưng các anh đã nhiệt tình hồ hởi đón tiếp. Tả Ngài Chồ là xã gồm nhiều dân tộc như Nùng, Dao, H’Mông, Pa Rí… là một xã vùng cao biên giới có tổng diện tích đất tự nhiên 2.137 ha, với 9 thôn. Với đặc thù vùng cao, trình độ của nhân dân không đồng đều; cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội đã được đầu tư xây dựng song còn thấp kém chưa tạo động lực lớn cho phát triển. Toàn xã có 562 hộ dân tộc H’Mông với gần 3 nghìn nhân khẩu; số hộ nghèo, cận nghèo tuy giảm nhiều trong những năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Dàn lãnh đạo chủ yếu là thế hệ 8X, rất năng động, nhiệt huyết. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Trường Minh sinh năm 1982, dân tộc H’Mông, tốt nghiệp Đại học An ninh, vốn là con nhà nòi ở huyện Mường Khương nên rất am hiểu, hoạt bát; Chủ tịch xã Hầu Xuýnh Củi sinh năm 1989 cũng dân tộc H’Mông và đã tốt nghiệp đại học. Khi chúng tôi trình bày kế hoạch của mình, Hoàng Trường Minh rất cảm động và trân trọng tình cảm cao quí của những người làm báo Hưng Yên. Anh luôn miệng: “Các anh làm được thế thì tốt quá, quí hóa quá!”. Anh tìm những người am hiểu về sự kiện cách đây gần 40 năm để cung cấp tư liệu, đồng thời cùng với các lãnh đạo xã và bộ đội biên phòng vượt 7 km bằng xe máy, đường núi ngập nghềnh, trơn trượt, giá rét dẫn chúng tôi đi thăm cột mốc 156, gần điểm cao 1378 cách chốt Lao Pháo Chải nơi nhà báo Bùi Nguyên Khiết hy sinh không xa. Giờ đây cảnh vật đã có nhiều thay đổi. Xung quanh cột mốc là những cánh rừng xanh tốt và bạt ngàn những đồi thảo quả mênh mông nhưng nó vẫn giúp chúng tôi mường tượng sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh anh dũng của một nhà báo, nhà văn. Đó là rạng sáng ngày 17/2/1979, khi tiếng súng biên giới bùng nổ, Bùi Nguyên Khuyết lúc này không chỉ là một nhà báo mà còn là một chiến sỹ quả cảm. Anh cùng với bộ đội địa phương chống trả quân địch suốt 6 tiếng đồng hồ, chiến đấu đến khi viên đạn cuối cùng của khẩu K63. Khi ngã xuống trên tay anh vẫn còn chiếc máy ảnh tác nghiệp. Anh hy sinh giữa những ngày đầu xuân tươi đẹp khi hoa ban, hoa đào đang nở rộ. Trước khi hy sinh anh đã tiêu diệt 50 tên địch, góp phần cùng bộ đội địa phương tiêu diệt 200 tên xâm lược.
Về trụ sở UBND xã Tả Ngài Chồ, anh Đán và Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Trường Minh thống nhất nội dung công việc cho thời gian tới. Lúc đầu kế hoạch của chúng tôi là sẽ làm phim tài liệu, giao lưu văn nghệ và tặng hiện vật cho hai xã Tả Ngài Chồ, Pha Long và đồn biên phòng, nhưng suy đi tính lại vẫn thấy có gì đó chưa ổn. Một ý tưởng lóe lên: Tại sao không xây dựng quỹ học bổng mang tên nhà báo Bùi Nguyên Khiết nhỉ? Vậy là tất cả các anh em đều nhất trí. Bởi hiện vật nào rồi cũng mai một dần theo thời gian, còn quỹ học bổng thì sẽ mãi mãi là nguồn động viên, khích lệ, tiếp sức cho các em học sinh của xã Tả Ngài Chồ tích cực học tập để xây dựng quê hương, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Chủ trương đã được thống nhất, hai phóng viên Anh Phương và Minh Đức bắt đầu triển khai quay những hình ảnh đầu tiên ở xã Tả Ngài Chồ.
Trở lại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, thủ phủ của tỉnh Hoàng Liên Sơn trước đây, đã hẹn trước chúng tôi được anh Sỹ, Tổng biên tập Báo Yên Bái, chị Liên, Phó tổng biên tập cung cấp rất nhiều tác phẩm báo chí của nhà báo Bùi Nguyên Khiết đăng trên báo Hoàng Liên Sơn; đồng thời cung cấp cho chúng tôi các nhân chứng sống nắm rõ tài năng, sự quả cảm, hy sinh của nhà báo Bùi Nguyên Khiết trong cuộc đời làm báo và chiến đấu chống quân thù. Đây là những thông tin rất quý để chúng tôi khai thác, xây dựng kịch bản cho các tác phẩm, kịch bản của mình.Chuyến tiền trạm lên Mường Khương đã cơ bản hoàn thành. Nhưng vốn là người cẩn thận, 6 ngày sau đó anh Đán tiếp tục xây dựng kế hoạch để ê-kip chúng tôi gặp gỡ bà Bùi Thị Mỵ ở Hà Nội là em gái của nhà báo Bùi Nguyên Khiết. Biết được những dự định của chúng tôi, cô Mỵ rất xúc động, cảm ơn việc làm cao cả và những tình cảm của người làm báo Hưng Yên. Bản thân bà Mỵ và gia đình hứa sẽ làm hết sức để chương trình thành công, đồng thời cung cấp rất nhiều thông tin và những tác phẩm của nhà báo Bùi Nguyên Khiết. Trên đường về thắp hương cho phần mộ liệt sỹ nhà báo Bùi Nguyên Khiết ở nghĩa trang liệt sỹ huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, bà đã bùi ngùi kể nhiều câu chuyện về anh trai từ khi còn là sinh viên cho đến khi đi công tác, chiến đấu giúp chúng tôi có thêm nhiều tư liệu. Trước phần mộ nhà báo, liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết, chúng tôi thành tâm hứa với anh: Các hội viên của Hội Nhà báo Hưng Yên sẽ noi gương anh tiếp tục dấn thân, xông pha trong sự nghiệp báo chí để có nhiều tác phẩm báo chí hay, sinh động hấp dẫn góp phần xây dựng và báo vệ Tổ quốc.
Những ngày sau đó, ngày nào chúng tôi cũng kết nối điện thoại với Bí thư đảng ủy xã Tả Ngài Chồ Hoàng Trường Minh, bà Bùi Thị Mỵ, Đồn biên phòng và UBND xã Pha Long cùng các đầu mối, các nhân vật khác để sau đó đúng 1 tháng, ngày 21/4/2018 gần 30 nhà báo, phóng viên của Hội Nhà báo Hưng Yên, Đài PTTH và Báo Hưng Yên với các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, quáy quay, bàn dựng cùng các vị khách mời có mặt tại xã Tả Ngài Chồ huyện Mường Khương để làm phim tài liệu về nhà báo - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết. Đêm giao lưu “Hát với biên cương” và trao học bổng gần 100 triệu đồng cho các em học sinh xã Tả Ngài Chồ cùng nhiều quà, hiện vật cho xã Pha Long, Đồn biên phòng Pha Long đã thành công tốt đẹp. Một chương trình giao lưu đặc sắc thể hiện tình đoàn kết, tri ân, sẻ chia của các nhà báo Hưng Yên với đồng báo các dân tộc nơi biên cương của Tổ quốc. Các tiết mục biểu diễn của các hội viên Hội Nhà báo Hưng Yên, Đồn biên phòng Pha Long, các em học sinh trường THCS Tả Ngài Chồ và các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác đã làm cho đêm giao lưu sinh động, hấp dẫn. Chỉ có điều, vì nhiều lý do tế nhị, chúng tôi chưa thể thực hiện phim lài liệu về nhà báo liệt sỹ Bùi Nguyên Khuyết, đó nỗi day dứt của anh Nguyễn Công Đán và ê-kip chúng tôi...
Bùi Nguyên Khiết sinh năm 1945, quê xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trước khi trở thành phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn, anh là giáo viên cấp 2 đã nhiều năm dạy học ở các huyện Bắc Hà, Sa Pa và thị xã Lào Cai. Bùi Nguyên Khiết viết nhiều tác phẩm văn học, báo chí tiêu biểu về mảnh đất và con người Lào Cai. Đó là các tập truyện ngắn: “Đi bên những vì sao”, “Dáng núi” vv... Các truyện ký, bút ký của anh được đăng ở các báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam... Ngày 17-2-1979 tại một cao điểm vùng biên giới xã Tả Ngài Chồ, nhà báo Bùi Nguyên Khiết cùng bộ đội địa phương và dân quân anh dũng chống trả quân xâm lược bành trướng và đã anh dũng hy sinh. Năm 2004, nhà văn - nhà báo Bùi Nguyên Khiết là môt trong hai tác giả đầu tiên được UBND tỉnh Lào Cai truy tặng đợt đầu Giải nhất Giải thưởng Phan Xi Păng với tác phẩm Mưa tuyết (Giải thưởng văn học - nghệ thuật cao nhất của tỉnh Lào Cai xét tặng 5 năm một lần).