Trong cuộc đời làm báo nhiều người theo nghề đã lâu vẫn luôn băn khoăn, trăn trở làm thế nào để tìm được đề tài hay?Bởi đề tài hay bao giờ cũng mới và là yếu tố hàng đầu làm nên sự thành công.
Đề tài là sự phản ánh đời sống hiện thực vào các tác phẩm báo chí, có thể được hiểu theo nghĩa rộng và hẹp. Với nghĩa rộng, đề tài tương ứng với các lĩnh vực hoạt động trong đời sống như đề tài kinh tế-xã hội, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế, thể thao... Với nghĩa hẹp, có thể hiểu đề tài là sự kiện, vấn đề mà nhà báo hướng tới, nhận thức và phản ánh vào tác phẩm.
Trong xã hội hiện đại, khi mọi thứ không ngừng biến động, cái cũ-cái mới đan xen, ẩn chứa trong nhau. “Vấn đề” hay “hoàn cảnh có vấn đề” có thể diễn ra ngay trước mắt,nhưng cũng có thể ẩn sâu, giấu kín mà chỉ những con mắt tinh tế mới nhận ra được. Cố nhà báo Trần Công Mân, Thiếu tướng, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân có lần cắt nghĩa với chúng tôi: người bình thường khi nhìn hồ nước chỉ thấy mặt hồ trong xanh, sóng nước lăn tăn, còn nhà báo thì phải nhìn thấy cái khác thường trong cái bình thường, như những giọt sao đáy hồ chẳng hạn.
Như vậy không lo thiếu đề tài. Đề tài như nước giếng khơi trong ấy, múc vơi lại đầy. Tôi chợt nhớ câu thơ HữuThỉnh:“Mặc ai xô dạt mỗi ngày/múc đau lòng giếng vẫn đầy sao hôm”.Vậy mà lâu nay có tình trạng xào xáo bài từ nhiều trang báo, suy cho cùng là do người viết nghèo đề tài, hoặc góc tiếp cận đề tài không đúng. Nếu như không tìm ra cái mớithì dễ dẫn tới việc sao chép ý tưởng, đề tài của nhau. Tuy nhiên, đề tài không phải bao giờ cũng “mới toanh”. Từ những đề tài lớn về xây dựng Đảng, tam nông, giao thông, môi trường, đến những đề tài nhỏ như tệ nạn ma túy, bạo lực học đường, bạo hành trong gia đình, sống thử... nhiều người coi là muôn thuở và dễ sa vào lối mòn khi có quá nhiều người cùng viết. Không cần lo xa thế! Điềuquan trọng là, tìm kiếm trong đề tài cũ những góc độ tiếp cận mới, thể hiện bằng một cái nhìn mới. Mọi sự kiện xảy ra đều không có sự lặp lại. Một cây bút giỏi biết khai thác làm nổi bật cái bản chất, cái khác biệt. Trong các đề tài có thể chia ra các nhánh lớn và nhỏ. Thí dụ,viết xây dựng đảng là đề tài lớn. Từ đây lại có các đề tài nhỏ hơn: công tác tư tưởng; công tác kiểm tra; công tác cán bộ… Trong công tác cán bộ lại có đề tài nhỏ hơn: Đào tạo, luân chuyển cán bộ; đánh giá cán bộ thế nào cho đúng; sử dụng và bổ nhiệm cán bộ. Thế rồi trong việc bổ nhiệm cán bộ lại có vấn đề nhỏ nữa: Tìm người tài, không tìm người nhà; khắc phục tình trạng con ông cháu cha; “quan” đông hơn lính,v.v.. Như vậy cách tìm, cách chọn đề tài ngoài yếu tố quan trọng nhất là bám sát sự kiện thời sự, vấn đề thời sự thì phải lựa chọn đề tài cụ thể, qua cái cụ thể để nói cái bao quát, phổ biến, “lấy giọt nước để nói biển cả”.
Mỗi đề tài nhỏ thường chỉ nói gọn, nói tập trung, giải quyết dứt điểm một việc, trả lời câu hỏi có chuyện gì bất thường, vì sao lại thế, trách nhiệm thuộc về ai, khắc phục, sửa chữa như thế nào? Những bài báo nhạt thếch là do pha loãng sự việc, không tập trung vào một vấn đề, giống như vào một căn nhà bày biện đủ thứnhưng có tới hai-ba bộ bàn ghế, ba-bốn cái ti-vi, cái thừa, cái thiếu, nhưng cái cần nhất là cây đèn thắp sáng thì không có. Cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua cháy rừng diễn ra ở nhiều nơi, từ Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh đến Nghệ An, trong đó thiệt hại nặng nhất là Hà Tĩnh. Rất nhiều tác phẩm báo viết, báo hình, báo điện tử đã phản ánh sự kiện này. Đó là một đề tài quá nóng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng qua việc cháy rừng đặc biệt nghiêm trọng này, nhiều tác giả đã xoáy sâu vào những vấn đề cấp bách nhất. Đó là nêu bật sự dũng cảm cứu người, cứu rừng cứu đường dây điện 500KV. Hình ảnh những chiến sĩ quân đội khuôn mặt sạm sầm khói lửa mặc cho hơi nóng của lửa táp vào trước mặt, sau lưng vẫn lao lên chặt cây để khống chế đám cháy,không cho ngọn lửa hung dữ có nguy cơ thiêu rụi đường điện huyết mạch của đất nước. Lại có những tác giả đặt vấn đề, giặc hỏa hung dữ quá mà con người đối mặt với nó lại chỉ có vũ khí thô sơ, máy cáixe cứu hỏa, vòi nước, con dao, câu liêm… Trong khi đó, thế giới đã có những tiến bộ rất xa trong việc cứu hỏa, cứu hộ. Một nước rất gần chúng ta, Trung Quốc đã chế tạo và thử nghiệm thành công máy bay cứu hỏa lớn nhất thế giới. Chiếc máy bay này sải cánhdài 38,8m, có thể cất cánh trên mặt đất và mặt nước, bay lướt trên biển để lấy nước. Nó có thể bay liên tiếp 30 vòng mới cần nạp nước, cái “bụng” khổng lồ có thể chứa 12 tấn nước.Nếu như chúng ta dành nguồn ngân sách thỏa đáng, đầu tư bài bản như ở nước ngoài, trang bị máy bay cứu hỏa với những trang thiết bị hiện đại, kịp thời ném “bom nước” từ trên cao xuống, có lẽ đã dập tắt được đám cháy từ đầu, cháy rừng sẽ không loang rộng đến như thế. Những tác phẩm báo chí như thế thật có sức nặng, báo chí không chỉ thông tin mà còn tổng kết, rút ra những bài học xương máu.
Một cách phát hiện, lựa chọn đề tài phổ biến là qua các thông tin mới. Điều này đòi hỏi “ăng-ten” của người làm báo phải rất nhạy. Đây là một thông tin mới:Tỉnh Quảng Ngãi quy định, chỉ những cán bộ tốt nghiệp đại học chính quy, sinh sau 1975 mới được bổ nhiệm chức danh trưởng phòng, phó phòng. Thông tin này có thể gợi ý viết điều tra hoặc bình luận về đổi mới trong việc bổ nhiệm cán bộ, chú ý những ý kiến ngược chiều. Hoặc một thông tin khác: Hiện cả nước có bốn triệu người nhận lương, phụ cấp từ ngân sách, chưa kể quân đội, công an. Dân số nước ta hiện nay là hơn 96 triệu người, số người hưởng lương như vậy là quá nhiều. Từ thông tin này có thể suy nghĩ về một vấn đề nóng: thu không đủ chi do bộ máy quá nặng nề.
Trong quá trình tác nghiệp, cái nhanh nhạy của người viết là ở góc nhìn đề tài khi có thông tin mới. Viết về đề tài cũ như bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nhưng góc nhìn mới là, “đúng quy trình một cách hình thức, thậm chí bất công”.
Cần lưu ý, xác định đề tài là bước đi đầu tiên trong quá trình hình thành tác phẩm báo chí. Khi không tìm được đề tài để viết thì đó không phải là do sự nghèo nàn đề tài mà là sự nghèo nàn trong tư duy người viết. Yêu mến cuộc sống, chăm chú quan sát cuộc sống bằng con mắt xanhsẽ phát hiện ra vô vàn cái để suy nghĩ, để viết. Có đề tài rồi thì làm sao để thể hiện tác phẩm sinh động, hấp dẫn? Theo kinh nghiệm của các tác giả có nhiều thành công là, phải bám sát các tiêu chí: mới, hấp dẫn, quan trọng và có tầm ảnh hưởng. Hoặc nói mộc mạc là, bài báo gây sự tò mò, liên quan thiết thân đến người đọc. Viết một bài báo cũng như kể một câu chuyện. Một câu chuyện được coi là hay khiến người nghe hiểu rõ nội dung, cảm thấy thú vị, nhớ lâu và muốn kể lại cho người khác cùng nghe.
Một số cây bút phóng sự thường có kinh nghiệm “moi chuyện” từ bạn đọc. Bởi theo họ đề tài, chủ đề một tác phẩm nhiều khi “rơi vào túi” do sự tình cờ. Có những câu chuyện tưởng lạ, cách làm mới nhưng mới ở ý tưởng, không thể khai thác thêm được gì, khi không có bột thì khó gột nên hồ. Ngược lại có những thông tin tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại rất có ích cho một bài phóng sự.
Có nhiều cách phát hiện, chọn đề tài, cũng giống như có nhiều cách thể hiện tác phẩm. Không được nặng nhẹ bên nào. Không lấy tiếng đệm đàn để át lời ca. Đó chính là tài năng, “ngón” nghề. Bài viết nhỏ này chỉ là những ghi chép sơ lược để đồng nghiệp cùng tham khảo./.